Trong phá thai nội khoa, sử dụng cả hai thuốc là MSP và MFP, nên tác dụng không mong muốn của PTNK chính là tác dụng ngoài ý muốn của MFP
và MSP. Khách hàng thường được biết trước những tác dụng phụ này là nhờ quá trình khám lần đầu và tư vấn của thầy thuốc trước khi sử dụng. Thông thường những tác dụng phụ dễ dàng được xử trí khi gặp và không ảnh hưởng đến sức khỏe khách hàng. Nếu có vấn đề không hiểu hay mọi thắc mắc, khách hàng có thể gọi điện cho bác sĩ theo số điện thoại đã cho để được giải đáp cụ thể.
4.3.1. Mức độ đau bụng sau dùng Misoprostol
Đau bụng là triệu chứng thường gặp do sự bong tróc túi thai ra khỏi màng rụng và sự co thắt của tử cung để tống xuất túi thai ra khỏi tử cung. Triệu chứng này gây khó chịu cho ĐTNC khi phá thai bằng thuốc. Mỗi người có một ngưỡng đau khác nhau, mức độ đau do chính ĐTNC tự cảm nhận, chúng tôi chia thành 4 mức độ đau theo bảng điểm đau VAS như sau: Không đau bụng – đau bụng ít- đau bụng vừa phải- đau bụng nhiều.
Nghiên cứu của chúng tôi triệu chứng đau bụng là thường gặp nhất chiếm 96,7%. Trong đó, đau bụng mức độ vừa phải chiếm tỷ lệ 50,8%, còn lại là bụng ít 40,8% và đau bụng nhiều 5%. Tuy nhiên vẫn có 3,4% ĐTNC không đau bụng. Đa số các trường hợp (70%) cần phải dùng thuốc giảm đau (Paracetamol 500mg x 02 viên).
So sánh kết quả này với nghiên cứu của tác giả Đinh Xuân Triện, đa số ĐTNC của tác giả có mức độ đau bụng nhiều chiếm tỷ lệ 49% [8], trong khi đó nghiên cứu của tác giả Lê Thị Kim Dung có đa số ĐTNC có mức độ đau bụng nhẹ chiếm đa số là 41,7%[13]. Lý giải điều này do mỗi thai phụ có một ngưỡng đau khác nhau.
Theo Grossman và cộng sự khi nghiên cứu về mức độ đau bụng hạ vị trong phá thai nội khoa sớm ở nhiều quốc gia như Nepal, Nam Phi và Việt Nam đã cho thấy ở thang điểm 10 thì mức đau trung bình của tất cả các nghiên cứu là 5,2 điểm, trong đó điểm đau trung bình của Việt Nam là 6,7 điểm, Nepal là 6,1 điểm và Nam phi là 7,1 điểm [41]. Vì vậy điểm mức độ đau bụng vừa phải (5-6 điểm) ở nghiên cứu của chúng tôi hoàn toàn phù hợp với nghiên cứu này.
Như vậy, trong phá thai bằng thuốc, hầu hết các nghiên cứu đều có tác dụng đau bụng do sự co bóp của tử cung để tống thai sau khi dùng MSP, mức độ đau và việc uống thuốc giảm đau là tùy thuộc vào cảm nhận đau và mức chịu đau của mỗi cá nhân, cần phải tư vấn thật kỹ để khách hàng chấp nhận.
Tuy nhiên tỷ lệ đau bụng nhiều chiếm tỷ lệ thấp <10% cũng là một thuận lợi của phác đồ.
4.3.2. Thời gian ra máu âm đạo kéo dài sau dùng Misoprostol.
Trong nghiên cứu của chúng tôi, thời gian ra máu trung bình chung là 9,3±2,67 ngày. Thời gian ra máu ngắn nhất là 5 ngày, nhiều nhất là 16 ngày. Thời gian ra máu âm đạo kéo dài là những trường hợp có ngày ra máu âm đạo ≥12 ngày, trong nghiên cứu của chúng tôi có tỷ lệ ra máu âm đạo kéo dài là 23,4%.
Có sự khác biệt và mối liên quan giữa thời gian ra huyết với tiền sử nạo phá thai, có ý nghĩa thông kê với p<0,05. Điều này chúng tỏ ở những đối tượng nghiên cứu nạo phá thai càng nhiều lần thì thời gian ra máu càng kéo dài so với các thai phụ chưa từng phá thai trước đó.
