Kết quả đạt được

Một phần của tài liệu kiểm toán báo cáo tài chính hợp nhất của các doanh nghiệp sản xuất thép niêm yết ở việt nam do kiểm toán độc lập thực hiện (Trang 165 - 168)

2.4. ĐÁNH GIÁ VỀ THỰC TRẠNG KIỂM TOÁN BÁO CÁO TÀI CHÍNH HỢP NHẤT CỦA CÁC DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT THÉP NIÊM YẾT Ở VIỆT

2.4.1. Kết quả đạt được

Nhìn chung, mặc dù trong giai đoạn 2020 – 2023 chưa có chương trình kiểm toán mẫu đối với các cuộc kiểm toán BCTCHN Tập đoàn, nhưng các DNKiT đều bám sát CMKiT VSA600 và các CMKiT có liên quan để thực hiện cuộc kiểm toán BCTCHN. Bên cạnh đó, một số DNKiT Big 4 thì đã có quy trình chuẩn được chuyển giao từ hệ thống toàn cầu, các DNKiT thuộc mạng lưới (network) cũng được tham khảo các hướng dẫn từ phía các công ty trong hệ thống. Các DNKiT đều xác định rủi ro kiểm toán trong cuộc kiểm toán BCTCHN các DNSX thép niêm yết là cao hơn so với cuộc kiểm toán BCTC thông thường, do đó thái độ thận trọng nghề nghiệp và hoài nghi nghề nghiệp của KTV cũng được được nâng cao hơn. Các thủ tục kiểm toán đặc thù khác biệt với cuộc kiểm toán BCTC thông thường sẽ được tiến hành bởi các KTV có kinh nghiệm, tập trung vào các khía cạnh được đánh giá là có rủi ro kiểm toán cao hơn, thể hiện sự vận dụng của các DNKiT về PPTCKT dựa trên rủi ro vào cuộc kiểm toán BCTCHN. Cụ thể các kết quả đạt được theo các vấn đề nghiên cứu như sau:

a. Về xem xét chấp nhận khách hàng và hợp đồng kiểm toán BCTCHN

Tất cả các DNKiT được khảo sát đều tiến hành thu thập thông tin cơ bản về Tập đoàn thép niêm yết, cân nhắc khả năng thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp, hiểu rõ trách nhiệm của KTV Tập đoàn đối với ý kiến về BCTCHN, từ đó đánh giá rủi ro kiểm toán và đưa ra quyết định chấp nhận khách hàng và hợp đồng kiểm toán BCTCHN. Điều này dẫn đến các KTV Tập đoàn đều nâng cao ý thức về trách nhiệm của mình và rủi ro kiện tụng liên quan đến ý kiến kiểm toán về BCTCHN.

Phần lớn các cuộc kiểm toán BCTCHN của các Tập đoàn sản xuất thép niêm yết, các DNKiT Big 4 thường đưa ra yêu cầu rằng rằng DNKiT được thực hiện kiểm toán cả công ty mẹ Tập đoàn và các công ty con, một số DNKiT Non-Big 4 thì không đưa ra yêu cầu này. Lý do đưa ra yêu cầu là bởi vì KTV Tập đoàn lo ngại trường hợp ĐVTV được kiểm toán bởi DNKiT có chất lượng kém hoặc không đồng đều với DNKiT BCTCHN, thì dẫn đến KTV Tập đoàn không thể sử dụng được kết quả công việc của KTV ĐVTV và dẫn đến lãng phí thời gian và chi phí cho đơn vị được kiểm toán. Yêu cầu này cũng được xem là hợp lý trong bối cảnh cuộc kiểm toán BCTCHN có phạm vi kiểm toán rộng, hệ thống kế toán phân tán hoặc để đề phòng trường hợp các ĐVTV tự thực hiện kiểm toán nhưng Tập đoàn không biết.

