Chương 4: GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG DIGITAL
4.1 CƠ SỞ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP
4.1.1.1 Xu hướng của bán lẻ điện tử và tiêu dùng số
❖ Xu hướng đầu tư và M&A (sáp nhập và mua lại) trong ngành bán lẻ
- Ngành bán lẻ Việt Nam vẫn tiếp tục có tiềm năng phát triển mạnh mẽ khi chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ các hoạt động đầu tư, mở rộng quy mô từ cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Xu hướng này được thúc đẩy bởi môi trường đầu tư ngày
càng được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) quy mô lớn đã diễn ra trong thời gian qua, điển hình như Metro Cash & Carry Việt Nam (trị giá 655 triệu Euro) và Big C Việt Nam (trị giá 1,14 tỷ USD). Bên cạnh đó, các nhà đầu tư trong nước cũng đang tích cực tham gia vào thị trường M&A, với những thương vụ nổi bật như Vingroup mua lại VinatexMart, OceanMart, Maximark và Fivimart; BRG mua lại Intimex và Hapro; Saigon Co.op mua lại chuỗi Auchan (Pháp).
- Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các hoạt động M&A trong khu vực, và ngành bán lẻ sẽ là một trong những ngành thu hút nhiều dòng vốn nhất. Khảo sát của Vietnam Report cho thấy, M&A là một trong các động lực chính thúc đẩy tăng trưởng cho các doanh nghiệp bán lẻ trong thời gian tới (chiếm 13% tỷ lệ phản hồi).
❖ Xu hướng ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0
- Internet tại Việt Nam đang bùng nổ với tốc độ chóng mặt, đưa Việt Nam lọt top 20 quốc gia có số người sử dụng Internet cao nhất thế giới. Theo thống kê của Appota (năm 2019), 49 triệu người Việt Nam đang kết nối Internet, và con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai.
- Đặc biệt, xu hướng sử dụng điện thoại thông minh để truy cập Internet ngày càng phổ biến, đặc biệt là ở nhóm tuổi từ 18 đến 34. 55% người Việt sở hữu điện thoại thông minh và dự kiến đến năm 2020, cứ 10 người Việt sẽ có 8 người sử dụng di động. Sự bùng nổ của Internet và điện thoại thông minh đã tạo động lực cho xu hướng mua bán online tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Mở đường cho một thị trường đầy tiềm năng với nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp và cá nhân tham gia kinh doanh online.
❖ Xu hướng tinh giản hoạt động
- Sự bùng nổ của mua sắm trực tuyến đã thúc đẩy nhu cầu về dịch vụ hậu cần ngày càng tăng cao. Để đáp ứng mong đợi của khách hàng, các nhà bán lẻ điện tử được khuyến khích tập trung cải thiện quy trình hậu cần của họ. Cụ thể:
+ Tự động hóa quy trình xử lý đơn hàng là một hoạt động quan trọng để nâng cao hiệu quả và giảm thiểu sai sót. Việc áp dụng công nghệ như robot, hệ thống quản lý kho hàng (WMS) giúp tối ưu hóa quy trình từ khâu nhận hàng, lưu trữ, đóng gói
đến giao hàng.
+ Hợp tác với các dịch vụ giao hàng uy tín là yếu tố then chốt để đảm bảo hàng hóa được vận chuyển nhanh chóng và an toàn. Lựa chọn đối tác giao hàng có mạng lưới rộng khắp, đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp và dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt sẽ giúp nâng cao trải nghiệm mua sắm của khách hàng.
+ Duy trì lịch trình giao hàng minh bạch là điều cần thiết để xây dựng lòng tin với khách hàng. Cung cấp thông tin cập nhật về tình trạng đơn hàng giúp khách hàng chủ động theo dõi và nhận hàng. Việc thông báo rõ ràng về thời gian giao hàng, các mốc thời gian quan trọng trong quá trình vận chuyển sẽ giúp nâng cao sự hài lòng của khách hàng.
