7. Cấu trúc luận văn
2.2.2. Không gian thời hậu chiến
Bên cạnh không gian chiến trường, không gian thời hậu chiến cũng
được Bảo Ninh và Chu Lai quan tâm đề cập tới trong hai cuốn tiểu thuyết. Nó cho thấy cái nhìn chân thực hơn về cuộc sống trong và cả sau chiến tranh.
Sau khúc khải hoàn, móng vuốt của chiến tranh vẫn không chịu buông tha người chiến thắng. Hòa bình, đó là điều vô cùng tốt đẹp cho dân tộc nhưng với một số người lính, hòa bình đâu có song hành cùng hạnh phúc.
Trong cảm nhận của Kiên, “hòa bình ập tới phũ phàng, choáng váng đất trời và xiêu đảo lòng người, gây bàng hoàng, gây đau đớn nhiều hơn là mừng vui… Và anh đột nhiên thấy tràn ngập trong cảm giác cô đơn trơ trọi. Trơ trọi hơn bao giờ hết, trơ trọi từ đây” [42, tr.119]. Có phải nguyên do của cảm
giác này như Trần Sơn, anh lính lái xe thu gom hài cốt liệt sĩ đã phát biểu:
“Mẹ kiếp, hòa bình chẳng qua chỉ là thứ cây mọc lên từ máu thịt bao anh em mình. Mà những người được phân công nằm lại gác rừng lại là những người đáng sống nhất” [42, tr.45].
Cả Bảo Ninh và Chu Lai đều có ý thức đề cập đến không gian con đường người lính rời trận địa trở về với cuộc sống đời thường. Đây là cảnh
hồi hương của những người chiến thắng đã từng vào sinh ra tử mà nhân vật
Kiên đã chứng kiến: “Trên tàu Thống Nhất chuyến ấy toàn là thương binh phế và lính về vườn… Không kèn, không trống, không khúc khải hoàn thì đã đành rồi nhưng đến một chút đối xử có trước có sau người ta cũng chẳng buồn dành cho bộ đội. Cảnh chợ chiều nhốn nháo, nháo nhào không khác gì một thứ tùy nghi di tản. Đã thế lại còn kiểm tra lên, kiểm tra xuống, lục lọi săm soi từng cái túi cóc ba lô tuồng như người ta cho rằng một núi của cải ở miền Nam sau giải phóng bị hư hao thất thoát, bị xâu xé, tranh đoạt, bị hốt vơ cào xúc cho đến sạch sành sanh là bởi anh bộ đội chứ không phải bởi bọn người nào khác…” [42, tr.86]. Gần năm mươi tuổi đầu trở về với mảnh đất đã
từng gắn bó suốt thời trai trẻ, gặp lại bạn bè kiêu dũng một thời, Hai Hùng
trong Ăn mày dĩ vãng cay đắng nhận ra những nghịch lý trớ trêu: “Đội hình đánh giặc ngang tàng năm xưa giờ đây, trừ vài thằng may mắn khôn ngoan chẳng rõ nguyên cớ nào lại đều bị cuộc đời dồn chung vào một cục hẩm hiu, méo mó, chẳng may nhận ra nhau chỉ nhúc nhích con người đờ đẫn màu chì. Cánh rừng năm nào đã không còn bóng dáng một loài cây cũ, mảnh đất năm nào đã phai lợt sắc màu, một lớp người xa lạ ở đâu đến đến hay và mới nhớn nhao lên đã nghiễm nhiên thay thế họ rồi” [28, tr.7]. Cuộc đời Ba Thành –
tượng của anh: “Cứ tưởng rằng gốc gác người ở đây, được học hành đào tạo hẳn hoi, lại trải qua cả cuộc chiến tranh cầm dao mổ cứu sống bao mạng người, trong đó không ít người đã là và đang là quan chức cấp cao, nhất định là Ba Thành bây giờ không là Giám đốc Sở Y tế thì mèng ra cũng giữ chân bệnh viện trưởng bệnh viện trung tâm nào đó. Vậy mà không! Ba Thành khật khưỡng đi từ ngoài rẫy về, cởi trần đẻ hở những rẻ xương sườn cong vênh, vai vác cuốc, đầu quấn khăn rằn đã ố vàng, chân bước cà nhắc, thỉnh thoảng lại vấp một cái, mặt đen cháy, tóc nửa đen nửa bạc lam nham…” [28, tr.113]. Không gian thời hậu chiến với những số phận trớ trêu đã xoáy sâu vào tâm
hồn người đọc niềm xót xa đến khó tả! Anh cũng bàng hoàng trước nghịch
cảnh: Tên Địch – sĩ quan thám báo ác ôn – chẳng những “không hề phải trải qua một ngày cải tạo” [28, tr.314] mà còn trở thành trưởng phòng kế hoạch,
người giúp việc tin cậy của giám đốc Sở Nông lâm và sống trong cảnh sung sướng, giàu có. Còn vị đại tá già – cựu chiến binh cách mạng – thì thành người gác cổng với những đồng lương còm lại luôn bị hắn hoạnh họe! Chiến tranh khốc liệt còn hòa bình lại đầy rẫy những phức tạp và toan lo đời thường. Không gian thời bình hiện lên không thanh bình, tươi đẹp như trong chiến
tranh những người lính vẫn nghĩ mà không gian cuộc sống thời hậu chiến
hiện lên đầy khó khăn và nghiệt ngã.
