Nhà nho trong cuộc sống gia đình (cha mẹ, vợ con)

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hình ảnh nho học trong sáng tác của ngô tất tố (lều chõng) và chu thiên (bút nghiên, nhà nho) (Trang 78 - 83)

6. Cấu trúc của luận văn

3.3. Nhà nho trong cuộc sống gia đình (cha mẹ, vợ con)

“Nho giáo rất coi trọng gia đình, thậm chí hình dung cả xã hội, cả vũ trụ theo mẫu hình gia đình. Cả quan hệ nhà nước đối với dân cũng được coi là một quan hệ giữa cha với con (vua quan là cha mẹ dân)” [27, tr.145].

Trong gia đình Nho giáo, mối quan hệ giữa các thành viên bị chi phối mạnh mẽ bởi yếu tố lễ giáo. Sự chuẩn mực trong quan hệ ứng xử đến từ việc xác lập ngôi thứ trên dưới, trước sau, cách xưng hô, lời nói cũng như nhiều nghi thức mang tính khuôn khép. Đây là cảnh buổi sáng ở nhà quan Hoàng giáp:

“ - Ông ạ! Thưa ông ngủ được ngon giấc?

- Vâng tôi vẫn như thường. Bà mày hôm qua thế nào? Có trằn trọc không?

- Dạ! Tôi nhớ Trời dung Phật độ vẫn còn ăn được ngủ được như sấm.

Bà Bá cười:

- Ấy thế là tốt. Người ta chỉ mong được như vậy.

Quan Án vui vẻ nói:

- Để tôi ngó xem mẹ dậy chưa chúng ta vào thăm.

Ngài khẽ đi lại cửa buồng thông ra ngoài thò đầu vào.

… Tiếng bà cụ ở trong màn hỏi ra:

- Ai?

- Thưa mẹ, con đây ạ!

Nói rồi ngài quay ra bảo hai bà cùng vào. Ngài bưng ấm chè vừa pha, bà Án bưng chén chè uống vừa rót đang bốc khói lên ngùn ngụt, còn bà Bá hai tay bưng chậu thau nước đầy mà một tên gia đinh vừa đưa lên. Quan Án nói:

- Chúng con vừa dậy, vội rủ nhau vào thăm mẹ, xem hôm qua mẹ ngủ có ngon giấc không ạ! Rước mẹ lấy nước súc miệng rồi rửa mặt ạ.

[57, tr.68]

Một buổi sáng bình thường, không vào dịp lễ tết, giữa những người thiết thân (mẹ-con, vợ-chồng, em trai-chị gái) là cách giao tiếp đầy phép tắc, ít có trong các gia đình bình dân. Phép tắc trong ứng xử cũng còn thể hiện ở quan niệm về quyền của bậc gia trưởng (người đàn ông) mà tình huống gả Tuyết – con gái út của quan Án cho khóa Tuấn trước giờ phút lâm chung của quan Án là một ví dụ. Người mẹ dù đã nóng lòng về chuyện gả chồng cho cô con gái út linh lợi hơn người nhưng “Việc trăm năm con trẻ là việc quan hệ, tôi không dám quyết, cái ấy tuỳ ở ông cháu” [57, tr.242]. Toàn bộ cảnh sinh hoạt trong gia đình quan Án, dù khi ngài đương quan hay hưu quan ở làng quê đều toát lên sự đầm ấm, tôn ti và gia trưởng. Nhà nho là một hình ảnh điển hình về nếp sống của một gia đình Nho gia vinh hiển, khuôn thước.

Trước hết là chữ hiếu - được cho là căn cốt nhất của đạo làm người. Trong Nhà

nho độc giả nhiều lần được kiểm chứng điều này. Phan Kế Bính khẳng định: “sự hiếu với cha mẹ là mối luân thường rất lớn, làm đầu trăm nết hay của con người… Hiếu là biết kính trọng thương mến cha mẹ, biết vâng lời cha mẹ, biết phụng dưỡng cha mẹ.

Tục thường cho khi cha mẹ còn không nên đi xa, sợ không được thừa hoan dưới gối cha mẹ”.

[4, tr.23].

Cảnh miêu tả buổi sáng nhà quan Án, dẫn ở trên, được coi là hình ảnh êm ấm hoà mục trong một gia đình Nho giáo vì ngoài những chi tiết về tình anh em hoà thuận, vợ chồng tương kính thì nó còn tiết lộ nhiều điều về chữ hiếu. Đó là thái độ phụng dưỡng mẹ già chu đáo mỗi buổi mỗi ngày của các con, dù là trai hay là gái hay dâu con, dù tuổi còn trẻ hay đã về già, dù địa vị cao hay thấp. Thêm nữa, để dẫn giải cảnh đó, tác giả Chu Thiên còn cho biết đó cảnh diễn ra tại nơi trị nhậm của quan Án.

Được bổ dụng chức ở nơi xa, quan đã đưa theo mẹ già để tiện chăm sóc, thăm hỏi hàng ngày, quyết không lơ là chữ hiếu.

