1.2.1. Đo lường sự ưa thích rủi ro của người nông dân
Rủi ro và sự không chắc chắn đóng vai trò quan trọng trong các quyết định kinh tế (Dohmen, 2011). Trong sản xuất nông nghiệp, sự ưa thích rủi ro có thể ảnh hưởng đến quyết định các yếu tố đầu vào trong đó có thuốc BVTV. Nông dân phun thuốc BVTV chủ yếu để phòng dịch bệnh. Họ cho rằng, nếu không phun thuốc BVTV thì sâu bệnh sẽ phá hủy mùa màng, ảnh hưởng đến thu nhập của họ. Như vậy, rủi ro mất mùa có thể làm cho nông dân sử dụng nhiều thuốc BVTV hơn. Hiểu về sự ưa thích rủi ro giúp chúng ta hiểu được phần nào quyết định của các cá nhân trước một công việc cụ thể, đặc biệt là trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Có rất nhiều phương pháp có thể được sử dụng để đo lường sự ưa thích rủi ro. Chẳng hạn, phương pháp danh sách giá tổng hợp, tức đo lường sự ưa thích rủi ro thông qua trò chơi xổ số như nghiên cứu của Holt và Laury (2002), Tanaka và cộng sự (2010), Dohmen và cộng sự (2011), Liu và Huang (2010) và nhiều tác giả khác; phương pháp tự đánh giá được áp dụng trong nghiên cứu của Dohmen và cộng sự (2011) và Coppola (2014), phương pháp đầu tư trong nghiên cứu của Gneezy và Potters (1997), Charness và Gneezy (2010) và phương pháp bong bóng hơi của Lejuez và cộng sự (2002). Một số tác giả kết hợp nhiều phương
pháp đo lường sự ưa thích rủi ro để so sánh và phân tích. Chẳng hạn, Nielsen và cộng sự (2013) đã trình bày chín phương pháp khác nhau để đo lường sự ưa thích rủi ro.
Ở Việt Nam hiện nay, các phương pháp đo lường rủi ro vẫn còn mới mẻ và ít nghiên cứu đề cập đến. Một số nghiên cứu tiêu biểu như nghiên cứu liên quan đến sự ưa thích rủi ro của người nông dân nông thôn đối với lũ lụt của Đức Anh (2012), Trương Công Thanh Nghị (2016); nghiên cứu về sự ưa thích rủi ro đối với các quyết định trong nông nghiệp của Nguyễn Thành Phú (2016), Khor và cộng sự (2018). Như vậy, các nghiên cứu đo lường sự ưa thích rủi ro và ảnh hưởng của nó đến các quyết định trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay không nhiều. Bên cạnh đó, mỗi phương pháp đo lường sự ưa thích rủi ro có những ưu và nhược điểm khác nhau. Do đó, cần có một nghiên cứu sử dụng phương pháp đo lường sự ưa thích rủi ro phù hợp với đặc điểm và điều kiện của người nông dân Việt Nam để đo lường một cách chính xác, định lượng được tác động của sự ưa thích rủi ro đến lượng thuốc BVTV sử dụng.
1.2.2. Đo lường nhận thức về rủi ro khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của người nông dân
Nhận thức của người nông dân về rủi ro khi sử dụng thuốc BVTV ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi sử dụng thuốc BVTV tại các hộ gia đình. Do đó, việc đo lường nhận thức đóng vai trò rất quan trọng. Các nghiên cứu đo lường nhận thức của người nông dân về rủi ro khi sử dụng thuốc BVTV của Wang (2017), Yassin và cộng sự (2002), Fan và cộng sự (2015), Zang và cộng sự (2016), Ali và cộng sự (2018) đều sử dụng bảng câu hỏi để kiểm tra nhận thức của các hộ nông dân. Đây là phương pháp thích hợp và đúng đắn để đo lường nhận thức. Thông qua các câu trả lời của hộ nông dân, chúng ta hiểu được mức độ nhận thức của họ về vấn đề mình muốn hỏi. Các câu hỏi chủ yếu là câu hỏi đóng với hai dạng là có - không, hoặc câu hỏi về mức độ đồng ý, giúp cho nông dân dễ dàng trả lời, tránh việc trả lời qua loa đại khái.
