8. Cấu trúc luận văn
2.2.1. Nhân vật bi kịch
Bi kịch là một loại hình thẩm mỹ có ý nghĩa triết lý sâu xa. Từ điển tiếng Việt có lý giải: “Bi kịch có nội dung phản ánh cuộc xung đột gay gắt giữa nhân vật chính diện với hiện thực, có kết cục bi thảm” [38]. Arixtôt trong
Nghệ thuật thi ca, khi so sánh bi kịch và hài kịch đã cho rằng: Bi kịch khác với hài kịch và nó có một kết thúc không vui. Nhân vật bi kịch là con người ở
trên mức bình thường về địa vị và tính cách, phải chịu một sự thay đổi vận mệnh. Họ là những con người dám đấu tranh chống lại vận mệnh, định mệnh và họ chấp nhận nó. Họ tìm thấy ý nghĩa trong sự khốn khổ của mình. Khi bi kịch được nâng lên trên mức điển hình nó trở thành nghệ thuật. Nhân vật văn học mang bi kịch là sự đại diện cho một tư tưởng của nhà văn trước xã hội, nó phải tiêu biểu đặc trưng cho một lớp người. Lúc này nhân vật bi kịch mới có một chỗ đứng, vị trí trong lòng độc giả.
Ngoài ra cũng có thể hiểu về khái niệm nhân vật bi kịch như sau: Nhân vật rơi vào bi kịch thông thường do họ bị xô đẩy vào hoàn cảnh khách quan và chủ quan. Nhân vật đứng trước sự lựa chọn hoặc sống thì phải chà đạp lên nguyên lý đạo đức hoặc giữ mình trong sạch thì phải chọn cái chết. Theo Brecht: “Các nhân vật của tác phẩm nghệ thuật không đơn giản là bản dập của những con người sống mà là những hình tượng khắc họa phù hợp với ý đồ tư tưởng của tác giả”. Hay nói như Nguyễn Minh Châu: “Bởi lẽ cuộc sống trên trái đất này thời nào và ở đâu cũng đầy oan khiên, oan khuất. Cái thiện cả tin và ngây thơ. Cái ác sừng sững và lẫm liệt”.
Trong thực tiễn văn học Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945, cùng với các nhà văn thuộc dòng văn học hiện thực phê phán, Nam Cao đã xây dựng được trong hàng loạt tiểu thuyết và truyện ngắn của ông những điển hình về nhân vật bi kịch như: Chí Phèo (Chí Phèo), Thứ (Sống mòn), Hộ (Đời thừa), Điền (Giăng sáng)... Tuy nhiên, trong suốt 30 năm văn học chiến tranh (1945 - 1975), kiểu nhân vật này đã bị bỏ quên, hoặc nếu xuất hiện thì chủ yếu thể hiện bi kịch lạc quan. Các nhân vật kiểu này có thể gặp đau khổ, bất hạnh tột cùng nhưng cuộc đời vẫn có sự vận động theo hướng từ bóng tối ra ánh sáng (Mị - Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài; Đào - Mùa lạc của Nguyễn Khải; Tnú -
Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành…). Phải đến sau năm 1975, khi văn học có điều kiện đi sâu vào tất cả các phương diện của cuộc sống hiện thực,
đặc biệt cuộc sống cá nhân của con người thì kiểu nhân vật bi kịch mới xuất hiện trở lại. Nhân vật bi kịch trong văn học sau 1975, đặc biệt từ 1986 trở lại đây, có mặt trong sáng tác của rất nhiều nhà văn như Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh... Qua các sáng tác của các nhà văn, bi kịch con người đã được cảm nhận, nghiền ngẫm một cách chân thực, sâu sắc hơn bao giờ hết.
Tìm hiểu truyện ngắn của Võ Thị Xuân Hà, chúng tôi nhận thấy nhà văn thường đi sâu vào khai thác con người cá nhân trong xã hội hiện đại với tất cả những mặt đời thường của nó. Truyện ngắn của Võ Thị Xuân Hà được ví như một ngôi nhà gương mà ở đó, con người được nhìn nhận ở mọi góc độ, và cũng ở đó, con người có thể tự nhìn nhận được đủ thứ gương mặt của mình. Trong truyện ngắn Võ Thị Xuân Hà, người ta thấy nổi lên hàng loạt những bi kịch cá nhân của con người hiện đại: Bi kịch con người đổ vỡ niềm tin, lí tưởng; bi kịch con người trong tình yêu và cuộc sống gia đình.
