4.2.1. Triệu chứng cơ năng
Triệu chứng khởi phát là triệu chứng xuất hiện đầu tiên trên bệnh nhân.
Trong hầu hết các trường hợp thì triệu chứng khởi phát là các dấu hiệu lâm sàng gián tiếp do đường rò bị viêm nhiễm hoặc do chảy mủ, đó là các triệu chứng: viêm tấy vùng sau tai hoặc ở phần cao vùng cổ bên , chảy mủ ra ngoài hoặc chảy tai.
Dấu hiệu thường gặp nhất xuất hiện đầu tiên trên bệnh nhân là viêm tấy đường rò, chiếm 90,32% trường hợp, kết quả này cũng tương tự như trong nghiên cứu của Lê Minh Kỳ (2000) [3] là 84,62%, trong thực tế lâm sàng triệu chứng này thường bị nhầm lẫn với u bã đậu sau tai, thậm chí cá biệt có trường hợp được chẩn đoán nhầm với viêm tai xương chũm xuất ngoại nếu như bệnh nhân có kèm theo chảy mủ ống tai ngoài.
Các dấu hiệu chảy dịch rò ra ngoài và chảy tai chiếm tỷ lệ ít hơn đáng kể, lần lượt là 41,93% và 25,81%.
Rò mang I là một dị tật bẩm sinh. Tuy vậy, chúng tôi không gặp một trường hợp nào được phát hiện và chẩn đoán do có một lỗ rò tự nhiên ra ngoài mà chưa có biểu hiện viêm nhiễm. Điều này có thể được giải thích bên cạnh việc chưa quan tâm đúng mức sức khỏe của bản thân bệnh nhân,
thì việc các bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng cũng chưa có hiểu biết đầy đủ về dị tật này để có thể tư vấn, chẩn đoán và điều trị một cách đúng đắn cho bệnh nhân để tránh những biến chứng đáng tiếc cũng như làm phức tạp thêm cho quá trình phẫu thuật.
4.2.2. Triệu chứng thực thể
Trong thời gian nghiên cứu, hầu hết các bệnh nhân đến với chúng tôi là ngoài giai đoạn viêm nhiễm do đã được điều trị nội khoa để chuẩn bị cho phẫu thuật nên các triệu chứng cơ năng cũng như thực thể hầu như đã giảm, triệu chứng chủ yếu của giai đoạn này là của lỗ rò.
4.2.2.1. Biểu hiện của lỗ rò ra ngoài:
Chúng tôi nhận thấy có 80,65% trường hợp có rò ra ngoài da, tuy nhiên trong số này chỉ có 20% là lỗ rò nguyên phát, còn lại 80% là các lỗ rò thứ phát do quá trình viêm làm vỡ mủ đường rò ra ngoài hoặc do chích rạch, các lỗ rò này bị bít lấp hoàn toàn bởi các tổ chức xơ sẹo và biểu bì da ngay sau khi hết viêm, tạo nên những khối xơ sẹo vùng quanh tai. Còn lại là 19,45% trường hợp không có rò ra ngoài da, có thể chỉ biểu hiện là một khối nề hoặc hoàn toàn bình thường.
So sánh về đặc điểm này với đặc điểm bệnh báo cáo của các tác giả nước ngoài [17,18] thì thấy tỷ lệ các lỗ rò thứ phát thường thấp hơn khá nhiều do các trường hợp nang và đường rò không có lỗ rò ra ngoài thường được chẩn đoán sớm và phẫu thuật sau vài lần viêm nhiễm. Điều này có thể giải thích do điều kiện y tế ở Việt Nam, thường quá trình bệnh lý đã tiến triển trong một thời gian dài. Hiện tượng viêm tái phát nhiều lần làm cho đường rò vỡ ra ngoài để tạo nên một lỗ rò thứ phát mở ra ngoài da. Lỗ rò này sau một thời gian sẽ bị bít lấp lại bởi tổ chức xơ tạo thành khối viêm
xơ hoặc một vết sẹo nhỏ trên da, cho đến một lúc nào đó, túi rò lại tích tụ dịch và nhiễm khuẩn , bệnh sẽ lại tái phát trở lại.
4.2.2.2. Vị trí lỗ rò bên ngoài
Trong số các bệnh nhân của chúng tôi: có 80,65% trường hợp có rò ra ngoài, phần lớn trong số này là lỗ rò thứ phát do vỡ mủ hoặc được chích tháo mủ và một số là nguyên phát từ lúc mới sinh.
