Huy động vốn có vai trò rất quan trọng không chỉ đối với ngân hàng, doanh nghiệp, mà thậm chí cả với nền kinh tế. Các doanh nghiệp không thể mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, các ngân hàng không thể tăng thu nhập, mở rộng thị
phần kinh doanh, nền kinh tế không thể phát triển bền vững nếu chỉ căn cứ vào nguồn vốn tự có. Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động này, các chủ thể kinh doanh trong trong xã hội luôn tìm mọi cách để gia tăng nguồn vốn của mình.
a. Đối với nền kinh tế
Nước ta đang trong tiến trình xây dựng một nền kinh tế vững mạnh vận động theo cơ chế thị trường, việc này phải đồng thời với vấn đề phải phát triển một thị trường tài chính xứng tầm. Trong nền kinh tế thị trường, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức kinh tế và cá nhân đều chịu sự tác động của thị trường, của các quy luật kinh tế: Quy luật cạnh tranh, quy luật cung cầu, quy luật giá trị.
Chính vì vậy các doanh nghiệp để tồn tại được trên thương trường phải không ngừng đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Vấn đề này thực hiện được khi và chỉ khi doanh nghiệp huy động được đủ lượng vốn cần thiết và sử dụng có hiệu quả chúng vào đúng mục đích. Nguồn vốn tự có của doanh nghiệp thường không đáp ứng được nhu cầu vốn doanh nghiệp, do đó doanh nghiệp phải đi vay vốn nhằm bù đắp cho nhu cầu đầu tư của mình. Với sự xuất hiện của thị trường tài chính và hệ thống NHTM thì việc vay vốn của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và cá nhân trở nên dễ dàng hơn. Doanh nghiệp có thể chủ dộng tìm kiếm vốn từ nhiều nguồn khác nhau với chi phí tiết kiệm và thủ tục đơn giản hơn rất nhiều.
Chính phủ trong nhiều trường hợp cũng cần phải huy động lượng vốn nhất định để đáp ứng nhu cầu chi tiêu của mình. Ngân sách Nhà nước là nguồn cung cấp chủ yếu cho kế hoạch chi tiêu của Chính phủ, song không phải lúc nào nó cũng ở trong trạng thái lành mạnh, đủ khả năng đáp ứng. Giải pháp đặt ra là có thể in thêm tiền hoặc tăng thuế, vay nợ nước ngoài nhưng việc này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực lên toàn bộ nền kinh tế, qua đó nảy sinh các vấn đề về xã hội. Đây là điều mà các nhà hoạch định chính sách vĩ mô không muốn nó xảy ra. Vì vậy nhà nước có thể sử dụng biện pháp tích cực hơn là tìm kiếm nguồn vốn huy động trong và ngoài nước thông qua việc phát hành các công cụ nợ như trái phiếu Chính phủ, tín phiếu kho bạc.
Qua những dẫn chứng trên có thể thấy được tầm quan trọng của nguồn vốn
huy động với nền kinh tế, tác động trực tiếp đến mối quan hệ giữa tích luỹ và tiêu dùng. Chính sách huy động vốn trong nền kinh tế thị trường có ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động tài chính, tình hình lạm phát và ổn định tiền tệ để khai thông nguồn vốn đầu tư phát triển cho nền kinh tế chúng ta phải tận dụng tốt lượng vốn nhàn rỗi từ dân cư, các tổ chức kinh tế thông qua các kênh huy động của NHTM, các tô chức tín dụng, và có thể từ ngân sách ngân hàng cho đầu tư phát triển. Trong đó, công tác huy động vốn của NHTM đóng vai trò quyết định và được chú trọng hơn cả.
Như vậy, việc chú trọng đến các nguồn vốn của nền kinh tế là điều kiện cần thiết của các NHTM khi quan tâm đến sự phát triển chung của nền kinh tế mà NHTM là một trong những thành viên chính góp phần tạo nên sự phát triển đó.
Việc đẩy mạnh công tác huy động vốn cho đầu tư phát triển đang giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong quá trình CNH, HĐH của nước ta hiện nay.
b. Đối với ngân hàng
Nguồn vốn của ngân hàng thương mại bao gồm hai loại chính, nếu phân chia theo hình thức sở hữu: Nguồn vốn chủ sở hữu và các khoản nợ. Khác với nhiều loại hình doanh nghiệp, vốn chủ sở hữu thường chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng nguồn vốn, các khoản nợ là nguồn chủ yếu của ngân hàng. Chất lượng và số lượng của nó ảnh hưởng đáng kể tới chất lượng và số lượng của các khoản cho vay và đầu tư. Phần lớn các khoản nợ của ngân hàng liên quan đến chi phí trả lãi. Chi phí trả lãi là bộ phận chi phí lớn nhất đối với ngân hàng, vì vậy có ảnh hưởng quyết định đối với thu nhập của ngân hàng.
Chuyển sang nền kinh tế thị trường, vai trò của NHTM ngày càng quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội. NHTM cũng là doanh nghiệp nhưng là một doanh nghiệp đặc biệt kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ tín dụng.
Các NHTM ngày càng năng động sáng tạo trong kinh doanh và có xu hướng phát triển đa năng. Các nguồn vốn huy động sẽ quyết định quy mô cũng như định hướng hoạt động của NHTM.
NHTM thực hiện nghiệp vụ tín dụng, đầu tư chủ yếu dựa vào nguồn này.
