Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa là một biện pháp quan trọng tạo ra nhu cầu về việc làm trên địa bàn. Vì chỉ có nền sản xuất hàng hoá mới có thể mở rộng quy mô sản xuất một cách nhanh chóng và rộng rãi. Nhận thức đúng đắn vai trò của việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng này Đảng bộ và chính quyền Nông Cống xác định: trong giai đoạn hiện nay phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn là trọng điểm. Nông nghiệp hiện nay vẫn là ngành sản xuất chính của, mặc dù chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có về năng suất cây trồng, vật nuôi nhưng đã góp phần giải quyết cơ bản vấn đề lương thực cho huyện. Để giải quyết có hiệu quả vấn đề việc làm cho người lao động, trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn phải chuyển đổi căn bản cơ cấu sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp; phá vỡ độc canh cây lúa, phát triển cây công nghiệp, đẩy mạnh chăn nuôi. Phấn đấu đến năm 2010 tỷ trọng giá trị nông nghiệp GDP đạt 33%, nhịp độ phát triển trong thời kỳ này là 7,7%, giữ vững sản lượng lương thực đạt 128.213 tấn/năm [43, tr. 45].
Để thực hiện chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp có hiệu quả, tạo cơ hội giải quyết việc làm cho người lao động, tỉnh cần phải tập trung thực hiện tốt các giải pháp sau:
Một là, lấy hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích để bố trí cây trồng. Chuyển diện tích cấy lúa đạt hiệu quả kinh tế thấp sang nuôi trồng các cây, các con khác có giá trị kinh tế cao hơn. Phấn đấu đến năm 2010 đạt giá trị 40 triệu đồng/ha, năm 2020 đạt 50 triệu đồng/ha trở nên. Phân vùng, quy hoạch, dồn điền đổi thửa để xây dựng, phát triển và nhân rộng mô hình "cánh đồng 50 triệu/ha/năm"; mở rộng diện tích vụ đông, trong đó một diện tích đất chuyên sản xuất cây công nghiệp ngắn ngày như cây lạc để xuất khẩu, phấn đấu đạt tổng sản lượng của toàn huyện 1.550 tấn vào năm 2010 và 2.544 tấn vào năm 2020 [43, tr. 29].
Phát triển cây mía và cây cói, cải tạo diện tích vườn tạp, tận dụng đất ven đường, đất ở công cộng, đất dân cư để phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao để tăng thêm thu nhập cho người lao động.
Hai là, đổi mới cơ cấu cải tạo giống, chú trọng những vật nuôi có thị trường tiêu thụ và giá trị kinh tế cao.
Tập trung phát triển mạnh đàn trâu đến năm 2010 đạt 7900 con, năm 2020 đạt 9000 con, đàn bò hướng thịt và bò sữa với quy mô là 24.000 con năm 2010 và năm 2020 là 41.800 con. Phát triển đàn bò ở nông trưòng Yên Mỹ – Lê Đình Chinh. Đến năm 2010 đàn bò lai chiếm 35% và năm 2020 chiếm 58% tổng đàn.
Phát triển đàn lợn theo hướng nạc hoá. Hình thành dự án hỗ trợ chăn nuôI trang trại, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Phấn đấu đưa đàn lợn hướng nạc chiếm tỷ trọng 30% năm 2010 và 50% năm 2020.
Phấn đấu đến năm 2010, đàn gia cầm đạt 1,2 triệu con và năm 2020 đạt 2 triệu con.