7. Cấu trúc luận văn
2.2.4. Không gian tâm linh, huyền ảo
Từ điển Tiếng Việt định nghĩa: “Huyền ảo là có vẻ đẹp kì lạ và bí ẩn, vừa như thực vừa như ảo, tạo sức cuốn hút mạnh mẽ” [40, tr.584] và “Tâm
linh là khả năng đoán trước những điều sắp xảy ra theo quan niệm duy tâm” [40, tr.1152]. Trước đây, Tô Hoài cũng đã có lần quả quyết: “Tiếng Việt hoàn toàn lạ lùng với hình thức cảm giác” [59, tr.49]. Như vậy có thể khẳng định “không có thực’’ hay “lạ lùng”, “hoang đường” là thuộc tính đầu tiên của khái niệm huyền ảo, huyền thoại và “những điều đoán trước sẽ xảy ra trong tương lai” là những thuộc tính của tâm linh. Do đó không gian tâm linh,
huyền ảo là không gian không có trong hiện thực. Nó có thể đẹp, rực rỡ hay kì
ảo, dị thường… Sự xuất hiện của không gian tâm linh trong tiểu thuyết chiến
tranh ngày nay là một hệ quả tất yếu của không gian chiến trường, vì sự cực kì khốc liệt của bom đạn và hình ảnh những cái chết rất gần với lĩnh vực tâm linh. Trên thực tế khi đối diện với cái chết ở chiến trường, ngoài lòng dũng cảm, bản lĩnh, trí tuệ… người lính còn chiến đấu bằng cả những tiềm ẩn bản
năng không thể giải thích.
Tiểu thuyết hiện đại ngày nay nói nhiều đến vấn đề tâm linh. Nhưng xung quanh khái niệm tâm linh cũng có nhiều cách hiểu khác nhau, có người cực đoan đẩy tâm linh ra khỏi nghĩa thông thường sang địa hạt mê tín. Song để có môt cái nhìn công bằng hơn, chúng ta cần quan niệm tâm linh cũng là một phần của cuộc sống của chúng ta. Nó là niềm tin có thể rất mơ hồ nhưng lại ám ảnh, thật khó lí giải trong tiềm thức của con người. Phải thừa nhận một thực tế rằng con người hiện tại luôn có mối ràng buộc với quá khứ, với ông bà tổ tiên, với những người đã khuất và bản thân con người cũng có lúc thoát ly hiện thực để sống một thế giới khác mà bằng chứng là những giấc mơ, những linh cảm…
Để tái hiện được không gian tâm linh, các nhà tiểu thuyết hiện đại
thường đưa vào đó yếu tố huyền thoại và theo nhà nghiên cứu Phùng Văn Tửu
thì “Huyền thoại là phương thức nghệ thuật đang có xu hướng trở thành một trong những kỹ thuật sáng tác của tiểu thuyết hiện đại”. Huyền thoại trở
thành một yếu tố cấu thành nên thế giới hình tượng – biểu tượng ở bề sâu của kết cấu. Phía sau cấu trúc bề mặt của các biến cố được kể lại đó là cấu trúc
huyền ảo. Đây là một hình thức đắc dụng giúp nhà văn đi sâu vào khám phá đời sống tinh thần hết sức trừu tượng, khó nắm bắt của con người, để từ đó thấu hiểu con người ở phần nhân tính, mơ hồ và huyền diệu. Thông qua nó, nhà văn bộc lộ quan niệm về một thế giới đa chiều, thế giới tồn tại song song những yếu tố khả giải – bất khả giải, duy lí – phi lí, tất nhiên – ngẫu nhiên… Thế giới ấy không được nhìn nhận một cách an nhiên như trước mà đầy khắc khoải, lo âu. Nếu như ở giai đoạn trước, thế giới được nhìn nhận với con mắt lạc quan, đầy tin tưởng, con người luôn tin vào ý chí, sức mạnh và những quy luật đã chiếm lĩnh thì giờ đây, con người nhận ra rằng thế giới vẫn mang trong mình nó nhiều bí ẩn, những điều con người chưa thể biết và đầy bất trắc. Những điều đó thuộc về cái ngẫu nhiên. Nó là một khả năng có thể đem lại cho con người niềm vui, niềm hạnh phúc nhưng cũng có khi lại là nỗi đau, sự bất hạnh và những tấn bi kịch. Và thế là những vấn đề ấy đi vào tiểu thuyết như là một lẽ tất nhiên vậy. Những đặc điểm của không gian tâm linh trong tiểu thuyết hôm nay luôn được lạ hóa để tạo ra một không gian khác lạ.
Trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh có rất nhiều không gian
được phủ lớp sương huyền ảo. Trước hết đó là không gian tồn tại qua những
lời đồn đại, tiếng sấm truyền và tiên tri – không gian truông Gọi Hồn. Ở đó “Chim chóc khóc than như người… Đom đóm to kinh dị… có loại măng nhuốm màu đỏ dễ sợ, đỏ au như những tảng thịt. Theo lời đồn, vào ngày kì lễ lạt nào đó của giới các âm hồn, các toán quân đã chết của tiểu đoàn lại tụ họp trân trăng để điểm danh. Tiếng suối chảy tràn, tiếng gió núi hú lên chính là tiếng nói của những hồn hoang binh lính mà người cõi dương có thể nghe thấy và có thể thấu hiểu” [42, tr.8]. Vùng rừng núi này chứa đựng những
huyền thoại rùng rợn, những truyền thuyết man rợ, nguyên thủy nhất về cuộc
chiến tranh vừa qua mà “những người yếu bong vía khó sống ở đây”. Truông
Gọi Hồn xuất hiện một loại cây với tên gọi hồng ma. Nó như một liều thuốc
an thần đánh lừa cảm giác và ru ngủ con người trong mộng đẹp: “trạng thái mụ mẫm do khói hồng ma đã từ lán trung sát lây lan ra khắp trung đoàn”
[42, tr.15]. Người ta cũng nhìn thấy hiều sinh vật lạ: “Những quái vật long lá có cả cánh lẫn vú với cái đuôi kì nhông kéo lết và họ ngửi thấy mùi tanh máu từ chúng, nghe thấy chúng ào rú và ca hát” [42, tr.15]. Những điều tai nghe
mắt thấy ấy đã trở thành điềm trời cảnh báo tai họa khủng khiếp, thảm khốc và đẫm máu của chiến tranh.
Không gian tâm linh, huyền thoại được tái hiện qua những chi tiết vừa
hư, vừa thực và đặc biệt thông qua niềm tin của nhân vật Kiên. Kiên đã bắt đầu tin vào những bóng ma, tin vào những ngọn gió âm hồn và những lời lẽ
thần kì vang lên từ đáy rừng âm u. Trong đầu anh, “ảo giác và cảnh thực đan xen lẫn vào nhau như hai vòng song giao thoa trên nền xanh thẫm tối của thảm rừng” [42, tr.106].
Không gian tâm linh, huyền thoại không chỉ là không gian đời thực được tô đậm chất kì bí mà còn nhập vào không gian những bức tranh của cha
Kiên. Trong tranh, “đàn ông, đàn bà, trẻ con nối nhau thành một vòng những hình nhân héo vàng sống vu vơ giữa miền kí ức không có thật của cuộc đời, mỗi ngày lạc bước ra khỏi cõi dương không ngoái nhìn lại, và chính cha Kiên là người sau cùng nhập vào đoàn người ấy” [42, tr.140]. Từ sắc màu vàng úa
là chủ đạo cho đến những hình ảnh trong bức tranh đều mang một vẻ kì dị,
thần bí được vẽ lên từ một người nghệ sĩ “lạc thời và lạc loài”. Cuối cùng chúng được hỏa thiêu trong nghi lễ “cuồng tín và man rợ”.
