Nhắc đến quy tắc, lề lối ứng xử trong làng nho, không thể không nói đến quan hệ thầy trò – mối quan hệ vừa có sự gắn bó, thân thiết, vừa có khoảng cách cung kính, trân trọng. Trừ một số trường hợp cá biệt mà vì lý do nào đó, mối quan hệ ấy bị tổn thương (như chuyện anh thầy đồ làng Thịnh Hậu bị cha mẹ học sinh vu oan là trộm cắp, thông dâm với người vợ), còn lại tình cảm thầy trò, dẫu là người thầy khai tâm chốn thôn quê hay quan Nghè dìu dắt học trò đến vòng Đình, vòng Hội, đều rất trân quý.
Chế độ giáo dục quy định chặt chẽ mối quan hệ giữa thầy và trò trong xã hội. Không nhiều (hoặc không có) sách vở, tài liệu học tập; không chia giáo viên theo phân môn, người thầy ngày xưa dường như là người “duy nhất” truyền đạt kiến thức trực tiếp cho trò nên học sinh cũng gần như phụ thuộc hoàn toàn vào kiến thức của thầy. Nhờ có thầy đồ dạy chữ mà học trò mới có thể thi đỗ ra làm quan có địa vị xã hội và có cuộc sống vinh hoa phú quý và mang lại vinh dự cho cả gia đình, dòng họ hay cả làng xã nơi họ sinh ra. Do đó, những học sinh dù có đỗ đạt hơn thầy vẫn biết ơn và kính trọng thầy giáo cũ của mình. Dã sử đã ghi lại nhiều tấm gương thành đạt, làm
quan lớn trong triều đình nhưng trước thầy giáo cũ, kể cả thầy đồ dạy vỡ lòng, vẫn phải cung kính một lòng, tiêu biểu nhất là các học trò của Chu Văn An. Sinh thời, thầy Chu Văn An luôn quan niệm “muốn dạy bảo trò tốt, thầy phải nghiêm, là tấm gương sáng”. Những học trò cũ của ông, dù đã làm đại quan nức tiếng như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, lúc về thăm thầy vẫn khép nép giữ gìn. Những đại thần mũ cao áo dài ở triều Trần vẫn lấy làm vinh dự được quỳ gối bên giường thầy Chu Văn An mỗi khi về thăm thầy. Họ có điều gì chưa đúng phép, ông vẫn nghiêm khắc dạy bảo.
Trong các tác phẩm mà luận văn nghiên cứu, chuyện học trò kính cẩn thầy giáo cũ như vậy không hiếm. Cậu học trò Nguyễn Đức Tâm (Bút nghiên) học hành sáng dạ, đăng khoa hết lần này đến lần khác. Và mỗi lần trở về từ một kỳ thi quan trọng, cậu lại qua nhà thầy cũ, trước để hỏi thăm, sau để báo cáo thành tích và tạ ơn thánh hiền:
“... đi đến đâu cũng được người ta trầm trồ khen ngợi. Về đến nhà chàng tức khắc vào trình cụ Nghè. Cụ đã được tin từ trước, thấy chàng vào vui vẻ đón tiếp và khen ngợi.
Tâm lễ phép thưa:
- Bẩm thầy, con được như thế này đều nhờ công thầy dạy bảo. Mà con chưa có gì đền đáp ơn sâu! Mới có đầu làm lễ bái tạ thầy.
- Anh cố học đi, đến khoa thi lại đỗ đầu như thế để làm vẻ vang cho anh và cho cả trường.
- Bẩm vâng, con xin lĩnh giáo”.
