Sơn La là một trong những tỉnh có diện tích rừng và đất có khả năng phát triển lâm nghiệp khá lớn (chiếm 73% diện tích tự nhiên), đất đai phù hợp với nhiều loài cây, có điều kiện xây dựng hệ thống rừng phòng hộ và tạo các vùng rừng kinh tế hàng hoá có giá trị cao. Rừng Sơn La có nhiều thực vật quý hiếm, có các khu đặc dụng có giá trị nghiên cứu khoa học và phục vụ du lịch, sinh thái trong tương lai.
Tính đến hết năm 2012 (Nguồn: Bộ NN&PTNT, năm 2013), tỉnh Sơn La có 633.687 ha rừng hiện có, tỷ lệ che phủ rừng đạt 44,71%, trong đó rừng tự nhiên là
609.554 ha, rừng trồng là 24.133 ha. Sơn La có 4 rừng đặc dụng bảo tồn thiên nhiên là Xuân Nha (Mộc Châu) rộng 38.000 ha, Sốp Cộp (Sông Mã) rộng 27.700 ha, Côpia (Thuận Châu) rộng 9.000 ha, Tà Xùa (Bắc Yên) rộng 16.000 ha. Về thực vật rừng có 161 họ, 645 chi, 1.187 loài, bao gồm cả thực vật hạt kín, hạt trần, nhiệt đới, á nhiệt đới và ôn đới, trong đó thực vật quí hiếm gồm có Pơ Mu, Lát hoa, Đinh hương, Nghiến,… Động vật rừng có 101 loài thú, trong 25 họ, thuộc 8 bộ; chim có 347 loài, trong 47 họ, thuộc 17 bộ; bò sát có 64 loài, trong 15 họ thuộc 2 bộ, lưỡng thê có 28 loài, trong 5 họ, thuộc một bộ. Những loài động vật quí hiếm được ghi trong sách đỏ như: voi, khỉ mặt đỏ, gấu ngựa, gà lôi, báo, hươu, nai,...
Tuy nhiên, thuỷ điện Sơn La hoàn thành đã có một phần rừng và đất rừng bị ngập, theo thống kê có khoảng 2.451 ha rừng sẽ bị ngập, trong đó chủ yếu là rừng phòng hộ. Nhiệm vụ quan trọng là phải tận thu cây trong lòng hồ trước khi nước ngập và sau đó là trồng rừng phòng hộ dọc theo 2 bên sông Đà và toàn lưu vực để bảo vệ nguồn nước cho công trình thuỷ điện quan trọng này.
3.2. Điều kiện kinh tế - xã hội
3.2.1. Dân số, dân tộc, lao động và thu nhập
Dân số toàn tỉnh là 1.083.700 người (tính đến hết 31/12/2011), với mật độ 76 người/km2, có 12 dân tộc anh em cùng sinh sống. Ðông nhất là dân tộc Thái chiếm 54,7%, dân tộc Kinh chiếm 17,42%, dân tộc H’Mông chiếm 13%, dân tộc Mường chiếm 8,15% và các dân tộc khác chiếm 6,73%. Tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn tỉnh là 36,7%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo thành thị là 10%, tỷ lệ hộ nghèo nông thôn là 41,7% (Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Sơn La năm 2012).
Chương trình dân số, kế hoạch hoá gia đình quốc gia trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng cải thiện chất lượng dân số, giảm thiểu chất lượng tăng dân số trong những năm gần đây. Nhìn chung, đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận người dân được cải thiện đáng kể. Phong tục tập quán của các dân tộc được bảo tồn và phát huy cùng với việc du nhập các giá trị văn hoá mới, hiện đại. Các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan,… đang dần được xoá bỏ.
Lao động trong độ tuổi năm 2011 khoảng 524.950 người, chiếm 48,4% dân số toàn tỉnh, trong đó nam là 293.447 người, nữ là 231.503 người. Bình quân hàng năm, lực lượng lao động tăng thêm khoảng 2 vạn người. Lao động thành thị
183.254 người chiếm tỷ lệ 16,91%, lao động nông thôn 900.446 người chiếm tỷ lệ 83,09% tổng số lao động toàn tỉnh. Theo ngành kinh tế, lao động trong nông nghiệp vẫn chiếm trên 85% tổng số lao động trong các ngành kinh tế; lao động trong ngành công nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ thấp. Chất lượng nguồn lao động đã được nâng cao đáng kể, tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2011 đạt khoảng 15%. Trong số lao động được đào năm 2011 có bằng cấp trên 10.000 người.
Tỷ lệ lao động chưa giải quyết được việc làm đến năm 2011 chỉ còn 4,29%, là mức khá thấp so với bình quân cả nước. Như vậy, số người cần việc làm trong thời gian tới của tỉnh không phải là sức ép lớn, vấn đề quan trọng là đào tạo và đào tạo lại lực lượng lao động để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tuyển dụng nhân công.