Võ Thị Xuân Hà không có dụng ý khắc sâu hình tượng con người đổ vỡ niềm tin, bất an trước cuộc đời thực tại giống như trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Thị Thu Huệ. Sự đổ vỡ niềm tin, sự hoài nghi cuộc đời chỉ xuất hiện trong giây lát ở mỗi nhân vật. Thế nhưng, chỉ trong giây lát thôi nó cũng tạo nên một bi kịch đau khổ cho con người. Trước hết, bi kịch ấy là hệ quả từ việc mất niềm tin vào cuộc đời. Lão Thoài trong Cõi người bị người vợ bỏ rơi, sống cô đơn lạc lõng giữa cuộc đời, giữa cõi người, trong cái nghĩa địa tư nhân mà lão tạo ra. Dù trong tác phẩm, Võ Thi Xuân Hà không một lần nhắc đến sự hoài nghi trong lão, nhưng cái cách lão phản ứng lại cuộc đời bằng sự đau đớn ngấm ngầm, bằng việc “bán đất cho thiên hạ với giá cắt cổ” là một minh chứng về sự đổ vỡ niềm tin, sự bất cần trong con người lão.
Mất niềm tin đối với cuộc đời là một bi kịch đau đớn của con người cá nhân, nhưng đau đớn hơn là bi kịch con người mất niềm tin ở chính mình.
Trong truyện ngắn Con đường vô tận, nhân vật người khách, năm xưa vốn là chàng sinh viên nghèo “chỉ có hai cái áo sơ mi một xanh một trắng thay đổi” đã sống một cuộc đời nhạt thếch chỉ vì mất niềm tin vào chính mình, vì không thể tìm được bản thể của người đàn ông trong mình. Chiếc áo lụa tơ tằm màu đỏ đun được cô gái mua cho đeo bám cả cuộc đời anh. Nó không phải là chiếc áo bình thường, mà là biểu tượng của sự bất lực của người đàn ông ấy. Sau cái đêm được ngủ trên “chăn êm nệm ấm, bên cạnh là một người con gái đang sẵn sàng trở thành một người đàn bà” nhưng “chàng lại chật vật” vì “không hiểu tại sao cái của nợ kia tại sao lại đơ ra như vậy?”, chiếc áo đỏ đun với dòng chữ FOR MAN kia đã trở thành nỗi ám ảnh dai dẳng không nguôi đối với chàng trai. Anh đã mất đi niềm tin vào chính mình. Phải chăng vì thế mà ỏ đâu anh cũng nhìn thấy sự vô nghĩa, và ở đâu anh cũng chỉ làm những việc vô nghĩa. “Miệng cười méo mó một mình với cái gương gỉ trong toa lét, khách không thấy mình có ý định gì. Lòng nhạt thếch” [15; Tr35]. Cái nhạt thếch, cái vô nghĩa lí từ trong lòng toả ra bên ngoài, có lẽ vì thế mà “nhìn ngang nhìn dọc cái toa lét, lại thấy phía trên một cánh cửa ngang chẳng ra kiểu cửa gì, làm bằng nhựa xốp” [15; Tr35]. Mất niềm tin vào chính mình, người khách dường như chỉ sống cuộc đời vô nghĩa lí. Cuối tác phẩm, nhân vật này đã tìm được bản thể của mình, qua dòng chữ FOR MAN, thế nhưng cuộc tìm kiếm ấy cuối cùng lại là một bi kịch - bi kịch của một người đồng tính.
Cũng như rất nhiều các cây bút nữ cùng thời và sau này như Nguyễn Thị Thu Huệ, Thùy Dương, Y Ban, Nguyễn Ngọc Tư, bi kịch của cuộc sống gia đình cũng là một đề tài được Võ Thị Xuân Hà rất quan tâm với một loạt các sáng tác như Nhà có ba chị em, Cây bồ kết nở hoa, Lúa và đất, Ngọa sinh,
Dưới cơn gió thoảng, Con đường vô tận, Cái vạc vàng có đòn khiêng bằng kim khí. Theo nhà văn, bi kịch gia đình có nguyên nhân đầu tiên ở phía những người chồng. Đó có thể là những người có công việc đàng hoàng như nhân
