7. Cấu trúc luận văn
2.2.1. Không gian chiến trường
Nói tới không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết về đề tài chiến tranh
không thể không nói tới không gian chiến trường – nơi phản ánh rõ nhất bộ mặt thật của cuộc chiến. Không gian chiến trường trong tiểu thuyết về đề tài
chiến tranh có sự đa dạng, phong phú, có nhiều diện mạo thể hiện khác nhau nhưng đều có chung một đặc điểm là khơi dậy những ký ức bi hùng đầy tự hào vừa đáng nhớ nhưng cũng muốn quên đi trong tâm hồn người lính. Chiến trường hiện lên với tất cả sự căng thẳng và ngột ngạt của nó. Đó là nơi đối đầu giữa ta và địch, nơi diễn ra các trận đánh.
Sau năm 1975, tính chất khốc liệt của chiến tranh đã bắt đầu được miêu tả trong văn chương, song trước thập kỷ 90 chưa có tác phẩm nào thể hiện
một hiện thực bi thảm như trong Nỗi buồn chiến tranh và Ăn mày dĩ vãng.
Bảo Ninh và Chu Lai chủ yếu hướng ngòi bút vào những vùng hiện thực mà
trước đó thường được xem là “vùng cấm” (những hoài nghi, giằng xé, những
nỗi sợ hãi, những bất ổn trong lòng người, gương mặt khủng khiếp, ghê rợn của chiến trận…). Đào sâu vào những vùng khuất tối, hai nhà văn đã đem vào
văn học Việt Nam một định nghĩa mới về chiến tranh với không gian chiến trận khốc liệt, bạo tàn.
Ở Nỗi buồn chiến tranh và Ăn mày dĩ vãng, có thể thấy Bảo Ninh và Chu Lai đã xây dựng nên một không gian chiến trường không phải bằng cái nhìn “sử thi” truyền thống mà bằng cái nhìn chân thực đến trần trụi thô nhám như nó vốn có. Vì thế, không gian chiến trận ở đây thẫm đẫm bi thương, mất mát. Với Bảo Ninh “Chiến tranh là cõi không nhà, không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới bạt sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người!” [42, tr.33]. Còn với Chu Lai thì “Chiến tranh… Nó là cái gì nếu không phải là ngày nào cũng nhìn thấy người chết, ngày nào cũng chôn người chết mà vẫn
chưa đến lượt mình” [28, tr.39]. Về cơ bản, hai cách giải nghĩa trên đã khái quát toàn bộ không gian chiến trận trong hai cuốn tiểu thuyết.
Không gian nghệ thuật Nỗi buồn chiến tranh và Ăn mày dĩ vãng gây ấn tượng dữ dội với người đọc trước hết bởi những trang văn “đầy rẫy tử thi” [42, tr.98] và “ngập ngụa máu” [28, tr.240]. Trong Nỗi buồn chiến tranh,
cũng có tiếng hát nhưng đó không phải là khúc quân hành hùng tráng mang
tâm thế ngày hội như ở Dấu chân người lính (Nguyễn Minh Châu) mà là “lời ca khốc liệt làm ớn lạnh những đêm trường”. Những lời ca ấy ra đời và được cất lên từ những năm tháng chiến trận liên miên “không bờ không bến”, thật xót xa ai oán: “Chân trời chết chóc mở ra mênh mang, vô tận những nấm mồ bộ đội mọc lên nhấp nhô tựa sóng cồn” [42, tr.17]. Không gian chiến trường ở đây hiện lên là một vũ trụ chìm trong mưa, mưa trở thành biểu tượng khủng khiếp của chiến tranh “mưa rơi”, “mưa nhỏ”, “mưa đêm”, “mưa dầm”, “mưa ngút trời”… khiến “đất rừng lầy lội phù thũng”, “rừng lầm lì cau có”. Cuộc chiến có vẻ như vùi lấp trong biển mênh mông mù mịt mưa: “Khắp Tây Nguyên từ miền non cao cánh Bắc tới cánh Trung, cánh Nam, thảo nguyên bao la vô định, nơi thì im lìm chết chặng, nơi thì rền vang tiếng súng”. [, tr. 16]. Tiếng mưa và tiếng súng như hòa làm một gieo rắc nỗi buồn
thảm ở khắp nơi đặc biệt là trong lòng người. Không gian bốn bề mưa giăng như một tấm lưới khổng lồ mà con người không sao thoát ra được. Con người vẫn ngày đêm lao vào những trận chiến, thách thức với tử thần để rồi bỏ mình nơi chiến địa, vĩnh viễn nằm lại chốn rừng thiêng nước độc.