[56, tr.236] Ấn tượng hơn là câu chuyện quan Hoàng giáp phạt học trò vì “bất mục, bất nghĩa” với vợ. Người học trò ấy không còn thơ dại mà đường đường là ông Nghè (đỗ Tiến sĩ), được người đời kiêng nể, trọng vọng. Khi đã có địa vị, nghè Tiến định lòng phụ người vợ thuở hàn vi để lấy con quan Thượng. Chị vợ cùng đường, chỉ biết kêu đến thầy giáo cũ của chồng. Biết chuyện, quan Hoàng giáp, dù đang cư tang mẹ, vẫn cất công về tận nhà học trò, trách phạt nghiêm khắc, thậm chí dọa “đem ra Văn miếu đánh cho một trận, rồi thu lấy áo mũ, cờ biển Tiến sĩ dâng trả Nhà vua” [57, tr.227] khiến ai nấy chứng kiến đều “sợ hãi, im thin thít, không dám nói năng gì cả” [57, tr.227]. Biết thầy giận, nghè Tiến dẫu ngại ngùng nhưng vẫn phải tất tả chạy về, phủ
phục trước mặt thầy, “sợ mướt mồ hôi, nằm phục ở đất không dám kêu một nửa lời” [57, tr.228]. Vị tiến sĩ mắc lỗi ấy còn phải tuân mệnh thầy phục lạy cáo lỗi với vợ, với chú bác trong họ và chịu bị đánh ba roi để nhớ đạo thánh hiền, gỡ lại thanh danh cho trường và rửa nhục cho khoa giáp.
Câu chuyện thầy đồ phạt tiến sĩ ấy mang dáng bóng của nhiều tích truyện dân gian, phản ánh nét đẹp trong văn hóa ứng xử giữa thầy và trò theo tinh thần Nho học. Học trò phải tuân theo mọi yêu cầu, mệnh lệnh của thầy, không được phép cãi lại. Thầy có thể trừng phạt trò nghiêm khắc, thậm chí đánh phạt học trò nhưng cha mẹ không phản đối, trái lại, nhiều bậc cha mẹ lại rất biết ơn thầy đã nghiêm khắc giáo dục con cái họ thành người có ích sau này.
Tinh thần tôn sư trong văn hóa Nho học không chỉ thể hiện trong ứng xử hàng ngày mà còn thể hiện qua nhiều dịp lễ tết và các nghi thức đậm sắc màu thuần phong mỹ tục. Trẻ em đến tuổi xin học phải làm lễ nhập trường, nhận thầy. Việc nhận thầy là một nghi lễ thiêng liêng, bởi từ giờ phút ấy, đứa trẻ được xem là đệ tử thánh hiền, là học trò suốt đời đi theo thầy giáo. Do vậy lễ nhận thầy giống như lễ nhận cha mẹ nuôi vậy, thậm chí còn trọng đại hơn:
“Tâm chăm chăm nhìn ông Đồ từng ly từng tí. Ông lễ bốn lễ trước bàn thờ, vái rồi quỳ, chắp tay giơ lên ngang trán miệng lâm râm khấn. Đoạn ông cầm bút vẽ ngoằn ngoèo bốn cái bùa trên tờ giấy trắng, để lên bàn thờ, quỳ khấn nữa, sau rốt, ông lại lễ bốn lễ. Rồi ông đem đốt tờ giấy, lấy than hòa với nước lã đưa cho Tâm uống. Như một bệnh nhân mong chóng khỏi bệnh uống thuốc một vẻ ngon lành, Tâm mạnh dạn uống một hơi hết cả chén. Ông Đồ bảo Tâm vào lễ bốn lễ, Tâm không rụt rè làm theo lời ngay. Rồi ông Đồ lấy ở trên bàn thờ xuống một cái bút mới, đĩa son vừa mài sẵn và một quyển sách mới đóng có cái bìa đánh nhựa cây dầy cồm cộm. Ông nằm soài xuống giường, hai gối giáp vào bụng, hai chân song song soải đều về bên phải. Ông dí ngòi bút vào mồm nhấm nhấm cái đầu nhọn rồi chấm vào đĩa son lấy ra viết những chữ đỏ lên trên giấy trắng ngà ngà. Viết xong, ông bắt Tâm 4 ngồi xếp bằng xuống chiếu, trước bàn thờ, hai chân gập lại và ông chỉ tay vào từng chữ bảo Tâm học:
- Thiên tích thông minh - Thánh phù công dụng
Tâm chăm chăm nhìn nét chữ và học rắn rỏi, được ông Đồ khen: - Thằng bé học bạo dạn lắm, tất sau nầy học được!”.
