7. Cấu trúc luận văn
1.3.1. Một số nét về nhà văn Bảo Ninh và tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh
Từ sau năm 1975 và nhất là sau năm 1986, văn xuôi đã có sự khởi sắc, trong đó tiểu thuyết vẫn là thể loại độc đáo bộc lộ ưu thế của mình trong cách nhìn nhận, khám phá và nghiền ngẫm hiện thực. Hàng loạt tên tuổi như Bảo Ninh, Chu Lai, Dương Hướng, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương… đã góp phần không nhỏ tạo nên diện mạo của tiểu thuyết Việt Nam thời kì đổi mới.
Trong rất nhiều tên tuổi ấy, Bảo Ninh được đánh giá là “cây bút quan trọng góp phần làm nên cuộc cách mạng trong nghệ thuật tiểu thuyết Việt Nam”
[35, tr.238].
Bảo Ninh tên thật là Hoàng Ấu Phương, sinh tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, quê ở xã Bảo Ninh, thị xã Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Ông là con trai của Giáo sư Hoàng Tuệ (1922 – 1999), nguyên Viện trưởng Viện ngôn ngữ học. Ông vào bộ đội năm 1969. Thời chiến tranh, ông chiến đấu ở mặt trận B3 Tây Nguyên, tại tiểu đoàn 5, sư đoàn 10. Năm 1975, ông giải ngũ và về học đại học tại Hà Nội (1976 – 1981), sau đó làm việc ở Viện khoa học Việt Nam. Từ năm 1984 đến năm 1986, ông học khóa 2 trường viết văn Nguyễn Du và sau đó làm việc ở báo Văn nghệ Trẻ. Ông là hội viên Hội nhà văn Việt Nam từ năm 1997.
Năm 1987, Bảo Ninh xuất bản tập truyện ngắn đầu tay Trại bảy chú lùn. Cũng trong năm đó tác phẩm Thân phận của tình yêu sau này được đổi tên là Nỗi buồn chiến tranh được ra đời. Về sau, Bảo Ninh còn viết một số truyện ngắn về đề tài chiến tranh, trong đó truyện Khắc dấu mạn thuyền đã
được dựng thành phim. Truyện ngắn Bội phản trong tập truyện Văn Mới do
Nhà xuất bản Văn học xuất bản cũng đã được ông gửi gắm nhiều tình cảm và suy nghĩ vào trong các nhân vật.
Năm 1991, cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh được
tặng giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và đã được đón chào nồng nhiệt. Đó là câu chuyện kể về một người lính tên Kiên, đan xen giữa hiện tại hậu chiến với hai luồng hồi ức về chiến tranh và về mối tình đầu với cô bạn học Phương. Khác với những tác phẩm trước đó mang tính sử thi, miêu tả chiến tranh từ góc độ cộng đồng, hung tâm tráng chí của người lính chiến đấu vì vận mệnh đất nước, Bảo Ninh đã miêu tả chiến tranh từ một góc độ khác, góc độ cá nhân, thân phận con người, đi sâu vào những nỗi niềm cá nhân. Nhà văn
Nguyên Ngọc đã từng ca ngợi “Về mặt nghệ thuật, đó là thành tựu cao nhất của văn học đổi mới”. Cuốn tiểu thuyết đã được dịch sang tiếng Anh bởi Frank Palmos và Phan Thanh Hảo, xuất bản năm 1994 với nhan đề The Sorrow of War, được ca tụng rộng rãi, và một số nhà phê bình đánh giá là
một trong những tiểu thuyết cảm động nhất về chiến tranh. Bản dịch này được bán rộng rãi cho du khách nước ngoài. Đây cũng là một cuốn sách được đọc rộng rãi ở phương Tây, và là một trong số ít nói về chiến tranh từ quan điểm phía Việt Nam được xuất bản ở đây. Năm 2005, tác phẩm này được tái bản
với nhan đề là Thân phận của tình yêu, năm 2006 tái bản với nhan đề đã trở thành nổi tiếng: Nỗi buồn chiến tranh.
