0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (165 trang)

Tên gọi, phân loại, mô tả hình thái, vật hậu

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU CÁC BIỆN PHÁP KỸ THUẬT GÂY TRỒNG VÀ PHÁT TRIỂN CÂY MẮC KHÉN (Trang 28 -28 )

- Tên gọi, phân loại:

Cây Mắc khén hay còn có tên gọi khác là cây Sẻn hôi, Cóc hôi, Hoàng mộc hôi, Vàng me thuộc chi Hoàng mộc (Zanthoxylum), họ Cam (Rutaceae), bộ Bò hòn (Sapindales) (Nguyễn Tiến Bân, 2003) [2], (Bộ môn Điều tra cây rừng - Cục Điều tra quy hoạch, 1970) [3], (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2000) [4], (Phạm Trần Cẩn, 2002) [10], (Lê Mộng Chân, Lê Thị Huyên, 2000) [11], (Võ Văn Chi, 2006) [13], (Triệu Văn Hùng, 2000) [33], (Marije Boomsma, 2006) [42], [43], (Lã Đình Mỡi và cộng sự 2001, 2002) [44], (Vụ Khoa học công nghệ và chất lượng sản phẩm - Bộ NN&PTNT, 2000) [64].

Còn theo tiếng của người dân tộc Thái, Mắc khén nghĩa là quả của cây Khén, một loại cây thân gỗ, mọc tự nhiên trong những khu rừng ở Tây Bắc (Nguyễn Thị Thu Hường, 2005) [36], (Nguyễn Cảnh Sáng, 2011) [50], (Cao Đình Sơn, 2010) [51], (Cao Đình Sơn và cộng sự, 2011, 2012) [52], [53].

- Hình thái, vật hậu:

Theo Lê Mộng Chân, Lê Thị Huyên (2000) [11], Mắc khén có lá mọc cách, lá kép lông chim một lần lẻ hoặc chẵn, cây có gai, hoa thường là đơn tính, khác gốc, lá noãn rời, quả đại kép.

Mắc khén là cây gỗ nhỡ, cao 14 - 18m. Thân thẳng, vỏ có nhiều gai mọc. Cành non và chồi thường phủ lông màu vàng nhạt. Lá kép lông chim một lần lẻ có từ 13 - 15 lá chét, phiến lá chét hình trái xoan, đầu nhọn dần, dài 7 - 10cm, rộng 4 - 7cm. Mép lá răng cưa, mặt lá nhẵn bóng màu xanh nhạt. Cuống lá dài 2,0 - 3,0cm, khi kết quả thường có gai nhỏ mọc xung quanh. Khi còn non toàn thân và cuống lá phủ nhiều gai nhỏ, thân có màu tím nhạt và khó phân biệt so với cây trưởng thành; Hoa mọc thành chùm màu xám trắng giống như hoa Xoan ta; mùa ra hoa cuối tháng 6 đến đầu tháng 7, quả chín vào tháng 10 - 11 trong năm, mỗi cây mẹ từ tuổi 7 trở đi cho từ 24 - 27 kg/cây, trung bình sản lượng khoảng 16,8 kg/cây; quả hình tròn đường kính từ 0,3 - 0,4cm, khi chín vỏ tách thành đôi và rơi xuống đất, cuống quả thô, dài 14 - 20cm; hạt hình bầu dục dài 0,2 cm màu đen thẫm óng ánh, vỏ hạt khá cứng, dùng răng cắn có thể cảm thấy vị cay đặc trưng của loài gia vị này. Bề ngoài vỏ của cây Mắc khén màu xám nhạt loang lổ, gỗ màu vàng tươi có vòng năm phân biệt không rõ rệt, có sợi gỗ, gỗ mềm có mùi thơm (Nguyễn Thị Minh Châu, 2012) [12], (Cao Đình Sơn và cộng sự 2010) [52].