vật bác sĩ, chồng của Nghi, trong truyện Nhà có ba chị em. Vấn đề ở đây là trong khi người vợ của anh rất cần được yêu thương, được hưởng những lời vỗ về thì anh ta lại suốt ngày cắm cúi với công việc, đối xử lạnh nhạt với vợ. Với người đàn ông này, Nghi chỉ thực sự cần những khi anh ta muốn thỏa mãn nhu cầu sinh lý của cá nhân. Mà lúc đó thì anh ta cũng thật thô bạo: “Một đêm chồng Nghi bỏ dở ca trực về nhà, chạm tay vào người vợ, chị bỗng rú lên hoảng hốt. Đáng lẽ anh phải lấy chăn phủ kín cho chị nhưng anh ta lại lột hết quần áo của chị một cách không thương tiếc”. Nhân vật người chồng thứ hai (của Hồng, em gái Nghi) trong truyện ngắn này lại là một kẻ bệnh hoạn và thực dụng đến không còn liêm sỉ khi coi vợ như con ở và công cụ kiếm tiền. Còn người chồng của Hoan trong truyện Ngọa Sinh lại là một kẻ gia trưởng, thô lỗ. Cũng là kẻ gia trưởng, thô bạo nên người chồng trong truyện Vườn hài nhi coi vợ mình, không hơn không kém, chỉ là thứ để thỏa mãn nhu cầu sinh lý. Và khi làm chuyện này anh ta cũng chẳng cần giữ gìn cho vợ. Hậu quả là đã hai mươi hai lần người vợ khốn khổ ấy phải đến bệnh viện phụ sản chịu đớn đau. Đã thế, gã không một lời động viên mà còn nói những câu thật tàn nhẫn: “Cô thế chó nào thế? Y như lợn nái. Cứ động vào là có chuyện. Quê mùa như cô chồng nào chịu được hả” [15; Tr180]. Trong truyện Lúa và đất, Đào vốn rất tần tảo, chịu thương chịu khó là thế nhưng nhà lúc nào cũng túng thiếu bởi có một ông chồng chẳng bao giờ chịu mó tay vào làm một việc gì. Đã thế anh ta còn mê cờ bạc. Nhà có con bò cày ruộng và cũng là tài sản lớn duy nhất, anh ta cũng đem đánh bạc.
Nhưng nguyên nhân của bi kịch gia đình theo Võ Thị Xuân Hà không chỉ bởi những người chồng, mà xét trong nhiều trường hợp đó điều này còn có duyên do từ người vợ. Hồng của truyện Nhà có ba chị em và cô gái trong truyện Cây bồ kết nở hoa khổ đau một phần là do chính lối sống thực dụng của họ. Nếu không bỏ người chồng thứ nhất thì Hồng cũng sẽ không phải hối
tiếc khi lập gia đình lần hai với một gã đàn ông bệnh hoạn tận miền Nam. Còn cô gái trong truyện Cây bồ kết nở hoa cũng vì không chịu được cuộc sống nghèo túng nơi quê hương mình mà sẵn sàng chấp nhận cuộc hôn nhân không tình yêu với một người đàn ông ngoại quốc xa xôi để rồi rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười.
Với cái nhìn đa diện, Võ Thị Xuân Hà còn cho thấy, nguyên nhân của những bi kịch gia đình còn xuất phát từ những yếu tố khách quan như hậu quả của chiến tranh, di chứng chất độc da cam (Lời khẩn cầu, Vĩnh biệt giấc mơ ngọt ngào, Bí ẩn một dòng sông, Ngọa sinh), do cuộc sống nghèo khổ (Con đường vô tận).
Trong Lời khẩn cầu Bùi Thịnh suốt đời không nguôi về giấc mơ về bông hoa mua tím sẫm. Đó là kỷ niệm tình yêu của ông với một cô gái thôn quê, “nàng hoang dại với một đôi chân lấm đầy bùn đất, một khuôn mặt đẹp như Đức mẹ đồng trinh”. Ông đã để mất nàng và không thể đổ lỗi cho chiến tranh: “Ông đã không tin nàng. Nàng đẹp quá. Còn ông thì hết chiến trường này lại chiến trường kia”. Sau này, Bùi Thịnh luôn phải sống trong day dứt: “Ta là kẻ đốn mạt. Còn đốn mạt hơn gã chủ cũ ngôi nhà này. Hắn ta yêu sòng phẳng. Mặc dù đểu cáng, nhưng gã sòng phẳng. Còn ta? Vì sao hồi ấy ta lại không tìm nàng đến cùng?”. Ông tự trừng phạt mình, cả đời sống cô đơn, sống như một cỗ máy: “Ăn - ngủ - làm việc - tuân thủ những nguyên tắc”. Sang trong Vĩnh biệt giấc mơ ngọt ngào, Vịnh trong Bí ẩn một dòng sông
cũng rơi vào bi kịch giống như Bùi Thịnh. Nhưng khác với Sang và Bùi Thịnh, Vịnh để tuột mất tình yêu không phải do tác động trực tiếp của chiến tranh, mà một phần do những hệ lụy của chiến tranh để lại. Đó là thứ định kiến phân biệt không đáng có. Yêu Hạ, nhưng Vịnh đã chần chừ, phút chần chừ đó là một phần nguyên nhân để anh mất Hạ và mãi mãi sống trong nhớ thương nuối tiếc: “Vậy mà thằng Vịnh yêu một cô Hà Nội đó". “À, cô ấy
