4. Những đóng góp mới của luận án
1.6. Tình hình nghiên cứu về lợn con trong và ngoài nước 1. Tình hình nghiên cứu ngoài nước
Trong nhiều thập kỷ trở lại đây, lai giống là một trong những biện pháp quan trọng để sản xuất lợn thịt có năng suất chất lượng cao ở nhiều nước trên thế giới.
Lúc đầu mới chỉ áp dụng các tổ hợp lai kinh tế đơn giản như lai giữa hai giống lợn,
về sau có nhiều tổ hợp lai kinh tế phức tạp 3, 4, 5 giống lợn và cao hơn nữa là các chương trình lai tạo lợn hybrid. Khả năng sinh sản của lợn nái là một trong những tính trạng sản xuất quan trọng. Tính trạng về sinh sản có hệ số di truyền thấp nên hướng lai tạo thường được nghiên cứu sâu vì chúng thường có ưu thế lai cao.
Một số nước châu Âu như Liên Xô (cũ), Hungari, Đức... kết quả lai kinh tế đã làm tăng số lợn con sơ sinh trung bình/ổ là 12-16%. Tỷ lệ nuôi sống đến cai sữa cao hơn từ 10-15% so với lợn thuần. Nhiều kết quả nghiên cứu của Winters và cs.
(1978) đã chứng minh, lợn lai khác giống vượt lợn thuần chủng về số lượng lợn con nuôi sống, tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng thấp hơn. Tác giả nhận xét lợn lai từ hai giống có số con trung bình/ổ lúc sơ sinh cao hơn 11,6%; lợn lai từ ba giống có số con trung bình một ổ khi sơ sinh cao hơn 7,2% so với lợn lai hai giống và cao hơn 19,6 % so với lợn thuần. Từ đó tác giả đi đến kết luận: Tổ hợp lợn lai có xu hướng đẻ nhiều con hơn, giảm được thời gian nuôi thịt, tiêu tốn thức ăn thấp hơn so với lợn thuần.
Trung Quốc có 60 giống lợn được nuôi ở các vùng sinh thái khác nhau. Để nâng cao chất lượng đàn lợn thịt, Trung Quốc đã nhập một số giống lợn có khả năng sản xuất cao, phẩm chất thịt tốt như lợn Yorkshire, Duroc, Hampshire, Landrace cho phối với lợn Meishan của Trung Quốc vì vậy đã làm tăng khả năng sinh sản của lợn nái, đạt trung bình 12,50 con/ổ (Đỗ Thị Tỵ, 1994).
Ở Mỹ, năng suất sinh sản của đàn lợn nái năm 1970 chỉ đạt 7,2 lợn con cai sữa/ổ, với số lứa đẻ/nái/năm là 1,80, đến năm 1994 đã tăng lên là 8,92 lợn con cai sữa/ổ và số lứa đẻ/nái/năm là 2,30 (Trần Kim Anh, 2000).
Các nghiên cứu của Gerasimov và cs. (1997), cho biết lai ba giống đều có tác dụng nâng cao các chỉ tiêu sinh sản như: Số con đẻ ra/ổ, tỷ lệ nuôi sống và khối lượng ở 60 ngày tuổi/con. Tác giả cũng cho biết nái lai có chất lượng tốt về sản xuất sữa, khối lượng sơ sinh, con lai sinh trưởng tốt và có năng suất thịt xẻ cao. Việc sử dụng lai ba giống là phổ biến để nâng cao khả năng sinh sản và sản xuất lợn thịt thương phẩm.
Lai giống là biện pháp quan trọng nhằm nâng cao khả năng sinh sản và cho thịt trong chăn nuôi lợn ở Ba Lan. Tuz và cs. (2000) nhận thấy lai ba giống đạt số
con ở 1, 21, 42 ngày tuổi cũng như khối lượng sơ sinh/con cao hơn hẳn so với giống thuần. Sử dụng nái lai để phối với lợn đực giống thứ ba có hiệu quả nâng cao khối lượng khi cai sữa và khả năng tăng khối lượng khi nuôi thịt. Khi lai ba giống hoặc lai trở ngược số lợn con cai sữa/nái/năm tăng tới 10-15%, số con cai sữa/ổ nhiều hơn 1,0-1,5 con và khối lượng cai sữa/con tăng được 1 kg ở 28 ngày tuổi so với giống thuần (Colin, 1998).