b. Về xác định ĐVTV quan trọng

Nhìn chung, các DNKiT đều tuân thủ hướng dẫn của VSA600 trong việc xác định ĐVTV quan trọng do ảnh hưởng đáng kể về mặt tài chính. Các tiêu chí đo lường được sử dụng là phù hợp với đặc thù các Tập đoàn sản xuất thép niêm yết, tại đó chỉ tiêu doanh thu, tổng tài sản, LNTT là các chỉ tiêu phản ánh sát nhất quy mô và tình hình hoạt động của DN. Về tỷ lệ, quan điểm thực tế của các KTV nhìn nhận giá trị 15% theo hướng dẫn của VSA600 là khá cao, đặc biệt trong bối cảnh kiểm toán BCTCHN của các DNNY, nên hầu hết các DNKiT đều sử dụng ngưỡng 10% trong thực tế để xác định ĐVTV quan trọng. Điều này cũng thể hiện sự thận trọng của các DNKiT tại Việt Nam khi thực hiện cuộc kiểm toán BCTCHN khi các khách thể kiểm toán là DN niêm yết, hoạt động trong lĩnh vực SX thép tiềm ẩn các rủi ro nhất định dẫn đến SSTY trên BCTCHN.

Ngoài ra, thực tế các DNKiT Big 4 đã kết hợp tiêu chí định lượng ở trên với các tiêu chí rủi ro để xác định các ĐVTV quan trọng. Nếu Tập đoàn có bao gồm các ĐVTV có đặc điểm rủi ro (như ĐVTV có hoạt động SXKD khác biệt, ĐVTV ở nước ngoài, ĐVTV mới mua hoặc mới thành lập trong Tập đoàn) thì sẽ được KTV xác định là ĐVTV quan trọng.

c. Về đánh giá rủi ro có SSTY trên BCTCHN

Nhìn chung, các DNKiT đều xuất phát từ thủ tục tìm hiểu về Tập đoàn, các ĐVTV và môi trường hoạt động của đơn vị để tìm ra các rủi ro có SSTY đối với BCTCHN. Ngoài các nội dung đã tìm hiểu như một cuộc kiểm toán BCTC thông thường, các nội dung mà KTV đã cân nhắc thêm khi thu thập thông tin trong cuộc kiểm toán BCTCHN bao gồm:

Về cấu trúc Tập đoàn: KTV xem xét các tính đầy đủ và phù hợp của các thông tin về các công ty con được hợp nhất và không được hợp nhất, các công ty liên doanh, liên kết được hợp nhất theo phương pháp vốn chủ sở hữu.

Khi tìm hiểu về HĐKD của Tập đoàn: KTV lưu ý đến các vấn đề về HĐKD tại công ty mẹ và các vấn đề do công ty mẹ chi phối đến các công ty con trên góc độ toàn Tập đoàn. Đồng thời, KTV tìm hiểu các HĐKD của các công ty con trên các khía cạnh: Tìm hiểu các ngành nghề kinh doanh của các công ty con, các chính sách kế toán được áp dụng chung và chính sách kế toán riêng khác biệt so với toàn Tập đoàn; Thông tin cơ bản về vốn và ban lãnh đạo của các công ty con: trong đó xác định xem ai là người của Công ty mẹ cử đến để kiểm soát công ty con; Công ty mẹ kiểm soát công ty con thông qua tỷ lệ biểu quyết hay chi phối thông qua các hình thức khác,... Đánh giá tổng hợp về môi trường pháp lý và tổng quan tình hình tài chính tại các công ty con.

Khi tìm hiểu về hệ thống KSNB: KTV tìm hiểu chung về Hệ thống KSNB của Tập đoàn liên quan đến quy trình hợp nhất (mô tả các chính sách kế toán, hệ thống kế toán, các thủ tục kiểm soát chính, quy trình hợp nhất và đánh giá hiệu quả của hệ thống KSNB). Các vấn đề cần lưu ý hoặc làm rõ về hệ thống KSNB được ghi vào GLV.