Một thời điểm nữa để chữ hiếu được thể hiện, đó là khi cha mẹ trăm tuổi. Là người mẫu mực về thanh liêm, “lạc đạo vong bần”, ông đồ Tạo cũng trở thành hình

mẫu về ứng xử của một hiếu tử khi cư tang mẹ. Đó là cảnh đáp lễ người đến viếng đầy nghiêm cẩn của ông đồ:

“… bước vào chiếu, chàng nghiêm trang lễ bốn lễ trước bàn thờ. Ông đồ chống gậy, khom lưng đứng ngoài đất, ở bên phải, lễ đáp lại hai lễ. Chằng vái trước bàn thờ rồi quay lại vái một vái tạ ông đồ, lúc ấy ông quay đầu vào bàn thờ để tránh. Chàng nhẹ nhàng đi lùi ra ngoài. Ông đồ vẫn khom lưng đi vào vách, tựa gậy, và nhấc mũ

chuối để lên bàn thờ, rồi đi vòng ra” [57, tr.82] cũng như quan niệm cư tang vô cùng cẩn trọng của ông đồ Tạo: “có tang cha mẹ, không được ngồi giường cao, ăn mâm đầy, dùng đũa son bát sứ” [57, tr.83]. Tương tự, tận tâm phụng dưỡng mẹ ra sao lúc còn tại thế thì khi mẹ qua đời, quan Án cũng cư tang hết sức trang nghiêm kính cẩn:

“Xong ba năm, hai mươi bảy tháng tang cụ cố bà, xong cả ba tháng Đờm rồi, theo đúng như trong sách Thọ mai gia lễ, quan Hoàng Giáp Thịnh Hậu, đã được uống rượu, ăn thịt và nằm giường cao, chiếu sạch mà không còn ai chê cười là trái đạo hiếu nữa. Ngài thương nhớ mẹ già lắm, nỗi buồn còn thấm thía trong lòng, biết thủa nào khuây, cho nên những nghi thức bề ngoài để đánh dấu lấy lòng hiếu ở kẻ làm con mà cố nhân đã định lệ ra, ngài đều theo giữ được cả và có khi vượt cả mọi lề thói ấy về sự kham khổ, bó buộc, về sự cẩn thận chặt chẽ với mình. Cái lòng hiếu nên kín ở tận thâm tâm hòa với cái vỏ hiếu buồn nản bộc lộ ở ngoài để làm cho thế nhân thành thật cảm phục, đã mến ngài lại càng mến thêm, đã sợ ngài rồi còn phải sợ nữa. Họ sợ ở lòng trung trực hiếu nghĩa của ngài, càng rực rỡ sáng tỏ như muôn đạo hào quang.

Thật là bất cứ lúc nào, địa vị nào, tính thế nào, hoàn cảnh nào, ngài cũng cho là cái tên thẳng tắp, cái gương chói lọi cho mọi người. Thật là chí hiếu động trời…” [57, tr.234]

Chữ hiếu cũng còn ở cảnh các con trai gái (ông Phủ, ông Nghè, cô Tuyết) của quan Án đối đãi và bộc lộ tình cảm với ông phút lâm chung: “Lúc này chúng con không thể nào vui lấy một mình được… Vậy con xin thầy hãy cho con ở nhà hầu thầy mẹ cho hết đạo làm con” [57,tr.256].

Vai trò bậc gia trưởng của nhà nho trong gia đình còn thể hiện ở trách nhiệm với con cháu. Quan Án cũng có mặt ở với bổn phận này, như một người cha người ông nghiêm từ. “Thứ là con trai đầu của cậu Nghè hai, mới lên sáu tuổi mà học rất thông minh, quan Hoàng yêu lắm, đi đâu cũng cho theo” [57, tr.196]. Và những lời căn dặn

của ông trước phút lâm chung với vợ và hai con trai để gửi gắm việc chăm sóc cô con gái út mà ông coi là bổn phận dở dang của mình: “Hai bà phải yêu thương vợ chồng con Tuyết… Hai anh phải quý trọng vợ chồng con Tuyết… Thầy mừng… Chết vui!”

[57, tr.259] cho thấy tình thương yêu vô bờ bến của người cha dành cho con.

Về quan hệ vợ chồng, Nho giỏo thể hiện rừ tớnh chất nam quyền gia trưởng, như đã nói ở trên. “Phu xướng phụ tùy” và “tương kính như tân”, “sắt cầm hoà hợp” là hình ảnh đẹp về mối quan hệ phu thê, theo Nho giáo. Chúng ta có thể hiểu những điều này qua lá thư quan Hoàng giáp viết gửi vợ (bà Hai) khi ngài nhậm chức xa quê:

“trên tờ giấy màu hồng in con chim sẻ đậu cành trúc thẫm hơn, múa mang những dòng chữ tươi như hoa, đều như gấm, lời lẽ bay bổng, hoa mĩ: “Gió thu mát, nước thu trong, trăng thu đẹp, đối cảnh thu, ta ở ngoài nghìn dặm chạnh nhớ tới hiền thiếp nơi quê một mình gánh vác bao công việc. Ở ngoài này, chốn cầm đường tuy bận việc mà nhà linh ngữ vẫn vắng không”.