khác” - Vịnh nói bằng giọng không mấy cương quyết. Nghe nói gái Hà Nội dân chủ, bình đẳng, hay bắt nạt chồng, lại nói năng bốp chát. Thằng Vịnh nhà mình chịu chơi, sức mấy lại rước về một cô “bộ đội” để mà suốt ngày hầu em. Ờ, nó thế mà khôn, yêu cho vui, cho biết mùi gái Hà Nội chớ phải không Vịnh”. Mượn lời của nhân vật Hạ, Võ Thị Xuân Hà giải thích: “Chiến tranh đã để lại nhiều hậu quả, kể cả xây dựng lên bức tường đáng sợ kia. Cần phải có thời gian và lòng kiên nhẫn mới xóa được tất cả”. Sang, Bùi Thịnh, Vịnh... và nhiều người trong chúng ta là những kẻ không biết “tận hưởng cái bánh mà Thượng đế ban tặng”, đã để mất tình yêu - thứ mà nếu mất đi nó thì sẽ không bao giờ tìm lại được và suốt đời phải sống với những tiếc nuối khôn nguôi. Trả lời câu hỏi về ý nghĩa cuộc đời, Võ Thị Xuân Hà viết: “Khi một linh hồn bay đi, mặt đất còn không một vật thể sống của nó để lại? Hay chỉ là màn đêm đen đặc vĩnh hằng”. Thiếu đi tình yêu là con người đang thiếu đi máu cho linh hồn. Với kiểu nhân vật đi tìm tình yêu đã mất, Võ Thị Xuân Hà đã gửi đến người đọc thông điệp sống sâu sắc và ý nghĩa: Hãy yêu khi ta còn bên nhau và đừng bao giờ đầu hàng để mất đi tình yêu đích thực, thứ quý giá nhất trong đời mình.
Ở Ngọa sinh, đó là bi kịch của Hoan, người lính già (xuất hiện ở cuối truyện), thằng bé Vương. Bố Hoan vốn là một người lính tham gia chiến tranh và từng tham chiến ở vùng Mỹ thả chất độc da cam. Việc Hoan có bị nhiễm chất độc da cam hay không chưa thể kết luận bởi cô chưa làm hết các xét nghiệm, song đứa con đầu lòng cô sinh là một đứa trẻ dị dạng, đứa thứ hai lại là con gái nên gã chồng vốn là con trưởng đã bỏ đi. Hoan phải sống trong nỗi bất hạnh bị chồng ruồng bỏ. Vương là đứa con bất hạnh. Đây là đứa trẻ bị dị hình, chỉ biết nói một câu "Tao sẽ đập nát bét". Nó không có trí tuệ và cũng không có tính cách. Vương xuất hiện không nhiều trong truyện nhưng không phải vì thế mà thiếu ý nghĩa. Dụng ý của Võ Thị Xuân Hà ở đây là tố cáo sự
tàn khốc của chiến tranh. Nhân vật người lính già tuy chỉ xuất hiện ở phần cuối tác phẩm nhưng đã đem đến nhiều cảm xúc cho câu chuyện. Đó là một người đàn ông đã già, từng trải qua chiến tranh và bị thương: "Năm ấy tôi bị thương ở đầu và mất trí nhớ. Khi tỉnh lại trong trại thương binh thì thời gian trôi qua hơn nửa đời người. Tôi về làng thì gia đình đã giỗ tôi mấy năm có lẻ."” [15; Tr24]. Bây giờ ông rất khó có thể lập gia đình và rất khó có thể có con một cách bình thường. Khát khao làm cha khiến người lính già vượt qua nỗi ngượng ngùng để xin Hoan giúp mình được toại nguyện.
Trong truyện Con đường vô tận, bi kịch của nhân vật đến từ cảnh sống nghèo hèn, từ sự bủa vây của miếng cơm manh áo. Vì miếng cơm manh áo mà cả một gia đình với hàng loạt những con người mà tác giả đặt tên là thể loại tóc tém, thể loại béo ngậy, đàn ông xương xẩu, thằng bị cắt cơm,… cùng lúc phải sống “chen chúc nhau trong cái khoảnh đất quây chín mét vuông”. Họ phải sống như những kẻ lưu manh nay đây mai đó bằng cái nghề “vui chơi có thưởng” để lừa bịp thiên hạ bởi “làm gì có cái đếch gì mà thưởng”. Thế nhưng như thế đâu có nghĩa là họ đã qua khỏi sự bủa vây của miếng cơm manh áo. Chỉ có một cái chăn bông tiết kiệm mà thể loại tóc tém phải “đứng rình mãi ở cái cửa hàng bách hoá cũ của huyện mới chặn được đúng đợt có