Các phương pháp đo lường sự ưa thích rủi ro

Một phần của tài liệu Sự ưa thích rủi ro, nhận thức, hành vi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và sức khỏe của người trồng lúa ở đồng bằng sông cửu long (Trang 52 - 59)

CHƯƠNG 2. CƠ SỞ LÝ THUYẾT

2.6. Tổng quan các nghiên cứu thực nghiệm liên quan đến đề tài

2.6.1. Các phương pháp đo lường sự ưa thích rủi ro

2.6.1.1. Phương pháp sử dụng bong bóng hơi

Phương pháp sử dụng bong bóng hơi (Balloon Analogue Risk Task - BART) được Lejuez và cộng sự (2002) sử dụng để đo lường sự ưa thích rủi ro.

Trò chơi này được thực hiện bằng cách mời các cá nhân tham gia trò chơi bơm bong bóng giả định có các màu khác nhau ở trên máy tính. Bong bóng có ba màu khác nhau (xanh, vàng và cam) được đưa ra cùng một lúc, mỗi màu bóng có các xác suất nổ khác nhau. Các quả bóng được bơm lần lượt và khi quả bóng to dần thì số tiền dự trữ cũng tăng lên. Người tham gia sẽ không thể biết được số tiền dự

trữ tối đa cho mỗi quả bóng, bóng được bơm càng lớn số tiền họ nhận được càng nhiều. Tuy nhiên, bong bóng có thể nổ bất cứ lúc nào. Khi bong bóng nổ thì người chơi sẽ bị mất hết số tiền dự trữ trong quả bong bóng đó. Tất nhiên, người chơi có quyền dừng bơm quả bóng bất cứ lúc nào họ muốn để bảo toàn số tiền dự trữ trong quả bóng đó. Khi bơm bóng càng lớn số tiền nhận càng nhiều nhưng cũng đối mặt với rủi ro quả bóng sẽ nổ.

Như vậy, những người ưa thích rủi ro sẽ bơm quả bóng to, những người không ưa thích rủi ro sẽ thường bơm quả bóng ở mức nhỏ. Kết quả mức độ ưa thích rủi ro được đo lường dựa trên số tiền trung bình của các quả bóng được bơm (không tính các quả bóng bị nổ). Phương pháp này có ưu điểm là có thể giúp cho người chơi bộc lộ sở thích rủi ro một cách rõ ràng. Tuy nhiên, nó có nhược điểm là bắt buộc những người tham gia phải biết sử dụng máy vi tính và phải có máy tính để chơi. Bên cạnh đó, việc tham gia trò chơi cũng tốn rất nhiều thời gian và kinh phí cho nên nó chỉ thích hợp với số lượng mẫu vừa phải.

2.6.1.2. Phương pháp trò chơi đầu tư

Phương pháp trò chơi đầu tư (Investment game) được Gneezy và Potters (1997); Charness và Gneezy (2010) sử dụng để đo lường sự ưa thích rủi ro. Trò chơi này được tiến hành như sau: Người chơi được cấp một lượng tiền là X đồng, tự quyết định mức đầu tư với các xác suất lãi và lỗ cho trước. Họ cũng được cho biết thông tin về mức lỗ và mức lãi. Trò chơi sẽ được tính toán các mức xác suất và mức tiền lãi sao cho giá trị kỳ vọng của việc đầu tư lớn hơn giá trị kỳ vọng của việc không đầu tư. Những người ưa thích rủi ro sẽ có xu hướng đầu tư nhiều tiền hơn và những người không ưa thích rủi ro có xu hướng đầu tư ít tiền. Số tiền người chơi quyết định đầu tư sẽ được sử dụng để đo lường sự ưa thích rủi ro.

Lượng tiền đầu tư càng lớn, mức độ ưa thích rủi ro càng cao. Tuy nhiên nhược điểm của phương pháp này là chúng ta sẽ không phân biệt được người trung lập với rủi ro và người ưa thích rủi ro, bởi người trung lập với rủi ro và người ưa thích rủi ro nên đầu tư hết số tiền họ được cho (Charness và cộng sự, 2013).