Kinh tế Sơn La phát triển với tốc độ khá, GDP đạt 12,4%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 820 USD, tăng 28% so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới là 38,1%; năm 2011 giảm còn 34,1%.
3.2.2. Văn hóa – xã hội
- Văn hóa: Là tỉnh có nhiều dân tộc sinh sống nên Sơn La có sắc thái văn hoá khá phong phú, việc bảo tồn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc được quan tâm gìn giữ, tinh thần gắn bó keo sơn giữa các dân tộc không ngừng được củng cố và nâng cao. Tuy nhiên, một số hủ tục lạc hậu trên các lĩnh vực ma chay, cưới xin, cờ bạc, nghiện hút, truyền đạo trái phép,… có lúc, có nơi còn có chiều hướng gia tăng cần có biện pháp đấu tranh kiên quyết để loại trừ.
- Giáo dục: Toàn tỉnh có 734 đơn vị trường học gồm: 214 trường Mầm non; 265 trường Tiểu học; 28 trường Phổ thông trung học; 221 trường Trung học cơ sở; 3 trường Trung học chuyên nghiệp; 2 trường Cao đẳng và 1 trường Đại học. Năm học 2011 – 2012 có tổng số là 285.028 học sinh, sinh viên.
Về y tế: Tỉnh Sơn La có 16 bệnh viện nhà nước; 19 phòng khám đa khoa khu vực; 204 trạm y tế xã, phường; với 3.025 gường bệnh; cán bộ ngành y là 2.760 người; cán bộ ngành dược là 343 người; công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân dần được cải thiện, các bệnh như sốt rét, biếu cổ, phong, lao,… cơ bản được đẩy lùi, chương trình tiêm chủng mở rộng, dân số kế hoạch hoá gia đình được làm tốt góp phần bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và giảm tốc độ tăng dân số. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác khám, chữa bệnh còn nhiều khó khăn, chất lượng còn hạn chế.
3.2.3. Cơ sở hạ tầng
- Mạng lưới giao thông bộ: Toàn tỉnh hiện có 2.858 km đường giao thông. Trong đó đường do trung ương quản lý dài 486 km, chiếm 17%; đường do tỉnh quản lý dài 499 km, chiếm 17,45%; đường do huyện quản lý dài 961 km, chiếm 33,6% và đường do xã quản lý dài 912 km, chiếm 31,9%. Về chất lượng đường bộ: Ðường cấp phối, đường đá dăm chiếm 10%, đường nhựa chiếm 21,5% còn lại là đường đất chiếm 68,5%.
- Mạng lưới bưu chính viễn thông: Ngày càng được hiện đại hoá, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Toàn tỉnh có 65 đơn vị bưu cục và dịch vụ với 12.500 số máy điện thoại và 85 máy Fax; bình quân 141 cái trên vạn dân. Hiện tại 100% số xã có điện thoại.
- Mạng điện lưới quốc gia: Toàn tỉnh đã có 11/11 huyện thị đã có điện lưới quốc gia.
- Hệ thống cấp nước sinh hoạt: Hiện toàn tỉnh có 100% dân số đô thị và 30% dân số nông thôn được cấp nước sinh hoạt
3.3. Nhận xét và đánh giá chung
3.3.1. Thuận lợi
Sơn La có lợi thế rất lớn về tiềm năng thuỷ điện (thuỷ điện lớn, vừa và nhỏ) do hệ thống sông suối có độ dốc lớn, nhiều thác ghềnh; đặc biệt là công trình Thuỷ điện Sơn La với tổng công suất 2.400 MW đang được xây dựng. Đây chính là cơ hội tốt nhất để thúc đẩy nền kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh chóng, tạo ra sự đột biến về tốc độ tăng trưởng nhanh của ngành công nghiệp kéo theo sự phát triển của cơ sở hạ tầng, dịch vụ và nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội khác.
Tiềm năng đất đai lớn, đặc biệt đất lâm nghiệp nhìn chung còn màu mỡ, độ ẩm cao, cơ bản còn giữ được đặc tính của đất rừng, khí hậu đa dạng phù hợp với nhiều loài cây trồng có khả năng cho giá trị, năng suất cao, trong đó có cây mắc khén. Đặc biệt là giá trị điều hoà nguồn sinh thuỷ cho sông Đà, sông Mã và đồng bằng sông Hồng, nếu thực hiện triệt để nguồn phí tài nguyên sẽ là nguồn lực lớn để đầu tư phát triển rừng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp nông thôn.
Nguồn tài nguyên khoáng sản tuy trữ lượng nhỏ, phân bố rải rác song rất phong phú, đa dạng. Nếu quản lý, khai thác tốt sẽ góp phần đáng kể trong cơ cấu phát triển kinh tế của tỉnh.
