3.1. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ XÃ HỘI
3.1.2. Điều kiện kinh tế - xã hội
Tỉnh Vĩnh Phúc thuộc Vùng đồng bằng Sông Hồng, Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ và vùng Thủ đô Hà Nội. Vĩnh Phúc có nhiều tuyến giao thông quan trọng: đường bộ, đường sắt, đường sông, gần sân bay quốc tế Nội Bài. Vĩnh Phúc là vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa lâu đời, với hàng trăm di tích lịch sử - văn hóa gắn với các địa danh nổi tiếng. Người dân Vĩnh Phúc có truyền thống lao động cần cù, hiếu học, thông minh, năng động và sáng tạo.
* Sản xuất nông nghiệp
Giai đoạn 2001 - 2010 ngành nông nghiệp Tỉnh đã đạt được những kết quả khá cao: Giá trị gia tăng ngành nông nghiệp tăng bình quân cả thời kỳ 2001 - 2010 đạt 6,0%/năm, cao hơn so với mức bình quân cả nước (3,97%) và của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (2,1%). Giá trị sản xuất toàn ngành (theo giá 94) giai đoạn 2001 - 2010 tăng bình quân 7,4%/năm, trong đó ngành trồng trọt tăng bình quân 2,5%/năm, chăn nuôi tăng 15,1%/năm và thuỷ sản tăng 14,5%/năm. Tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh có sự chuyển dịch đúng hướng, giảm từ 28,94% năm 2000 xuống còn 14,9%
năm 2010. Cơ cấu trong ngành nông nghiệp đã có sự chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng trồng trọt (giá thực tế) đã giảm dần từ 73,8% năm 2000 còn 45,3% năm 2010, ngành chăn nuôi tăng từ 22,8% năm 2000 lên 51,0% năm 2010, tỷ trọng ngành thuỷ sản trong cơ cấu toàn ngành tăng từ 2,7% năm 2000 lên 4,9% năm 2010; Chăn nuôi chiếm tỷ trọng chính; Tư duy về sản xuất nông nghiệp được người dân nhận thức cao.
* Công nghiệp - xây dựng
Giai đoạn 2001 - 2010 ngành công nghiệp - xây dựng phát triển rất mạnh, đặc biệt công nghiệp đóng vai trò là nền tảng của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của cả tỉnh, tạo vị thế mới cho công nghiệp Tỉnh đối với Vùng Đồng bằng sông Hồng và với cả nước. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp - xây dựng (giá 94) năm 2010 đạt 7.410,3 tỷ đồng, tăng bình quân 20,6%/năm.
Giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng (giá CĐ 94) tăng từ 5.552,2 tỷ đồng năm 2000 lên 43.817 tỷ đồng năm 2010, đạt tốc độ tăng bình quân 22,9%/năm (vượt mục tiêu kế hoạch 2006 - 2010 đề ra là 18,5- 20%/năm). Riêng giá trị sản xuất ngành công nghiệp (giá 1994) đạt tốc độ tăng bình quân 23,1%/năm, trong đó: công nghiệp nhà nước tăng 12,2%/năm, công nghiệp ngoài nhà nước tăng 37,6%/năm, công nghiệp có vốn FDI tăng 21,5%/năm. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng cao nhờ thu hút được nhiều dự án từ khu vực FDI và DDI. Bên cạnh đó, nhiều dự án mới đi vào hoạt động đã góp phần tăng giá trị sản xuất ngành công nghiệp.
Các làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn được quan tâm đầu tư phát triển, giai đoạn 2006 - 2010 đã hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho 5 làng nghề (Thanh Lãng, Yên Lạc, Tề Lỗ, Vĩnh Sơn và Lập Thạch), hỗ trợ đào tạo nghề cho hàng ngàn lao động thuộc các ngành nghề mây tre đan, mộc mỹ nghệ, điêu khắc đá và khảm trai. Một số làng nghề truyền thống đã và đang được khôi phục, phát triển như: đá Hải Lựu, rèn Lý Nhân, mộc Bích Chu, Thanh Lãng, đan lát Triệu Đề, gốm Hương Canh. Nhiều làng nghề mới đang dần được hình thành như: mộc Lũng Hạ - Minh Tân, ươm tơ, dệt lụa, mây tre đan xuất khẩu như: Nguyệt Đức, Trung Kiên, An Tường, Bắc Bình, Liễn Sơn. Số lao động trong khu vực làng nghề, tiểu thủ công nghiệp chiếm khoảng 33.000 người/2010.
* Dịch vụ
Giá trị gia tăng ngành dịch vụ có xu hướng tăng nhanh dần trong những năm gần đây. Từ năm 2001 đến nay, giá trị gia tăng dịch vụ luôn tăng trưởng ở mức 2 con số, đặc biệt là giai đoạn 2006 - 2010. Năm 2006 giá trị gia tăng dịch vụ đạt 1.856 tỷ đồng (giá 94), đạt mức tăng trưởng cao nhất (21,22%) trong cả thời kỳ. Năm 2010 giá trị gia tăng ngành dịch vụ (giá 1994) đạt 3.867,6 tỷ đồng (tăng bình quân 20,4% giai đoạn 2006 - 2010). Tính chung giai đoạn 2001 - 2010 giá trị gia tăng dịch vụ tăng trưởng bình quân 17,1%.
Mặc dù vậy, tăng trưởng ngành dịch vụ vẫn chưa tương xứng với sự phát triển trên địa bàn, đóng góp của khu vực dịch vụ trong tổng GDP của tỉnh vẫn còn hạn chế và ít thay đổi. Năm 2001 đóng góp của khu vực dịch vụ vào GDP của tỉnh (theo giá thực tế) đạt 31,3%, sau khi giảm xuống còn 27,8% vào năm 2005 và 24,5% vào năm 2008 thì đến năm 2010 lại tiếp tục tăng lên đạt 28,9%.