❖ Xu hướng tiêu dùng có trách nhiệm
- Xu hướng tiêu dùng có trách nhiệm đang ngày càng lan rộng và tác động mạnh mẽ đến thị trường bán lẻ điện tử. Người tiêu dùng hiện đại không chỉ quan tâm đến giá cả sản phẩm mà còn chú trọng đến trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường và xã hội. Họ ưu tiên sử dụng sản phẩm của những thương hiệu có cam kết rõ ràng về bảo vệ môi trường, sử dụng nguyên liệu bền vững và lao động công bằng. Thậm chí, nhiều người sẵn sàng trả mức giá cao hơn cho những sản phẩm được sản xuất bởi những thương hiệu thực hiện trách nhiệm xã hội tốt.
4.1.1.2 Xu hướng của Digital Marketing
❖ Thương mại xã hội (Social commerce): ra đời nhờ sự kết hợp giữa thương mại điện tử và mạng xã hội. Nổi bật gần đây nhất là TikTok, nền tảng cho phép người dùng mua sắm trực tiếp trong ứng dụng một cách liền mạch, loại bỏ hoàn toàn bước chuyển đổi rườm rà sang website hay landing page. Sự tiện lợi chính là yếu tố then chốt dẫn đến thành công của Thương mại xã hội. Việc rút ngắn thời gian mua sắm, đơn giản hóa quy trình thanh toán và tối ưu trải nghiệm người dùng đã góp phần thúc đẩy tỷ lệ chuyển đổi mạnh mẽ, tạo nên sức hút lớn cho xu hướng này.
❖ Tiếp thị Video: Video Marketing đang khẳng định vị thế là một công cụ tiếp thị không thể thiếu trong kỷ nguyên số, với hơn 80% doanh nghiệp hiện nay sử dụng video để tiếp cận khách hàng (theo báo cáo khảo sát của Wyzowl). Xu hướng này được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố:
- Sự tiện lợi của các thiết bị điện thoại thông minh: cho phép mọi người dễ dàng
quay phim và chỉnh sửa video mọi lúc mọi nơi.
- Sự ra đời của các công cụ chỉnh sửa/cắt ghép miễn phí: giúp việc sản xuất video trở nên dễ dàng và tiết kiệm chi phí.
- Xu hướng "tiêu thụ" nội dung trong thời gian ngắn: người dùng ngày càng ưa chuộng video dạng ngắn, súc tích và dễ tiếp thu.
❖ Cá nhân hóa (Personalization): theo Adlucent, 71% người mua sắm ưa thích quảng cáo phù hợp với sở thích và thói quen cá nhân của họ. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc áp dụng cá nhân hóa trong chiến lược Digital Marketing của doanh nghiệp trong kỷ nguyên số. Cá nhân hóa là việc tạo ra trải nghiệm độc đáo cho từng khách hàng dựa trên sở thích, hành vi và nhu cầu cá nhân của họ. Ví dụ điển hình là các dịch vụ phim trực tuyến như Netflix, Prime Video hay Disney+. Các nền tảng này sử dụng dữ liệu khổng lồ về người dùng để đề xuất nội dung phù hợp với sở thích, qua đó tăng thời gian xem và giữ chân khách hàng.
❖ Chatbots: theo một nghiên cứu từ Tidio, có tới 69% người tiêu dùng muốn nói chuyện với chatbots hơn là với nhân viên tư vấn. Chatbots đang dần trở thành xu hướng bùng nổ trong kỷ nguyên số, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng về thời gian phản hồi tin nhắn nhanh chóng và tiện lợi.
❖ Livestream: theo báo cáo của Ori Agency, cuối năm 2022, lượng người xem livestream tại nước ta mỗi tháng trên các nền tảng phổ biến như TikTok, Instagram và Facebook ở con số khoảng 2,5 triệu người. Livestream mang đến nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và khách hàng. Doanh nghiệp có thể tăng doanh thu, quảng bá thương hiệu và xây dựng mối quan hệ với khách hàng. Khách hàng được trải nghiệm mua sắm trực quan, tiện lợi và có cơ hội sở hữu sản phẩm với giá ưu đãi.
