Nho học được ươm mầm ở nước ta từ trước công nguyên, trong đó, nó chính thức được định hình từ thời nhà Lý với những khoa thi đầu tiên. Trải qua nhiều lần chỉnh đốn, cải cách không thể phủ nhận rằng nền giáo dục ấy đã có những thành tựu lớn và mang nhiều yếu tố hợp lý. Chế độ khoa cử biểu hiện tích cực ở một số khía cạnh mà ba tác phẩm Bút nghiên, Nhà nho, Lều chõng đều ít nhiều phản ánh:
- Mang trọng trách thiêng liêng đối với quốc gia, triều đình và vận mệnh mỗi con người. Nó góp phần đào tạo và chọn lọc hệ thống nhân tài cho đất nước, nắm giữ những nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của nước nhà. Khoa cử kén người trọng Ðức hơn trọng Tài. Với mục đích ấy, các khảo quan chấm thi tránh lấy đỗ những người quá trẻ sợ gây cho người đỗ tính kiêu căng, ích kỷ, không ích gì cho nhân quần xã hội. Dựng bia Tiến sĩ để nêu danh muôn thuở những người biết giữ gìn khí tiết, phẩm hạnh, đem sở học ra giúp nước là một cách khuyến khích người đi học và người đậu đạt phụng sự quốc gia xã tắc.
- Một nền khoa cử mang tinh thần nghiêm cẩn: Sự tham gia của triều đình đối với kỳ thi cũng cho thấy sự nghiêm túc và tinh thần coi trọng sự kiện tuyển chọn nhân tài từ phía những người đứng đầu. Vòng thi đình, nhà vua thậm chí còn trực tiếp ra đề, đối thoại với thí sinh và có những chế độ đãi ngộ chu đáo trong khi làm bài và sau khi thi xong.
- Một nền khoa cử công bằng trong chừng mực nhất định: Trong quy tắc khoa cử, không có những biệt đãi dành cho tầng lớp cao trong xã hội. Mặc dù, ở mỗi bài
làm, luôn có mục “lý lịch” buộc thí sinh phải khai rõ, song không phải vì thế mà có sự phân biệt. Kết quả của kỳ thi phần lớn phụ thuộc vào bài làm của thí sinh, sự tác động bên ngoài rất hiếm xảy ra, và nếu bị phát hiện, cả thí sinh và những người liên đời (nhất là giám khảo, quan trường) đều bị xử lý nghiêm khắc. Nói về điều này, nhà nghiên cứu khoa cử Nho học Nguyễn Thị Chân Quỳnh đã có những so sánh với châu Âu: Ở châu Âu xưa kia từng lớp lãnh đạo thường căn cứ trên sự thế truyền và tài sản, đến thế kỷ 18 mới biết kén người một cách công bằng qua thi cử, do ảnh hưởng các giáo sĩ dòng Tên đã sống và am hiểu tổ chức xã hội Trung Quốc. Khoa cử chọn người hiền tài không phân biệt sang hèn. Mỗi khoa thi đều có trưng biển nêu rõ ý nghĩa, mục đích : "Phụng chỉ cầu hiền", "Tuyển hiền trạch năng". Phép thi tổ chức nghiêm mật để tránh những chuyện gian lận, tư túi. Toàn quyền Paul Doumer tỏ vẻ ngạc nhiên thấy con quan cũng bị đánh hỏng dù bài làm chỉ hơi thua kém một thí sinh con nhà thường dân không quyền thế mà được lấy đỗ. Chế độ Khoa cử không những công bằng hơn chế độ cha truyền con nối, mà cũng công bằng hơn chế độ Bảo cử vì những người đứng ra bảo cử có khi vị tình riêng tiến cử bà con, bạn bè” [46].