Để tái hiện lớp không gian tâm linh huyền ảo, Bảo Ninh đã sử dụng
một số lượng lớn ngôn từ kì ảo, gây ấn tượng mạnh với người đọc. Khi thâm
nhập vào không gian nghệ thuật của Nỗi buồn chiến tranh, cảm giác bị vây
bủa, giăng mắc, bị ám ảnh ban đầu như được gia tăng nồng độ bởi thế giới ngôn từ kì ảo. Bảo Ninh đã liên tiếp sử dụng những phó từ, trạng từ chỉ tính
chất bất thường, hoặc thoắt ẩn, thoắt hiện của sự việc như “bỗng”, “bỗng dưng”, “tự nhiên”, “đột nhiên”, “chợt”, “bất chợt”… Thêm vào đó là mạng
lưới các từ chỉ cảm giác bất an, nỗi lo âu, sợ hãi, bản năng của con người:
trong 320 trang của tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, có tới 116 lần Bảo Ninh sử dụng những từ ngữ, hình ảnh tạo không gian rùng rợn, li kì: “Tiếng thở than buồn thảm của thế giới rừng sâu”, “vời vợi xa xôi và tuyệt vời hư ảo”, “đám hành khách từ trong mộ bước ra”, “ma cà rồng”, “ảo giác”, “kì quái”, “ma quái”, “hoang đường”… Những địa danh cũng mang màu sắc kì ảo, ghê rợn: “Truông Gọi Hồn”, “hồ Cá Sấu”, “đồi Thánh Giá”, “đèo Thăng Thiên”… Thậm chí chỉ trong một trang (trang 8) xuất hiện hàng loạt
các từ ngữ gây ấn tượng và cảm giác mạnh với một không gian huyền ảo, kì
bí: “Thần chết sờ soạng”, “vô khối hồn ma quỷ (…) lang thang”, “mịt mù lam chướng”, “những kì lễ lạt (…) của các giới âm hồn”, “cuộc điểm danh của các toán quân đã chết”, “chim chóc khóc than như người”, “các loại măng đỏ như những tảng thịt ròng ròng máu”, “đom đóm to kinh dị (…) lớn tày cái mũ cối”, “cây cối hòa giọng với gió rên lên những bản nhạc ma”…
Không gian mà chúng gợi ra không khỏi khiến những con người yếu bóng vía
“có thể điên lên hoặc chết rũ vì khiếp sợ”. Không gian huyền ảo, đầy ám gợi
được sáng tạo đã góp phần khắc họa chân thực hơn diện mạo tàn khốc của
chiến tranh, khiến bất kì ai đã từng tiếp xúc với tác phẩm cũng sẽ bị “ám ảnh”.
Nếu Nỗi buồn chiến tranh hiện lên với một lớp không gian huyền ảo, kì lạ thì trong tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng, Chu Lai đã tạo nên một không gian
tâm linh huyền thoại qua việc xây dựng nhân vật Viên với khả năng đoán trước được tương lai, dự cảm về những điều sắp xảy ra. Điều này được thể
hiện qua lời nhận xét của Hai Hùng: “cậu ta có một thứ linh cảm hay trực giác trận chiến gì đó rất kì quái”. Trong một lần đột ấp Hai Hùng thấy Viên
bỏ cơm, tìm ra mép sông ngồi, mắt nhìn hút xuống dòng nước buồn rười rượi. Hai Hùng hiểu lần đột ấp với một lực lượng hỗn hợp lần này sẽ có điều chẳng lành. Cứ ngỡ rằng những dự đoán về tương lai chỉ là những điều mơ hồ, vô căn cứ vì nó không thể giải thích bằng khoa học. Nó chỉ là thứ trực giác huyền bí của con người mà không phải ai cũng có, không phải lúc nào cũng
đúng. Lần này có thể linh cảm của Viên đã sai khi đội quân hỗn hợp đã đột ấp thành công khi mỗi người mang trên lưng đầy gạo, thịt hộp, thuốc y tế… Nhưng chính lúc không ai ngờ nhất thì Hai Hùng mới lại thấy điều linh cảm bí ẩn của Viên ứng nghiệm. Ngay sau có tiếng nổ, đội hình đã rối loạn, tan rã. Trong tiếng nổ quái ác đó, chính Viên chứ không phải ai khác đã ngã xuống tuy rằng trước đó nó đã linh cảm thấy điều bất ổn. Có thể ta cho rằng đây chỉ là sự trùng hợp tình cờ, nhưng tình cờ có chăng chỉ là sự trùng hợp một đến hai lần là cùng nhưng với Viên điều ứng nghiệm không chỉ là hai mà trước mỗi lần vào trận chiến Viên đều có thứ linh cảm bí hiểm đó.
Trong Ăn mày dĩ vãng, Chu Lai đã xây dựng nhân vật Viên có khả
năng tiên đoán cả những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Nếu như những linh cảm của Viên trước mỗi trận chiến là thứ linh cảm của người lính về số phận mình và đồng đội trước gianh giới giữa sự sống và cái chết thì có thể hiểu và giải thích được một phần bởi dẫu sao nó cũng là thứ linh cảm về chính số phận của bản thân mình. Điều này ai cũng có thể có khả năng. Thế nhưng để có thể tiên đoán được số phận người khác hay về sự kiện lịch sử dân tộc thì đây là thứ linh cảm khó có, khó gặp trong cuộc sống. Bởi chính khả năng đặc biệt đó mà người ta gọi họ là con người tâm linh. Viên đã nói đúng về cái năm
sẽ thống nhất non sông: “mà còn lâu lắm mới hòa bình, chí ít phải dăm bẩy năm nữa…”. Năm mà Viên nói điều ấy là năm 1968 theo những lời nói của
các nhân vật và dựa vào các sự kiện lịch sử. Như vậy tính từ năm 1968 cộng với bẩy năm nữa sẽ là năm 1975. Và thực tế lịch sử dân tộc cũng đúng như vậy: ngày 30 tháng 4 năm 1975 là ngày chúng ta giải phóng miền Nam. Việc tiên đoán của Viên là không có căn cứ khoa học cụ thể nhưng chúng ta phải hiểu một điều rằng những gì khoa học đã lí giải được một cách rõ ràng thì lúc
đó nó không còn được gọi là “tâm linh” nữa. Tâm linh luôn mang trong mình
nó điều bí ẩn không thể giải thích được.
