Chi phí chăn nuôi bò sữa

Một phần của tài liệu Khóa luận Đánh giá hiệu quả mô hình chăn nuôi bò tại huyện Thủ Đức Tp Hồ Chí Minh (Trang 50 - 56)

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

4.7. Kết quả - hiệu quả chăn nuôi bò sữa

4.7.1. Chi phí chăn nuôi bò sữa

Chi phí chăn nuôi bò sữa của các hộ là khác nhau. Có nhiều hộ khi mua giống họ thường mua bê cái, cũng có nhiều hộ mua bò cái sắp lên giống. Vì vậy, chi phí mua giống của các nông hộ là khác nhau. Cũng có một số hộ giữ lại bê cái con từ những con bò cái phẩm chất tốt để làm giống. Theo đó chi phí thức ăn cho bò cũng khác nhau. Chi phí chăn nuôi phụ thuộc vào quy mô chăn nuôi, lượng thức ăn cho bò, chi phí chăm sóc, chi phí chữa bệnh, chi phí chuồng trại...

của từng nông hộ. Do đó việc tính chi phí cụ thể cho từng con áp dụng chung cho tất cả các nông hộ chăn nuôi là không thể vì mỗi hộ có mức chi phí khác nhau. Ở

đây tôi chỉ tính mức chi phí trung bình/con của các nông hộ chăn nuôi mà qua quá trình điều tra và tính toán tôi đã tổng hợp được.

Chi phí thức ăn. Điểm khác nhau lớn nhất (không tính đến quy mô chăn nuôi) giữa các hộ chăn nuôi bò đó là chi phí thức ăn cho bò. Như đã đề cập ở trên, thức ăn cho bò sữa rất đa dạng, có nông hộ cho bò ăn thức ăn này nhưng nông hộ khác lại không cho ăn thức ăn đó. Thức ăn cho bò sữa thường là: cỏ tươi, rơm khô, hèm bia, xác mì, cám hỗn hợp, bã đậu. Không phải bất kỳ loại cỏ tươi nào cũng có thể cho bò ăn mà phải chọn lọc loại cỏ thích hợp để cho bò ăn, các loại cỏ thường cho bò sữa ăn là: cỏ voi, cỏ stylo, cỏ mật... đây là những loại cỏ cung cấp cho bò sữa nhiều năng lượng hơn một số loại cỏ khác: cỏ ống, cỏ gà... nên giá cỏ tươi cho bò sữa ăn cao hơn giá cỏ tươi cho bò thịt ăn.

* Đối với bê con: một bê con từ khi mới sinh ra cho đến khi lên giống lần đầu tiên là khoảng 16 tháng. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp bê lên giống sớm hơn, có nhiều con chỉ khoảng 12 đến 14 tháng đã lên giống lần đầu tiên.

Nhưng để đảm bảo cho khả năng sản xuất, chu kỳ khai thác sữa, tuổi thọ khai thác, thể trạng, độ thành thục của bò... người ta thường tiến hành phối giống cho bê lúc 16 tháng tuổi. Thức ăn cho bê cũng giống như thức ăn cho bò sữa trưởng thành nhưng số lượng thức ăn của bê thường ít hơn so với lượng thức ăn của bò trưởng thành. Nếu cho ăn đầy đủ thì chi phí thức ăn của bê trong 1 ngày sẽ là:

Bảng 18. Chi Phí Thức Ăn Bình Quân của Bê (Con/Ngày)

Loại thức ăn Số lượng (kg) Đơn giá (đ/kg) Thành tiền (đồng)

Cám hỗn hợp 1,5 2.560 3.840

Cỏ tươi 14 300 4.200

Rơm 2 400 800

Hèm bia 1 800 800

Xác mì 1 400 400

Bã đậu 6 100 600

Tổng 10.640

Nguồn tin: Điều tra và tính toán tổng hợp Nhìn vào bảng tổng hợp ta thấy được chi phí thức ăn bình quân 1 ngày của bê con là khoảng 10.640 đồng/con. Ngoài ra, khi mới sinh ra cho đến khoảng 4 tháng tuổi bê được bổ sung chất dinh dưỡng bằng cách cho uống sữa tươi. Một ngày bình quân 1 bê con uống khoảng 3 kg, tính ra một năm bê uống khoảng 360

kg sữa, mỗi kg sữa hiện nay giá khoảng 3.900 đồng. Như vậy mức chi phí thức ăn bình quân của bê con trong 1 năm sẽ là:

Chi phí thức ăn của bê con/năm= 10.640 x 365 + 360 x 3.900 = 5.287.600 đồng

* Đối với bò hậu bị: đây là bò cái chuẩn bị cho sữa lần đầu. Có thể xem bò hậu bị là bò trưởng thành vì lúc này trọng lượng của bò hậu bị là khá lớn, trung bình 1 con bò hậu bị nặng khoảng 240 đến 270 kg. Quá trình phát triển từ bê con đến khi trở thành bò hậu bị thì lượng thức ăn của bò trong quá trình này sẽ tăng lên tương ứng với trọng lượng của bò. So với lượng thức ăn của bê con thì lượng thức ăn của bò hậu bị nhiều hơn. Sau đây là lượng thức ăn bình quân của bò hậu bị khi bò hậu bị sắp sinh bê con:

Bảng 19. Chi Phí Thức Ăn Bình Quân của Bò Hậu Bị (Con/Ngày)

Loại thức ăn Số lượng (kg) Đơn giá (đ/kg) Thành tiền (đồng)

Cám hỗn hợp 2 2.560 5.120

Cỏ tươi 25 300 7.500

Rơm 4 400 1.600

Hèm bia 1,5 800 1.200

Xác mì 2 400 800

Bã đậu 15 100 1.500

Tổng 17.720

Nguồn tin: Điều tra và tính toán tổng hợp Nhìn vào bảng tổng hợp ta thấy số lượng thức ăn cho bò hậu bị nhiều hơn so với bê con. Một ngày chi phí thức ăn bình quân cho 1 con bò hậu bị là khoảng 17.720 đồng. Như vậy, 1 năm chi phí thức ăn bình quân cho 1 con bò hậu bị sẽ là:

Chi phí thức ăn của bò hậu bị/năm= 17.720 x 365 = 6.467.800 đồng

* Đối với bò cạn sữa: đây là những con bò cái đã cho sữa 1 hoặc nhiều lần, nhưng trong thời điểm hiện tại nó không còn sữa. Thời gian từ lúc bò cạn sữa đến lúc nó có thể cho sữa lại trung bình khoảng từ 2 đến 3 tháng (đối với các

nông hộ tiến hành điều tra). Trong thời gian này nông hộ sẽ tiến hành phối giống cho bò, có nhiều con chỉ cần phối 1 lần là đậu nhưng cũng có nhiều con phải phối nhiều lần mới đậu thai. Lượng thức ăn của bò cạn sữa cũng tương đương với bò hậu bị. Sau đây là lượng thức ăn dành cho bò cạn sữa trong 1 ngày:

Bảng 20. Chi Phí Thức Ăn Bình Quân của Bò Cạn Sữa (Con/Ngày) Loại thức ăn Số lượng (kg) Đơn giá (đ/kg) Thành tiền (đồng)

Cám hỗn hợp 2,5 2.560 6.400

Cỏ tươi 25 300 7.500

Rơm 4 400 1.600

Hèm bia 1,5 800 1.200

Xác mì 2 400 800

Bã đậu 17 100 1.700

Tổng 19.200

Nguồn tin: Điều tra và tính toán tổng hợp So với lượng thức ăn của bò hậu bị thì lượng thức ăn của bò cạn sữa có nhiều hơn nhưng không đáng kể, lượng cám hỗn hợp tăng từ 2 kg lên 2,5 kg và lượng bã đậu tăng từ 15 kg lên 17 kg cho 1 con. Bò cạn sữa là những con bò vừa cho hết 1 chu kỳ sữa, vì vậy thời gian bò cạn sữa trong năm là khoảng 2 tháng.