Theo nghiên cứu của tác giả Nguyễn Khoa Nguyên [15] khi nghiên cứu về phá thai nội khoa ở tuổi thai 9 tuần cho thấy rằng thời gian ra máu âm đạo có mối liên quan với tuổi thai, có ý nghĩa thông kê với p<0,05. Chứng tỏ tuổi thai càng lớn thời gian ra huyết càng kéo dài.
Trong nghiên cứu của chúng tôi các đối tượng nghiên cứu khi được hỏi về điều không hài lòng nhất có đến 15% được trả lời ra máu âm đạo kéo dài là điều không hài lòng nhất của ĐTNC về phá thai nội khoa. So sánh với nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thúy Hằng [18] có ra máu kéo dài là câu trả lời chiếm tỷ lệ cao nhất (36,3%) khi được hỏi về điều mà ĐTNC không hài lòng nhất.
Như vậy ra máu âm đạo kéo dài là một tác dụng không mong muốn và đem lại sự không hài lòng cho đối tượng nghiên cứu về phương pháp phá thai nội khoa, vì vậy nhân viên y tế cần tư vấn đầy đủ cho ĐTNC để họ có được sự chấp nhận
về tác dụng không mong muốn này và cải thiện sự hài lòng với phương pháp nội khoa.
4.3.3. Một số tác dụng không mong muốn khác
Ngoài tác dụng phụ thường gặp như đau bụng và ra máu âm đạo thì một số tác dụng không mong muốn khác gặp trong phá thai nội khoa là các triệu chứng không đặc hiệu như: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sốt, rét run, mệt mỏi, đau đầu…những triệu chứng này thường tự mất đi trong 6h đầu sau khi sử dụng thuốc mà không cần xử trí gì.
Trong nghiên cứu của chúng tôi ĐTNC gặp tác dụng không mong muốn như: buồn nôn (34,2%) là triệu chứng chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đến là tiêu chảy (14,2%), các tác dụng phụ khác như: nôn (9,2%), mệt mỏi (5,4%) và ít gặp nhất là sốt (1,7%).
Trong các trường hợp trên cần xử trí 85 (70,8%) trường hợp đau bụng cần dùng thuốc giảm đau và 2 trường hợp sốt có sử dụng hạ sốt bằng Paracetamol, còn các tác dụng không mong muốn cần lại đều tự hết mà không cần can thiệp.
So sánh nghiên cứu của chúng tôi với một số nghiên cứu trong nước: Tác giả Đinh Xuân Triện cho thấy đa số ĐTNC cảm thấy mệt mỏi chiểm tỷ lệ 51%, thấp hơn là sốt, rét run chiếm 48% và nôn, buồn nôn 37,1%, ít gặp nhất là tiêu chảy chiếm 20,5% [8]. Tác giả Hà Thị Vân Hồng khi nghiên cứu về tác dụng không mong muốn cho thấy các thai phụ trong nghiên cứu của tác giả chủ yếu gặp triệu chứng buồn nôn (20%), nôn (5,77%), sốt (3,85%), ỉa chảy (0,96%) [9]. Tác giả Trần Thị Tú Uyên cho thấy buồn nôn (26,47%), tiêu chảy (22,06%), mệt mỏi (22,06%), chóng mặt (20,1%), nhức đầu (19,11%), nôn (11,76%) và ngoài ra còn một số tác dụng phụ ít gặp như: dị ứng (3,43%) và sốt (1,96%) [28].
So sánh với một số nghiên cứu ở nước ngoài: Tác giả Tan Yi-Ling khi nghiên cứu phá thai nội khoa đến tuổi thai 70 ngày vô kinh tại Singapoo cho thấy các ĐTNC gặp chủ yếu là triệu chứng tiêu chảy 42,9%, nôn 29,6%, sốt hoặc ớn lạnh 27,9%, buồn nôn 26,4% và mệt mỏi 12,8%. Tuy nghiên vẫn có 21,6% không gặp
các tác dụng ngoài ý muốn [70]. Năm 2018 khi nghiên cứu về phá thai sớm bằng MFP liều thấp kết hơp MSP tác giả Song Li- Ping đã cho thấy tác dụng không mong muốn thường gặp như: đau bụng (71,2%), buồn nôn (39,6%), chóng mặt ( 14,2%), đau đầu (9,2%) [67].