Trở về với cuộc sống hòa bình đã lâu Kiên vẫn không thể quên được
trận đánh tàn khốc ở truông Gọi Hồn mà “tiểu đoàn 27 độc lập” của anh “bị tiêu diệt mất hoàn toàn phiên hiệu” chỉ có “mười người may mắn còn được sống”. Kiên nhớ: “Mùa khô ấy, nắng to gió lớn, rừng bị tưới đẫm xăng đặc, cuồn cuộn lửa luyện ngục. Các đại đội đã tan tác đang cố co cụm, lại bị đánh tan tác. Tất cả bị nom na – pan tróc khỏi công sự, hóa cuồng, không lính không quan gì nữa rùng rùng lao chạy trong lưới đạn dày đặc, chết dúi ngã
dụi vào biển lửa. Trên đầu trực thăng rà rạp các ngọn cây và gần như thúc họng đại liên vào gáy từng người một mà bắn.” [42, tr.6]. Đoạn văn chẳng
khác nào một thước phim quay cận cảnh. Qua ngòi bút của Bảo Ninh, ta thấy
một không gian chiến trận ác liệt với bao sự tàn bạo của chiến tranh, thấy
được sinh mạng của con người thật mong manh bèo bọt. Họ phải chết đau đớn trong cơn hoảng loạn vô cùng. Thử hỏi một ấn tượng như thế, nhiều ấn tượng như thế làm sao con người còn có thể bình thường được nếu như còn sống sót? Sự hủy diệt đã vô cùng dã man nhưng những gì diễn ra sau đó còn
ghê rợn gấp bội phần: “Những ngày sau đó quạ bay rợp trời, và sau khi bọn Mỹ rút thì mưa mùa ập xuống, lụt rừng. Bãi chiến trường biến thành đầm lầy, mặt nước màu nâu thẫm nổi váng đỏ lòm. Trên mặt nước lềnh bềnh xác người sấp ngửa, xác muông thú cháy thui, trương sình trôi lẫn với cành lá và những thân cây to nhỏ bị mảnh pháo băm. Khi lũ tan, mọi vật trồi ra dưới nắng lầy nhầy bọc trong lớp bùn đặc ghê tanh như thịt thối.” [42, tr.7]. Ký ức vì thế
mà càng xót xa, ám ảnh. Kiên như bị cầm tù bởi những ký ức về chiến trận ở
sông Sa Thầy, ở đồi Xáo Thịt: “Và ai đã đọc Kiên thì đều có dịp hình dung những trận mưa cẳng chân, bàn tay rơi lịch bịch lẹt bẹt xuống đồng cỏ voi bên bờ sông Sa Thầy vào lúc rạng mơ sau suốt một đêm B52 liên tục chần. Có thể tận mắt ngắm sườn Xáo Thịt sau ba ngày huyết chiến nom y hệt một mái nhà lợp bằng thây người” [42, tr.98]. Không gian chiến trận ở đây được tái
hiện bằng cả thị giác và thính giác, hiện lên ghê rợn và tang thương. Cuộc chiến không kể ngày tháng ấy đã biến mặt đất thành đầm lầy, ngổn ngang
những xác người và muông thú. Không gian chiến trường trở thành không
gian nghĩa địa.