Theo Đinh Công Hoàng (2011) [32], cây Mắc khén khi nhỏ thì ngọn và cành non có mầu tìm nhạt, mép lá có răng cưa, thân màu xanh nhạt mang nhiều gai nhỏ, cây non thường có gai nhọn từ gốc tới ngọn. Mắc khén là loài cây gỗ nhỡ ưa sáng cao từ 14 - 18m sinh trưởng nhanh trên đất nương rẫy, cây trưởng thành có thể cao tới 30m, đường kính thân tại vị trí 1,3m có thể đạt từ 10 - 25cm. Thân thẳng, vỏ màu xám trăng có nhiều gai, gốc không có bạnh vè, phân cành ngang, cành non và đỉnh sinh trưởng thường có mầu tìm nhạt, tán là gần tròn. Vỏ cây có mầu nâu xám hoặc xám trắng, vỏ dày có mang nhiều gai, cây trưởng thành phân gốc mang nhiều gai lớn, phần thân thường nhẵn và ít gai hơn. Khi đẽo vỏ có nhựa màu vàng nhạt như màu mật ong rất đẹp, gỗ mầu vàng nhạt, có vòng năm khá rõ ràng. Lá kép lông chim một lần lẻ, lá non mép có răng cưa nhỏ, lá trưởng thành mép nguyên, cành chồi lá non mầu tím nhạt, cuống lá dài 2,0 - 3,0cm mang gai nhỏ. Phiến lá chét hình trái xoan dày có chiều dài từ 7 - 14cm, đầu nhọn dần, rộng 4 - 8cm. Mỗi cành lá mang từ 5 - 9 đôi lá chét, gân lá hình lông chim có từ 8 - 20 gân trên mặt lá. Mặt

trên lá nhẵn bóng màu xanh thẫm, mặt dưới lá có màu nhạt hơn. Hoa đơn tính khác gốc, cụm hoa dạng chùy, mọc ở đầu cành hay ở nách lá, cuống hoa dài 8 - 14cm màu xám trắng. Hoa nhỏ, chỉ dài chừng 2,5mm, mẫu 5, lá đài 5, cánh tràng 5, màu trắng hay vàng nhạt. Hoa đực có 5 nhị với 1 lá noãn thoái hóa. Hoa cái với bầu có 1 lá noãn. Quả nang hình cầu, đường kính trung bình từ 0,3 - 0,4cm, khi chín vỏ tách thành đôi và rơi xuống đất, cuống quả thô, dài 14 - 20cm. Quả non có mầu xanh nhạt, quả chín vào cuối tháng 10 đầu tháng 11, khi chín quả chuyển từ mầu xanh sang màu tím nhạt. Hạt Mắc khén hình bầu dục, mầu đen nhẵn bóng. Đường kính hạt từ 0,2 - 0,4cm, vỏ hạt khả cứng, dùng răng cắn có thể cảm thấy vị cay đặc trưng của loài gia vị này.

Về vật hậu, Cây Mắc khén ra hoa vào tháng 5 đến tháng 6 hàng năm và đậu thành những chùm quả nhỏ như những chùm hạt cây rau mùi, cuối hè người ta thu hoạch các chùm quả Mắc khén bằng cách leo lên cây hái hoặc dùng câu liêm kéo những cành nhỏ có quả cho rơi xuống đất và buộc thành những chùm đem phơi nắng cho khô hoặc treo lên gác bếp (http://phienchovungcao.vn/) [91].

Theo Đinh Công Hoàng (2011) [32] và Nguyễn Thị Minh Châu (2012) [12], cây Mắc khén ra chồi tháng 2 hàng năm, tháng 3 hình thành cành non và lá, mầm hoa xuất hiện từ đầu tháng 4 đến hết tháng 5, nụ được hình thành vào tháng 6, hoa nở đầu tháng 7 đến tháng 8 và nở rộ vào khoảng trung tuần tháng 8, quả bắt đầu hình thành vào trung tuần tháng 9, đến trung tuần tháng 10 quả bắt đầu chín và chín rộ từ cuối tháng 10 đến trung tuần tháng 11. Cuối tháng 11 các lá chét bắt đầu chuyển từ màu xanh sang vàng, cuối tháng 12 lá bắt đầu rụng, thời kỳ lá rụng nhiều nhất từ cuối tháng 12 đến đầu tháng 1 năm sau, đến cuối tháng 1 lá rụng hết.

1.2.2. Giá trị sử dụng

Giá trị sử dụng Cây Mắc khén chủ yếu mới được một số đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng theo kiểu truyền thống. Tại vùng Tây Bắc, người ta biết đến loài cây này chủ yếu là từ sản phẩm hạt của nó, các cộng đồng dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Thái và H’Mông sử dụng hạt vào rất nhiều món ăn như cá pỉnh tộp, măng lay chấm chéo, thịt gác bếp nhờ có hương vị Mắc khén mà món ăn thêm phần hấp

dẫn. Có thể nói đây là một trong những loại gia vị độc đáo mà núi rừng Tây Bắc đã ban tặng cho người dân nơi đây, góp phần làm cho ẩm thực Việt Nam thêm phần phong phú (dẫn theo Lã Đình Mỡi và cộng sự 2001, 2002) [44].

