Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Tính an toàn, tính sinh miễn dịch và hiệu lực bảo vệ của vắc xin Nanocovax liều 25μg phòng COVID-19 trên người Việt Nam tình nguyện (Trang 32 - 35)

1.3. Tình hình dịch COVID-19 trên Thế giới và Việt Nam

1.3.2. Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam

Dịch COVID-19 lan sang Việt Nam vào ngày 23/1/2020 [90]. Việt Nam đã trải qua 4 làn sóng dịch với thời gian, đặc điểm và tính chất khác nhau [91].

Làn sóng đầu tiên kéo dài từ 23/01/2020 tới 24/07/2020, với 383 ca nhiễm, trong đó 277 ca (72%) là người nhập cảnh và không có trường hợp tử vong [92]. Chủng vi rút gây bệnh được phát hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc [93].

Ca bệnh đầu tiên tại Việt Nam là hai bố con quốc tịch Trung Quốc nhập viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy, thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) [90]. Sau đó, chùm ca bệnh đầu tiên xuất hiện tại 2 xã thuộc huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc sau khi một số công nhân lao động quay trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc và lây nhiễm cho những người thân, người tiếp xúc gần với họ [94].

Sau khi thành công trong việc kiểm soát được làn sóng dịch thứ nhất, khoảng 3 tháng sau đó, làn sóng dịch thứ 2 xuất hiện. Làn sóng thứ 2 kéo dài từ ngày 25/7/2020 đến 10/12/2020, tổng cộng Việt Nam đã ghi nhận 1.385 ca, trong đó 37 trường hợp là nhân viên chăm sóc y tế và làm 35 người tử vong.

Toàn bộ 35 trường hợp tử vong đều liên quan đến ổ dịch cộng đồng tại Đà Nẵng (31 ca ở Đà Nẵng, 03 ca ở Quảng Nam và 01 từ Quảng Trị); hầu hết họ đều mắc các bệnh mãn tính và bệnh lý đi kèm [95].

Vào ngày 02 tháng 01 năm 2021, Việt Nam ghi nhận ca bệnh COVID- 19 đầu tiên mang biến chủng mới tại Anh [96]. Sau đó, vào ngày 25/01/2021, Bộ Y tế nhận được thông tin một công nữ công nhân quốc tịch Việt Nam nhập cảnh vào Nhật Bản đã mắc biến thể Alpha [97]. Người bệnh này đã có tiếp xúc và lây lan mầm bệnh cho những người tiếp xúc gần với mình. Kể từ đó làn sóng dịch thứ ba bắt đầu và lan rộng tại Việt Nam. Đến 25/4/2021, tổng cộng Việt Nam đã có 2.843 ca nhiễm COVID-19 ở 51/63 tỉnh thành phố, trong đó có 2.526 ca đã khỏi và 35 ca tử vong (1,23%) [98].

Làn sóng dịch thứ tư tại Việt Nam bắt đầu từ ngày 27/4/2021 đến nay, tỉnh Hà Nam, ca bệnh nam 28 tuổi (trường hợp số 2.899) sau khi hoàn thành 14

ngày bắt buộc cách ly tập trung tại một khách sạn ở Đà Nẵng sau khi từ Nhật Bản trở về, có kết quả dương tính SARS-CoV-2, lây bệnh cho 16 trường hợp ở bốn tỉnh/ thành phố là Hà Nam, Hà Nội, Hưng Yên và TP.HCM. Ngày 2/5/2021, tại Vĩnh Phúc, có 6 ca COVID-19, tất cả đều liên quan đến một người Trung Quốc dương tính với SARSCoV-2 [99]. Kể từ đó các ca nhiễm mới trong cộng đồng không ngừng gia tăng với đa nguồn lây, đa chủng, đa ổ bệnh và đã xâm nhập sâu trong cộng đồng, xuất hiện ở mọi lứa tuổi (bao gồm cả trẻ em) tấn công vào các khu công nghiệp, nhà máy, cơ sở y tế, trường học, cơ quan hành chính, nhóm sinh hoạt tôn giáo... và tại các khu vực có mật độ dân cư cao làm số mắc tăng nhanh. Làn sóng dịch này đã gây nhiều hậu quả nặng nề cho Việt Nam, khiến Chính phủ Việt Nam phải tăng cường trở lại các biện pháp và mức độ kiểm soát, phòng chống dịch bệnh khẩn trương, quyết liệt. Sau đó đã kiểm soát thành công sự lây lan dịch.