Để tăng hiệu quả sản xuất của lợn nái, cai sữa sớm cho lợn con cũng là một yếu tố quan trọng nó quyết định đến năng suất và lợi nhuận của toàn đàn lợn cũng như của toàn bộ cơ sở chăn nuôi đó. Tuy nhiên, cai sữa sớm có thể gây ra nhiều yếu tố stress bất lợi cho khả năng sinh trưởng và sức kháng bệnh của lợn con.
Kết quả nghiên cứu của Funderburke và Seerley (1990) cho thấy khi ghép đàn sau cai sữa đã làm giảm tốc độ sinh trưởng của lợn do các yếu tố stress gây ra.
Theo Blecha và cs. (1983) hoạt động của hệ thống miễn dịch của lợn con bị suy giảm khi lợn con cai sữa sớm ở 3 tuần tuổi nhất là tuần đầu và tuần thứ 2 sau cai sữa. Đồng thời theo Pluske và Williams (1996) khi ghép lợn con thuộc các đàn khác nhau cũng làm tăng các tổn thương do cắn nhau nhưng lại không thấy có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của lợn con.
Phân tích 14.925 ổ đẻ của 39 đàn lợn nái ở Mỹ (Xue và cs., 1997) nhận thấy:
Thời gian bú sữa của lợn con dài, lợn nái có số con sơ sinh/ổ, số con đẻ ra còn sống/ổ cao, thời gian động dục trở lại ngắn, khoảng cách từ khi đẻ đến phối giống trở lại dài, khoảng cách lứa đẻ dài.
Lợn nái cai sữa ở 28-35 ngày, thời gian động dục trở lại 4-5 ngày có thể phối giống và có thành tích sinh sản tốt (Colin, 1998). Không nên phối giống cho lợn nái sớm hơn 3 tuần sau khi đẻ, phối giống sớm sẽ làm giảm khả năng sinh sản của lợn nái (Cole và cs., 1975, dẫn từ Ian Gordon, 1997).
Lợn nái phối giống sau khi cai sữa sớm có số lượng trứng rụng ít (15,9 so với 24,6) và số phôi ở ngày chửa thứ 11 ít. Lợn nái cai sữa sớm có tỷ lệ thụ thai thấp, số phôi sống ít và thời gian động dục trở lại dài (Tonon và cs., 1995, dẫn từ Ian Gordon, 1997; Deckert và cs., 1998). Mabry và cs. (1997) cho biết phối giống sớm
sau khi đẻ, tỷ lệ đẻ và số con đẻ ra/ổ thấp hơn so với phối giống muộn. Theo Ian Gordon (2004), giảm thời gian cai sữa từ 15 xuống 10 ngày sẽ làm giảm 0,2 con/ổ.
Zintzen và cs. (1971) cho rằng hiệu quả sử dụng thức ăn tốt hơn ở đàn lợn cai sữa sớm so với đàn cai sữa muộn. Khi cai sữa sớm cho lợn con thường gây ra một số stress nhưng lại không thấy có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của lợn con.
Đối với lợn con theo mẹ và sau cai sữa, đặc điểm sinh trưởng nhanh nhưng không đồng đều ở các giai đoạn, do vậy tốc độ sinh trưởng phụ thuộc rất nhiều vào việc đáp ứng dinh dưỡng từng giai đoạn nuôi. Nhu cầu về protein của lợn con ảnh hưởng trực tiếp tới tốc độ tăng khối lượng, đặc biệt nhu cầu về các axit amin không thay thế.
Nhu cầu về lysine của lợn con cao hơn lợn trưởng thành, nếu trong khẩu phần của lợn con không đủ lysine thì các axit amin khác không được hấp thu triệt để. Vì vậy, lysine được coi là axit amin giới hạn thứ nhất trong khẩu phần cho lợn con, lượng protein hình thành trong cơ thể chịu tác động bởi lysine. Người ta thường dựa vào nhu cầu lysine để xác định nhu cầu các axít amin khác cho lợn.
Trong thức ăn của lợn con tập ăn, tỷ lệ lysine thích hợp lại càng quan trọng, đặc biệt là đối với lợn con cai sữa sớm.