[56, tr.8] Trong ba tác phẩm, không ít lần các tác giả nhắc đến những hành lễ thể hiện tinh thần “tôn sư”: Đó là lễ thầy ngày mùng Ba Tết đã thành phong tục, là lễ Trung thu tiễn thầy về quê gặt mùa, ăn tết… Đặc biệt, Chu Thiên đi sâu miêu tả đạo học trò qua việc chịu tang thầy giáo, tỉ mỉ như một thiên phóng sự. Theo đó, từ lúc thầy trở bệnh, học trò các nơi phải nhanh chóng liên lạc với nhau, người lo viết thư hỏi thăm, kẻ góp đồng tiền, nén bạc để mua quà dâng thầy giáo. Thông thường, trong đám trò cũ sẽ có những người giữ vị trí trưởng tràng làm nhiệm vụ liên lạc để kết nối mọi người, sao cho tất cả đều kịp tụ hội trước linh sàng khi thầy xuôi tay nhắm mắt. Ngày làm lễ, học trò phải để tang như hàng con cháu, phải sắn tay cùng gia đình cắt đặt mọi việc, đáp đền ân nghĩa lần cuối với thầy. Trong lễ tang quan Hoàng giáp, bảng Tuân - người học trò giữ vai trò trưởng tràng - cắt đặt:
“Tôi xin với anh em tôi định thế này: chúng ta đến đây là con thầy cả, không phân biệt sang hèn, nên tôi cắt việc theo đuổi. Mươi đến bốn mười, các anh trưởng tràng chọn lấy hai mươi hai người vào nội cứu, bốn người lính xa, tám người hương án, án thực, bốn người khiêng kiệu mũ áo. Từ bốn mốt đến bốn lăm, lấy hai người phương tướng, hai người cầm cờ biển, hai người cầm đan triệu, hai người minh tinh, một người cầm trống tiêu cổ, hai người đánh trống cái, một người đánh chiêng. Dưới ba mươi, lấy sáu người cầm long, bốn người cầm đồ minh khí. Thế vị chỉ là sáu mươi người phải kén chọn. Còn phụ khiêng chiêng, khiêng trống, cắm câu đối, cầm cột màn trắng, khiêng trường thì ai cáng đáng cũng được, mỗi trường tùy tiện chia nhau mà nhận, lâm cơ bắt buộc phải xong”.
[56, tr.282] Có lẽ, cũng vì đông học trò, muốn chờ người này, đợi người kia về tạ từ thầy lần cuối mà lễ tang kéo dài trong không khí vừa trang nghiêm vừa tất bật của nho sinh. Học trò quan Hoàng giáp còn tỏ ra chu tất bằng việc “tập đưa tang thử”, sao cho đoạn đường cuối cùng đưa thầy phải “thật đều, thật đẹp, đàn bà con trẻ và các người làng
đứng xem đều tấm tắc khen, làm vẻ vang cho cả bọn môn sinh” [47, tr.289]. Vì thế, giữa cảnh tang thầy trong tác phẩm của Chu Thiên vừa lãng mạn vừa hết sức trang nghiêm:
“Mới tờ mờ sáng, các môn sinh đã khăn áo chỉnh tề, đến đứng trực ở đầy sân nhà thầy. Còn sớm lắm, miền đông mới đỏ hồng tươi rầng rậc. Trên đỉnh trời trong vắt màu cẩm thạch đã cao trông lại càng cao thêm… Gió cuối xuân nhè nhẹ thổi rung cành lá la đà…[57, tr.290] “Toàn học trò đưa cả! Những ông Tú, ông Cử, ông Huyện đều ghé vai khiêng đòn (…)
Đám ma vẫn cứ từ từ đi. Câu đối, trướng thẳng một hàng dài, đã đi ra khỏi làng đến tận giữa đồng, kế đến mời lá cờ của làng… Cờ biển tiến sĩ, kiệu mũ áo đi nối theo, đều có lọng vàng che…”.