Phương pháp này cũng không phù hợp với những người nông dân vì yêu cầu trò chơi này là mọi người phải am hiểu về lãi suất, đầu tư.

2.6.1.3. Phương pháp tự đánh giá

Phương pháp tự đánh giá (self-assessment) được sử dụng để đo lường sự ưa thích rủi ro trong các cuộc điều tra kinh tế - xã hội của Đức (German Socio- Economic Panel – SOEP). Dữ liệu về sự ưa thích rủi ro được đo lường bằng cách sử dụng một câu hỏi về sự sẵn sàng chấp nhận rủi ro của các đáp viên. Người được điều tra trả lời câu hỏi: Bạn sẵn sàng chấp nhận rủi ro ở mức nào? Các ứng viên tự đánh giá mức độ chấp nhận rủi ro của mình với mức điểm từ 0 cho đến 10, trong đó mức điểm bằng 0 là hoàn toàn không chấp nhận rủi ro, bằng 10 là hoàn toàn chấp nhận rủi ro. Phương pháp này được Dohmen và cộng sự (2011) kiểm định tính ổn định bằng cách kết hợp với trò chơi xổ số có trả tiền. Kết quả kiểm định của ông cho thấy sự ưa thích rủi ro thông qua trò chơi xổ số gần tương đương với câu trả lời ở câu hỏi chung. Điều này cho thấy chúng ta có thể sử dụng câu hỏi tự đánh giá để đo lường thái độ rủi ro đối với một cá nhân. Bên cạnh đó, câu hỏi tự đánh giá này cũng được sử dụng để đánh giá sự ưa thích rủi ro trong từng tình huống cụ thể.

Dohmen và cộng sự (2011) cũng đã sử dụng câu hỏi tự đánh giá để đánh giá sự ưa thích rủi ro trong các lĩnh vực cụ thể như: lái xe, tài chính, thể thao và giải trí, sức khỏe và nghề nghiệp. Nielsen (2013) cũng sử dụng phương pháp này để đo lường thái độ rủi ro, tuy nhiên tác giả đã sử dụng 2 câu hỏi. Đầu tiên, người trả lời sẽ trả lời câu hỏi mức độ chấp nhận rủi ro với mức độ từ 0 đến 10 (trong đó 0 là hoàn toàn không rủi ro và 10 là hoàn toàn rủi ro). Sau đó, có câu hỏi đổi ngược lại, cũng là mức độ chấp nhận rủi ro nhưng 0 là hoàn toàn rủi ro và 10 là hoàn toàn không rủi ro để có thể đảm bảo được độ tin cậy của các phương án trả lời.

Coppola (2014) cũng sử dụng phương pháp tự đánh giá này. Tuy nhiên, tác giả này đưa ra thêm các câu hỏi nhằm đánh giá khả năng tham gia của các hộ

gia đình vào các hoạt động rủi ro liên quan đến các lĩnh vực sức khỏe, đầu tư, trò chơi cờ bạc và giải trí. Các hộ gia đình sẽ được hỏi về khả năng tham gia vào 4 tình huống cụ thể: i) Đi bộ một mình trong đêm đến một nơi mà bạn không biết gì; ii) Đầu tư 5% thu nhập hàng năm của hộ gia đình vào chứng khoán; iii) dùng toàn bộ thu nhập của cả ngày vào cá cược; và iv) leo lên mỏm đá. Các hộ gia đình sẽ chọn mức điểm từ 0 đến 10 với cực kỳ không có khả năng và 10 là cực kỳ có khả năng. Bên cạnh đó các hộ gia đình cũng được hỏi về nhận thức khả năng rủi ro của 4 tình huống cụ thể đó, với 0 là hoàn toàn không rủi ro và 10 là cực kỳ rủi ro.