Quả Mắc khén là loại gia vị không thể thiếu trong bữa ăn của người dân tộc Thái giống như một dạng muối vừng với người Kinh, sau khi hái về, bắc chảo rang nóng tiếp đó, đưa vào giã thành bột mịn. Tuy nhiên, để chế ra được hương vị thơm phức, chuyên dùng ăn với xôi nếp nương, còn phải qua nhiều công đoạn khác. Đó là dùng thêm ớt khô bỏ hạt nướng giòn, muối rang, rau mùi tầu xắt nhỏ rang khô, tất cả đều giã thành bột mịn. Sau khi trộn đều hỗn hợp trên thì tạo thành một thứ bột mùi thơm hăng hắc nhưng lại dịu như vị ô mai và phảng phất chất núi rừng, thơm cay nồng nàn như hương hồi, quế. Nhiều món ăn Tây Bắc như cá pỉnh tộp, măng lay chấm chéo, thịt gác bếp nhờ có hương vị Mắc khén mà món ăn thêm phần hấp dẫn bởi gia vị này còn giúp thịt thú rừng trở nên thơm ngon đặc biệt. Không chỉ dùng cho những loài thú săn trên rừng, Hạt Mắc khén còn được người Thái sử dụng trong cách nướng cá khiến thịt cá không bị cháy, hương vị tỏa ra thơm phức, cay nồng nàn của ớt, vị mặn mòi của muối (Quách Thị Huyền Trang, Bùi Thị Vân, 2012) [59], (http://laodong.com.vn) [89]. Còn người H’Mông lại sử dụng hạt Mắc khén sau khi rang, nghiền nhỏ để làm gia vị tẩm vào các món thực phẩm nướng, đặc biệt là món gà đen, lợn H’Mông (Lò Văn Chiều, Lò Văn Nở, 2012) [14].

Theo vietbao.com [96], người vùng cao thường lấy hạt Mắc khén làm các món chấm ăn cùng măng luộc, thịt cá nướng hoặc làm gia vị tẩm ướp. Khi dùng Mắc khén, hạt của nó sẽ được nướng lên bằng lửa than cho thơm, sau đó đem giã nhỏ như hạt tiêu nên vì thế Mắc khén còn có tên là hạt tiêu rừng Tây Bắc. Cũng có nơi người dân thích ăn cả hạt, hạt Mắc khén có vị hơi cay lại thơm mát mùi tinh dầu mà nhiều người bảo là nghiện, không thể thiếu nó trong mỗi bữa cơm.

Thông tin tử cổng thông tin điện tử tỉnh Yên Bái (www.yenbai.gov.vn) [97], hạt Mắc khén là loại gia vị đã đi vào truyền thống, không thể thiếu được trong các bữa ăn của người Thái đen, quả Mắc khén sau khi thu hoạch về, bắc chảo rang nong, tiếp đó đưa vào giã thành bột mịn, thông dụng nhất dùng để chấm xôi nếp nương, làm gia vị của món “Pa Pỉnh Tộp” hoặc làm gia vị tẩm trong các món nướng.

Về mặt y học, theo Phạm Trần Cẩn (2002) [10], trong một số loài thuộc chi Zanthoxylum khi chiết suất vỏ, hạt tạo ra thuốc để chữa bệnh dạ dày, tuy nhiên tài liệu này lại chưa nghiên cứu đến đầy đủ tác dụng các sản phẩm từ cây Mắc khén. Khi liệt kê các loài cây có công dụng làm thuốc tác giả Đỗ Tất Lợi (1991) [41] đã nhắc đến cây Mắc khén trong sử dụng vỏ, hạt để phòng trừ phong thấp, hoạt huyết và giảm đau. Lã Đình Mỡi, Trần Huy Thái (2001, 2002) [44], cho biết tinh dầu từ hạt cây Mắc khén được coi là có đặc tính chống viêm gan, giải cảm, sát trùng tốt, có tác dụng diệt ký sinh trùng đường ruột mạnh hơn so với thuốc piperazine.