[57, tr.294] Tục xưa truyền rằng, theo đúng lễ, học trò còn phải để tang thầy bằng cách tịnh thực, canh mả… Điều này cũng từng được nhắc đến trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ với câu chuyện cậu thư sinh Phạm Tử Hư vì hiếu đễ với thầy giáo cũ mà được lên chơi thiên tào, gặp gỡ chư tiên. Có thể nói, qua lễ tang thầy, ta thấy được quy định của Nho giáo về đạo học trò, đồng thời cảm nhận được vị thế tinh thần của những nhà nho liêm chính, những người thầy mẫu mực trong lòng môn sinh nói riêng, xã hội nói chung.
Trong mối quan hệ thầy trò, còn có trách nhiệm và tình cảm của thầy đối với học trò. Đối với một nhà nho dạy học, số lượng và sự thành công trên hành trình “học lộ” của học trò là thước đo của tài năng, uy tín. Vì thế, khi giới thiệu về một ông thầy, người ta thường dẫn: người ấy mở trường tiểu tập hay đại tập, có bao nhiêu học trò, bao nhiêu người trong số ấy đỗ đạt, thành danh. Quan nghè Phạm Xá được phác họa như sau:
“Cụ nghè tên là Trần Tiến Thành, đỗ thủ khoa trường Thanh năm hai mươi hai và tiến sỹ năm ba mươi tuổi. Cụ đã làm đến Tri phủ quyền thụ ân sắc. Sau nhân vì cụ bảng ốm yếu luôn, cụ cáo quan xin về nhà nuôi cha, mộng án hoàng để sắc chuẩn, cụ về mở trường dạy học, gần xa một tiếng khoa bảng nhà cụ, kéo đến theo học ngày một
đông. Giòng giã mười năm trời thiết trường cụ đã rèn đúc nên biết bao ông cử, ông tú, ông bảng, ông nghè, cụ đã nghiễm nhiên đứng địa vị già cả trong văn thân xứ Bắc. Sĩ tử Bắc Hà hầu khắp đều là học trò cụ, bởi ai cũng truyền nhau là học trường cụ đều dễ đỗ, nên kẻ gần vùng, người xa xôi ở tận Bắc, tận Đông, tận Đoài, cũng không ngại nghìn dặm đốn lương theo học”.
[56, tr.72] Trong quá trình dạy học, để rèn rũa học sinh, thầy đồ thường giữ khoảng cách, hoặc là nghiêm khắc (đối với trẻ nhỏ), hoặc là nghiêm túc, lạnh lùng (đối với học sinh lớn), cốt sao học trò biết sợ thầy mà chú tâm rùi mài kinh sử. Nhưng lúc học trò lều chõng đi thi, chính thầy dạy lại là người lo lắng dõi theo nhiều nhất, có lẽ chỉ sau hàng vợ con, cha mẹ. Sau mỗi lần Nguyễn Đức Tâm đi thi, ta lại thấy hình ảnh đồ Tri và Lý Tưởng dắt díu nhau đi đón, lo lắng kiểm tra tập nháp xem có lỗi ở đâu, có phạm chữ nào; rồi đến ngày ra bảng, đồ Tri lại tất tưởi ngóng trông, xem trò mình được vinh danh đầu bảng, á khoa hay bị nêu tên ở bảng con vì tội “khiếm đài”, “khiếm tỵ”…
Bước vào tư gia của một nhà nho, người ta thường để ý dấu ấn của học trò với những câu đối, hoành phi, bức trướng dâng thầy. Chủ nhà cũng thường lấy đó làm điều quý hóa:
“Quan Huấn Vũ Xuyên bình xong, hạ giọng nói: - Được đấy! Cũng đường được! Đứa nào làm khá đấy Quan Hoàng Giáp vui cười tiếp:
- Học trò nó làm ra cái quái gì! Anh có them đọc cả đâu? Anh học lỏi giữa quãng!