Với Hai Hùng trong Ăn mày dĩ vãng, ký ức về chiến tranh cũng dữ dội và khốc liệt chẳng kém. Anh kể lại: “Còn đơn vị tôi, không biết đã bị xóa phiên hiệu đi, xóa phiên hiệu lại đến lần thứ mấy nữa?... Mỗi lần bị xóa là mỗi lần mấy đứa còn lại lủi thủi theo giao liên ngược lên rừng già nhận thêm quân ở ngoài kia mới vào. Có quân vào là có việc làm, có mục tiêu để nổ
súng và để lại tiếp tục ngã xuống đến người chót cùng” [28, tr.170]. Cái chết
của đồng đội mà Hai Hùng phải chứng kiến hoàn toàn nằm ngoài trí tưởng tượng của người may mắn chưa phải sống trong cảnh bom đạn rơi nổ. Đó là
“những thây người ngã xuống, rách toác, óc vỡ, ruột đùn ra như ruột lợn, những ống xương thòi thụt nham nhở, trắng hếu” [28, tr.78]. Dù ta không
muốn tin thì đó vẫn là sự thật nghiệt ngã! Cuộc chiến vinh quang nhưng khốc liệt đã cuốn đi biết bao trai tráng, những người con ưu tú của dân tộc. Theo
nhân vật Kiên thì “Những người ưu tú nhất, tốt đẹp nhất, những người xứng đáng hơn ai hết quyền sống trên cõi dương này đều bị gục ngã, bị nghiền nát, bị cỗ máy đẫm máu của chiến trận chà đạp, đày đọa, bị bạo lực tăm tối hành hạ, làm nhục rồi giết chết, bị chôn vùi, bị quét sạch, bị tuyệt diệt” [42, tr.238]. Bao nhiêu người đã không có tuổi trẻ như Hai Hùng: “Cả tuổi trẻ của tôi đã ngập ngụa trong máu” [28, tr.240]. Để có cuộc sống bình yên, bao nhiêu máu đã đổ ra “tung xối, chảy tóe, ồng ộc, nhoe nhoét” [42, tr.7]. Trong quan niệm
của Bảo Ninh và Chu Lai, cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta hào hùng và vĩ đại nhưng cũng thấm đẫm bi kịch nhìn từ số phận con người. Nếu như trừu tượng hóa tính chất cuộc chiến ấy thì sự dữ dội của nó cũng không
kém gì cuộc chiến tranh mà Remarque miêu tả trong Phía tây không có gì lạ.
Để tiếp cận những không gian nghệ thuật này, dù chỉ trên trang giấy, tâm hồn mỗi người đọc vẫn trào lên nỗi niềm xót xa thương cảm và bàng hoàng trước cảnh chiến tranh khủng khiếp.
Không chỉ có chết chóc, không gian chiến trận còn đi liền với đói khổ và cực nhọc. Ta thấy hiện lên trong không gian chiến trường những cuộc đói
ăn, đói ngủ và thiếu thốn đủ mọi thứ tối thiểu cho một cuộc sống bình thường.
Đây là tình cảnh của Hai Hùng và đồng đội: “Cả chục năm… luôn luôn đói ăn, đói muối, luôn luôn chỉ vận độc một chiếc xà lỏn đánh hết trận này qua trận khác, hết mùa mưa qua mùa khô, hết ngày tạnh sang ngày ướt…” [28,
tr.186]. Cuộc sống của những người lính trinh sát như Kiên thì cũng chẳng
nát tả tơi và vì những lở loét cùng người như phong hủi, cả trung đội chẳng còn ai trông ra hồn thằng trinh sát nữa” [42, tr.18]. Cũng vì đói khổ đến cùng cực nên mới dẫn đẽn những nghịch cảnh trớ chêu, đau lòng: “một chiến sĩ gan dạ” bị “khai trừ ra khỏi Đảng” chỉ vì “đã tự tiện ăn hết phần gạo dự trữ quy định…Gạo lúc đó là máu, là danh dự, là sống còn, xà xẻo vào gạo là xúc phạm đến tất cả”. Mới quyết định khai trừ người chiến sĩ của mình ra khỏi Đảng vào buổi sáng thì về đêm, chính Hai Hùng “đã lợi dụng bóng tối bò sang lán thương binh móc bồng ăn cắp một hộp sữa. Sữa còn quý hơn gạo. Không dao không kéo, anh đã cạp thủng nắp hộp và một hơi đến đáy” [28,
tr.126]. Đúng là cái đói triền miên đã làm mụ mị tâm hồn người chiến sĩ tới
mức, trước sự gào réo của bao tử họ đã quên mất cả tự trọng. Không gian chiến trường vì thế hiện lên đã làm trào dâng trong ta những niềm cảm
thương sâu sắc.
