1.2. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU MỐI Ở VIỆT NAM
1.2.2. Tình hình nghiên cứu phòng trừ mối hại công trình kiến trúc
1.2.2.1. Đặc điểm sinh học, sinh thái những loài mối gây hại công trình kiến trúc
Theo Nguyễn Chí Thanh (1996) có tới 25 loài mối gây hại cho công trình kiến trúc và kho tàng ở Việt Nam. Bên cạnh các nghiên cứu về điều tra về thành phần loài, các nghiên cứu về sinh học, sinh thái học cũng đã được quan tâm từ khá sớm [47]. Từ năm 1927, Bathellier đã giới thiệu về hình thức tổ chức của một số tổ mối, trong đó có loài Odontotermes hainanensis được tìm thấy ở Hà Nội [69]. Trong cuốn “Mối miền Bắc Việt Nam” xuất bản năm 1976 của Nguyễn Đức Khảm, tác giả cũng đã mô tả những quan sát về hiện tượng bay phân đàn của mối, trong đó có một số loài gây hại quan trọng như Coptotermes
formosanus, Odontotermes hainanensis, Macrotermes annandalei,… [23].
Nguyễn Tân Vương (1997) mô tả khá chi tiết về bay giao hoan của loài mối
Macrotermes gilvus [54]. Năm 1985, Nguyễn Đức Khảm và Vũ Văn Tuyển viết
cuốn sách “Mối và kỹ thuật phòng trừ mối”, đã mô tả các đặc điểm chung về mối
và các kỹ thuật cơ bản trong phòng trừ mối cho công trình xây dựng [24]. Năm 2003, Nguyễn Văn Quảng đã tiến hành nghiên cứu tỷ lệ đẳng cấp trong tổ mối của loài Macrotermes annandalei và quá trình phân công lao động trong các hoạt động kiếm ăn xây tổ. Tác giả đã cho thấy hoạt động của mối bên ngoài tổ chủ yếu do mối thợ lớn đảm nhận, chúng chiếm tới 79,4% ở vị trí kiếm ăn và 53,3%
ở vị trí xây tổ, trong khi tỷ lệ của đẳng cấp này trong quần thể tổ mối chỉ chiếm khoảng 11%. Dẫn liệu thu được đã khẳng định vai trò quan trọng của nấm cộng
sinh Termitomyces đối với sự tồn tại và phát triển của mối. Tác giả cũng đã tiến hành nuôi các quần tộc mối trưởng thành và các quần tộc được hình thành từ đôi mối cánh bay phân đàn [32]. Trịnh Văn Hạnh (2008) [13] đã tiến hành nghiên
27 cứu đặc điểm sinh học, sinh thái học của Coptotermes formosanus và Odontotermes hainanensis. Kết quả cho thấy số lượng mối cánh Coptotermes formosanus trung bình bay phân đàn trong tổ (vào khoảng 21.666 cá thể), cũng
như thời điểm bay của chúng trong năm (vào khoảng đầu tháng 4 đến tháng 5 hàng năm). Tỷ lệ mối lính và mối thợ trưởng thành trong tổ luôn được điều chỉnh ổn định, trung bình khoảng 80,6% mối thợ 13,3% mối lính và 6,3% mối non. Tỷ lệ mối thợ trong đàn mối kiếm ăn ngoài tự nhiên trung bình nằm trong khoảng 79,2% - 91,1%. Đối với mối Odontotermes hainanensis, loài này bay phân đàn hàng năm từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 5. Thời điểm bay phân đàn không cố định. Mối cánh bay phân đàn ở điều kiện nhiệt độ 26,5 - 29,3oC (trung bình 27,8oC), độ ẩm 86,0 - 94,5% (trung bình 93,2%), lượng mưa 17,5 - 34,4mm (trung bình 24,0mm). Khác với mối Coptotermes formosanus, Odontotermes
hainanensis có sự biệt hóa rõ ràng giữa mối thợ lớn và mối thợ nhỏ. Mối thợ lớn
chiếm tỷ lệ chủ yếu ở nơi kiếm ăn. Cũng trong thời gian này, Trịnh Văn Hạnh và cộng sự (2007) [11] đã tiến hành nghiên cứu phương pháp nuôi mối
Coptotermes formosanus tách chúa trong điều kiện phòng thí nghiệm để nghiên
cứu thời gian sống sót của chúng phục vụ thử nghiệm bả diệt mối. Trong đó, tỷ lệ các đẳng cấp càng gần với tỷ lệ trong quần tộc Coptotermes formosanus ngoài tự nhiên giữa mối thợ: mối lính: mối non là 80:15:5 thì tỷ lệ sống sót càng tăng.