Như vậy, mức chi phí thức ăn bình quân của 1 con bò cạn sữa trong 1 năm sẽ là khoảng:

Chi phí thức ăn của bò cạn sữa/năm= 19.200 x 60 = 1.152.000 đồng

* Đối với bò đang cho sữa: đây là bò đang trong chu kỳ cho sữa, nó rất quan trọng đối với người chăn nuôi vì dựa vào sản lượng sữa thu được từ những bò cái đang cho sữa này mà nông hộ có thể chi trả các loại chi phí chăn nuôi

cũng như chi phí sinh hoạt của gia đình. Để duy trì sản lượng sữa, chất lượng sữa đòi hỏi người chăn nuôi phải cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho bò, nếu không đảm bảo được lượng dinh dưỡng cần thiết thì chất lượng sữa sẽ giảm (độ khô, độ béo sẽ giảm). Điều này sẽ ảnh hưởng đến giá thu mua sữa của các nhà máy, cụ thể là giá thu mua sữa mà nhà máy trả cho nông hộ sẽ giảm. Do đó nông hộ chăn nuôi cần bổ sung lượng thức ăn tinh cho bò.

Bảng 21. Chi Phí Thức Ăn Bình Quân của Bò Đang Cho Sữa (Con/Ngày) Loại thức ăn Số lượng (kg) Đơn giá (đ/kg) Thành tiền (đồng)

Cám hỗn hợp 5,1 2.560 13.056

Cỏ tươi 40 300 12.000

Rơm 5 400 2.000

Hèm bia 5 800 4.000

Xác mì 4 400 1.600

Bã đậu 25 100 2.500

Tổng 35.156

Nguồn tin: Điều tra và tính toán tổng hợp So với lượng thức ăn của bò hậu bị và bò cạn sữa thì lượng thức ăn của bò đang cho sữa nhiều hơn hẳn cả về số lượng lẫn chất lượng. Chi phí thức ăn cho bò đang cho sữa là lớn nhất. Vì 1 chu kỳ cho sữa của bò ở các nông hộ điều tra thường là khoảng 10 tháng nên lượng thức ăn này chỉ cho bò ăn trong khoảng 10 tháng, những tháng sau đó thì nông hộ sẽ cho bò ăn theo chế độ của bò cạn sữa.

Như vậy, mức chi phí thức ăn bình quân cho 1 bò đang cho sữa trong 1 năm là khoảng:

Chi phí thức ăn của bò đang cho sữa/năm= 35.156 x 305=

= 10.722.580 đồng

Giống. Đối với các hộ chăn nuôi mua bê giống thì giá 1 con bê giống F3 trung bình khoảng 6.000.000 đồng. Có một số hộ thì mua giống là những con bò đã trưởng thành, chỉ cần nuôi vài tháng là có thể khai thác sữa được. Theo các hộ

chăn nuôi, giá một con bò giống F3 hiện nay khoảng 10.000.000 đến 11.500.000 đồng. Nhưng cũng có một số nông hộ giữ lại bê con từ những bò cái cao sản để tiếp tục sản xuất, do vậy chi phí giống của các nông hộ này không có.

So với những năm trước, giá con giống đã giảm xuống. Năm 2003, giá 1 bê con giống đủ tiêu chuẩn là khoảng 8 đến 9 triệu đồng; còn đối với bò trưởng thành thì giá của 1 con bò trưởng thành khoảng 15 đến 16 triệu đồng.

Chuồng trại. Chuồng trại là một yếu tố rất quan trọng đối với loại hình chăn nuôi bò sữa. Nó được xem là chi phí đầu tư cơ bản khi bắt đầu chăn nuôi bò, chi phí xây dựng chuồng trại là khá lớn. Chuồng trại cho bò sữa phải sạch sẽ, thoáng mát vì nếu không đảm bảo vệ sinh chuồng trại thì bò rất dễ mắc bệnh.

Tùy theo diện tích chuồng, vật liệu xây dựng chuồng mà chi phí xây dựng chuồng của mỗi nông hộ là khác nhau. Đa số các nông hộ điều tra thường xây dựng chuồng nền xi măng, mái chuồng thường được lợp bằng tole (cũng có một số hộ lợp mái bằng ngói hoặc phủ bạt), khung chuồng bằng xi măng. Thời gian sử dụng chuồng là khoảng 20 năm. Chiều dài trung bình của chuồng của các hộ điều tra là khoảng 17 m, chiều rộng trung bình là khoảng 12 m. Tổng chi phí xây dựng chuồng trung bình của các nông hộ điều tra là khoảng 33 triệu đồng. Như vậy mức khấu hao bình quân mỗi năm sẽ là 1.650.000 đồng.