Sơn La có nhiều danh lam thắng cảnh, các mỏ nước khoáng nóng, cao nguyên Mộc Châu có khí hậu mát mẻ, vùng hồ sông Đà, các di tích lịch sử cách mạng như bảo tàng, nhà tù Sơn La, cây đào Tô Hiệu,… có thể kết hợp với các tỉnh Hoà Bình, Điện Biên và Lào Cai tạo ra “tour” du lịch hấp dẫn cho du khách.
3.3.2. Khó khăn
Cơ sở hạ tầng không đồng bộ và còn yếu kém đang là một yêu tố cản trở sự phát triển nhanh về kinh tế - xã hội của tỉnh. Nguồn nước sạch cho sản xuất và sinh hoạt phân bố không đều. Mạng lưới điện Quốc gia chưa phủ hết trên địa bàn. Tài chính ngân hàng, bưu chính viễn thông, giáo dục chưa đồng bộ.
Địa hình phức tạp, chia cắt mạnh, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ít, phần lớn là trên đất dốc, tuy trong những năm qua diện tích rừng tăng song độ che phủ của rừng chưa đảm bảo về an ninh môi trường. Khí hậu khắc nghiệt, hàng năm có 6 tháng mùa khô, có nguy cơ cháy rừng cao.
Các nguồn lực tại chỗ nhỏ bé, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới của tỉnh.
Xây dựng nhà máy thuỷ điện Sơn La, các công trình thuỷ điện vừa và nhỏ đã đặt ra cho tỉnh Sơn La những nhiệm vụ mới hết sức nặng nề, nhất là trong công tác di dân tái định cư; tạo quỹ đất sản xuất mới bảo đảm đồng bào di dân tái định cư và đồng bào nơi tiếp nhận tái định cư có cuộc sống ổn định, bền vững và tốt hơn trước.
Từ những phân tích, đánh giá trên cho thấy, Sơn La có nhiều lợi thế, tiềm năng rất lớn về phát triển lâm nghiệp nói chung và phát triển cây lâm sản ngoài gỗ nói riêng. Mắc khén là loài cây bản địa, là loài cây đa tác dụng, phân bố tự nhiên, có thể gây trồng trên đất phục hồi sau nương rẫy, rừng thứ sinh nghèo kiệt, các sản phẩm từ cây này có tiềm năng sử dụng cao tại các tỉnh vùng Tây Bắc nói chung, tỉnh Sơn La nói riêng và hiện nay thị trường tại các khu vực lân cận vùng Tây Bắc cũng đang có tiềm năng phát triển, do đó cần phải được nghiên cứu gây trồng và phát triển loài cây này để góp phần nâng cao đời sống thu nhập của các cộng đồng dân tộc tại tỉnh Sơn La, góp phần bảo vệ và gìn giữ môi trường.
Chương 4:
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
4.1. Đặc điểm hình thái, phân bố, sinh thái, cấu trúc và tái sinh cây Mắc khén tại tỉnh Sơn La
4.1.1. Đặc điểm hình thái thân, lá, hoa và quả
4.1.1.1. Đặc điểm hình thái thân cây Mắc khén
Thân cây Mắc khén phía trên gốc hình trụ tròn, phía gốc thân có múi tạo thành đế. Trong thân đặc, tuy nhiên gỗ hơi xốp.
Hình 4.1: Mặt cắt xuyên tâm và mặt cắt tiếp tuyến cây Mắc khén trưởng thành
* Hình thái thân cây
- Khi còn nhỏ: Thân tương đối tròn đều, xung quanh được bao bọc bởi lớp gai dày đặc.
- Khi trưởng thành: Mắc khén là loài cây gỗ nhỡ ưa sáng cao từ 14 - 18m, cây trưởng thành có thể cao tới 30m, đường kính thân tại vị trí 1,3m có thể đạt từ 20 - 45cm. Thân thẳng, vỏ màu xám trắng có nhiều gai ở phía gốc thân và tiêu giảm nhiều phía trên thân, gốc hơi bạnh vè, phân cành ngang, cành non và đỉnh sinh trưởng thường có màu tím nhạt, tán lá gần tròn.
- Chồi ngọn: Bộ phận nằm trên ngọn thân mang đỉnh sinh trưởng giúp cây cao dần. Chồi ngọn có hình trứng, được che chở bằng một số lá non.
Hình 4.4: Chồi ngọn Mắc khén Hình 4.5: Lóng cây Mắc khén
- Đốt (mấu): Là nơi lá đính vào thân, mấu có hình tam giác đều.