Theo tác giả Grossman và cộng sự khi tổng kết các nghiên cứu về phá thai nội khoa ở một số nước như Nepal, Nam Phi và Việt Nam cho thấy các tác dụng không mong muốn được báo cáo phổ biến nhất là ớn lạnh và rét run, buồn nôn, nôn, tiêu chảy và sốt. Không có sự khác biệt giữa các nhóm tuổi và quốc gia [41].
Tác giả Sheldon và cộng sự khi nghiên cứu về hiệu quả phá thai nội khoa của MSP đơn thuần, với đường ngậm dưới lưỡi cho thấy rằng ớn lạnh là triệu chứng gặp nhiều nhất chiếm tỷ lệ 12,9%, và tiếp đến là các tác dụng phụ khác như: tiêu chảy chiếm 7,0%, sốt 6,25%, buồn nôn và nôn chiếm tỷ lệ lần lượt là 1,1% [66].
Theo hướng dẫn về quản lý phá thai nội khoa (2018) và tài liệu phá thai an toàn của tổ chức y tế Thế giới WHO đã chỉ ra rằng đường dùng thuốc đường đặt âm đạo và ngậm dưới lưỡi cho tác dụng nhanh nhất và đạt nồng độ trong huyết tương cao, tuy nhiên làm tăng khả năng sốt, tiêu chảy, ớn lạnh và nôn so với đường đặt âm đạo [76].
Như vậy, mỗi nghiên cứu đều có sự khác nhau về những tác dụng không mong muốn do phá thai nội khoa mang lại, tuy nhiên ngoài tác dụng thường gặp nhất là đau bụng thì các tác dụng không mong muốn còn lại thường không đặc hiệu tỷ lệ gặp không quá 50%, đối với đường dùng ngậm dưới lưỡi cho thấy tác dụng lên đường tiêu hóa là nhiều hơn.
Trước khi có quyết định phá thai bằng phương pháp nội khoa, các đối tượng nghiên cứu cần phải nhận được đầy đủ thông tin về các phương pháp phá thai nội khoa cũng như ngoại khoa để họ lựa chọn. họ cần có thời gian để được tư vấn và hướng dẫn cách xử dụng thuốc tại nhà theo đúng phác đồ. Đồng thời điều quan trọng là phải tư vấn cho họ những gì sẽ trải qua trong quá trình phá thai, đặc biệt là khi tổ chức thai sẩy ra ngoài, các tác dụng không mong muốn. ngoài ra, các thử
nghiệm ở nước ngoài thành công về phá thai nội khoa cho thấy tầm quan trọng của việc đào tạo toàn diện cho người cung cấp dịch vụ phá thai như: đào tạo tư vấn, xác định tuổi thai, chẩn đoán thai ngoài tử cung và tiến hành thủ thuật hút thai khi phương pháp phá thai nội khoa thất bại…
Nếu đối tượng nghiên cứu được tư vấn kỹ về các tác dụng không mong muốn xảy ra sau khi dùng thuốc khi phá thai để họ hiểu được và giảm được cảm giác lo lắng, điều đó làm tăng tỷ lệ thành công của phương pháp.
4.3.4. Sự hài lòng của đối tượng nghiên cứu 4.3.4.1. Sự hài lòng về phá thai nội khoa
Sự hài lòng của đối tượng nghiên cứu đối với phương pháp phá thai nội khoa dựa vào nhiều yếu tố. Sau khi đã được tư vấn quy trình cách theo dõi và xử trí khi dùng thuốc phá thai, rất nhiều thai phụ cho hấy họ cảm thấy yên tâm và thoải mái khi lựa chọn phương pháp này.
Nhìn chung, các nghiên cứu đã cho thấy có khoảng 90% khách hàng và thầy thuốc trên thế giới đều cảm thấy hài lòng hoặc rất hài lòng về biện pháp PTNK và họ cho rằng phương pháp này đã mở thêm một lựa chọn mới trong phá thai sớm. Các nghiên cứu ở Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Tunisia, Triều Tiên, Nepal, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy trên 90% phụ nữ đã hài lòng hay rất hài lòng với biện pháp PTNK các nội dung tư vấn chính trong phá thai nội khoa.