2.6.1.4. Phương pháp các kịch bản giả thuyết

Phương pháp các kịch bản giả thuyết (hypothetical scenarios gambles) được thực hiện bằng cách đưa cho người được phỏng vấn các tình huống giả định và cho người được hỏi lựa chọn giải pháp. Phương pháp này có ưu điểm là không phải tập hợp mọi người lại để tổ chức chơi game, cũng không nhất thiết phải chơi trò chơi xổ số để tránh tình trạng môt số cá nhân không thích hoặc không sẵn sàng tham gia.

Các tình huống giả định này được Anderson và Mellor (2008) thực hiện để đo lường sự ưa thích rủi ro và kiểm định xem sự ưa thích rủi ro có bị thay đổi tùy theo các phương pháp đo lường hay không. Sau đó, Nielsen (2013) dựa trên cơ sở các câu hỏi giả định của Anderson và Mellor (2008) cũng sử dụng Bảng câu hỏi đưa ra các tình huống giả định nhằm xác định mức độ ưa thích rủi ro của người nông dân Việt Nam. Ông đưa ra rất nhiều giả định và yêu cầu người nông dân lựa chọn các phương án trả lời. Đầu tiên, người nông dân được hỏi sẽ được giả định là người duy nhất trong gia đình có nguồn thu nhập và phải thay đổi công việc của mình. Họ có hai phương án để lựa chọn, phương án đầu tiên là công việc có thể tạo ra thu nhập đảm bảo bằng thu nhập hiện tại và phương án thứ hai là công việc với 50% cơ hội tăng gấp đôi thu nhập hoặc giảm thu nhập hiện tại của họ xuống còn 75%. Tình huống này cũng sẽ được lặp lại nhưng xác

suất giảm thu nhập xuống sẽ được lần lượt thay đổi xuống còn 50%, 33%, 20%

hoặc 10%. Tình huống giả định tiếp theo là giả định kế thừa. Các đáp viên được yêu cầu tưởng tượng rằng họ thừa kế một trạm xăng mà họ có thể bán với giá 336 triệu đồng (tương đương 16.214 USD) hoặc chờ một tháng để bán với 50/50 cơ hội tăng gấp đôi giá trị thừa kế hoặc giảm giá trị thừa kế xuống còn lần lượt là 75%, 50%, 33%, 20% hoặc 10%. Dựa vào câu trả lời của các hộ nông dân, mức độ ưa thích rủi ro sẽ được xác lập. Những người chấp nhận công việc ổn định ngay từ đầu (hoặc bán ngay trạm xăng) được xem là người không ưa thích rủi ro, người được xem có mức độ ưa thích rủi ro cao là người chấp nhận công có thu nhập biến động (hoặc chờ 1 tháng sau bán trạm xăng) ở câu hỏi cuối cùng.

Ngoài những tình huống giả định đó, Nielsen (2013) cũng đưa thêm tình huống giả định để nông dân lựa chọn. Tình huống giả định đó là với sản lượng khoai (hoặc giá) ổn định, người nông dân sẽ thích phương án nào: phương án đầu tiên là sản lượng (hoặc giá) ổn định mỗi năm bằng với sản lượng (hoặc giá) trung bình, các phương án tiếp theo sản lượng (hoặc giá) sẽ giao động mức độ giao động sẽ tăng dần. Mỗi lần sản lượng (hoặc giá) giao động tăng lên hoặc giảm đi 15% so với sản lượng (hoặc giá) trước đó. Các tình huống giả định này cũng có thể được thực hiện bằng việc giả định các cơ hội nhận được tiền với xác suất thay đổi.

Trong cuộc điều tra tiếp cận nguồn lực hộ gia đình nông thôn Việt Nam – VARHS, tình huống giả định về việc 50% xác suất nhận tiền và 50% xác suất mất tiền thường được áp dụng để đo lường về sự ưa thích rủi ro. Tình huống giả định này được dựa trên cơ sở trò chơi xổ số nhưng người trả lời sẽ không được nhận tiền thật hoặc mất tiền thật. Phương pháp này tương đối đơn giản, có thể đo lường được mức độ ưa thích rủi ro của người nông dân. Tuy nhiên, do không diễn ra thật nên đôi khi làm cho người nông dân không bộc lộ hết thái độ của mình một cách chính xác.