- Lóng: Khoảng cách giữa hai mấu, khi còn nhỏ lóng dài từ 5 - 20cm, các lóng phía ngọn tiếp tục dài thêm, các lóng phía dưới thường ngừng sinh trưởng khi cây đạt độ dài ổn định.
- Chồi nách: Bộ phận cấu tạo giống chồi ngọn nhưng phát sinh ra từ nách lá, về sau phát triển thành cành.
* Đặc điểm cành cây
Cành Mắc khén sinh trưởng hướng lên trên tạo thành góc nhọn với thân cây. Cây Mắc khén 2 tuổi, chiều cao đạt 2m trở đi thì bắt đầu phân cành. Chiều cao dưới cành từ 3 - 4m, phụ thuộc vào hoàn cảnh nơi cây sống. Mắc khén là loài cây ưa sáng, những nơi đất trống thường phân cành sớm, dẫn đến chiều cao dưới cành thấp.
Cành thường phân nhánh từ 2 - 3, hình thành cành cấp II, III. Cành mọc cách trải đều trên thân. Góc phân cành dựng đứng nghiêng. Cũng giống như thân, cành cây Mắc khén có nhiều đốt và lóng. Lóng của các cành phía trên dài hơn các cành ở phía dưới thân.
4.1.1.2. Lá cây Mắc khén
Mắc khén có lá kép lông chim một lần lẻ, lá non mép có răng cưa nhỏ, lá trưởng thành mép nguyên, cành chồi lá non mầu tím nhạt, cuống lá dài 2,0 - 3,0cm mang gai nhỏ. Phiến lá chét hình trái xoan dày, chiều dài từ 7-14cm, đầu nhọn dần, rộng 4 - 8cm. Mỗi cành lá mang từ 5 - 9 đôi lá chét, gân lá hình lông chim có từ 8 - 20 gân trên mặt lá. Mặt trên lá nhẵn bóng màu xanh thẫm, mặt dưới có màu nhạt hơn.
4.1.1.3. Đặc điểm hoa cây Mắc khén
Mắc khén sinh sản hữu tính nhờ hoa. Hoa xuất hiện theo mùa và có ở trên cây đã đến tuổi thành thục. Hoa đơn tính khác gốc, cụm hoa dạng chùy, mọc ở đầu cành hay ở nách lá, cuống hoa dài 8-14cm màu xám trắng. Hoa nhỏ, dài 2,5mm, mẫu 5, lá đài 5, cánh tràng 5, màu trắng hay vàng nhạt, hoa đực có 5 nhị với 1 lá noãn thoái hóa, hoa cái với bầu có 1 lá noãn. Ra hoa cuối tháng 6 và đầu tháng 7.
4.1.1.4. Đặc điểm quả cây Mắc khén
Quả nang hình cầu, đường kính trung bình từ 0,3 - 0,4cm, khi chín vỏ tách thành đôi và rơi xuống đất, cuống quả thô, dài 14 - 20cm. Quả non có màu xanh nhạt, quả chín vào cuối tháng 10 đầu tháng 11, khi chín quả chuyển từ màu xanh sang màu tím nhạt.
Quả Mắc khén khi chín có màu tím đậm rất đặc trưng để lộ đường nứt của vỏ quả, khi chín cuống quả chuyển từ màu xanh sang màu vàng nhạt hoặc hơi tím, thời gian này nếu thời tiết khô ráo thì hạt sẽ tự nứt và rơi xuống đất.
Khi quả Mắc khén chín già, nếu không thu hái kịp thời thì quả sẽ tự nứt thành 2 mảnh bung hạt rơi tự do và phân tán, phơi khô vỏ quả chín có màu nâu xám và có mùi hương rất đặc trưng.
Hình 4.8: Quả Mắc khén chín Hình 4.9: Quả Mắc khén chín nứt lộ hạt
Hạt Mắc khén hình bầu dục, màu đen nhẵn bóng. Đường kính hạt từ 0,2 - 0,4cm, vỏ hạt khá cứng, dùng răng cắn có thể cảm thấy vị cay đặc trưng của loại gia vị này.
Hình 4.10: Hạt Mắc khén
4.1.2. Phân bố tự nhiên của cây Mắc khén
Theo các tài liệu của Nguyễn Văn Huy [36], [37], [38], cây Mắc khén có phân bố ở các tỉnh khu vực Tây Bắc như: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La. Tại Sơn La, qua kết quả điều tra thực tế cho thấy Mắc khén phân bố ở cả 11 huyện, thành phố. Tuy nhiên, phân bố tập trung nhiều ở các huyện Thuận Châu, Mai Sơn, Yên Châu, Sông Mã, Sốp Cộp, Mộc Châu, Bắc Yên và thành phố Sơn La. Mắc khén phân bố chủ yếu ở rừng tự nhiên thứ sinh nghèo và rừng phục hồi sau nương rẫy.