Các yếu tố nguy cơ

Một phần của tài liệu Nghiên cứu nguy cơ tồn dư qua tỷ lệ TGHDLC ở bệnh nhân bệnh mạch vành (Trang 51)

Chương 4 BÀN LUẬN

4.1.2 Các yếu tố nguy cơ

4.1.2.2 LDL-C

Các bằng chứng cho thấy giảm LDL cholesterol làm giảm nguy cơ tim mạch là rõ ràng, kết quả của các nghiên cứu dịch tễ học xác nhận rằng việc giảm LDL cholesterol phải là mối quan tâm chính trong công tác phòng chống bệnh tim mạch. Các phân tích của nhiều thử nghiệm thấy cứ giảm mỗi 1.0 mmol/L LDL-C tương ứng giảm 20-25% tử vong trong bệnh tim. Đối với các bệnh nhân có nguy cơ tim mạch cao thì đích điều trị của LDL-C cần đạt được là < 2,6 mmol/l (100 mg/dl). Gần đây nhất là thử nghiệm đã xác nhận rằng giảm cholesterol LDL ≤ 1,8 mmol/L (70 mg/dL) là nguy cơ thấp nhất của bệnh tim mạch tái phát. Vì vậy, đối với rất đối tượng có nguy cơ cao, mục tiêu LDL cholesterol nên < 1,8 mmol/L (70 mg/dL) hoặc giảm 50% so với LDL- L ban đầu nếu không đạt được đích trên[47]. Trong nghiên cứu của chúng tôi có 40,8% LDL-C < 2,6 mmol/l; trong đó có đến 16,3/40,8% LDL-C < 1,8 mmol/l. Điều này chứng tỏ rằng ở những bệnh nhân bệnh mạch vành giảm LDL-C < 2,6 mmol/l là chưa đủ và nếu có thể thì phải giảm < 1,8 mmol/l. Chúng tôi nhận thấy giá trị trung bình của LDL-C ở nữ (3,12 ± 1.30) cao hơn so với nam (2,75 ± 0,98) trong nghiên cứu này hay trong nghiên cứu của Jiri Frohlich and Milada Dobiasova ở nữ (3.84 ± 1.18) và ở nam (3.49 ± 0.91), nhưng sự khác biệt này không có ý nghĩa với p>0,05. Và giá trị trung bình LDL-C 2,89 ± 1,20. Kết quả này cũng tương tự nghiên cứu của TS Nguyễn Cửu Lợi với giá trị trung bình 2,92 ± 1,11, trong đó giá trị trung bình của LDL-C ở nữ cũng cao hơn nam. Cũng trong nghiên cứu này, tỷ lệ LDL-C > 2,6 mmol/l là 55,14% còn trong nghiên cứu của chúng tôi là 59,2%. Kết quả này cũng gần tương tự với nghiên cứu của Desiderio Favarato và Protasio Lemos da Luz với tỷ lệ LDL-C > 2,6 mmol/l là 52%[43].

4.1.2.3 Phân bố các yếu tố nguy cơ

Một số nguy cơ của xơ vữa động mạch vành như tuổi, giới tính nam, hút thuốc lá, đái tháo đường, tăng huyết áp, LDL-C cao, và HDL-C thấp đã được xác định[32].

Hút thuốc lá là nguyên nhân của rất nhiều bệnh và chịu trách nhiệm cho 50% các ca tử vong có thể tránh được ở người hút thuốc, một nửa trong số này do bệnh tim mạch. Hút thuốc có liên quan với tăng nguy cơ của tất cả các loại bệnh tim mạch ,bệnh mạch vành ,đột quỵ thiếu máu cục bộ, và phình động mạch chủ bụng [47]. Trong nghiên cứu của chúng tôi hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ cao nhất 64/98 (65,3%), kết quả này cao hơn so với kết quả của Hồ Anh Bình với 30,43% và kết quả của Desiderio Favarato và Protasio Lemos da Luz với 23% [43]. Và hút thuốc lá ở nam nhiều hơn nữ có ý nghĩa với p<0,05. Trong lịch sử, hút thuốc lá chủ yếu là nam giới, nhưng trong những năm gần đây phụ nữ đã bắt kịp hoặc thậm chí vượt qua mức độ hút thuốc ở nam giới ở nhiều khu vực, tuy nhiên ở nước ta thì nam vẫn ưu thế hơn so với nữ và vấn đề bỏ thuốc lá cũng còn gặp nhiều khó khăn.