[57, tr.54]

Dù lời lẽ khá khuôn sáo nhưng ý tình thì rất mặn mà, cùng với trích đoạn ở trên về cảnh nhà quan Án, đều minh chứng cho quan hệ phu thê theo đúng chuẩn mực nho gia. Quan niệm này đã để lại ảnh hưởng trong giấc mơ của chàng nho sinh Tuấn - môn sinh của quan Hoàng giáp - về một gia đình trong tương lai:

“Chàng phác họa ra một cảnh đoàn viên đầy lạc thú, cực kỳ êm đẹp… Chàng sẽ là một tay văn chương lỗi lạc, thiên hạ lừng danh, đem tài kinh luân ra giúp vua trị nước, vỗ về trăm họ, đem yên vui lại cho lê dân… Tuyết sẽ là một bực tuyệt thế giai nhân, … vững dạ kiên trinh, giàu lòng đởm lược, lấy đức hạnh giữ gìn đạo vợ, đem tài năng giúp đỡ chồng con, đáng làm nghi tắc cho cả thiên hạ… Lúc nhàn rỗi, hai vợ chồng cùng dạo quanh ngắm cảnh, cùng tin nhau, cùng hiểu nhau, cùng bàn bạc, cùng giúp đỡ nhau để làm nên sự nghiệp. Thiên hạ thế nhân đều phải phục khen: “chồng ấy phải có vợ ấy”.

[57, tr.325]

Một hình ảnh phản diện của đạo vợ chồng trong nếp sống nhà nho là câu chuyện nghè Tiến sinh lòng bội bạc người vợ tao khang đã bị quan Án cùng môn sinh kéo đến trừng phạt. Đây là lời luận tội:

“Vợ chịu khó đầu tắt mặt tối, hai sương một nắng,nhịn đối nhịn khát để nuôi chồng ăn học, ngày nay mở mày mở mặt lại chực phụ nó. Anh có biết chuyện Tống Hoàng không?.. Những người hiếu nghĩa như thế mới mong làm nên sự nghiệp, lưu danh về sau. Đằng này, mới mát mặt được một tí đã chực giở trò bất nghĩa,… bỏ cả chữ thánh hiền. Cái ngữ này, anh chỉ ăn hại cơm trời uống hại nước sông, làm bẩn lây đến cả chữ nghĩa chứ cũng chẳng ra trò trống gì đâu!”.

[57, tr.228]

và kết tội của quan Án:

“Đạo vợ chồng nghĩa nặng tình dày, nhất là chị ấy lại là con người hiền đức, thế mà anh thân danh đỗ tiến sĩ còn phạm tội bất nghĩa với vợ, không trị anh thì còn dạy ai nữa (…) Nay, trước mặt tôi đây, anh phải đứng lên lễ tạ chị ấy hai lậy và xin cam đoan từ rày phải ăn ở với nhau hoà thuận…”

[57, tr.230]

Cuối cùng, nghè Tiến bị phạt roi: “roi thứ nhất bảo ánh ấy nhớ đạo thánh hiền, roi thứ nhì gỡ lại thanh danh cho trường ta, roi thứ ba rửa nhục cho khoa giáp” [57, tr.231].

Thậm chí quan còn khiển trách cả các bậc trưởng thượng trong gia tộc đã dung túng cho kẻ bất nghĩa “các ông cứ rộng rãi thế, chả trách nó lờn được” [57, tr.231]. Rồi trước khi rời đi, ông để lại lời cảnh cáo: “còn lôi thôi mà hại đến phong thể nhà nho nữa thì đừng trách. Cả sĩ lâm Bắc Hà này sẽ sửa tội cho anh” [57, tr.231]. Xây dựng nhân vật quan Án thành tấm gương sáng trong bổn phận làm con làm cha làm chồng và thái độ nghiêm khắc như vậy cho thấy tác giả Chu Thiên hết lòng cổ vũ cho quan niệm đạo đức này.

Như vậy, gia đình là một trong những yếu tố cơ bản để nhìn vào đó đánh giá lối sống của một nhà nho. Trong góc nhìn của các tác giả, bậc chân nho, dù còn nhập thế hay đã lui về ở ẩn, dù cơ ngơi đồ sộ hay nếp nhà lá đơn sơ, dù có kẻ hầu người hạ hay vẫn phải chân lấm tay bùn thì nhà nho vẫn cố gắng giữ gìn sự mực thước trong nếp sống gia đình. Quan niệm này đặc biệt đậm nét trong tác phẩm của Chu Thiên.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hình ảnh nho học trong sáng tác của ngô tất tố (lều chõng) và chu thiên (bút nghiên, nhà nho) (Trang 78 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)