Ngô Trường Sơn (2009) đã nghiên cứu sự phân bố và cấu trúc tổ mối của một số
loài gây hại đê [46]. Nguyễn Thị My và cộng sự (2011), đã nghiên cứu ước lượng cá thể mối Coptotermes trong tổ mối bằng cách sử dụng phương pháp đánh dấu - thả ra - bắt lại. Kết quả cho thấy, số lượng cá thể mối vào khoảng 647,595 ±
205,026 [30]. Như vậy, có thể thấy các loài thuộc thuộc nhóm mối khác nhau có thời gian bay phân đàn cũng như tỷ lệ đẳng cấp và sự phân công lao động không giống nhau. Các kết quả nghiên cứu của các tác giả trên là cơ sở quan trọng để lựa chọn biện pháp phòng chống mối hiệu quả.
28 Như vậy mặc dù các đặc điểm sinh học, sinh thái các loài mối gây hại đã được quan tâm nghiên cứu. Tuy nhiên để có cơ sở ứng dụng các loại bả kìm hãm tổng hợp kitin thì việc nghiên cứu đặc điểm sinh học trong đó tìm hiểu về đặc điểm lột xác cũng như tỷ lệ lột xác của đẳng cấp mối thợ kiếm ăn là điều hết sức cần thiết, những nghiên cứu này hầu như chưa được quan tâm đến ở Việt Nam.
1.2.2.2. Biện pháp phòng trừ mối hại công trình kiến trúc
Dựa trên những hiểu biết về sinh học, sinh thái học mối, các biện pháp phòng trừ mối cũng đã được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu trên toàn quốc. Các biện pháp này ngày càng được cải tiến nhờ những nghiên cứu chuyên sâu về mối, đồng thời tiếp thu những kiến thức có được trên thế giới.
Nguyễn Đức Khảm và Vũ Văn Tuyển (1985) đã viết cuốn “Mối và kỹ thuật phòng chống mối”. Nội dung sách cung cấp các dẫn liệu quan trọng về sinh học mối, mô tả khá đầy đủ và chuẩn hoá các phương pháp phòng chống mối cho công trình xây dựng [24]. Từ năm 1975 đến nay, nhiều phương pháp diệt các loài mối thuộc giống Coptotermes đã được các tác giả trong nước đề cập đến trong các
công trình nghiên cứu như Nguyễn Đức Khảm (1976) [23], 1985), Nguyễn Đức Khảm và Vũ Văn Tuyển (1985) [24], Nguyễn Chí Thanh (1996) [47].
Nguyễn Chí Thanh (1996) đã nghiên cứu phòng chống mối cho các công trình xây dựng và kho tàng và đã đưa ra được quy trình phòng trừ mối bằng phương pháp lây nhiễm [47]. Nguyễn Đức Khảm và Vũ Văn Tuyển (1985) dựa trên cơ sở thu nhận và khuếch đại tín hiệu báo động của mối, khi gặp sự cố để phát hiện tổ mối ngầm trong công trình kiến trúc, sau đó xử lý trực tiếp các tổ mối phát hiện được bằng hóa chất [24]. Đây là phương pháp được áp dụng khá phổ biến trong những năm 80 của thế kỷ trước. Phương pháp này có hạn chế là việc tìm tổ tốn công sức, tiền bạc, nhất là đối với các công trình có kết cấu phức tạp, giá thành khảo sát, xử lý cao. Đồng thời vẫn phải sử dụng hóa chất độc hại
29 để xử lý mối, gây ô nhiễm môi trường. Ngô Trí Côi và cộng sự (2007) đã ứng dụng công nghệ rađa để xác định tổ mối và đã xác định chính xác các khoang tổ mối, thậm chí cả những khoang có kích thước 20cm [7].