* Vốn là cơ sở nền tảng để ngân hàng thương mại hoạt động kinh doanh Đối với NHTM, vốn còn là cơ sở nền tảng để tiến hành tổ chức mọi hoạt động kinh doanh. Thật vậy, với đặc trưng của NHTM là tổ chức kinh doanh loại hàng hóa đặc biệt trên thị trường tiền tệ và thị trường vốn, thì vốn không còn đơn thuần là phương tiện kinh doanh mà nó còn là đối tượng kinh doanh chính của NHTM, trực tiếp quyết định tới quy mô hoạt động kinh doanh của NHTM. Như vậy, những NHTM có vốn lớn sẽ có nhiều thế mạnh trong kinh doanh, ngược lại những ngân hàng không có hoặc có ít vốn cũng đồng nghĩa với việc gặp nhiều khó khăn khi tiến hành kinh doanh.
* Quyết định khả năng cạnh tranh của Ngân hàng thương mại
Những NHTM có quy mô lớn, trình độ nghiệp vụ của đội ngũ nhân viên cao cũng như trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại là tiền đề quan trọng cho việc thu hút vốn. Đồng thời khả năng vốn lớn là điều kiện thuận lợi đối với NHTM trong việc mở rộng trong quan hệ tín dụng với các tổ chức kinh tế xã hội trong nền kinh tế. Khi đó, NHTM sẽ thu hút được ngày càng nhiều khách hàng đến với mình, kết quả là doanh số hoạt động sẽ tăng lên nhanh chóng và NHTM sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong kinh doanh. Mặt khác, vốn lớn sẽ giúp cho NHTM có đủ khả năng tài chính để kinh doanh đa năng trên thị trường, mở rộng các lĩnh vực kinh doanh như:
Kinh doanh chứng khoán, kinh doanh dịch vụ thuê mua và chính các hình thức kinh doanh đa dạng này đã góp phần phân tán, giảm thiểu rủi ro, tạo thêm vốn cũng như tăng sức cạnh tranh cho NHTM trên thị trường.
* Đảm bảo khả năng thanh toán và uy tín của Ngân hàng thương mại Trong hoạt động ngân hàng, uy tín có thể nói là yếu tố quan trọng, quyết định trực tiếp đến sự sống còn của NHTM. Uy tín của NHTM trong kinh doanh được thể hiện trước hết ở khả năng sẵn sàng thanh toán chi trả cho khách hàng. Khả năng thanh toán chi trả của NHTM càng cao thì uy tín cũng như vốn khả dụng của ngân hàng càng lớn.
Như vậy, với khả năng cung ứng vốn lớn, các NHTM có thể tiến hành hoạt động kinh doanh với quy mô ngày càng mở rộng, cạnh tranh có hiệu quả nhưng
đồng thời lại giữ được chữ tín và nâng cao danh tiếng của mình.
* Quyết định quy mô hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại NHTM có vốn lớn thường có khoản mục đầu tư và cho vay đa dạng hơn rất nhiều so với những NHTM có quy mô vốn nhỏ, phạm vi và khối lượng cho vay của các NHTM này cũng lớn hơn. Vì vậy, khi khả năng vốn của NHTM dồi dào thì chắc chắn sẽ mở rộng và đáp ứng được nhu cầu vay vốn, có điều kiện để mở rộng thị trường tín dụng, tăng đều khả năng thanh toán và dịch vụ Ngân hàng.
* Nguồn vốn huy động còn ảnh hưởng tới kết quả hoạt động kinh doanh của Ngân hàng thương mại
Nguồn vốn huy động có ảnh hưởng lớn tới kết quả kinh doanh kinh doanh của NHTM. Cụ thể, nếu ngân hàng huy động được nguồn vốn dồi dào với chi phí thấp nó có thể mở rộng được tín dụng đầu tư, thu được lợi nhuận cao và ngược lại. Chi phí huy động vốn của NHTM liên quan chặt chẽ với lãi suất tiền gửi, lãi suất tiền gửi tiết kiệm các loại và lãi suất các công cụ nợ do ngân hàng phát hành.
Bản chất của NHTM là đi vay để cho vay hay nguồn vốn NHTM huy động được lại là nguồn vốn để các doanh nghiệp khác đi vay nên công tác HĐV càng có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Do vậy công tác huy động vốn là một mảng hoạt động lớn của các NHTM và nó quyết định rất lớn đến thành công hay thất bại trong kinh doanh của ngân hàng.
c. Đối với khách hàng gửi tiền
Người gửi tiền tại các ngân hàng có thể là các cá nhân, các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Tuỳ theo nhu cầu khác nhau mà mục đích gửi tiền của các khách hàng cũng khác nhau. Huy động vốn có vai trò:
- Hình thành nên một kênh tiết kiệm và đầu tư nhằm làm cho tiền của họ sinh lời, tạo cơ hội cho họ có thể gia tăng tiêu dùng trong tương lai.
- Cung cấp cho khách hàng một nơi an toàn để họ cất giữ và tích luỹ vốn tạm thời nhàn rỗi.
- Gián tiếp giúp cho khách hàng có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ khác của ngân hàng, đặc biệt là dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt và các dịch vụ tín
dụng khách hàng cần vốn cho sản xuất kinh doanh hay cần tiền cho tiêu dùng.
1.2. CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HIỆU QUẢ HUY ĐỘNG VỐN