2.6.1.5. Phương pháp danh sách giá tổng hợp.

Phương pháp danh sách giá tổng hợp (Multiple Price List - MLP) được phát triển đầu tiên bởi Binswanger (1980), sau đó Holt và Laury (2002) dựa trên kỹ thuật trò chơi xổ số này đã đưa ra công thức tính chỉ số rủi ro để lượng hóa mức độ ưa thích rủi ro của cá nhân. Theo phương pháp này, người phỏng vấn được đưa ra một bộ các tình huống để lựa chọn giữa hai tùy chọn A và B, trong đó tùy chọn A an toàn hơn và tùy chọn B rủi ro hơn. Mỗi tùy chọn có hai khoản tiền có thể được thanh toán với các xác suất khác nhau. Trong thiết kế của Holt và Laury (2002) thường có 10 tình huống, trong đó bốn lựa chọn đầu là số tiền kỳ vọng của lựa chọn A (lựa chọn an toàn) sẽ cao hơn so với lựa chọn B (lựa chọn rủi ro). Mức độ rủi ro của phương án B sẽ giảm dần và đến câu 10 gần như là chắc chắn. Điểm để đo lường thái độ rủi ro dựa trên điểm mà người trả lời chuyển từ phương án A (an toàn hơn) sang phương án B (rủi ro hơn). Người trung lập với rủi ro sẽ chuyển từ phương án an toàn sang phương án rủi ro từ câu thứ 5 và người ưa thích rủi ro sẽ chuyển từ phương án A sang lương án B trước câu thứ 5 và những người không thích rủi ro sẽ chuyển sang phương án B sau câu số 5.

Tuy nhiên, trò chơi do Holt và Laury (2002) thiết kế có nhược điểm là các chủ thể tham gia trò chơi có thể chuyển từ phương án an toàn sang phương án rủi ro hơn, sau đó lại chuyển sang phương án an toàn. Điều này là không hợp lý và làm kết quả đo lường không đáng tin cậy. Để khắc phục hạn chế này, Tanaka và cộng sự (2010) thay đổi trò chơi. Đó là thông báo chỉ được chuyển từ phương án an toàn sang phương án rủi ro một lần và không có chiều ngược lại, không thay đổi xác xuất được nhận thưởng ở phương án an toàn và rủi ro mà thay đổi số tiền được nhận. Phương pháp này cũng được ứng dụng và sử dụng rất nhiều trong các nghiên cứu về rủi ro, chẳng hạn như Dohmen (2011), Nielsen (2013), Liu và Huang (2013) và Nguyễn Thành Phú (2016). Tuy nhiên cách thiết kế sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng đối tượng nghiên cứu. Có nghiên cứu giữ nguyên xác suất và số tiền chi trả ở phương án an toàn (phương án A), giữ nguyên xác suất xảy ra ở phương án rủi ro (phương án B), chỉ thay đổi số tiền thanh toán (Nguyễn

Thành phú, 2016). Cũng có nghiên cứu thiết kế các tình huống với số tiền trả cho cả hai phương án an toàn và rủi ro là như nhau nhưng xác suất xảy ra sẽ thay đổi (Nielsen, 2013).