Ngay từ năm 1979, Fuller và cs. (1989) đã xác định mục đích của việc bổ sung protein nhằm cung cấp thêm protein tổng số trong thức ăn và giảm sự thiếu hụt các axit amin thiết yếu trong protein ngũ cốc. Các tác giả đã phát hiện ra rằng, việc bổ sung thêm các axit amin giới hạn thứ nhất và thứ hai (lysine, threonine) có những hiệu quả tốt nhất. Cụ thể, khi bổ sung thêm 4,0 g L-lysine/kg và 1.2 g L- threonine/kg nâng tổng số hàm lượng của hai axit amin này trong thức ăn lên 7,2 và 4,2 g/kg thức ăn đã làm cho việc đào thải nitơ của nước tiểu xuống thấp nhất.
Campbell và cs. (1985) cho rằng lợn 20-45 kg đạt tích lũy protein tối đa khi khẩu phần chứa 3,39 g lysine/Mcal DE, tỷ lệ trên cao hơn khuyến cáo của NRC (1998) (là lợn con 20-50 kg cần 2,21 g lysine/Mcal DE, nhưng thấp hơn khuyến cáo của ARC (1981) với lợn 15-50 kg cần 3,51 g lysine/Mcal DE, tương đương 16 g lysine/ngày để đạt tăng khối lượng cao nhất.
Hai tác giả Campbell và Taverner (1988) nghiên cứu về nhu cầu của protein và các axit amin của lợn con ở giai đoạn 8-20 kg. Kết quả nghiên cứu cho thấy, theo sự tăng lên của tỷ lệ protein trong khẩu phần (119-232 g/kg), lượng thức ăn ăn vào của lợn con không thay đổi (0,93-0,97 kg/con/ngày), nhưng sinh trưởng tuyệt đối tăng dần từ 419 g/ngày đến 618 g/ngày. Tỷ lệ chuyển hoá thức ăn của lợn con giảm dần từ 2,28 xuống 1,51 kg thức ăn/1 kg tăng khối lượng. Tỷ lệ protein/1 kg thịt cũng tăng dần từ 150 g/kg đến 162 g/kg. Tỷ lệ chất béo giảm dần từ 218 g/kg xuống 133 g/kg, trong khi đó tỷ lệ nước tăng dần từ 616 g/kg đến 690 g/kg.
Mối quan hệ tương tác giữa các axit amin trong khẩu phần và năng lượng tiêu hoá đối với lợn có khối lượng 20-50 kg được Chiba và cs. (1991) nghiên cứu và chỉ ra rằng, khi tăng tỷ lệ các axit amin trong khẩu phần thì cần phải tăng mức năng lượng.
Phân tích hồi quy cho thấy, tăng khối lượng của lợn và hệ số giữa tăng khối lượng/năng lượng tiêu hoá đạt tối ưu khi tỷ lệ lysine/năng lượng tiêu hoá ở mức 3,0 g/Mcal.
Các tác giả Saldana và cs. (1993) nghiên cứu về nhu cầu của threonine tiêu hoá cho lợn con sau cai sữa 6-16 kg. Tỷ lệ threonine tiêu hoá trong khẩu phần từ 0,60-0,76%. Khẩu phần cơ sở có 17,6% protein tổng số và 1,25% lysine. Kết quả thí nghiệm cho thấy sinh trưởng tuyệt đối đạt tối đa khi tỷ lệ threonine tiêu hoá đạt 0,46%, tuy nhiên, hệ số chuyển hoá thức ăn/1 kg tăng khối lượng không đạt tối đa trong khoảng threonine nghiên cứu.
Paul và cs. (1994) nghiên cứu trên lợn từ 20-45 kg để xác định ảnh hưởng của mức năng lượng và protein ăn vào đến thành phần các axit amin trong thịt và các cơ quan của lợn sinh trưởng. Các tác giả rút ra kết luận rằng, hàm lượng các axit amin (trong thịt, các cơ quan nội tạng và toàn bộ cơ thể) và protein tích lũy trong khoảng từ 20-40 kg thể trọng bị ảnh hưởng bởi lượng protein và năng lượng ăn vào.
Van Luen và Cole (1996) khi nghiên cứu về ảnh hưởng của tỷ lệ lysine/năng lượng tiêu hoá đến sinh trưởng và tích lũy nitơ của lợn đực, cái lai hybrid và lợn đực thiến cho thấy: tỷ lệ lysine/năng lượng tiêu hoá tối ưu đối với tất cả các loại lợn
trên từ 0,95 đến 1,0 g/1 MJ DE. Lượng nitơ tích lũy tối đa cho các loại lợn thí nghiệm từ 28-30 g/ngày (tương đương với 175-187 g protein/ngày).