Khi tổng hợp đánh giá rủi ro: Căn cứ vào kết quả tìm hiểu HĐKD và KSNB đã thực hiện, KTV đánh giá rủi ro có SSTY ở cấp độ BCTCHN và cấp độ CSDL, từ đó đưa ra biện pháp xử lý thích hợp và đề xuất để hoàn thiện hệ thống KSNB đối với việc lập BCTCHN của các DNSX thép niêm yết.

d. Về xác định mức trọng yếu

Trong các cuộc kiểm toán BCTCHN của các Tập đoàn sản xuất thép niêm yết, chỉ tiêu “LNTT” là chỉ tiêu phổ biến được dùng bởi DNKiT để xác định MTY tổng thể BCTCHN. Điều này là phù hợp với DNNY vì các đối tượng sử dụng BCTCHN đều dành sự quan tâm nhiều nhất đến chỉ tiêu LNTT của DN, chỉ tiêu này cũng phản ánh hiệu quả hoạt động SXKD của các DNSX thép trong điều kiện bình thường. Tỉ lệ phần trăm thường sử dụng là 5% LNTT. Các DNKiT thực hiện khá nhất quán về cách xác định MTY thực hiện (tỷ lệ khoảng 70% - 75% MTY tổng thể). Các tỷ lệ % này đều được thể hiện trong các hướng dẫn kiểm toán của các DNKiT.

Các DNKiT có thực hiện xác định MTY cho ĐVTV, trong đó, các DNKiT Big 4 có cách xác định MTY ĐVTV theo hướng dẫn của hãng toàn cầu, các hướng dẫn chủ yếu dựa trên CMKiT quốc tế số 600, tham khảo thêm hướng dẫn của cơ quan soạn thảo CMKiT Mỹ AICPA và các nghiên cứu hàn lâm về lĩnh vực này. DNKiT xác định ngưỡng sai sót không đáng kể (thường tỷ lệ khoảng 3% - 5% MTY tổng thể) để làm ngưỡng giá trị mà KTV ĐVTV cần phải báo cáo các sai sót không điều chỉnh (có giá trị vượt trên ngưỡng này) cho KTV Tập đoàn.

e. Về sử dụng công việc của KTV ĐVTV

Phần lớn các cuộc kiểm toán BCTCHN của các DNSX thép niêm yết, KTV Tập đoàn đã tuân thủ VSA600 trong việc tìm hiểu KTV ĐVTV, tham gia vào quá trình đánh giá rủi ro của KTV ĐVTV, sử dụng tài liệu hướng dẫn kiểm toán Tập đoàn để hướng dẫn và rà soát công việc của KTV ĐVTV. Cho thấy chấp hành của KTV Tập đoàn theo CMKiT nhằm đảm bảo được tính đầy đủ và thích hợp của bằng chứng kiểm toán do KTV ĐVTV thu thập.

f. Về kiểm toán quy trình hợp nhất

Tại bước công việc này, các KTV Tập đoàn đã thể hiện sự tập trung vào việc tìm hiểu quy trình hợp nhất, rà soát danh sách các đơn vị phải hợp nhất BCTC và kiểm tra các bút toán hợp nhất, bao gồm: các bút toán loại trừ giao dịch nội bộ, loại trừ các khoản đầu tư nội bộ, xác định và phân bổ LTTM, xác định lợi ích cổ đông không kiểm soát, xác định các khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết. Về cơ bản các KTV của các DNKiT khá quen thuộc với các bút toán kỹ thuật hợp nhất theo thông tư 202/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính về Hướng dẫn phương pháp lập và trình bày BCTCHN. Ngoài ra các DNKiT Big 4 có thực hiện đánh giá KSNB toàn Tập đoàn liên quan đến quy trình hợp nhất BCTC ví dụ, đánh giá tính hiệu quả của các hướng dẫn hợp nhất (gói hợp nhất) do BGĐ Tập đoàn ban hành đối với các ĐVTV.

g. Về tổng hợp kết quả kiểm toán và hình thành ý kiến kiểm toán

Công việc này được thực hiện chủ yếu ở cấp độ Tập đoàn. Các KTV Tập đoàn thực hiện khâu công việc cuối cùng là tổng hợp các sai sót phát hiện được, cân nhắc ảnh hưởng đến BCTCHN, rà soát sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc niên độ, thu thập giải trình của BGĐ Tập đoàn và BGĐ ĐVTV, … và hình thành ý kiến kiểm toán về BCTCHN.

Một phần của tài liệu kiểm toán báo cáo tài chính hợp nhất của các doanh nghiệp sản xuất thép niêm yết ở việt nam do kiểm toán độc lập thực hiện (Trang 165 - 168)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(244 trang)