Phương pháp này cũng được thiết kế theo kiểu phương án rủi ro sẽ được giữ nguyên, phương án an toàn sẽ được thay đổi. Ví dụ, thiết kế của Dohmen (2011) phương án phương án rủi ro là 50% cơ hội sẽ nhận được 300€ và 50% sẽ nhận được 0€. Còn phương án an toàn là số tiền chắc chắn họ được nhận. Với dòng đầu tiên là 0€ sau đó mỗi dòng sẽ tăng dần lên 10€ và đến câu 20 sẽ là 190€. Số tiền thanh toán trong mỗi dòng thường phụ thuộc vào mức chi tiêu bình quân mỗi ngày của vùng được nghiên cứu. Trên cơ sở này các hệ số thể hiện sự ưa thích rủi ro, hệ số ngại mất mát được tính toán. Theo kết quả nghiên cứu của Bosch-Domènech và Silvestre (2013) thì khi xác suất xảy ra các kết quả không thay đổi thì sẽ cho kết quả về sự ưa thích rủi ro đáng tin cậy hơn.

Phương pháp danh sách giá tổng hợp vẫn tồn tại một vài hạn chế nhất định. Nông dân có thể không hiểu rõ các chỉ dẫn và quy cách chơi, dẫn đến có những lựa chọn không phù hợp. Nghiên cứu của Charness và Viceisza (2011) cho thấy 75% nông dân từ nông thôn Senegal đã lựa chọn không phù hợp (51%

chuyển đổi nhiều hơn một lần và 24% luôn chọn phương án A).

2.6.1.6. Lựa chọn phương pháp đo lường sự ưa thích rủi ro

Mỗi phương pháp đo lường sự ưa thích rủi ro có những ưu và nhược điểm riêng, tùy thuộc vào từng đối tượng người được hỏi và trường hợp cụ thể.

Anderson và Mellor (2008) cho thấy rằng có sự không ổn định về sự ưa thích rủi ro mà các cá nhân bộc lộ tùy theo các phương pháp đo lường khác nhau. Điều này có thể do các yếu tố không quan sát được, chẳng hạn như sự hiểu biết của các cá nhân có thể ảnh hưởng đến sự lựa chọn của họ. Điều này có thể do các cá nhân không thể hiểu hay tính toán được hết các tình huống được đưa ra trong Bảng câu hỏi hay trong các trò chơi, dẫn đến việc họ không có sự nhất quán trong việc bộc lộ sự ưa thích rủi ro của mình. Tuy nhiên, Dohmen (2011) lại

chứng minh điều ngược lại. Ông sử dụng các phương pháp khác nhau để đo lường sự ưa thích rủi ro và ông thấy rằng sự ưa thích rủi ro là ổn định, cho dù sử dụng các phương pháp đo lường hay gợi ý như thế nào. Nghĩa là, đối với những người ưa thích rủi ro thì trong bất kỳ hoàn cảnh hay trường hợp nào sự lựa chọn của họ cũng thể hiện là người ưa thích rủi ro. Sahm (2007) cũng cho rằng các phản ứng đối với cùng một câu hỏi giả định theo thời gian có mức độ nhất quán cao. Chính sự khác biệt này mà việc lựa chọn các phương pháp để đo lường sự ưa thích rủi ro là vô cùng quan trọng.

Với đặc điểm của người nông dân, đặc biệt là đối với nông dân Việt Nam, phương pháp đo lường sự ưa thích rủi ro bằng phương pháp danh sách giá tổng hợp, cụ thể là trò chơi xổ số như của Holt và Laury (2002) là sự lựa chọn tốt nhất. Đây cũng là phương pháp được sử dụng phổ biến nhất bởi khá đơn giản và dễ hiểu đối với người nông dân. Nó liên quan đến sự được mất thật sự của người nông dân nên sự đo lường sẽ chính xác hơn. Phương pháp danh sách giá tổng hợp này được Nguyễn Thành Phú (2016) và Khor và cộng sự (2018) sử dụng để đo lường sự ưa thích rủi ro cho nông dân Việt Nam. Do đó trong phạm vi nghiên cứu này, tác giả sử dụng trò chơi xổ số để đo lường sự ưa thích rủi ro của những người nông dân trồng lúa tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Một phần của tài liệu Sự ưa thích rủi ro, nhận thức, hành vi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và sức khỏe của người trồng lúa ở đồng bằng sông cửu long (Trang 52 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(185 trang)