7. Cấu trúc luận văn
3.1. Khái lược chung về thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết
Song hành với không gian nghệ thuật là thời gian nghệ thuật. Theo Từ điển thuật ngữ văn học: Thời gian nghệ thuật là “hình thức nội tại của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó. Cũng như không gian nghệ thuật, sự miêu tả, trần thuật trong văn học bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn nhất định trong thời gian. Và cái trần thuật bao giờ cũng diễn ra trong thời gian, được biết qua thời gian nghệ thuật. Sự phối hợp của hai yếu tố thời gian này tạo thành thời gian nghệ thuật, một hiện tượng ước lệ chỉ có trong thế giới nghệ thuật” [18, tr.214]. Cũng giống như không gian nghệ
thuật, thời gian nghệ thuật là hình thức tồn tại bên trong của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó. Thời gian nghệ thuật không phải là thời gian khách quan, vận động theo trật tự một chiều, trước sau không thể đảo ngược mà là thời gian được soi chiếu bởi tư tưởng, tình cảm của nhà văn, được nhào nặn và sáng tạo trở thành hình tượng nghệ thuật, phù hợp với quan niệm nghệ thuật của nhà văn về con người và thế giới. Vì thế, thời gian nghệ thuật có thể nhanh hay chậm, dài hay ngắn, liên tục hay đứt quãng theo một logic riêng không hoàn toàn trùng khớp với thời gian khách quan.
Tuy nhiên, không phải mọi thứ liên quan đến thời gian trong tác phẩm văn học đều trở thành thời gian nghệ thuật. Nhà lý luận Nga D.X.LiKhachop
cho rằng: “Thời gian vừa là khách thể vừa là chủ thể và đồng thời là công cụ phản ánh văn học. Văn học ngày càng thấm nhuần ý thức và cảm giác về sự vận động của thế giới trong hình thức hết sức đa dạng của thời gian” và “Thời gian nghệ thuật là nhân tố nằm trong mạng lưới nghệ thuật. Nó buộc thời gian cú pháp và quan niệm triết học về thế giới phải phục vụ cho những
quan niệm nghệ thuật của nó”. Trong tác phẩm văn chương, thời gian chỉ trở
thành thời gian nghệ thuật khi nó trực tiếp tác động vào nhân vật, vào môi trường mà ở đó diễn ra số phận của nhân vật và những biến động của tâm tư, tình cảm của con người. Khi đó thời gian nghệ thuật cùng với các yếu tố khác như kết cấu, cốt truyện… thể hiện quan niệm của nhà văn về con người và
cuộc đời. Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử trong cuốn Thi pháp thơ Tố Hữu cũng khẳng định: “Thế giới nghệ thuật trong văn học không phải đơn giản chỉ là quan điểm của tác giả về thời gian mà là một hình tượng thời gian sinh động, gợi cảm, là sự cảm thụ, ý thức về thời gian được dùng làm hình thức nghệ thuật để phản ánh hiện thực, tổ chức tác phẩm” [46, tr.190].
Là hình thức của hình tượng nghệ thuật, thời gian nghệ thuật là một trong những phạm trù quan trọng nhất của thi pháp học, bởi nó thể hiện thực chất sáng tạo của người nghệ sĩ. Thời gian trong tác phẩm phụ thuộc vào điểm nhìn của tác giả, vì vậy nó được sử dụng một cách mềm dẻo, linh hoạt hơn.
Và khác với thời gian khách quan được đo bằng đồng hồ và lịch, “thời gian nghệ thuật có thể đảo ngược quay về quá khứ, có thể bay vượt tới tương lai xa xôi, có thể dồn nén một khoảng thời gian dài, trong chốc lát thành vô tận”
[40, tr.134]. Thời gian nghệ thuật được đo bằng nhiều thước đo khác nhau: bằng sự lặp lại đều đặn của các hiện tượng đời sống được ý thức, sự sống, cái chết, gặp gỡ, chia tay, mùa này, mùa khác… tạo nên nhịp điệu trong tác phẩm. Như vậy, thời gian nghệ thuật gắn liền với tổ chức bên trong hình tượng nghệ thuật. Khi nào ngòi bút của người nghệ sĩ chạy theo diễn biến sự kiện thì thời gian trôi nhanh, khi nào dừng lại môt tả chi tiết thì thời gian chậm lại.