Là một nhà văn cựu chiến binh, Bảo Ninh đã luôn ý thức được nghĩa vụ ngòi bút của mình: Viết về cuộc chiến cho hôm nay và cho mai sau. Và với
Nỗi buồn chiến tranh, tác phẩm thành công nhất, Bảo Ninh đã có một sự
đóng góp quan trọng cho nền văn học nước ta sau năm 1975. Tác phẩm đã
gây ra một “cú sốc” lớn làm thay đổi lối tiếp nhận của công chúng yêu văn
học bấy lâu nay. Đọc tiểu thuyết của Bảo Ninh, người ta như bừng tỉnh sau giấc ngủ dài. Thì ra chiến tranh không chỉ là lời tụng ca những chiến công và sự hi sinh anh dũng, là những tấm huân chương lấp lánh trên ngực người
chiến sĩ trở về sau cuộc chiến mà chiến tranh còn đồng nghĩa với đau thương và mất mát. Chiến tranh là chết chóc và nước mắt, là sự chia cắt và ám ảnh, sự dị dạng, méo mó về nhân hình lẫn nhân tính của con người. Về nghệ thuật,
với Nỗi buồn chiến tranh, Bảo Ninh cũng là người đầu tiên vượt qua một
cách khá rõ rệt hơn cả ngôn ngữ độc thoại của sử thi, đạt đến ngôn ngữ đối thoại của tiểu thuyết, đó là “ngôn ngữ dân chủ cá nhân”, bằng một thể nghiệm, một cách viết hoàn toàn mới lạ ở Việt Nam cho tới thời điểm ấy, kĩ thuật kiểu lồng ghép, cắt dán, ghép mảnh, những dòng tâm tư, ý thức của
nhân vật, loại “tiểu thuyết trong tiểu thuyết”, điểm nhìn trần thuật di động, đa điệu, đa thanh. Nỗi buồn chiến tranh đánh dấu một thành công của tiểu
thuyết Việt Nam. Viết về cuộc chiến tranh chống mỹ đã trở thành lịch sử, tác giả không miêu tả chiến tranh như lúc nó đang xảy ra mà như nó hiện ra trong kí ức, trong suy tưởng. Việc lựa chọn cách trình bày quá khứ dưới hình thức kỉ niệm, qua sự nhớ lại của người hôm nay cho phép nhà văn tiếp cận lịch sử tự do hơn, gửi gắm được nhiều hơn ấn tượng, tâm trạng của mình cũng như những cảm nhận còn lại qua năm tháng. Tiểu thuyết này không chỉ lạ về hình thức mà còn mới mẻ cả về nội dung so với thời điểm khi nó ra đời. Các tác phẩm trước đó viết về chiến tranh bằng kinh nghiệm của cộng đồng, cái riêng
đặt trong cái chung, hòa vào cái chung (Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi…) thì Bảo Ninh lại viết về chiến
tranh dường như bằng kinh nghiệm của mình. Từ cái nhìn ấy, tác phẩm cho thấy chiến tranh không chỉ là vinh quang mà còn là đau thương, hủy diệt. Người trở về sau chiến tranh có thể không hề bị thương tích song vết thương trong lòng họ vô cùng đau đớn và luôn rỉ máu. Chiến tranh đã lấy đi trong lòng họ sự bình yên trong tâm hồn, nó hiện hữu trong hiện tại bằng những vết thương không bao giờ kín miệng liền da. Kí ức chiến tranh lưu giữ trong họ những gì vừa đau thương, vừa sáng trong tốt đẹp nhất của cuộc sống. Hàng loạt tiểu thuyết viết về chiến tranh thời kì này đã đem đến cho người đọc
đọc về với những năm tháng khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ qua số
phận Hai Thanh. Góc tăm tối cuối cùng của Khuất Quang Thụy dựng lại cuộc chiến tranh bằng nước mắt đau thương, bằng “sự thật về con người” vừa đi ra khỏi cuộc chiến tranh qua số phận ông Dần. Chim én bay của Nguyễn Trí
Huân ghi thêm vào lịch sử của dân tộc những trang chiến công oanh liệt của những em bé trong đội Chim Én qua những trăn trở, dằn vặt của nhân vật
Quy. Đến Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, người đọc chập chờn sống
giữa hai bờ hư – thực, dòng suy nghĩ bị choáng ngợp bởi kí ức, bởi những ám ảnh day dứt khôn nguôi của nhân vật Kiên. Người viết bước đầu mổ xẻ, phân tích mối quan hệ giữa những cá nhân con người với hoàn cảnh, những phức tạp bộn bề của cuộc sống sau chiến tranh. Nó thể hiện những trải nghiệm không chỉ riêng Bảo Ninh mà của cả một thế hệ, một thời đại. Đúng như nhà văn Ngô Thảo khi đánh giá tính chân thực của tác phẩm về chiến tranh và
quân đội: “Trong văn học có lẽ phải chú ý nhiều hơn đến bình diện quan hệ của cuộc chiến tranh đó đối với con người nói chung và từng cá nhân nói riêng. Con người trong chiến tranh, con người với chiến tranh phải là bình diện chính của sự khảo sát văn học về chiến tranh” [49].
Có thể thấy, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh đã có một sự đóng
góp quan trọng cho sự cách tân nghệ thuật tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, đưa tiểu thuyết Việt Nam hòa nhập vào dòng văn học thế giới. Từ sau khi ra đời
và nhận giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam, Nỗi buồn chiến tranh đã tạo
ra làn sóng dư luận mạnh mẽ và cho đến nay, tác phẩm đã có được vị trí vững chãi trong lòng công chúng yêu văn học.