CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG HUY ĐỘNG VỐN TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN QUÂN ĐỘI
2.1.1. Sơ lược quá trình hình thành, phát triển và cơ cấu tổ chức của ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội
Trong những năm đầu thập kỷ 90, nhu cầu vốn cho các hoạt động kinh tế quốc phòng nhằm thực hiện các công trình quốc phòng, dự án quốc gia ….của các doanh nghiệp Quân đội là rất lớn. Tuy nhiên, việc đáp ứng nhu cầu các doanh nghiệp này của các ngân hàng rất hạn chế. Do vậy, xuất hiện nhu cầu thành lập một Ngân hàng Quân đội. Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) được thành lập vào năm 1994, theo giấy phép số 00374/GP-UB của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Ngày 4/11/1994, MB chính thức đi vào hoạt động theo giấy phép số 0054/NH-GP của Ngân hàng nhà nước Việt nam, với thời gian hoạt động là 50 năm. Trụ sở chính của MB ở tại Số 3 đường Liễu Giai, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. 16 năm hình thành và phát triển là 16 năm MB khẳng định vị trí và tên tuổi của mình trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, liên tục được NHNN đánh giá loại A và dành được nhiều giải thưởng quan trọng trong và ngoài nước do Citi Group, Standard Chartered Group và nhiều tập đoàn quốc tế khác trao tặng.
Với phương châm luôn mang lại những sản phẩm dịch vụ tiện ích, đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng, MB đã cung cấp cho khách hàng một danh mục sản phẩm dịch vụ tương đối đa dạng bao gồm:
- Huy động vốn từ doanh nghiệp, tổ chức, dân cư: tiền gửi thanh toán, tiền gửi tiết kiệm và tài khoản tiền gửi cá nhân của doanh nghiệp;
- Hoạt động tín dụng - bảo lãnh: cung cấp cho khách hàng một dòng sản phẩm tín dụng rất đa dạng và phong phú bao gồm: cho vay vốn ngắn, trung, dài hạn bằng VND và ngoại tệ. Dịch vụ bảo lãnh bao gồm bảo lãnh vay vốn, bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh dự thầu và bảo lãnh thực hiện hợp đồng;
- Thanh toán quốc tế, tài trợ xuất khẩu: với mạng lưới gần 700 ngân hàng đại lý tại 75 quốc gia trên thế giới Ngân hàng TMCP Quân đội cung cấp một cách nhanh chóng và an toàn cho khách hàng những sản phẩm dịch vụ theo tiêu chẩn quốc tế.
Ngoài ra, còn các dịch vụ khác như kinh doanh ngoại tệ, kinh doanh chứng khoán; đầu tư góp vốn; dịch vụ thẻ; phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại như mobile banking, internetbanking….
MB liên tục mở rộng các mạng lưới hoạt động. Tính đến 31/12/2010, MB có 1 Hội sở trụ sở chính, 1 Sở giao dịch, 1 Chi nhánh tại Lào và 138 chi nhánh và Các điểm giao dịch, 334 máy ATM, 1849 máy POS phân bổ ở 24 tỉnh thành có kinh tế phát triển trên khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam giúp MB có thể tiếp cận và cung cấp các dịch vụ tài chính của mình nhanh và thuận tiện cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.
MB có một hệ thống các công ty con khá đa dạng, tạo thế mạnh để MB có thể kinh doanh ỏ nhiều lĩnh vực khác nhau, đa dạng hoá hoạt động để tiến tới mô hình tập đoàn MB, bao gồm: Công ty cổ phần chứng khoán Thăng Long, Công ty Cổ phần quản lý Quỹ Đầu tư MB, Công ty TNHH Quản lý Nợ và Khai thác Tài sản Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân Đội, Công ty Cồ phần Địa ốc MB, Công ty cổ phần Việt R.E.M.A.X.. MB đã ký kết hợp tác với nhiều đối tác lớn, là các tập đoàn, tổng công ty như VFF, Vinaconex, AKA, PVD, HAFIC, CMC, EVN, SSG, Sông Đà Thăng Long, Bank of New York Melon, Western Union, Học viện ngân hàng; MB đã ký hợp tác với Kho Bạc Nhà nước Trung Uơng và Tổng cục Hải quan về thu hộ Ngân sách Nhà nước.
Hiện đại hoá hệ thống công nghệ thông tin là một trong những ưu tiên của MB, nhằm tăng sức cạnh tranh và hơn thế là mang lại cho khách hàng những dịch vụ và tiện ích NH tốt nhất. Giải pháp của Temenos cũng là sự lựa chọn của MB và một số ngân hàng hàng đầu, có chiến lược đầu tư bài bản vào lĩnh vực công nghệ thông tin. Trải qua 16 năm hoạt động, MB đang ngày càng phát triển và khẳng định uy tín của mình trên thị trường, đặc biệt là trong giai đoạn cơn bão khủng hoảng kinh tế trên thế giới và Việt Nam năm 2008, hướng tới mục tiêu trở thành ngân hàng cổ phần hàng đầu ở Việt Nam trong các mảng thị trường lựa chọn tại các khu vực đô thị lớn.
Bộ máy tổ chức của Ngân hàng được xây dựng theo chiến lược của Hội đồng Quản trị và thay đổi, cải tiến cho phù hợp với từng thời kỳ. Theo đó, năm 2008 Ngân hàng TMCP Quân đội tiến hành tổ chức lại các khối, cơ quan hội sở, các chi nhánh, phòng giao dịch theo mô hình tổ chức mới, theo chiến lược phát triển Ngân hàng TMCP Quân đội giai đoạn 2008- 2012. Cơ cấu tổ chức nhằm khai thác hiệu quả các
nguồn lực theo định hướng tập trung vào khách hàng, phát triển hoạt động bán hàng và các dịch vụ ưu việt, xây dựng văn hóa quản trị rủi ro.