Nếu như tác phẩm văn học có khả năng mở rộng tối đa không gian
thì chiều dài của thời gian cũng được mở rộng tới hết chiều kích của nó.
Trong tác phẩm, thời gian hoàn toàn có thể kéo dài từ năm này sang năm khác
mà không gặp phải bất cứ sự cản trở nào. Thời gian trong Sống mòn trải dài
Thứ rời Sài Gòn lập nghiệp đến khi y bị bệnh phải về quê đi dạy học để kiếm sống rồi xảy ra chuyện mất việc lại phải về nhà … Thời gian cứ trải dài thể hiện sự quẩn quanh, bế tắc của cuộc đời nhân vật. Cũng có khi thời gian trong
tiểu thuyết có thể chiếm cả một thế kỷ như trong Trăm năm cô đơn – tiểu
thuyết đã từng được giải Noben văn học của nhà văn người Côlômbia – Macket. Cốt truyện trải dài theo dòng thời gian của một dòng họ tồn tại đến bảy thế hệ trong hoàn cảnh bị lưu đày vào cõi cô đơn để chạy trốn tội loạn luân. Thời gian trong tiểu thuyết cũng có thể thay đổi nhịp điệu, tăng giảm tốc độ nhưng cũng có lúc dồn nén, vụt hiện rất khó nắm bắt. Ví dụ như trong tác
phẩm Một ngày dài hơn thế kỷ của Aimatov thời gian được dồn nén nên cho
dù là tiểu thuyết nhưng câu chuyện được kể chỉ trong một ngày – đó là ngày đưa tang Kazangap và những hồi tưởng về quá khứ của Êđigây. Mặt khác, sự xuất hiện của thời gian hồi tưởng qua sự nhớ lại của nhân vật diễn ra với nhịp điệu khác nhau, có khi chậm rãi, có khi dềnh dàng, có khi gấp gáp được tính bằng phút, bằng giây.
Thời gian nghệ thuật có đặc điểm cấu trúc riêng. Người ta hay chú ý tới
hai yếu tố chính của lớp thời gian, đó là thời gian trần thuật và thời gian được trần thuật. Nếu thời gian trần thuật là thời gian của người kể chuyện, có có sự
hữu hạn, phụ thuộc vào tốc độ của người kể, có thể đảo ngược sự việc thì thời gian được trần thuật là thời gian của sự việc được nói tới, trong đó có thời
gian sự kiện và thời gian nhân vật. Thời gian sự kiện là thời gian truyện, “thời gian lịch sử”, là chuỗi liên tục các sự kiện trong quan hệ liên tục trước sau, nhân quả. Thời gian nhân vật bao gồm tiểu sử và thời gian được nếm trải qua
tâm hồn nhân vật. Giữa thời gian trần thuật và thời gian được trần thuật có mối quan hệ qua lại thân thiết với nhau và chính mối quan hệ này tạo ra thời gian nghệ thuật. Gắn với từng phương thức, phương tiện biểu hiện, mỗi thể loại lại có một kiểu thời gian riêng. Trong kịch do chia hồi, thời gian mỗi hồi được tính theo đồng hồ, thời gian giữa các hồi được tính theo lịch. Thời gian trong tự sự và trữ tình thì đa dạng hơn. Tuy nhiên cũng có sự khác biệt cơ
bản: Nếu thời gian trong thơ có độ nhòe lớn, không rõ ràng thì thời gian trong văn xuôi (trong đó có tiểu thuyết) cụ thể, mang tính xác định hơn.
Thời gian nghệ thuật là một phạm trù quan trọng của thi pháp học bởi văn học là nghệ thuật của thời gian. Thời gian là đối tượng, chủ thể, là công cụ miêu tả, là sự tự ý thức và cảm giác về sự vận động và thay đổi của thế giới trong các hình thức đa dạng của tác phẩm. Thời gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học nói chung, trong văn xuôi và tiểu thuyết nói riêng là một yếu tố quan trọng, và là phương tiện hữu hiệu nhất để tổ chức nội dung của tác phẩm. Đó là lý do giải thích tại sao mà trong những sáng tạo nghệ thuật hiện đại, các nhà văn thường quan tâm đặc biệt tới thời gian nghệ thuật trong tác phẩm. Bởi lẽ làm tốt điều đó đồng nghĩa với việc đóng góp to lớn vào sự đổi mới kĩ thuật viết và tạo nên sắc thái độc đáo của tiểu thuyết thời kì đổi mới.