1.3. Các nghiên cứu và kết quả về thu hồi đất của một số nước trên thế giới và ở Việt Nam
1.3.3. Tình hinh về công tác thu hồi đất ở tỉnh Vĩnh Phúc
Vĩnh Phúc có sức tăng trưởng kinh tế nổi bật, nền công nghiệp phát triển ổn định đem lại hiệu quả kinh tế cao đặc biệt là trong mấy năm gần đây. Với 3 mục tiêu hình thành một đô thị có nội lực, tiềm lực và sự liên kết cạnh tranh cao, xây dựng một thành phố xanh, sạch, đẹp, hiện đại, xây dựng một thành phố an toàn, tiện nghi, một không gian sống chất lượng cao định hướng tầm nhìn 2050 tỉnh Vĩnh Phúc là "nơi tất cả những người sống, làm việc, tới thăm đều cảm thấy hạnh phúc"
nhằm đưa tỉnh trở thành một đô thị thịnh vượng bền vững tiêu biểu của Việt Nam trong tương lai. Tỉnh Vĩnh Phúc là một trọng điểm trong các trọng điểm kinh tế Bắc Bộ và có ảnh hưởng vô cùng to lớn tới sự phát triển cua thủ đô Hà Nội góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp và thương mại. Tỉnh Vĩnh Phúc là trọng điểm hạt nhân trong hành lang công nghiệp nối Trung Quốc với miền Bắc Việt Nam đóng vai trò thúc đẩy công nghiệp nông thôn hàng hoá phát triển hơn nữa, tỉnh Vĩnh Phúc hướng tới liên kết các đô thị lân cận, hình thành hệ thống đô thị lấy trung tâm là Phúc Yên, Vĩnh Yên, hình thành cấu trúc đô thị tập trung liên kết đa cực thông qua con đường huyết mạch "đường Xuyên Á".
Việc quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch đô thị theo hướng mở đã tạo tiền đề cho sự phát triển lâu dài và bền vững của tỉnh. Vì vậy, công tác giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ được đặc biệt quan tâm. Trong thời gian qua, Vĩnh Phúc đã giải phóng mặt bằng được hơn 4.000 ha đất để giao cho gần 700 dự án không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Hàng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở ban ngành, thành phố, thị xã, huyện, xã, phường xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân nghiêm túc thực hiện quyết định thu hồi đất của Chủ tịch UBND tỉnh, việc lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng được thực hiện theo đúng trình tự, đúng chế độ chính sách.
Trong đó quan tâm xem xét đến quyền lợi chính đáng của các hộ dân có đất bị thu hồi, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở nên việc bàn giao mặt bằng diễn ra nhanh, đúng tiến độ cho các dự án.
Tuy nhiên, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn cũng còn những tồn tại: Việc các nhà thầu thi công chậm, dẫn đến tình trạng nhiều hộ dân có
đất bị thu hồi đã tái lấn chiếm, ngăn cản thi công, gây áp lực để đòi thêm tiền đền bù. Điển hình, tại xã Nam Viêm, thị xã Phúc Yên có 323 hộ dân có đất bị thu hồi phục vụ cho dự án đường xuyên Á (Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh) là công trình trọng điểm quốc gia, đoạn đi qua Vĩnh Phúc; 100% số hộ dân đã nhận tiền đền bù, nhưng đến tháng 5 năm 2011, hàng trăm người kéo ra khu vực thi công để ngăn cản, trồng cây trên mặt đường đang thi công, ảnh hưởng đến quá trình thu hút đầu tư của địa phương. Nhiều dự án đã được triển khai từ nhiều năm nay, những vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn chưa được giải quyết triệt để như: Cụm kinh tế xã hội Tân Tiến ở huyện Vĩnh Tường; Khu công nghiệp Bá Hiến ở huện Bình Xuyên, Khu đô thị Hùng Vương - Tiền Châu...
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do các chính sách về bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, chuyển đổi nghề, tái định cư, đất dịch vụ... chưa đồng bộ, chưa có chính sách ổn định, bền vững đối với người bị thu hồi đất tạo nên tâm lý bất an khi thu hồi đất trong nhân dân.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tỉnh Vĩnh Phúc đang xây dựng, hoàn thiện cơ chế hỗ trợ nông dân trong việc thu hồi đất sản xuất nông nghiệp quỹ 1 là 108kg thóc/1 sào (360m2)/1 năm theo Nghị quyết số 20/2008/NQ-HĐND ngày 25/7/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh;
tiếp tục hoàn thiện chính sách giao đất dịch vụ cho người có đất bị thu hồi bằng cách ban hành các văn bản để hướng dẫn các địa phương thực hiện như: quyết định số 2502/2004/QĐ-UB ngày 22/7/2004, quyết định số 25/2006/QĐ-UBND ngày 04/4/2006, quyết định số 11/2008/QĐ-UBND ngày 04/02/2008, quyết định số 14/2009/QĐ-UB ngày 26/02/2009, quyết định số 60/209/QĐ-UBND ngày 11/11/2009, quyết định số 06/2012/QĐ-UBND ngày 23/3/2013. Có thể nói đây là chính sách đầu tiên trong cả nước, được vận dụng linh hoạt để hỗ trợ cho người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi với mức hỗ trợ là 12m2/ 1 sào Bắc Bộ bị thu hồi; đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp; chính sách đào tạo bồi dưỡng cán bộ, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nông nghiệp nông thôn và nông thôn đảm bảo an ninh xã hội, ổn định và phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý của chính quyền các cấp. Tăng cường công tác truyền thông, phổ biến pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, từng bước làm chuyển biến nhận thức của cộng đồng trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai làm cho người sử dụng đất cũng như người quản lý đất đai thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình quản lý và sử dụng đất theo đúng pháp luật.