Điều kiện kinh tế - xã hội

Một phần của tài liệu nghiên cứu thực trạng và giải pháp trong giao đất rừng đến các hộ dân tại xã thanh vận, huyện chợ mới, tỉnh bắc kạn” (Trang 29 - 32)

3.1.2.1. Tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Thanh Vận là một xã miền núi nghèo chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông- lâm nghiệp nên đất đai là một trong những tư liệu sản xuất hết sức quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế. Với tổng diện tích đất tự nhiên là 2.979,7 ha trong đó đất rừng chiếm 88,73% còn lại là các loại đất khác. Tuy nhiên, sự phân bố không tập trung làm cho quá trình sản xuất gặp nhiều khó khăn, khó quản lý do đất đai manh mún. Thu nhập của người dân chủ yếu là các sản phẩm từ canh tác nương rẫy và khai thác lâm sản từ rừng như gỗ, củi, măng và các lâm sản phụ khác. Việc tiếp cận với nguồn tài nguyên đất, rừng còn rất nhiều hạn chế cho nên việc sản xuất và phát triển kinh tế của người dân còn gặp nhiều khó khăn [16].

Do không chủ động được nguồn nước cung cấp cho sản xuất, do vậy, sản xuất nông nghiệp của Thanh Vận còn gặp nhiều khó khăn. Nhìn chung, diện tích đất nông nghiệp bình quân của các hộ rất thấp (khoảng 2.365 m2/hộ) và được chia làm ba loại đất chính là : đất sản xuất lúa một vụ có diện tích khoảng 805m2/hộ, đất lúa hai vụ là : 1.243m2 /hộ, còn lại là đất trồng màu có diện tích 455m2/hộ. Năng suất nông nghiệp của địa phương còn thấp do chưa có nhiều điều kiện áp dụng khoa học kỹ thuật, sự đầu tư cho sản xuất chưa được đáp ứng đúng mức. Trong thời gian gần đây, một số hộ đã bắt đầu áp dụng trồng thêm vụ 3 trên diện tích đất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được không cao do thiếu kỹ thuật canh tác, chọn loài trồng chưa phù hợp và lịch mùa vụ chưa hợp lý cho việc tăng vụ. Trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân xã và Hội Nông dân xã cần lập kế hoạch, khuyến khích người dân làm tăng vụ, đảm bảo an ninh lương thực và an sinh xã hội cho địa phương [11].

3.1.2.2. Dân số, lao động, việc làm và thu nhập

Qua thực tế khảo sát cho thấy do đặc thù sản xuất nông nghiệp mang nhiều tính mùa vụ, chính vì vậy thời gian sử dụng lao động là không cao, bên cạnh đó trình độ mọi mặt của người lao động còn ở mức thấp, khả năng tiếp thu và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật còn nhiều hạn chế lao động thủ công là

chính lên năng xuất và hiệu quả lao động còn thấp. Hàng năm số lao động không có việc làm còn tương đối lớn, chưa tận dụng được vì vậy việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là rất cần thiết nhằm phát triển sản xuất tạo việc làm từng bước chuyển đổi cơ cấu và phát triển kinh tế, tăng thu nhập cải thiện và năng cao đời sống nhân dân [16].

Trong những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước thông qua các chương trình dự án như chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, cùng với sự lãnh chỉ đạo sáng suốt của các cấp và sự nỗ lực to lớn của người dân, kinh tế địa phương có nhiều chuyển biến, thu nhập bình quân trên đầu người năm sau cao hơn năm trước.

3.1.2.3. Thực trạng phát triển các khu dân cư nông thôn

Theo báo cáo năm 2012 của xã Thanh Vận, dân cư nông thôn của xã có 559 hộ với 2.209 nhân khẩu, phân bố ở 10 thôn bản trên địa bàn xã, mật độ dân số trung bình là khoảng 74người/km2; bình quân đất ở 306 m2/hộ [16].

Phân bố dân cư nông thôn trong xã thường là theo thôn, bản và ở gần những nơi có nguồn nước, đường giao thông, xung quanh các cánh đồng. Ngoài ra sự phân bố dân cư còn gắn liền với dòng tộc của cộng đồng các dân tộc ở địa phương, mang tính truyền thống và lịch sử lâu đời tồn tại và phát triển trên địa bàn xã. Công tác định canh, định cư kết hợp với việc giao đất giao rừng trong những năm gần đây đã góp phần hạn chế di dân tự do, hạn chế nạn phá rừng làm nương rẫy, người dân gắn bó, yên tâm làm ăn, sinh sống ổn định lâu dài trên mảnh đất quê hương mình, chủ yếu là đất nông nghiệp.

3.1.2.4. Thực trạng phát triển cơ sở hạ tầng

Giao thông

Hệ thống giao thông của Thanh Vận chưa được hoàn tất, mới chỉ có tuyến đường Thanh Vận - Cao Kỳ nằm trên tuyến Tỉnh lộ 259 được nhựa hóa hoàn toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giao lưu và phát triển kinh tế.

Các tuyến giao thông liên xã đã được Nhà nước đầu tư xây dựng như tuyến đường liên 3 xã Thanh Vận - Thanh Mai - Nông Hạ đã được hoàn thành với tổng chiều dài hơn 30 km. Tuy nhiên, mạng lưới giao thông liên thôn, liên bản của xã chưa được đầu tư xây dựng nên việc đi lại của người dân còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa. Trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới xã có kế hoạch nâng cấp toàn bộ tuyến đường giao thông liên thôn trên địa bàn, phục vụ cho sự phát triển kinh tế của địa phương [17].