Ở Việt Nam, nghiên cứu của Huỳnh Việt Khải (2014) có đo lường nhận thức của các hộ nông dân về các loại bệnh tật của cây lúa nhưng chưa đo lường về nhận thức rủi ro khi sử dụng thuốc BVTV. Việc đo lường nhận thức trong nghiên cứu của Huỳnh Việt Khải cũng chỉ dừng lại ở câu hỏi có biết hay không chứ chưa có câu hỏi cụ thể về các kiến thức liên quan để kiểm tra. Do đó cần có nghiên cứu tổng hợp đầy đủ những khía cạnh rủi ro về sức khỏe và rủi ro đối với môi trường xung quanh và đo lường một cách đầy đủ và khoa học nhận thức của người nông dân về rủi ro khi sử dụng thuốc BVTV.
1.2.3. Tác động của sự ưa thích rủi ro và nhận thức về rủi ro khi sử dụng thuốc BVTV đối với việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
Trên thế giới, vấn đề nghiên cứu các yếu tố tác động đến việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật được tiếp cận với nhiều phương pháp khác nhau. Các phương pháp và công cụ kinh tế lượng được sử dụng: mô hình hồi quy tuyến tính OLS (Dasgupta và cộng sự, 2001 và Arahata, 2003); mô hình Tobit (Rahman, 2003, Rahman, 2015); mô hình Probit (Abdoulaye và Sanders, 2005, Migheli, 2017 và Abdoulaye và Sanders, 2005); mô hình ảnh hưởng ngẫu nhiên (REM- Random Effect Model) của Aubert và Enjolras (2014) và Andert và cộng sự.
(2015); mô hình cấu trúc (SEM- Structural Equation Model) của Fan và cộng sự (2015) nhằm phân tích được các biến thực sự có tác động đến lượng thuốc BVTV sử dụng.
Tại Việt Nam, đã có một số nghiên cứu về các nhân tố tác động đến lượng thuốc BVTV được sử dụng. Tiêu biểu là nghiên cứu của Nguyễn Hữu Dũng và cộng sự (1999); Huỳnh Việt Khải (2014) và Migheli (2017). Các công trình nghiên cứu của các tác giả trên phân tích tác động của các yếu tố đặc điểm cá nhân, yếu tố kinh tế xã hội cơ bản tác động đến hành vi sử dụng thuốc BVTV của nông dân. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu trên chưa đề cập đến đặc điểm quan trọng trong quyết định lượng sử dụng thuốc BVTV trong canh tác nông nghiệp, cụ thể là nhận thức của nông dân về ảnh hưởng của thuốc BVTV đối với
sức khỏe và môi trường; và ảnh hưởng của tính ưa thích rủi ro đến việc ra quyết định sử dụng thuốc BVTV.