Close và Menke (1996) cho biết lợn con có tốc độ sinh trưởng trung bình 200 g/ngày ở tuần thứ 2 và 350 g/ngày ở tuần tuổi thứ 5, trong 2 tuần lễ đầu các chất dinh dưỡng của lợn con chủ yếu do sữa mẹ cung cấp. Tuần lễ thứ 3, sữa mẹ không tăng do vậy cần bổ sung thức ăn cho lợn con gọi là “Creep feed”. Thức ăn này chứa từ 20-22% protein thô và dễ dàng tiêu hóa protein ở lợn con. Tỷ lệ tiêu hóa protein của lợn con không chỉ phụ thuộc vào nguồn gốc và chất lượng protein mà còn phụ thuộc vào tỷ lệ protein trong thức ăn, hiệu quả sử dụng protein sẽ giảm khi mức protein khẩu phần tăng (Zintzen và cs., 1971).
Các tác giả Heger và cs. (2003) tiến hành 5 thí nghiệm cân bằng để nghiên cứu hiệu suất sử dụng của các axit amin isoleucine, leucine, valine, histidine và phenylalanine + tyrosine cho biết: theo sự tăng lên của nồng độ các axit amin tới hạn, thì tích luỹ nitơ cũng tăng theo phương trình tuyến tính. Các tác giả đã tính được nhu cầu các axit amin dành cho duy trì đối với isoleucine là 18, leucine là 33, valine là 23, histidine là 14 và phenylalanine + Tyrosine là 43 mg/W0,75
Patience và Zijlstra (2004) đã nghiên cứu nhu cầu axit amin dựa vào tỷ lệ lắng đọng protein. Lysine cần thiết cho lợn có thể được chia làm hai loại: Duy trì và phát triển. Phối hợp khẩu phần để đáp ứng nhu cầu axit amin cần xem xét đến phương pháp đa yếu tố, tạo ra mức độ tối ưu dưới các điều kiện quản lý đặc biệt.
Các nghiên cứu của trường Đại học Kentucky đã chứng minh được rằng, việc đào thải nitơ giảm 15-20% khi giảm 2% protein tổng số của khẩu phần có bổ sung lysine và lượng nitơ giảm 30-35% khi giảm 4% protein tổng số và bổ sung 4 axit amin. Hàm lượng amoniac và khí thải khác từ phân cũng giảm đáng kể khi sử dụng khẩu phần có mức protein thấp được bổ sung các axit amin tổng hợp (Hồ Trung Thông, 2006). Như vậy, việc xây dựng những khẩu phần thức ăn giảm protein và bổ sung các axit amin thích hợp không những mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phầm giảm thải ô nhiễm môi trường thông qua giảm thiểu đào thải nitơ trong quá trình chuyển hóa hấp thu thức ăn của vật nuôi.
1.6.2. Tình hình nghiên cứu trong nước
1.6.2.1. Những nghiên cứu về các tổ hợp lai (ngoại x MC) và ưu thế lai
Các giống lợn nội nước ta nói chung và lợn Móng Cái nói riêng là nguồn gen quý, chúng thích nghi tốt với điều kiện khí hậu khắc nghiệt và điều kiện chăn nuôi hạn chế, khả năng chống chịu bệnh tật cao và khả năng sinh sản tốt (Nguyễn Văn Thiện và cs., 1999; Nguyễn Văn Đức, 2005). Ở Việt Nam, lợn Móng Cái đóng vai trò quan trọng trong công tác giống lợn, được dùng làm nái nền để lai với đực giống ngoại như Yorshire, Landrace, Pietrain và Duroc để sản xuất con lai thương phẩm 50%, 75% hoặc 82,5% máu ngoại nuôi thịt cho kết quả tốt và sản xuất nái lai F1(YxMC) và F1(LRxMC).
Nhiều kết quả nghiên cứu đã khẳng định lai giữa đực ngoại và nái Móng Cái có tác dụng nâng cao khả năng sinh sản, tăng khối lượng, tỷ lệ nạc, giảm tiêu tốn thức ăn ở con lai F1 so với Móng Cái thuần. Một số công thức lai giữa lợn đực Đại Bạch với nái Móng Cái, giữa lợn đực Landrace với nái Móng Cái đã và đang còn được áp dụng rộng rãi trong sản xuất ở các tỉnh miền Bắc, cũng như nhiều tỉnh ở miền Trung và Tây Nguyên hiện nay.