Tuy nhiên, càng về sau, lối thi Nho học càng bộc lộ những khiếm khuyết và nhược điểm khó khắc phục, đó là: 1/ Giáo điều, khuôn sáo, triệt tiêu sự sáng tạo, thậm chí nghiệt ngã (như việc kỵ huý); 2/ Cách thức tổ chức kỳ thi nặng nề; 3/ Không tránh hết được những sự bất công: Những người có ông cha ba đời trước làm phản, trộm cướp hay thuộc loại "xướng ca vô loài" đều không được đi thi. Người theo đạo Thiên chúa cũng bị tuyệt đường ứng thí. Theo tư liệu của Nguyễn Thị Chân Quỳnh, thì ngay từ thời nhà Lý, con cháu thợ thuyền, con hát và nô tỳ đều không được ghi tên vào danh sách tuyển cử. Thời nhà Hồ, nhà Lê, hàng quân ngũ cũng không được đi thi, phải đến 1722 những người này mới có quyền dự thí Khảo ở huyện mình sau khi nộp đơn xin phép và trải qua một kỳ sát hach. Nhưng bất công hơn cả là cấm phụ nữ tức là một nửa dân số không được quyền đi thi chỉ vì coi đàn bà cũng như con trẻ không đủ khả năng để bàn chuyện quốc gia đại sự![46]; 4/ Trong khâu chấm thi, cái hạn chế trông thấy rõ lại chất cảm tính. Không ít trường hợp bị đánh trượt bởi lý do thí sinh còn trẻ tuổi nên nhường cho người cao niên, thí sinh quá tài, phải đánh trượt để tránh kiêu ngạo… Việc các quan nhìn nhau, dựa vào ý nhau để chấm cũng thường xuyên diễn ra. Ví dụ, ông
này đã chấm “ưu” thì ông kia chỉ chấm “bình” chứ không dám chấm “liệt” bởi “ưu” và “liệt” là khoảng cách rất xa. Trong Lều chõng, Đào Vân Hạc cũng đã phải cay đắng chịu cánh hỏng thi vì quan chấm xét thấy chàng còn trẻ nhưng đã sớm tỏ ra ưu tú, nên cố tình cho trượt để bản thân bớt kiêu ngạo. Chính vì yếu tố cảm tính đó mà chuyện thi cử được xem là may rủi.
Nhận xét về lề lối thi cử, Chu Thiên đã khẳng định: “Việc thi cử ngày trước nghiêm ngặt và bó buộc người ta như vậy nên kẻ cắp sách đi học muốn cho nên danh phận phải lo việc thi là việc quan trọng nhất đời người, hơn cả những nỗi sinh ly, tử biệt, từ lúc thi hạch đến lúc nộp quyển thi, lúc vào trường, việc gì cũng phải suy định ngẫm nghĩ chu đáo từ lâu, lúc nào cũng chỉ tâm tâm niệm niệm đến đỗ mà thôi” [56, tr.256] còn Ngô Tất Tố thì thẳng thừng lên án: "Lều" "Chõng" vẫn làm chủ vận mệnh của giang sơn cũ kỹ mà người ta vẫn khoe là "bốn nghìn năm văn hiến". Những ông ngồi trong miếu đường làm rường làm cột cho nước nhà, những ông ở nơi tuyền thạch, làm khuôn mẫu cho đạo đức phong hóa, đều ở trong đám lều chõng mà ra. Lều chõng với nước Việt Nam không khác một ông tạo vật, đã chế tạo đủ các hạng người hữu dụng hoặc vô dụng. Chính nó đã làm cho nước Việt Nam trở nên một nước có văn hóa, rồi lại chính nó đã đưa nước Việt Nam đến cõi diệt vong. Vì nó, nước Việt Nam trong một thời kì rất dài đã phát hiện ra nhiều cảnh tượng kỳ quái, có thể khiến cho người ta phải cười, phải khóc, phải rùng rợn hồi hộp” [Lời tựa Lều chõng, 50, tr.3]
Tiểu kết
Gần một thiên niên kỷ tồn tại với tư cách chế độ giáo dục chính thống, Nho học đã để lại dấu ấn đậm nét trên nhiều bình diện xã hội. Nó không chỉ là công cụ truyền bá tư tưởng, mà còn là phương tiện sàng lọc kẻ sĩ và đào tạo nhân tài - rường cột của văn hóa. Đối với mỗi cá nhân trong giai tầng trí thức phong kiến, hành trình chinh phục từng nấc thang Nho học đồng nhất với sứ mệnh cuộc đời, đem lại cho họ niềm hạnh phúc thiêng liêng cũng như những nhọc nhằn, bi kịch. Bằng hiểu biết và những trải nghiệm cuộc đời của chính mình, Ngô Tất Tố, Chu Thiên đã minh họa bức tranh Nho học dưới triều Nguyễn – triều đại phong kiến cuối cùng và cũng là triều đại kết thúc chế độ khoa cử theo tinh thần Nho học ở Việt Nam.
Có thể thấy, nền giáo dục dưới chế độ phong kiến nói chung, giai đoạn cuối thời nhà Nguyễn nói riêng, về cơ bản, vẫn tuân theo mô hình Nho học chính thống từ nội dung chương trình đến hình thức tuyển chọn nhân tài, với mục tiêu đề cao Trí dục và Đức dục theo chuẩn mực Nho giáo.