Tăng huyết áp (THA) là yếu tố nguy cơ tim mạch thường gặp nhất và cũng là yếu tố nguy cơ được nghiên cứu đầy đủ nhất. THA được coi là kẻ giết người thầm lặng và là nguy cơ mạnh nhất gây các biến cố tim mạch[8]. Chúng tôi nhận thấy trong nhóm nghiên cứu có 56,1% tăng huyết áp, kết quả này thấp hơn so với nghiên cứu của Trương Ngọc Sang và Nguyễn Văn Luyện về rối loạn lipid máu ở cán bộ, viên chức tại bệnh viện đa khoa Lâm Đồng là 61,3%[19], tuy nhiên sự chênh lệch này không cao nhiều so với nghiên cứu của Desiderio Favarato và Protasio Lemos da Luz với tỷ lệ tăng huyết áp lên đến 78% [43]. Điều này có thể là do cỡ mẫu nghiên cứu của chúng tôi nhỏ hơn so với nghiên cứu của các tác giả nêu trên. Giá trị trung

bình huyết áp tâm thu trong nghiên cứu của chúng tôi là 137 ± 29 mmHg và không có sự khác biệt về giá trị trung bình huyết áp tâm thu ở hai giới.

Ngoài ra, bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh và tử vong ở những người bị đái tháo đường[5, 47]. Tần xuất ĐTĐ ở bệnh nhân nhập viện vì hội chứng vành cấp rất cao (30%), và bệnh ĐMV xuất hiện ở lứa tuổi trẻ hơn ở bệnh ĐTĐ so với bệnh nhân không ĐTĐ[10]. Trong nghiên cứu của chúng tôi có 36,7% bệnh nhân có bệnh ĐTĐ, kết quả này cũng tương tự với nghiên cứu của Desiderio Favarato và Protasio Lemos da Luz (29%) [43]. Các nghiên cứu theo dõi trên lâm sàng đã nhận thấy nguy cơ bệnh ĐMV do xơ vữa gia tăng cùng với nồng độ glucose huyết tương. Do đó, dự phòng, phát hiện sớm và can thiệp mạnh các yếu tố nguy cơ trong ĐTĐ sẽ làm chậm khởi bệnh của BMV[10].

Bên cạnh đó, yếu tố nguy cơ về tiền sử gia đình với 9/98 (9,2%) chiếm tỷ lệ thấp nhất trong các yếu tố nguy cơ trong nghiên cứu của chúng tôi và sự khác biệt giữa nam với nữ không có ý nghĩ thống kê (p>0,05). Điều này có thể là do bệnh ĐMV trong nhân dân chưa được tầm soát hay phát hiện sớm nên làm cho yếu tố tiền sử gia đình trong nghiên cứu thấp hơn so với thực tế. Vì vậy cần phải có biện pháp tích cực để phát hiện sớm bệnh ĐMV để có hướng điều trị phù hợp và kịp thời.

Chúng ta cũng nhận thấy rằng có nhiều yếu tố nguy cơ hiện diện trên cùng một bệnh nhân. Trong các nhóm có từ 1 YTNC trở lên thì nhiều nhất là nhóm có 2 YTNC với 37/98 (37,8%) bệnh nhân. Sự khác nhau về giới giữa các nhóm đa số không có ý nghĩa (p>0,05), trừ nhóm có 3 TYNC với p<0,05 nên có ý nghĩa thống kê. Kết quả này cũng tương tự với nghiên cứu của Hồ Anh Bình với 2 YTNC chiếm tỷ lệ nhiều nhất (33,33%)[4].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu nguy cơ tồn dư qua tỷ lệ TGHDLC ở bệnh nhân bệnh mạch vành (Trang 51)