Còn theo kết quả nghiên cứu của tác giả Nguyễn Viết Thân và cộng sự (2010) [56], đã xác định được độ an toàn cao Z.R1 (chế từ quả cây Mắc khén thu hái ở tỉnh Hua Phăn CHND Lào) và LD50 (thử độc tính cấp) của phân đoạn tinh dầu từ quả cây Mắc khén là 3 - 4mg/kg (tính theo trọng lượng cơ thể chuột nhắt trắng); cao quả cây Mắc khén với mức liều 1,8mg/kg chuột cống, uống trước 3 ngày đã có tác dụng kích thích bài tiết mật của gan, đạt được 277,98% so với nhóm đối chứng, mức tăng này có ý nghĩa thống kê (p<0,05). Tác dụng của cao quả Mắc khén làm thay đổi lượng bilirubin toàn phần và trực tiếp theo xu hướng tăng tại giờ thứ 3, nhưng không làm thay đổi tỷ trọng dịch mật. Có thể cơ chế lợi mật của Z.R1 theo hướng kích thích tế bào gan tăng chế sắc tố mật.

Bên cạnh đó, còn có một số nghiên cứu khác về công dụng của cây Mắc khén như: Bộ Y tế (1974) [9]; Phạm Hoàng Hộ (1992) [28]; Lê Quý Ngưu, Trần Như Đức (1998) [49], tuy nhiên những nghiên cứu này mới khái quát sơ bộ công dụng của quả cây Mắc khén mà chưa có những phân tích chi tiết và chuyên sâu .

1.2.3. Đặc điểm phân bố, sinh thái

Cây Mắc khén phân bố chủ yếu ở các tỉnh vùng Đông Bắc, Tây Bắc Việt Nam và rải rác một số nơi khác, thường gặp ở độ cao từ 600 - 1.500m so với mặt nước biển, phân bố ở kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm cây lá rộng xen cây lá kim á nhiệt đới núi thấp, kiểu rừng này ở vùng Tây Bắc có diện tích khá nhiều. Ở nước ta, mới thấy ghi nhận Mắc khén phân bố ở Biên Hòa (Phạm Hoàng Hộ, 1992) và Mai Châu - Hòa Bình (dẫn theo Lã Đình Mỡi và cộng sự, 2001, 2002) [44]. Theo

Nguyễn Văn Huy (2002, 2003, 2004) [37], [38], [39], cây Mắc khén thường phân bố ở một số kiểu rừng sau:

- Kiểu Rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi trung bình và núi cao (ở độ cao 800m đến 1700): đặc điểm của kiểu rừng này có diện tích khá nhiều, địa hình nơi phân bố thường là các đỉnh núi hoặc sườn các giông núi chạy từ các đỉnh núi cao xuống như sườn các ngọn núi thuộc dãy núi chín đỉnh, do khí hậu mát mẻ quanh năm, nhiệt độ bình quân dưới 200, nhiều mây mù, độ ẩm cao nên kiểu thảm này có nhiều thực vật có nguồn gốc là cây bản địa Tây Bắc Việt nam và Vân Nam Trung quốc.

Kiểu rừng nay có 2 kiểu phụ:

+ Kiểu Rừng kín thường xanh mua ẩm cây lá rộng á nhiệt đới núi thấp. + Kiểu Rừng kín thường xanh mưa ẩm cây lá rộng xen cây lá kim á nhiệt đới núi thấp.

- Kiểu Rừng kín hỗn hợp cây lá rộng, lá kim á nhiệt đới núi trung bình và núi cao (ở độ cao 800m đến 1700m): kiểu rừng này có một số đặc điểm: Phân bố ở sườn và đỉnh các dông núi có độ cao 800 - 1700m. Trong kiểu rừng này có các trạng thái phổ biến là rừng IIIA1 và IIIA2, IIIB. Độ khép tán đạt cao S= 0,6-0,8. Chiều cao phổ biến 15-25m. Đường kính cây trung bình đạt 25cm. Cấu trúc tầng rừng và thành phần cây lá rộng không khác nhiều so với kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp cùng độ cao nhưng số lượng có phần giảm, thành phần cây lá rộng chủ yếu là các loài Re, Giẻ cau quả bẹt, Giẻ gai, Chè rừng, Chè lông, Tô hạp, Màng tang, Chắp xanh, Giổi găng, Giổi thơm, Mò gói thuốc, Chân chim, Cà muối, Thanh thất, Mắc niễng, Chẹo, Thị rừng, Hồng rừng, Mắc khén,... [37], [38], [39], (Thái Văn Trừng, 1978) [61].