Thuốc thú y – phối giống. Mỗi năm bò được tiêm phòng 2 lần để phòng ngừa 2 dịch bệnh nguy hiểm đối với các loại gia súc đó là lở mồm long móng và tụ huyết trùng. Nhưng đây là chính sách hỗ trợ của nhà nước nên nông hộ không phải chịu chi phí tiêm phòng. Trong quá trình chăn nuôi, nếu bò mắc bệnh nặng thì thông thường nông hộ sẽ nhờ cán bộ thú y đến khám và chữa bệnh cho bò và tất cả các chi phí này nông hộ phải chịu. Nhưng nếu là bệnh thông thường thì nông hộ cũng có khả năng tự chữa bệnh cho bò, khi đó chi phí chữa bệnh sẽ giảm đi so với nhờ cán bộ thú y chữa cho bò. Theo điều tra thực tế thì bò của các nông hộ ở đây rất ít gặp bệnh. Chỉ có vài nông hộ là có bò bị bệnh nhưng cũng chỉ là một số bệnh thông thường. Do vậy chi phí dùng cho thú y bình quân chỉ khoảng 80.000 đồng/năm/hộ.

Về tình hình phối giống: bò cái khi lên giống nông hộ thường gọi cán bộ thú y tới để gieo tinh nhân tạo. Mỗi lần gieo tinh nhân tạo như vậy, nông hộ phải

chịu chi phí là 60.000 đồng. Có nhiều con chỉ cần gieo tinh 1 lần là đậu nhưng cũng có nhiều con gieo tinh nhiều lần mới đậu thai. Tính trung bình mỗi con gieo tinh khoảng 2 lần thì đậu thai. Như vậy, chi phí bình quân cho việc phối giống là khoảng 120.000 đồng cho 1 lần đậu thai.

Trả lãi vay. Đối với các nông hộ vay vốn của để chăn nuôi thì mỗi tháng họ phải trả lãi vay cho nơi họ đã vay vốn. Ở đây các nông hộ thường vay ở ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn, hội phụ nữ quận với mức số tiền vay khoảng 15 triệu đồng, lãi suất cho vay là 0,5%/tháng (đây là mức lãi suất ưu đãi của địa phương dành cho các hộ chăn nuôi bò). Với số tiền vay khoảng 15 triệu đồng, mỗi tháng nông hộ (có vay vốn) phải trả lãi khoảng 75.000 đồng.

Dụng cụ chăn nuôi. Dụng cụ chăn nuôi là những dụng cụ dùng để chăm sóc bò, vệ sinh chuồng trại: xô, chổi, bàn chải... Mỗi dụng cụ này chỉ sử dụng trong một thời gian ngắn sẽ hư hỏng, do vậy nông hộ thường xuyên thay mới các công cụ này. Chi phí bình quân dụng cụ chăn nuôi mỗi năm cho cả chuồng bò là khoảng 100.000 đồng.

Điện nước. Nước dùng để cho bò uống và tắm bò rất quan trọng, nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bò. Tất cả các hộ chăn nuôi bò ở đây đều sử dụng nước giếng để tắm và cho bò uống. Vì vậy họ phải sử dụng máy bơm để bơm nước từ giếng lên. Chi phí điện trung bình sử dụng để bơm nước cho cả đàn bò là khoảng 87.000 đồng/năm.

Công lao động chăn nuôi. Hầu hết các nông hộ ở đây sử dụng lao động nhà để chăm sóc bò. Theo ý kiến của các hộ chăn nuôi ở đây thì nếu thuê thêm lao động ngoài chăm sóc bò thì lợi nhuận thu được sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.

Điều này là do các nông hộ chăn nuôi với quy mô vừa và nhỏ là chủ yếu. Chỉ có 3 hộ chăn nuôi với quy mô lớn thì họ phải thuê thêm lao động ngoài. Mỗi năm nông hộ phải trả cho 1 lao động khoảng 13.000.000 đồng/năm. Còn đối với lao động nhà thì chi phí cơ hội cho 1 công lao động khoảng 30.000 đồng/người/công.

Một phần của tài liệu Khóa luận Đánh giá hiệu quả mô hình chăn nuôi bò tại huyện Thủ Đức Tp Hồ Chí Minh (Trang 50 - 56)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(96 trang)
w