- Vâng, tôi vẫn biết học trò của ông giỏi, đều là tiến sĩ, phó bảng, cử nhân cả! Quan Hoàng phải đấu dịu
- Xin Quan anh chớ phát khùng làm giận, nói đùa cho vui đây thôi ạ! Bài này đâu của cậu Huấn Bình Mô làm, cậu Nghè Tân Đại Cốc nhuận lại.
Quan Huấn cũng cười:
- Tôi thích thứ văn thành thật và tự nhiên thế này. Ông anh thực đã khéo luyện cho con em thành những nhân tài…”.
Quả thực, trong tư cách truyền đạo, niềm vui của nhà nho về việc học trò thành tài, được người đời ghi nhận không khác hạnh phúc của cha mẹ. Trên lớp, ông thầy có thể giữa khoảng cách với học trò nhưng trong đời sống hàng ngày, họ thường coi học trò là chỗ dựa, là niềm vui, là nỗi trăn trở trước lúc giã biệt cuộc đời.
Cùng với đạo thầy trò, trong khuôn khổ đạo học, môn sinh còn chú trọng tình bằng hữu. Theo Việt Nam phong tục, bầu bạn được định nghĩa là “Kết bạn với nhau, cốt để mài giũa nhau cho cùng nên người, và để khi hoạn nạn thì giúp đỡ nhau” [4, tr.206]. Với nho gia, ngoài ý nghĩa chung đó ra, tình cảm giữa những nho sinh cùng học một lớp, cùng học một thầy, thậm chí giữa những người “cùng trong đạo thánh” được coi như tình anh em ruột thịt. Theo đó, trách nhiệm của mỗi nho sĩ là phải tận tâm với bạn, giúp bạn nuôi chí lớn như tình thân Lưu Bình-Dương Lễ, lại luôn lấy việc nhà bạn như việc nhà mình: “Cùng trong Nho đạo với nhau, bác mẹ là bác mẹ chung. Các người khuất núi, không biết thì thôi, biết ra tất phải chạy đến” [57, tr.98], “Vay mượn những người không cùng đạo trộm nghĩ là việc bất đắc dĩ (…) thân huynh buồn là đệ buồn, thân huynh lo là đệ lo, thân huynh khổ là đệ khổ” [57, tr.91]. Tình nghĩa giữa quan Hoàng giáp Nguyễn Đức Tâm và quan Huấn đạo làng Vũ Xuyên, giữa quan Hoàng giáp với ông đồ Tạo (Nhà nho) là những mẫu mực đặc biệt đó. Việc quan Hoàng giáp tận tâm làm lễ đề chủ trong đám tang thân phụ của quan Huyện huyện bên từ sáng cho đến chiều hôm cũng là một minh chứng đẹp cho tình bằng hữu giữa môn sinh. Có một chi tiết đặc biệt là xong buổi lễ, quan Hoàng giáp lập tức đến thăm người bạn là ông đồ Chấn, bởi “ông đồ và quan Giáp vốn là đôi bạn để chỏm cùng học cụ cử Trí Mỹ Lý hồi nhỏ. Đôi bạn ấy lúc bé mải ganh tị nhau từng ly từng tý, nhưng càng lớn lên càng thân quý nhau… trọng nhau về nết cư xử, yêu nhau vì lòng trung hậu,…” [57, tr.209]. Cuộc trò chuyện giữa họ sau đó kéo dài qua bữa ăn, ngẫu hứng “ngân nga, trầm bổng hát” theo nhịp điếu gõ xóa nhòa khác biệt địa vị giữa một ông quan cao và một thầy đồ làng.
Tình bằng hữu trong sĩ nho còn được quy ước ở nghĩa vụ cùng nhau giữ gìn nề nếp đạo thánh – nếp nhà chung của tất cả. Họ có bổn phận khuyên nhau làm điều đúng