Trong nghiên cứu của chúng tôi sử dụng thang điểm Likert 5 điểm để đánh giá sự hài lòng của ĐTNC [47]: Hầu hết đều cho rằng hài lòng (81,7%) và rất hài lòng (10,8%) với phương pháp phá thai nội khoa này, chỉ có 5% cảm thấy bình thường và 2,5% không hài lòng vì phá thai nội khoa thất bại.
Điều hài lòng nhất của ĐTNC đối với phương pháp phá thai nội khoa phần lớn là tránh được thủ thuật (60,0%), còn lại là kín đáo (22,5%), ít đau (14,2%) và có 3,3% ĐTNC không điều hải lòng nhất.
Điều không hài lòng nhất của ĐTNC là lo lắng vì theo dõi thời gian dài chiếm tỷ lệ cao nhất 26,7%, tiếp đến là không hài lòng vì: đau bụng (18,3%) và ra máu âm đạo kéo dài (15,0%).
So sánh với các nghiên cứu trong nước: Theo tác giả Nguyễn Khoa Nguyên cho thấy đa số khách hàng hài lòng chiếm tỷ lệ 84,1%, hài lòng ít chiếm 10,3%. Không hài lòng và không ý kiến 5,6%. Chủ yếu rơi vào các trường hợp thất bại do sót rau, sót thai và ra máu âm đạo kéo dài [15]. Nghiên cứu của tác giả Lê Thị Kim Dung cho thấy đa số ĐTNC cảm thấy hài lòng và rất hài lòng chiếm 65,5% và 32,4%; có 2,1% không hài lòng và 3,6% không thể hiện ý kiến đều thuộc nhóm đau bụng rất nhiều hoặc nhóm thất bại phải can thiệp bằng thủ thuật hút buồng tử cung hay nhóm ra máu kéo dài gây cảm giác khí chịu cho đối tượng nghiên cứu [13].
So sánh với các nghiên cứu trên thế giới: Theo tác giả Tan Yi-Ling và cộng sự nghiên cứu về PTNK tại Singapo cho thấy phần lớn phụ nữ chấp nhận các tác dụng không mong muốn của PTNK (68,3%), trung tính chiếm 26% và hầu hết thai phụ đều hài lòng và rất hài lòng với phương pháp phá thai này (94,4%)[70]. Theo Tanmang A và cộng sự khi nghiên cứu về PTNK an toàn tại Nepal cho thấy phần lớn thai phụ đều hài lòng (73,4%) và rất hài lòng (24,7%) chỉ có 0,4% không hài lòng về phương pháp phá thai này [69].
Theo tác giả Ferguson I khi đánh giá có hệ thống về tính hiệu quả, an toàn và khả năng chấp nhận của Mifepristone và Misoprostol để phá thai y tế ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình cho thấy nhìn chung 95% phụ nữ hài lòng với phá thai bằng thuốc [39].Tác giả Karmen S Louie và cộng sự khi tiến hành nghiên cứu tương tự ở tuổi thai đến hết 63 ngày uống 200 mg Mifepristone và 800 μg Misoprostol buccal 24-48 giờ sau đó. Họ quay lại tái khám hai tuần sau khi dùng Mifepristone. 95% chị em phá thai thành công và 95% hài lòng với phương pháp này [52].
Nghiên cứu của Gambir K và cộng sự khi nghiên cứu về sự chấp nhận của PTNK tại nhà và phòng khám cho thấy: Phá thai bằng thuốc rất được chấp nhận đối với phụ nữ ở cả nhóm tại nhà và tại phòng khám: có 94,6%( 700/740) người đã tham gia phá thai tại phòng khám và 90,8% (4775/5258) người tham gia đã phá thai bằng thuốc tại nhà cho biết hài lòng hoặc hài lòng cao với phương pháp này, so với 94,5% (673/712) người tham gia tại phòng khám và 89,4% (1256/1405) người tham gia tại phòng khám [40].