Trong Nỗi buồn chiến tranh và Ăn mày dĩ vãng, ta thấy không gian chiến trường hiện lên luôn có sự song hành của tình yêu nhưng dường như ở đó “hạnh phúc lứa đôi thường đặt song hành cùng sự chia biệt, cái chết” [42,
tr.76]. Mới chạm cửa chiến tranh, mối tình đẹp đẽ giữa Kiên và Phương trong
Nỗi buồn chiến tranh đã bị nó chà nát tới mức dù họ còn rất yêu nhau nhưng
vĩnh viễn không thể đem lại hạnh phúc cho nhau. Hay mối duyên tình chung đụng, phi lý và tội lỗi giữa những người lính trinh sát với ba cô gái bị bỏ quên nơi rừng già đem lại cho họ chút hạnh phúc ngắn ngủi, cho họ được hưởng
“những giọt cuối cùng còn sót lại của tình người” [42, tr.34] lại như một “điềm gở” báo trước cho số phận bi thảm của những chàng trai cô gái đang ở
độ tuổi thanh xuân ấy. Ngay sau những cuộc hẹn hò đắm đuối là cái chết đau
đớn, tức tưởi của ba cô gái cùng với cái chết của Thịnh “con” “đạn trúng tim, không kịp kêu một tiếng, ngã sấp” [42, tr.39].
Trong không gian chiến trường của Ăn mày dĩ vãng, tình yêu của Hai
Hùng và Ba Sương cũng luôn hiện lên với cảm giác bị chia lìa ám ảnh. Người ta rỉ tai lời đồn Ba Sương có số sát người yêu nên cô thường phải kìm chế tình
cảm để mong Hai Hùng không bị tử thần cướp mất. Trớ trêu thay, sau những phút giây hạnh phúc nơi căn hầm bí mật ngột ngạt với xiết bao nguy hiểm đang rình rập trên mặt đất, họ đã vĩnh viễn mất nhau, bởi chính Ba Sương phải xót xa từ bỏ quá khứ để ngậm ngùi trở thành người chiến sĩ anh hùng, lưu danh trong trang sử quê hương. Mối tình mà Hai Hợi dành cho Tám Tính cũng có kết cục thật đau buồn. Cô giao liên Thu hoặc một người chiến sĩ dũng cảm như Khiển đã gặp tử thần ngay sau những phút giây hạnh phúc tình cờ,
ngắn ngủi. Những kết cục đau buồn ấy phải chăng là một quy luật: “Thời buổi chiến tranh thời buổi ngược đời, cho nên những chuyện được coi là lớn lao, những mối nguy to tát đều là sự thường nhật, còn những gì nhỏ nhoi, cỏn con như niềm vui nỗi buồn hằng ngày của kiếp người thì lại rất trái lẽ và họa hoằn lắm mới có nổi. Hãn hữu tới độ chúng trở nên gần như điềm gở?” [42,
tr.24].
Có thể thấy, cùng viết về không gian chiến trường nhưng tác phẩm của
Chu Lai có thiên hướng nhấn vào khả năng chịu đựng và những khao khát rất con người của người lính để mà chất vấn cái hiện tại dửng dưng, tàn nhẫn. Còn tác phẩm của Bảo Ninh nổi rõ tinh thần tự vấn về chính niềm tin quen thuộc của con người Việt Nam rằng chiến tranh là lò lửa thử vàng, là cơ hội cho những phẩm chất đẹp đẽ nhất tỏa sáng. Ngòi bút của Chu Lai sắc nhọn, đáo để nhưng thực ra tâm thế người đọc khá nhẹ nhõm. Còn Bảo Ninh làm dậy lên biết bao mối hoài nghi đau đớn và dư vị tác phẩm còn tê tái mãi trong lòng người đọc.