Lỗ rò hay gặp nhất ở vùng phía sau thùy dái tai, với 68% trường hợp, có hai trường hợp lỗ rò vùng mỏm xương chũm và một trường hợp lỗ rò vùng trước tai. Chúng tôi cũng ghi nhận có 5 trường hợp lỗ rò bên ngoài ở phần cao của cổ trong tam giác Poncet, không gặp lỗ rò ở vùng gần xương móng. Sự phân bố vị trí lỗ rò bên ngoài trong nghiên cứu của chúng tôi có sự khác biệt với một số tác giả khác. Theo Olsen và Triglia, vị trí lỗ rò có thể gặp ở sau tai, mỏm chũm, góc hàm hay gần xương móng song số trường hợp có lỗ rò ở góc hàm chiếm cao nhất (57,9% và 50%) và cả hai tác giả đều không gặp lỗ rò ở vị trí trước tai. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của Walter lại cho thấy vị trí sau tai là hay gặp nhất (33%), thứ đến là ở mỏ chũm (22,2%); các vị trí khác như trước tai, góc hàm và gần xương móng đều có tỷ lệ khoảng 10%.
Tỷ lệ lỗ rò vùng sau tai và trong vùng tam giác Poncet chiếm phần lớn các trường hợp có ý nghĩa định hướng cho các nhà lâm sàng trong chẩn đoán dị tật. Tuy vậy, sự biểu hiện của nang và rò khe mang I rất đa dạng, đã có nhiều cách mô tả về biểu hiện của bệnh, nhưng cho đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu nào giúp phân định cho tất cả biểu hiện của loại nang và rũ khe mang I một cỏch rừ ràng, toàn diện.
4.2.2.3. Lỗ rò ống tai ngoài
Có 8 / 31 trường hợp được phát hiện có lỗ rò ống tai ngoài, chiếm 25,81%. Lê Minh Kỳ (2002) gặp 9 / 11 bệnh nhân có lỗ rò ống tai ngoài.
Nói chung, triệu chứng lỗ rò bên trong ống tai là rất khó phát hiện, vì nó thường không biểu hiện triệu chứng khiến bệnh nhân đến khám trừ khi nó có chảy mủ ống tai ra ngoài. Ngay cả khi bệnh nhân đến với thầy thuốc thì việc phát hiện lỗ rò trong ống tai cũng không phải dễ dàng bởi lỗ rò này rất nhỏ và thường được bít lấp bởi các tổ chức hạt nên càng khó phát hiện.
Ngày nay với tính ứng dụng và sự phổ biến của máy nội soi tai mũi họng thì việc tìm ra các lỗ rò đã trở nên dễ hơn so với việc soi tai qua đèn trán thông thường.
Về mối liên quan giữa loại đường rò theo phân loại của Work (1972) [29] và triệu chứng rò ống tai ngoài thì thấy tỷ lệ rò ống tai ngoài ở đường rò loại 2 cao hơn rất nhiều so với ở đường rò loại 1, (với X2=9,04; OR=
12,42; p=0,0027). Điều này cũng phù hợp với phân loại của Work [32]:
các đường rò loại 1 thường kết thúc bằng một túi cùng ở trước tai, trong khi loại 2 thường gặp ống rò mở vào ống tai ngoài, chỗ nối giữa phần xương và sụn ống tai ngoài.
4.2.2.4 Hình thái ống rò
Chúng tôi phân chia hình thái ống rò theo cách phân loại được Olsen[23] đề xuất năm 1980. Ông chia hình thái của rò khe mang I ra thành 3 dạng: dạng nang (cysts); dạng lỗ rò (sinus tracts) là dạng ống rò (fistulous tracts).
Cách phân loại này của Olsen được các nhà lâm sàng đón nhận và ứng dụng vì nó đơn giản và góp phần vào việc tiên lượng, định hướng trước phẫu thuật.
Kết quả của chúng tôi cho thấy hình thái đường rò dạng nang chiếm ưu thế với 48,39%, điều này có sự khác biệt với các nghiên cứu của các tác giả nước ngoài đã thực hiện cũng như tỷ lệ lý thuyết được y văn mô tả [30]: cho thấy tỷ lệ đường rò dạng lỗ rò (sinuses) thường cao hơn gấp đôi so với các đường rò dạng nang (cysts) hay dạng ống rò (fistulas).
Bên cạnh đó, đường rò dạng ống rò (fistulas) trong nghiên cứu của chúng tôi chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ có 3 trường hợp chiếm 9,68%.
Đường rò dạng nang có xu hướng biểu hiện muộn hơn, 8 trong số 12 bệnh nhân có tuổi khởi phát trên 10 tuổi là các trường hợp đường rò dạng nang. Trong khi đó, các đường rò dạng lỗ rò hay ống rò xuất hiện sớm hơn ở trẻ em. Điều này có thể giải thích do các lỗ rò thông với bên ngoài dễ bị nhiễm khuẩn hơn các nang và sự biểu hiện của nó cũng dễ làm bệnh nhân và thầy thuốc chú ý hơn.