Thủy lợi

Hệ thống mương thủy lợi, phai, đập phục vụ cho sản xuất trên địa bàn xã đã được xây dựng, cải tạo và nâng cấp. Tuy nhiên, địa hình của xã không bằng phẳng do vậy phần lớn nước phục vụ cho sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nước khe, suối tự nhiên và nước ao hồ. Do không chủ động được nguồn nước nên sản xuất nông nghiệp của địa phương gặp không ít khó khăn, diện tích đất sản xuất nông nghiệp chủ yếu sản xuất một vụ và hai vụ. Vào mùa khô hầu như diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị bỏ hoang do không có nguồn nước tưới [16].

Giáo dục- đào tạo

Cơ sở hạ tầng phục vụ cho giáo dục của xã được kiên cố hóa, đảm bảo chất lượng. Hiện xã có một trường mầm non, một trường tiểu học và một trường trung học cơ sở đảm bảo duy trì tốt về số học sinh đến trường. Phong trào thi đua dạy tốt, học tốt được duy trì thường xuyên và đạt hiệu quả cao [11].

Y tế

Công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn xã đã và đang được nâng cao. Hiện xã có một trạm y tế với ba giường bệnh, một bác sĩ và một y sĩ. Nhìn chung, trạm y tế xã đã đảm bảo được công tác khám chữa bệnh ban đầu cho người dân và thực hiện các chương trình y tế quốc gia, các chương trình khám chữa bệnh hàng năm, tiêm chủng, tiêm phòng cho trẻ em….

Mạng lưới điện

Hiện nay xã đã có mạng điện lưới quốc gia và gần 100% số hộ dân đã sử dụng lưới điện quốc gia để phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Tuy nhiên, mạng lưới điện như hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Một số tuyến đi quá xa gây ra tổn thất và hao phí điện năng. Trong những năm tới, UBND xã cần có kế hoạch cải tạo, nâng cấp hệ thống điện để đảm bảo an toàn lưới điện và đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân, phục vụ tốt nhất cho sản xuất kinh tế trên địa bàn.

Các hoạt động văn hóa

Các hoạt động văn hóa tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương tới người dân. Phong trào xây dựng “Nếp sống văn minh, gia đình văn hóa” đang phát triển mạnh mẽ, hiện xã có hơn 55% số hộ dân đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, một đơn vị đạt danh hiệu “Làng văn hóa”, ba đơn vị đạt danh hiệu “Khu dân cư

tiên tiến”. Đảm bảo công tác thông tin tuyên truyền, vận động qua hệ thống loa truyền thanh, bưu điện văn hóa xã [16].

Phong trào thể dục, thể thao trên địa bàn xã cũng phát triển rộng khắp, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia tập luyện. Hiện xã đã thành lập được đội bóng đá, bóng chuyền và cờ tướng. Thường xuyên tham gia các giải đấu do tỉnh, huyện và ủy ban nhân dân xã tổ chức. Các hoạt động này làm phong phú thêm đời sống, là món ăn tinh thần cho người dân bên cạnh sản xuất kinh tế.

3.1.2.5. Nhận xét chung

* Thuận lợi

Do diện tích đất Lâm nghiệp của xã chiếm tỷ lệ rất lớn và chủ yếu là đồi núi đất, do vậy, tiềm năng phát triển kinh tế lâm nghiệp là không nhỏ. Hơn nữa, là một trong những xã nghèo nhất của tỉnh Bắc Kạn, Thanh Vận đang nhận được sự đầu tư và hỗ trợ cho sản xuất, phát triển kinh tế từ các tổ chức trong và ngoài nước. Đây là lợi thế và là nguồn động lực đáng kể cho sự phát triển kinh tế của địa phương. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đã có những kế hoạch và những sự hỗ trợ cho người dân trong việc phát triển kinh tế hộ nói riêng cũng như phát triển kinh tế của địa phương nói chung.

* Khó khăn

Tuy có những lợi thế như trên song Thanh Vận còn vấp phải không ít khó khăn trong việc phát triển kinh tế. Đơn cử như sản xuất Lâm nghiệp, mặc dù có diện tích đất lâm nghiệp rất lớn và có tiềm năng nhưng hầu hết những diện tích đó chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng và có nhiều mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra.

Thêm vào đó, chi phí của người dân cho đầu tư sản xuất và tạo thu nhập, tạo sinh kế là rất thấp, người dân vẫn còn trông chờ vào sự hỗ trợ từ bên ngoài do vậy năng suất, sản lượng ngành Nông- Lâm nghiệp của địa phương còn rất thấp.

Bên cạnh đó, diện tích đất lâm nghiệp phần lớn là địa hình dốc, chia cắt và xói mòn mạnh, do vậy rất cần sự đầu tư cũng như sự hỗ trợ về kỹ thuật canh tác, giống, vốn.... Hệ thống đường giao thông phục vụ cho sản xuất còn xuống cấp, chưa đáp ứng với tiềm năng phát triển của địa phương. Hệ thống thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp chưa được hoàn thiện, nguồn nước cung cấp cho sản xuất chủ yếu là từ các khe, suối tự nhiên.

Một phần của tài liệu nghiên cứu thực trạng và giải pháp trong giao đất rừng đến các hộ dân tại xã thanh vận, huyện chợ mới, tỉnh bắc kạn” (Trang 29 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(83 trang)
w