Vào cuối năm 2021, biến thể Omicron tạo nên làn sóng lây nhiễm mới ở Việt Nam, trường hợp đầu tiên mắc biến thể vào ngày 27/12/2021 và các trường hợp lây nhiễm biến thể này nhanh chóng lan rộng trong cộng đồng từ cuối tháng 1 năm 2022 [100]. Tổng số ca lây nhiễm thống kê hàng tuần tăng nhanh, đạt đỉnh vào giữa tháng 3/2022, nhưng tỉ lệ tử vong lại thấp hơn nhiều so với những làn sóng dịch trước, và từ cuối tháng 4/2022 đến hết năm 2022, xu hướng giảm tổng thể về số ca mắc hàng tuần, ca nặng và tử vong trên toàn quốc [101].

Tính từ đầu vụ dịch đến 31 tháng 5 năm 2023, Việt Nam có 11.612.608 ca bệnh xác định và hơn 43.200 ca tử vong đã ghi nhận trên toàn bộ lãnh thổ của 63 tỉnh/thành phố trên cả nước [3]. Tổng cộng có 85.307 ca mắc mới và 20 ca tử vong mới được báo cáo từ ngày 1 tháng 4 đến ngày 31 tháng 5 năm 2023.

So với hai tháng trước đó, số ca mắc mới tăng hơn 106 lần. Số ca nhiễm trung bình trong 7 ngày của tuần cuối cùng tháng 5 là 875, không có thay đổi đáng kể so với tuần trước (854). Tuy nhiên, đã giảm 65,3% so với con số cao nhất được ghi nhận trong kỳ báo cáo. Biến chủng Omicron là tác nhân chính gây

nhiễm bệnh trong giai đoạn này (chiếm 87,2%) [3]. Theo khảo sát của Bộ Y tế (BYT) Việt Nam, hiện không có bằng chứng nào cho thấy hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe bị quá tải. Mặc dù số ca mới mắc tăng đột biến trong hai tháng qua nhưng không có sự thay đổi về tỷ lệ ca bệnh nặng và không thấy có bất thường về biểu hiện lâm sàng ở những người nhập viện [3].

Về phân bố ca bệnh theo khu vực địa lý, 05 tỉnh/thành phố có số ca mắc cộng dồn cao nhất được báo cáo bao gồm: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nghệ An và Bắc Giang [3] (Bảng 1.3).

Bảng 1. 3. Số ca bệnh và tử vong của 5 tỉnh thành cao nhất tại Việt Nam tính từ ngày 27/04/2021 đến 31/5/2023

STT Khu vực Số ca mắc Số ca tử vong

1 TP. Hà Nội 1.647.706 1.238

2 TP. Hồ Chí Minh 627.587 20.476

3 Hải Phòng 537.931 138

4 Nghệ An 502.017 145

5 Bắc Giang 391.356 93

* Nguồn: WHO (2023) [3]

Về phân bố của những ca bệnh COVID-19 theo tuổi và giới tính, phân tích 10.400.415 ca bệnh theo số liệu Cục y Tế Dự Phòng – Bộ Y tế Việt Nam cho thấy, độ tuổi của các trường hợp mắc bệnh là từ 2 tháng đến 100 tuổi, 48,7%

tổng số ca mắc nằm trong độ tuổi 30-69, 3,9% trên 70 tuổi và 47,4% còn lại dưới 30 tuổi. Tỷ lệ nam giới và nữ giới lần lượt chiếm 45,2% so với 54,8% [3].

Sau thông báo của WHO vào ngày 05/05/2023 rằng COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại quốc tế, Bộ Y tế Việt Nam vào ngày 19 tháng 10 năm 2023 ra quyết định (QĐ) 3896/QĐ-BYT chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A xuống nhóm B [102].

Một phần của tài liệu Tính an toàn, tính sinh miễn dịch và hiệu lực bảo vệ của vắc xin Nanocovax liều 25μg phòng COVID-19 trên người Việt Nam tình nguyện (Trang 32 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(180 trang)