* Hệ thống giao thông
- Hệ thống giao thông: Là tỉnh có vị trí đắc địa nên cơ sở hạ tầng được đầu tư và coi trọng cụ thể:
Hiện nay, quốc lộ 2 Hà Nội - Hà Giang chạy qua địa phận Vĩnh Phúc với trên 50 km, song song với đường sắt Hà Nội - Lào Cai qua Vĩnh Phúc. Quốc lộ 2B từ Vĩnh Yên đi khu nghỉ mát Tam Đảo, quốc lộ 2C từ Vĩnh Yên qua Tam Dương, Lập Thạch, Sông Lô đi Tuyên Quang. Đây là những tuyến đường bộ mang tầm chiến lược đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của miền Bắc. Bên cạnh đó, các đường nối từ vùng đồng bằng lên miền núi cũng khá phong phú, như đường 12, 13, 23, 40, 129... với tổng chiều dài trên 302 km.
Hiện nay Bộ Giao thông vận tải đang mở các đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai qua Vĩnh Phúc, làm cầu Vĩnh Thịnh qua sông Hồng trên địa bàn huyện Vĩnh Tường sang Sơn Tây và đang thi công đường cao tốc Hà Nội- Vĩnh Yên theo phương thức BOT.
- Về đường thủy: Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có các con sông lớn chảy qua: Sông Hồng, sông Lô. Vì thế, việc xây dựng các cảng Chu Phan, Vĩnh Thịnh, Như Thụy để vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa thiết bị, máy móc từ cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh về Vĩnh Phúc sẽ có nhiều thuận lợi. Hệ thống sông ngòi trong ranh giới lập quy hoạch đô thị Vĩnh Phúc có tổng chiều dài 118.90km gồm các con sông như: Sông Phan, Sông Cà Lồ, Sông Cánh, Sông Ba Hanh, Sông Tranh, Sông Mây, sông Cầu Bồn.
- Về đường sắt: có 30km đường sắt Hà Nội - Lào Cai chạy qua 4 huyện trong ranh giới quy hoạch với 4 ga hành khách và 01 hàng hoá.
- Đường hàng không, ngay từ năm 1941, phát xít Nhật đã cho xây dựng sân bay Hương Gia trên địa bàn Vĩnh Phúc nhằm phục vụ cho nhu cầu quân sự. Hoà bình lập lại tại khu vực Đa Phúc - Kim Anh, Nhà nước ta đã xây dựng sân bay quân sự Đa Phúc, về sau sân bay này được cải tạo xây dựng thành sân bay Nội Bài, sân bay quốc tế quan trọng nhất ở khu vực phía Bắc.
* Dân số và Lao động
Lao động là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội của mỗi vùng, mỗi Quốc gia. Cũng giống như tình trạng chung của toàn quốc, mật độ dân số ở Vĩnh Phúc không đều, tập trung dày ở đô thị và thưa thớt ở nông thôn, miền núi.
Ví dụ năm 2007 cao nhất ở thành phố Vĩnh Yên (1.663 người/km2) và các huyện đồng bằng như Yên Lạc (1.387 người/km2), Vĩnh Tường (1.390 người/km2), nhưng thấp ở các huyện miền núi, trung du như Tam Đảo (291 người/ km2), Lập Thạch (666 người/ km2).
Điều bất hợp lí là vùng đồng bằng có đất đai màu mỡ, thuận lợi phát triển nông nghiệp, chỉ chiếm hơn 18% diện tích của tỉnh nhưng lại tập trung tới hơn 29% dân số.
Đồng thời nó là yếu tố có vai trò đặc biệt trong quá trình sản xuất. Tình hình dân số và lao động của tỉnh được thể hiện qua biểu 4.1 cho thấy: Tổng
dân số của tỉnh năm 2011 là 1.014.488 khẩu, bình quân tăng 1,1%/ năm. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm đều hàng năm. Năm 2011 là 1,1% bình quân giảm 0,02%/năm.
Năm 2011 với dân số 1.014.488 người, đây là nguồn nhân lực dồi dào song dân số nông thôn còn chiếm tỷ lệ cao ( 77.01%). Dân số đô thị chiếm 22,99%. Dân số trong độ tuổi lao động là 519.418 người chiếm 51,2% dân số.
Cụ thể thể hiện qua bảng 4.1.
Bảng 3.1: Tình hình dân số và lao động của tỉnh Vĩnh Phúc năm 2011
STT Chỉ tiêu Dân số(người) Tỷ lệ (%)
1 Tổng dân số 1.014.488 100
2 Dân số trong độ tuổi lao động 519.418 51,20 3 Dân số ngoài độ tuổi lao động 495.070 48,80
4 Dân số thành thị 233.200 22,99
5 Dân số nông thôn 781.288 77,01
( Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Vĩnh Phúc 2011)
Tỉnh có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống. Trên địa bàn tỉnh có 7 dân tộc chính, đông nhất là dân tộc Kinh có 1.055.390 người, chiếm 96,55%; các dân tộc thiểu số như dân tộc Sán Dìu có 32.495 người, chiếm 2,97%; dân tộc Sán Chay có 1.281 người, chiếm 0,12%; dân tộc Tày có 870 người, chiếm 0,079%; dân tộc Nùng có 451 người; dân tộc Dao có 666 người; các dân tộc thiểu số khác là 887 người.