Kết quả lai giống giữa giống lợn Đại Bạch và giống lợn Móng Cái được Trần Nhơn và Vừ Trọng Hốt (1986) cụng bố. Theo hai tỏc giả, cụng thức lai này cho kết quả sinh sản tốt. Số con đẻ ra/ổ đạt 11,7 con, khối lượng sơ sinh 0,98 kg/con; khối lượng cai sữa đạt 10,10 kg/con. Công thức lai giữa lợn Đại Bạch với nái Móng Cái con lai ở 9 tháng tuổi đạt 90,90 kg và tỷ lệ nạc đạt 42,26%.
Nguyễn Văn Đức và cs. (2001) cho biết tổ hợp lai giữa lợn Pietrain và lợn Móng Cái có khả năng sinh sản tốt. Số con để nuôi đạt 11,0 con/ổ, số con ở 60 ngày tuổi là 10,25 con/ổ, khối lượng sơ sinh là 1,04 kg và khối lượng 60 ngày tuổi là 12,45 kg.
Lê Thanh Hải (2001) cho biết công thức lai F1(PixMC) đạt tăng khối lượng 509 g/ngày trong thời gian nuôi thí nghiệm từ 23,02 kg (90 ngày tuổi) đến 80,03 kg (202 ngày tuổi), tiêu tốn thức ăn là 3,8 kg thức ăn/kg tăng khối lượng, tỷ lệ nạc/thịt xẻ là 44,90%.
Trần Duy Khanh và cs. (2004) cho biết mức tăng khối lượng trong giai đoạn vỗ béo ở tổ hợp lai F1(LWxMC) đạt cao hơn 0,05 kg/ngày/con so với tổ hợp lai F1(LRxMC) nuôi trong các nông hộ nghèo tại xã Đông Kinh và Nam Trung, tỉnh Thái Bình.
Trần Thị Minh Hoàng và cs. (2004) nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố đến các tính trạng sản xuất của ba tổ hợp lợn lai F1(LRxMC), F1(LWxMC) và F1(PixMC) nuôi trong nông hộ tại Đông Anh, Hà Nội cho biết tổ hợp lai F1(PixMC) đạt các tính trạng sản xuất tốt hơn so với hai tổ hợp lai F1(LRxMC) và F1(LWxMC).
Bùi Quang Hộ (2004) nghiên cứu khả năng sinh trưởng và cho thịt của ba tổ hợp lợn lai F1(LRxMC), F1(LWxMC) và F1(PixMC) nuôi trong nông hộ tại Thái Bình cho biết, tổ hợp lai F1(PixMC) đạt sinh trưởng, cho thịt tốt hơn so với hai tổ hợp lai F1(LRxMC) và F1(LWxMC). Tác giả nhận định, để sản xuất được một khối lượng thịt lợn với quy mô hàng hóa lớn và có chất lượng cao trong nông hộ, lợn F1(PixMC) cần được khai thác tối đa.
Nguyễn Văn Đức và cs. (2010) cho biết ưu thế lai của các tính trạng sinh sản cơ bản của các tổ hợp lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC) nuôi trong các nông hộ tại huyện Đông Anh, Hà Nội đạt cao. Đặc biệt đối với tính trạng số con sơ sinh sống đạt tới 14,44%. Ưu thế lai của các tính trạng sản xuất thịt tuy không cao, song có ý nghĩa thực tiễn lớn. Trong các tổ hợp Móng Cái lai, tổ hợp có bố là Pietrain đạt ưu thế lai cao hơn so với hai tổ hợp lai có bố là Yorkshire và Landrace.
1.6.2.2. Những nghiên cứu về tuổi cai sữa lợn con
Ở nước ta hiện nay cai sữa lợn con lúc 21 ngày tuổi vẫn được xem là cai sữa sớm. Tuy vậy, phương pháp cai sữa này đang trở thành phổ biến trong các trại chăn nuôi lợn ngoại do ưu điểm giảm khoảng cách lứa đẻ và tăng số lứa đẻ/nái/năm, do vậy làm tăng số lợn con cai sữa/nái/năm. Tuy nhiên, sự phát triển của lợn con sau cai sữa đến 60 ngày tuổi rất khác nhau tùy theo các phương pháp cai sữa, chất lượng thức ăn cũng như điều kiện môi trường ở cơ sở chăn nuôi.
Năm 1978, Nguyễn Nghi đã nghiên cứu cai sữa cho lợn con ở 35, 45 và 60 ngày tuổi (trên đàn lợn lai) và cho biết: khi cai sữa sớm cho lợn con thì lợn con ăn