Từ khoảng nửa sau thập niên 90 của thế kỷ trước tại Việt Nam đã xuất hiện một số hướng đi mới trong lĩnh vực nghiên cứu mối. Nhiều tác giả quan tâm đến việc sử dụng chế phẩm Metarhizium phòng trừ mối. Tạ Kim Chỉnh và Nguyễn Đức Khảm (1996) đã bước đầu thử nghiệm độc tính của một số chủng vi nấm diệt mối hại kiến trúc và cây vải thiều [6]. Tạ Kim Chỉnh và cộng sự (2001) đã công bố các dẫn liệu về đặc điểm sinh học của hai chủng vi nấm
Metarhizium Ma6 và Baeuveria Bb phân lập từ các mẫu khác nhau cùng với hiệu lực diệt mối (Coptotermes) của chúng [5]. Chế phẩm Metarhizium để diệt mối Odontotermes hainannensis trên đê đã được Trịnh Văn Hạnh và cộng sự (2007) nghiên cứu và thử nghiệm khá thành công đã và đang dần thay thế cho các hóa chất trong quá trình xử lý mối hại đê [12]. Kết quả nghiên cứu cho thấy có thể tiêu diệt tổ mối bằng cách bơm dung dịch chế phẩm qua lỗ bay phân đàn của mối mà không cần đào bới tổ.
1.2.2.3. Tình hình nghiên cứu và phát triển bả diệt mối Coptotermes
Bên cạnh những thành tựu đạt được về việc phòng trừ mối bằng chế phẩm sinh học, các nghiên cứu phòng trừ mối bằng bả cũng đã có nhiều kết quả, như công trình “Khả năng diệt mối Macrotermes annandalei (Silvestri, 1914)
(Isoptera, Macrotermitinae) bằng bả độc của Nguyễn Tân Vương và cộng sự (2010) [55] và “Nghiên cứu chế tạo bả BDM10 để diệt mối Coptotermes
(Isoptera: Rhinotermitinae)” của Trần Thu Huyền và cộng sự (2011) [22].
Nguyễn Quốc Huy và cộng sự (2011) đã tiến hàng thử nghiệm so sánh hiệu lực của các loại bả ức chế quá trình tổng hợp kitin của mối. Hệ thống bả đang được coi là một công nghệ xanh và là niềm hy vọng của các nhà nghiên cứu trong việc bảo vệ các công trình di tích nói riêng và công trình kiến trúc nói chung [21].
30 Tuy nhiên, kết quả sử dụng bả phòng chống mối trong một số trường hợp còn thiếu ổn định, lý do cơ bản là do sự hiểu biết về sinh học và sinh thái của các loài mối xử lý còn chưa được tìm hiểu đầy đủ. Thông thường, trong quần tộc mối, lực lượng duy trì cho sự tồn tại và hoạt động bình thường chính là mối thợ, lực lượng này khi suy giảm tới mức không còn đủ khả năng duy trì vi khí hậu tổ mối, lúc đó môi trường trở nên bất lợi sẽ đưa đến khả năng chết của các cá thể kể cả mối chúa và quần tộc sẽ bị tiêu diệt. Vì thế khi sử dụng bả, cụ thể là bả kìm hãm tổng hợp kitin phải hướng tới đẳng cấp mối thợ. Ở những loài mối hại công trình kiến trúc thuộc giống Coptotermes, sự phân công lao động theo tuổi trong hoạt động kiếm ăn khá rõ ràng, tuy vậy ở tuổi nào của sự phát triển mối thợ sẽ tham gia kiếm ăn và tỷ lệ lột xác của đẳng cấp này là bao nhiêu thì chưa có một nghiên cứu nào đề cập đến ở Việt Nam. Đây sẽ là cơ sở quan trọng cho việc áp dụng bả kìm hãm tổng hợp kitin trong phòng chống mối.