Trong Ăn mày dĩ vãng, Chu Lai còn vẽ ra một không gian thời hậu chiến với thực tế đau lòng, đó là sự kỳ thị, chia rẽ Bắc Nam vốn nảy mầm ngay từ những ngày chiến tranh ác liệt: “Cuộc chiến tranh mà Chu Lai viết lại đó chính là cuộc chiến tranh thật anh dũng và quá nhiều đau thương mất mát. Nhưng cái mất mát lớn nhất đó là sự ích kỷ, sự chia rẽ, kỳ thị dân tộc và sự hèn nhát vẫn cứ len lỏi trong hàng ngũ những người cách mạng làm cho những người anh dũng, gan dạ đánh giặc mù trời một thời ngang dọc như Hùng, Tám Tính, Tuấn, Ba Thành… bị vứt ra ngoài lề xã hội ngay sau cuộc chiến” [60]. Ngày ấy, những người lính trinh sát đã được nghe một bà ở Bộ tư lệnh miền Nam nói: “Mấy em ở ngoài kia sướng rồi, hãy khoan, nên tập
trung đề bạt cho mấy em ở trong này” [28, tr.96]. Sau ngày giải phóng, sự kỳ
thị còn gấp bội phần. Người ta đối xử với Tuấn – một trong năm người lính đặc nhiệm hiếm hoi còn sống sót giữa bao người đã ngã xuống vì mảnh đất mà họ muốn coi là quê hương thứ hai của mình – hết sức bất công và bạc bẽo.
Anh kể lại với Hai Hùng: “Họ cho chuyển ra làm huyện đội phó, huyện đội trưởng rồi chủ tịch và sau đó là bí thư huyện. Công việc đang đà tiến triển tốt với vị trí ở một huyện vững mạnh về mọi mặt toàn tỉnh. Ấy vậy mà… kỳ đại hôi thứ hai, em bị đánh bật ra khỏi cấp ủy rất vô cớ… Hồi chiến tranh, người ta cần mình đứng ra lấy ngực hứng tên, hứng đạn. Yên hàn rồi, họ lại sợ mình tiến quyền, sợ mình làm một cuộc xâm lược văn hóa và trí tuệ trở lại” [28,
tr.263].
Còn Kiên, được tiếp tục sống nhiều năm trong bầu trời hòa bình giữa lòng thành phố quê hương nhưng cảm giác của anh cũng chẳng hơn gì những
người như Hai Hùng, như Tuấn. Anh cảm thấy như bị “mắc kẹt” lại giữa cuộc đời này chứ không phải may mắn được sống sót, vì “cứ nhìn kĩ vào nền hòa bình thản nhiên kia và nhìn cái đất nước đã chiến thắng này mà xem: đau xót, chua chát và nhất là buồn xiết bao” [42, tr.273]. Thực trạng đau xót ấy là
phổ biến hay cá biệt, có thể mỗi người nghĩ mỗi khác. Nhưng trình bày hiện thực bằng kinh nghiệm cá nhân, Bảo Ninh và Chu Lai đã đem vào văn chương những điều mà trước đó rất ít được người ta nói tới.