Theo nghiên cứu cuả tác giảMeurice và cộng sự cho thấy: Những người được hỏi mô tả việc sử dụng thuốc tại nhà là “đơn giản” (75,8%) và hầu hết là “rất hài lòng” (78,3%) hoặc “hài lòng” (18,6%). Sự hài lòng có liên quan đến kiểm soát cơn đau [55].
Như vậy, khi so sánh với các nghiên cứu trong và ngoài nước, nghiên cứu của chúng tôi mức độ hài lòng cao của ĐTNC và phù hợp với các nghiên cứu trên.
Mặc dù phá thai nội khoa có những tác dụng không mong muốn và thời gian chờ đợi dài hơn so với phương pháp phá thai ngoại khoa, tuy nhiên ĐTNC vẫn có sự hài lòng cao đối với phương pháp này, do vậy mà vai trò tư vấn đầy đủ càng được chứng tỏ rất quan trọng và cần thiết trong phá thai nội khoa.
4.3.4.2. Sự chấp nhận của đối tượng nghiên cứu về ra máu âm đạo và đau bụng - Sự chấp nhận về số ngày ra máu âm đạo:
Trong nghiên cứu của chúng tôi đối tượng nghiên cứu đánh giá mức độ chấp nhận về số ngày ra máu âm đạo sau khi dùng thuốc phá thai nội khoa hầu hết là mức độ chấp nhận chiếm tỷ lệ cao 75,8%, còn lại là mức độ không ý kiến chiếm 20% và chỉ có 4,2% không chấp nhận về số ngày ra máu âm đạo.
So sánh với nghiên cứu của chúng tôi có tỷ lệ tương tự so với tỷ lệ chấp nhận về số ngày ra máu của tác giả Đinh Xuân Triện là 70,9% [8].
- Sự chấp nhận về mức độ đau bụng:
Đánh giá của đối tượng nghiên cứu trong nghiên cứu của chúng tôi về tác dụng đau bụng sau khi dùng thuốc: hầu hết ĐTNC đều chấp nhận chiếm tỷ lệ
cao 81,6%, có 16,7% ở mức độ không ý kiến và chỉ có 1,7% không chấp nhận.
So sánh với nghiên cứu của chúng tôi có tỷ lệ tương tự so với tỷ lệ chấp nhận về mức độ của tác giả Đinh Xuân Triện là 65,6% [8]. Tác giả Hà Thị Vân Hồng có tỷ lệ này là 57% ở nhóm phác đồ 1 (24h) và 48,08% ở nhóm phác đồ 2 (48h) [9].
Theo Pak Chung Ho, đã chỉ ra rằng trong hầu hết các nghiên cứu, hơn 80%
phụ nữ đã chọn phá thai bằng thuốc thấy có thể chấp nhận được về tác dụng đau bụng và ra máu âm đạo kéo dài và sẽ chọn lại phương pháp tương tự nếu họ cần phá thai lần nữa trong tương lai [61].
Như vậy, trong nghiên cứu của chúng tôi đạt tỷ lệ cao chấp nhận tác dụng không mong muốn hay gặp nhất của phá thai là đau bụng. Điều này hoàn toàn phù hợp với một số nghiên cứu trong nước và trên thế giới.
- Lựa chọn phá thai nội khoa
Trong nghiên cứu của chúng tôi: khi được hỏi về sự lựa chọn nếu phải phá thai lần nữa thì có 91,7 % đối tượng sẽ tiếp tục chọn phá thai nội khoa, chỉ có 8,3% chọn phá thai nội khoa.
Khi được hỏi nếu có người thân hoặc bạn bè phải phá thai thì có đến 94,2%
đều khuyên người thân và bạn bè lựa chọn phá thai nội khoa và chỉ có 5,8% trường hợp khuyên họ chọn phá thai ngoại khoa.
So với một số nghiên cứu trong nước: Theo tác giả Nguyễn Thúy Hằng cho thấy có 75,5% các thai phụ trong nghiên cứu được hỏi sẽ tiếp tục sử dụng lại phương pháp phá thai nội khoa, nếu họ phải phá thai lần nữa, và có 74% các trường hợp sẽ khuyên bạn hoạc người thân áp dụng phương pháp này [18].
Nghiên cứu của Đinh Xuân Triện cho thấy ở nhóm phá thai nội khoa có đến 78,1% khách hàng tiếp tục lựa chọn PTNK nếu phải phá thai lần sau [8].