Trong những lời tiên đoán của Viên điều mà có lẽ Hai Hùng nhớ nhất và nó cũng gắn liền với số phận của Hai Hùng và Ba Sương là lời tiên đoán
“Rồi đây số phận anh và chị Sương sẽ ràng buộc nhau nhiều lắm đấy. Hai người đều gặp vô số hoạn nạn nhưng không xa rời nhau, vẫn bù đắp được cho nhau. Chị ấy sẽ chết trước anh” [28, tr. 122]. Quả thật lời tiên đoán của
Viên là đúng, sau lần đột ấp đó số phận đã đưa Hai Hùng và Ba Sương đến với nhau. Tình yêu thực sự là sức mạnh để có thể vượt qua những điều tưởng chừng như không thể vượt qua. Có lúc cái chết tưởng như cận kề nhưng bằng tình yêu mãnh liệt họ đã vượt qua tất cả. Kể cả sau này khi đất nước thống nhất, khi đó Ba Sương đã là bà giám đốc Tư Lan thì Hai Hùng và Ba Sương vẫn gắn bó với nhau, vẫn còn nguyên vẹn trong nhau tình yêu trong sáng và mãnh liệt ngày nào. Do hoàn cảnh mà Tư Lan không dám nhận lại cố nhân nhưng khi lương tâm thức tỉnh thì bà Tư Lan cũng đã dũng cảm để trở về là Ba Sương ngày xưa, vẫn một tình yêu chung thủy với Hai Hùng. Dù xa cách bao năm nhưng tình cảm dành cho nhau giữa hai người vẫn nguyên vẹn đong đầy như xưa. Nhưng số phận nghiệt ngã đã cướp đi vĩnh viễn Ba Sương khỏi Hai Hùng ngay trong phút giây họ đoàn tụ. Vậy là lời tiên đoán năm xưa của
Viên đã thành sự thật: “Chị ấy sẽ chết trước anh…”. Sự xuất hiện của không gian tâm linh trong tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng có ý nghĩa rất lớn. Chu Lai
muốn tạo nên một thế giới đa cực, đa chiều. Ở đó, không chỉ là hiện thực rõ nét mà còn là sự mờ ảo của một thế giới huyền bí chứa đựng những bí mật
cần khám phá. Qua không gian tâm linh với những lời tiên đoán của Viên
người đọc hiểu rõ hơn về câu chuyện, về diễn biến số phận cuộc đời của các nhân vật, đặc biệt là hai nhân vật chính là Hai Hùng và Ba Sương, đồng thời tạo cho tác phẩm sức cuốn hút kì lạ.
Không gian tâm linh, huyền thoại không giữ vai trò là không gian chính
của tác phẩm nhưng nó lại góp phần không nhỏ đem lại sức hấp dẫn, khơi dậy trí tò mò và phát huy khả năng tưởng tượng của độc giả. Nó hòa quyện với các không gian khác tạo những mảng màu phong phú cho cuốn tiểu thuyết.
Đời sống tâm linh của con người luôn chứa đựng bao điều bí ẩn. Tâm linh đối lập với ý thức kiểu lí tính thuần túy. Nó bao gồm cái phi lí, cái tiềm
thức, vô thức, bản năng thiên phú… Qua khảo sát trên, có thể thấy Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh và Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai đã mở cánh cửa
vào thế giới tâm linh, huyền thoại với những mức độ và biểu hiện khác nhau.
Nếu Nỗi buồn chiến tranh lấy không gian huyền thoại làm nền cơ bản cho những trang viết như bị “thôi miên” của nhà văn thì Ăn mày dĩ vãng lại đi vào xây dựng không gian tâm linh đặc biệt với khả năng tiên đoán đặc biệt
của nhân vật. Tất cả điều đó cho thấy văn học hôm nay rất quan tâm đến đời sống tinh thần, những phần trực giác, linh giác, những khả năng bí ẩn… trong tâm hồn con người, mang đến cái nhìn mới về chiến tranh, về không gian trong tiểu thuyết về đề tài chiến tranh.