Các nghiên cứu về tác động của nhận thức về rủi ro khi sử dụng thuốc BVTV của người nông dân và sự ưa thích rủi ro đến việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn một số hạn chế. Thứ nhất, Fan và cộng sự (2015) có nghiên cứu vấn đề nhận thức nhưng chỉ sử dụng mô hình cấu trúc (SEM) để xác định các nhân tố đo lường nhận thức chứ chưa định lượng đến mức độ tác động của nhận thức đến lượng sử dụng thuốc BVTV. Liu và Huang (2013) nghiên cứu về tác động của sự ưa thích rủi ro đến lượng thuốc BVTV sử dụng nhưng không kết hợp tác động của nhận thức về việc sử dụng thuốc BVTV để phân tích. Vì vậy, cần có một nghiên cứu kết hợp cả sự ưa thích rủi ro, nhận thức về rủi ro khi sử dụng thuốc BVTV trong cùng một mô hình để phân tích tác động của nó đến lượng thuốc BVTV sử dụng
1.2.4. Tác động của thuốc bảo vệ thực vật đến sức khỏe của người tiếp xúc Trên thế giới, có nhiều công trình nghiên cứu đề cập đến mức độ tác động của thuốc BVTV đến sức khỏe, tiêu biểu như: nghiên cứu của Abdollahzadeh và cộng sự (2015); Athukarala và cộng sự (2012); Alavanja & Bonner (2012);
Quiao và cộng sự (2012); Okello & Swinton (2011); Pingali và cộng sự (1994) Atreya và cộng sự (2012); Khan và cộng sự (2013). Các tác giả đưa ra nhiều cách tiếp cận khác nhau để đo lường tình trạng sức khỏe cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe của người nông dân. Cụ thể như tiếp cận về rủi ro sức khỏe, tức có bệnh hay không (Quiao và cộng sự, 2012; Nguyễn Hữu Dũng, 2007) hay tiếp cận về chi phí sức khỏe như nghiên cứu của Abdollahzadeh và cộng sự (2015); Athukarala và cộng sự (2012); Alavanja & Bonner (2012); Tuy nhiên, việc đo lường tác động của lượng thuốc BVTV sử dụng đến sức khỏe cho kết quả khác biệt, phụ thuộc vào phạm vi, không gian nghiên cứu và chi phí y tế tại điểm nghiên cứu đó.
Tại Việt Nam, Phan Bích Ngân và Đinh Xuân Thắng (2006); Nguyễn Tuấn Khanh (2010); Phan Thị Phẩm (2010); Nguyễn Hữu Dũng và cộng sự (1999) đã nghiên cứu về tác động của thuốc BVTV đối với sức khỏe của nông dân tiếp xúc với thuốc và cho rằng thuốc BVTV tác động đến sức khỏe con người, gây ra các triệu chứng ngộ độc và một số loại bệnh đối với con người.
Nghiên cứu của Nguyễn Hữu Dũng và cộng sự (1999) sử dụng phương pháp định lượng bằng cách hồi quy mô hình OLS để đo lường tác động của thuốc BVTV lên sức khỏe. Tuy nhiên, số liệu phân tích định lượng trong nghiên cứu này đến nay chưa cập nhật sự thay đổi về giá cả, chi phí chăm sóc sức khỏe. Các nghiên cứu trước đây (Quiao và cộng sự, 2012; Nguyễn Hữu Dũng, 2007;
Abdollahzadeh và cộng sự, 2015; Athukarala và cộng sự, 2012; Alavanja và Bonner, 2012) chủ yếu sử dụng hồi quy OLS để hồi quy, tuy nhiên với dữ liệu biến phụ thuộc bị kiểm duyệt bởi giá trị 0 thì hồi quy Tobit sẽ thích hợp hơn. Các biến được đo lường trong mô hình hồi quy như là biến hút thuốc, uống rượu bia hay các biện pháp bảo vệ đều sử dụng biến dummy để phân tích mà không sử dụng biến định lượng.
Tóm lại, đã có nhiều nghiên cứu về sự ưa thích rủi ro, nhận thức về rủi ro khi sử dụng thuốc BVTV tại Việt Nam và thế giới nhưng đồng thời phân tích tác động của sự ưa thích rủi ro và nhận thức về rủi ro khi sử dụng thuốc BVTV đến lượng thuốc BVTV sử dụng thì vẫn chưa có nghiên cứu nào thực hiện. Các nghiên cứu về tác động của lượng thuốc BVTV sử dụng đến chi phí sức khỏe của người tiếp xúc như Quiao và cộng sự (2012), Nguyễn Hữu Dũng (2007), Abdollahzadeh và cộng sự (2015), Athukarala và cộng sự (2012), Alavanja và Bonner (2012) chủ yếu sử dụng hồi quy OLS để hồi quy mà không dùng hồi quy Tobit. Các biến được đo lường trong mô hình hồi quy như là biến hút thuốc, uống rượu bia hay các biện pháp bảo vệ đều sử dụng biến dummy để phân tích mà không sử dụng biến định lượng. Đây là những lý do để tác giả xây dựng mục tiêu nghiên cứu cho luận án của mình.