Để đạt mục đích quan trọng nhất của học là làm quan, hành trình học tập của học trò nho sinh thực sự là một cuộc khổ luyện. Ngoài tính chất khuôn mẫu, hình thức, tầm chương trích cú cố hữu của Nho học Trung Hoa, Nho học ở Việt Nam còn mang màu sắc riêng biệt, đó là sự sùng mộ việc học hành và đậu đạt, bởi “Đó là con đường duy nhất trong xã hội phong kiến nước ta trước đây làm cho họ (kẻ sĩ) thỏa mãn được ước mong, nói một cách văn hoa, lý tưởng là an dân, giúp vua, mà nói một cách thật thà là no ấm, vinh hoa, phú quý” [27, tr.58].
Ba tác phầm Bút nghiên, Nhà nho và Lều chõng cũng là một bức tranh sinh động, vừa hài vừa bi, vừa thấm thía về chế độ khoa cử Việt Nam dưới triều đại phong kiến cuối cùng. Hình ảnh trường thi, các quy tắc thi, giám khảo, thí sinh được các tác giả dựng lên chân thực với nhiều chi tiết ấn tượng. Dễ thấy, dù miêu tả cảnh đi học, đi thi hay thậm chí là cảnh hỏng đi, Chu Thiên cũng cố gắng phủ lên tác phẩm của mình chất lý tưởng, trong khi Ngô Tất Tố có xu hướng miêu tả những tình tiết thực của đời sống khoa cử đầy nghiệt ngã, thậm chí bẽ bàng. Và, nếu như lối viết của Chu Thiên thiên về thuyết minh khảo cứu theo thi pháp trung đại thì Ngô Tất Tố đã bước đầu dựng được tình huống truyện tự nhiên, nhiều chất phản vấn. Nói cách khác, họ đã có thái độ khác nhau và cách kể khác nhau về cùng một câu chuyện.
Chương 3
NẾP SỐNG CỦA NHÀ NHO QUA NGÒI BÚT CỦA NGÔ TẤT TỐ VÀ CHU THIÊN
Như đã trình bày ở Chương 1, vào những năm đầu thế kỷ XX, giới trí thức cựu học - nhà nho - có sự phân hóa mạnh mẽ về tư tưởng, lựa chọn sống và lựa chọn nghề nghiệp. Thực tế, trước khi Hán học bị đẩy dần sang một bên rồi gạt dần khỏi chương trình giáo dục thuộc địa, trước khi cánh cửa khoa cử bị khép lại, đội ngũ này đã có những xáo trộn; nhưng một sự đổi thay chính thức thì quả thực phải từ cuối những năm 1910. Lúc này, một bộ phận nhà nho thu mình lại, giữ đạo, chống lại trật tự xã hội mới, tách mình trước thời cuộc, và tiếc nuối những giá trị “vang bóng một thời”. Trong khi đó, lại có không ít nho sĩ cấp tiến, chủ động “Vứt bút lông đi, giắt bút chì” để hòa nhập thời đại, thậm chí, chịu ảnh hưởng của tư tưởng phương Tây hoặc nhận ra sự lỗi thời của Nho giáo, Nho học, những người này cất tiếng phê phán hệ tư tưởng cũ. Bộ phận thứ ba là lớp người trung dung, nửa sống với đạo thánh hiền, nửa nương theo thời. Thế giới nhân vật trong ba tác phẩm Lều chõng, Bút nghiên, Nhà nho hình thành trong bối cảnh đó. Tuy nhiên, do cả hai nhà văn lại lựa chọn cách “đẩy” thời gian lùi về quá khứ, nên nếp sống của nhà nho được mô tả trong các tác phẩm thuộc về thời kỳ trước khi Pháp xâm lược, với các nhân vật tiêu biểu như: cụ bảng Tiên Kiều, Đào Vân Hạc, Đốc Cung (Lều chõng), ông đồ Tri, ông Nghè Phạm Xá, Nguyễn Đức Tâm (Bút nghiên), quan Hoàng Giáp, quan Huấn, thầy đồ Tạo, khóa Tuấn… (Nhà nho). Và trong ba tác phẩm, sinh hoạt của nhà nho diễn ra trong môi trường nơi nhậm chức và môi trường văn hóa làng xã, trong đó làng xã là chủ yếu.