Với những ưu điểm vượt trội, livestream là xu hướng tiềm năng để mang lại hiệu quả kỳ vọng cho doanh nghiệp.
❖ Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, hệ thống IoT, AR, blockchain và các công nghệ mới:
theo dự báo từ Statista, dự kiến ngành công nghiệp AI trị giá 20 tỷ USD sẽ tăng trưởng hơn 200% trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2026. Đây là một con số ấn tượng, cho thấy tiềm năng to lớn của AI trong việc thay đổi và cải tiến nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Theo dự báo từ Statista, số lượng người dùng có thể kết nối với các thiết bị IoT và đồ vật thông minh sẽ tăng hơn gấp ba lần từ năm 2020
đến năm 2030. Sự bùng nổ này mở ra những cơ hội hấp dẫn cho các hoạt động Digital Marketing số để tiếp cận khách hàng một cách tự nhiên và hiệu quả trong cuộc sống hàng ngày của họ.
4.1.2 Định hướng phát triển của công ty
❖ Chiến lược phát triển bền vững của công ty TNHH AEON Việt Nam dựa trên cơ sở triết lý cơ bản “Theo đuổi Hòa Bình, tôn trọng con người và Đóng góp cho cộng đồng địa phương với việc lấy Khách hàng làm giá trị cốt lõi”. Với sứ mệnh của một nhà bán lẻ uy tín và chất lượng, AEON Việt Nam cam kết đồng hành cùng cộng đồng kiến tạo xã hội phát triển bền vững. Chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp được xây dựng dựa trên 3 trụ cột:
- Bền vững về môi trường: bảo tồn đa dạng sinh học địa phương; dự án giảm thiểu rác thải nhựa dùng 1 lần.
- Bền vững về kinh tế: hỗ trợ nhà sản xuất, nhà cung ứng nâng cao năng lực sản xuất; nỗ lực chung tay hiện thực hóa các chính sách của Chính phủ.
- Bền vững về xã hội: thúc đẩy lối sống hạnh phúc, cộng đồng đa dạng và hòa nhập;
nuôi dưỡng thế hệ trẻ cho những thay đổi tích cực; chung tay ứng phó và cứu trợ cùng cộng đồng trong nước và quốc tế, trước thiên tai và dịch bệnh.
Hình 25. Chiến lược phát triển bền vững của Công ty TNHH AEON Việt Nam
(Nguồn: hồ sơ công ty năm 2023-2024, Bộ phận Marketing)
❖ Chia sẽ của Tổng giám đốc AEON Việt Nam (ông Furusawa Yasuyuki) trong buổi phỏng vấn với trang báo VnExpress về chiến lược bao phủ mô hình bán lẻ, định hướng tương lai với hai nội dung quan trọng rằng:
- Mở rộng “điểm chạm” với khách hàng thông qua việc mở thêm các điểm kinh doanh mới, AEON Việt Nam sẽ mở rộng mạng lưới cửa hàng và siêu thị để tiếp cận với nhiều khách hàng hơn. Đồng thời, đa dạng hóa kênh bán hàng, bên cạnh bán hàng trực tiếp tại cửa hàng, AEON Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển kênh bán hàng trực tuyến để đáp ứng nhu cầu mua sắm đa dạng của khách hàng.
- Cung cấp sản phẩm an toàn và phù hợp. AEON Việt Nam cam kết cung cấp sản phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ thực hiện nghiên cứu thị hiếu tiêu dùng tại từng địa phương để cung cấp sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người dân.
- Phát triển hệ thống cửa hàng chuyên doanh. AEON Việt Nam sẽ phát triển hệ thống cửa hàng chuyên doanh xe đạp (AEON Bicycle) để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về phương tiện di chuyển thân thiện với môi trường. Đồng thời, mở rộng hệ thống cửa hàng chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp (Glam Beautique) để phục vụ nhu cầu về làm đẹp của khách hàng.