Theo Nguyễn Đăng Hội (2011) [29], khác với các loài cây gỗ rừng, ở Việt Nam cây Mắc khén thuộc loài tiên phong phát triển tốt trong điều kiện nhiệt độ, mức độ chiếu sáng gần với điều kiện khu vực trống trải: nhiệt độ có thể lên đến 450C, độ ẩm không khí 50 - 60% và mức độ chiếu sáng có thể lên đến 150.000 lux.

Còn theo Lò Văn Ngọc (2011) [48], Cao Đình Sơn (2012) [54] và Phạm Đức Thịnh (2012) [57], cây Mắc khén phân bố chủ yếu ở rừng tự nhiên tái sinh nghèo và rừng phục hồi sau nương rẫy ở độ cao 700 - 1.400m so với mặt nước biển cùng với một số loài cây ưu thế như: Vối thuốc, Xoan nhừ, Thôi ba, Màng tang, Đáng chân chim,…

1.2.4. Chọn và nhân giống

Đối với cây Mắc khén, hiện nay tại nước ta loài cây này chủ yếu tái sinh tự nhiên. Các công trình nghiên cứu về chọn và nhân giống loài cây này rất hạn chế. Bước đầu mới chỉ có một số nghiên cứu tại khu vực Tây Bắc.

- Về chọn giống: Theo Nguyễn Cảnh Sáng (2011) [50], việc chọn cây mẹ lấy giống căn cứ vào 2 chỉ tiêu cơ bản là hình thái bên ngoài và phẩm chất cây. Về hình thái, chọn những cây thân thẳng tròn đều, gốc không có bạnh vè, tán tròn đều và hẹp, góc phân cành nhỏ, chiều cao dưới cành từ 3m trở lên. Về phẩm chất cây, chọn cây sinh trưởng tốt nhất trong lâm phần, không sâu bệnh, có hoa quả nhiều nhất và có chất lượng vào thời kì thành thục tái sinh của cây rừng (Nguyễn Thị Minh Châu, 2012) [12], (Ngô Quang Đê, Nguyễn Hữu Vĩnh, 1997) [16], (Lê Đình Khả, Dương Mộng Hùng, 2003) [40].

- Về nhân giống: Việc xử lý hạt Mắc khén bằng nước nóng, hoặc không xử lý nước nóng và cho vào cát ẩm thì tỷ lệ nảy mầm là rất thấp. Tuy nhiên, qua kinh nghiệm từ người dân tộc Thái và H’Mông vùng Tây Bắc nếu hạt được xử lý bằng phương pháp đốt, sau đó ngâm nước nóng và ủ thì tỷ lệ nảy mầm sẽ đạt được khoảng 20 - 25% (Cao Đình Sơn và cộng sự, 2010) [52]. Khi sử dụng phương pháp nhân giống từ hom cành, theo Lò Văn En (2010) [22], tỷ lệ ra rễ cũng khá thấp, kể cả khi sử dụng thuốc kích thích ra rễ cũng chỉ đạt được khoảng 40%.

1.2.5. Trồng và chăm sóc rừng

Ở nước ta, các công trình nghiên cứu về trồng rừng và chăm sóc rừng trồng đã được tiến hành trong nhiều năm qua và đã thu được nhiều kết quả.

- Võ Đại Hải và các cộng sự (2004, 2005, 2006) [25], [26], [27], đã xây dựng các mô hình trồng rừng sản xuất ở các tỉnh Miền núi phía Bắc nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng, kết quả xây dựng hoàn thiện các mô hình rừng trồng cung cấp gỗ lớn, gỗ nhỏ, lâm sản ngoài gỗ, bước đầu sinh trưởng tốt.

- Phạm Xuân Hoàn và các cộng sự (2004) [31] đã đưa ra các lý do trồng rừng trong vùng nhiệt đới, cơ sở khoa học và một số kết quả của trồng rừng thuần loài, trồng rừng công nghiệp, trồng rừng hỗn loài cây bản địa ở Việt Nam.

- Hội khoa học đất Việt Nam (2000) [30] đã đánh giá các loại đất có ở Việt Nam, trong đó có đất rừng.

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU CÁC BIỆN PHÁP KỸ THUẬT GÂY TRỒNG VÀ PHÁT TRIỂN CÂY MẮC KHÉN (Trang 28 -28 )

×