Tăng cường chất lượng của đội ngũ thẩm phán

Một phần của tài liệu ĐỔI mới tổ CHỨC và HOẠT ĐỘNG của tòa án VIỆT NAM (Trang 54)

5 GS TS Nguyễn Đăng Dung, Tòa án Việt Nam trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền (2011), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr 233.

3.2.3 Tăng cường chất lượng của đội ngũ thẩm phán

Chất lượng thẩm phán Việt Nam hiện nay là chưa được đảm bảo. Như trên đã nói, vào năm 2005, khi trả lời về chất vấn của Đại biểu Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đã nói rằng phải “vơ vét” cho đủ số thẩm phán. Tuy rằng hầu hết số thẩm phán ở Việt Nam đều có trình độ cử nhân trở lên, tuy nhiên vẫn còn một số là bằng tại chức hoặc liên thông,… nên chưa đảm bảo chất lượng. Có thể chất lượng không chỉ được đánh giá qua bằng cấp nhưng đó cũng là một tiêu chí đánh giá quan trọng.

Do đó, trong thời gian tới, cần nâng cao chất lượng thẩm phán và để làm được điều này trước hết là phải làm nghiêm ngặt từ khâu bổ nhiệm thẩm phán. Hội đồng bổ nhiệm thẩm phán không nên quy định chỉ có một thẩm phán mà cần tăng số lượng thẩm phán lên, có thể là hai hoặc ba, đại diện hành pháp chỉ nên có một người và liệu có nên xem xét thêm một đại diện của giới học giả hay không cũng là một vấn đề cần xem xét. Các tiêu chí tuyển chọn thẩm phán nên được quy định cụ thể, rõ ràng chứ không nên như hiện này là “am hiểu pháp luật”, “có đạo đức”. Các tiêu chí phải dựa trên chuyên môn chứ không phải xu hướng chính trị của các cá nhân, miễn các cá nhân đó luôn tuân theo sự lãnh đạo của Đảng.

Sự lãnh đạo của Đảng đối với Tòa án như đã nói ở trên chỉ nên dừng ở mức tổng kết, hướng dẫn và không nên bắt buộc thẩm phán phải là Đảng viên. Hầu hết các cá nhân thẩm phán trước khi vào Đảng đều là thành viên của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, tức là họ đã tham gia vào một tổ chức chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, cá nhân họ tuân theo và thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng. Do đó không nên nhất thiết họ phải là Đảng viên vì việc vào Đảng nhiều khi không được như ý muốn chỉ vì vấn đề gia đình.

Đối với đội ngũ thẩm phán hiện hành, cần phải tăng chuyên môn, kiến thức cho họ bằng việc đào tạo, bồi dưỡng hàng năm không chỉ ở các trường trong nước, các trường của ngành Tòa án mà cần phải có những khóa học ngắn hạn, chuyến thăm quan học tập kinh nghiệm ở nước ngoài ngắn hạn.

Về nhiệm kỳ thẩm phán, hiện hành chúng ta quy đinh rằng nhiệm kỳ thẩm phán là 5 năm. Như ngay phần đầu đã phân tích, điều này là bất cập, khiến các thẩm phán không yên tâm công tác, giảm tính độc lập, tăng sự lệ thuộc. Do đó cần quy định một nhiệm kỳ dài lâu hoặc suốt đời. Đa số các thẩm phán đều được bổ nhiệm nhiều lần đến khi về hưu nhưng vẫn có một số thẩm phán không được tái bổ nhiệm do án sai và bị hủy nhiều. Thẩm phán chỉ nên bị cách chức khi vi phạm luật hình sự mà thôi. Mặc dù nhiều quốc gia trên thế giới quy định thẩm phán suốt đời hoặc khi họ quyết định về hưu nhưng với chất lượng thẩm phán Việt Nam chưa được đảm bảo thì chúng ta

có lẽ chỉ nên quy định nhiệm kỳ dài lâu, có thể là 10 hoặc 15 năm và không nên trùng với nhiệm kỳ của các cơ quan lập pháp.

Về lương thẩm phán, như đã phân tích, cần có một chế độ lương đảm bảo và không giảm theo thời giá đồng tiền. Hiện nay lương thẩm phán theo chế độ lương công chức A1, A2, A3 và theo bậc. Mức lương này không đủ đảm bảo cuộc sống chứ chưa nói đến cuộc sống sung túc. Vậy tại sao không cho họ mức lương cao hơn, nhưng thế nào là cao và theo thời giá đồng tiền thì lại là vấn đề cần nghiên cứu. Vẫn có thể tính theo bậc lương nhưng tại sao không lấy lương cơ bản ở bậc thấp nhất của thẩm phán theo vàng. Tiền giấy với mức độ lạm phát thì khó có thể kiểm soát nhưng vàng mới thực sự là đồng tiền từ xưa đến nay, giá trị của nó dù có tăng, có giảm trong một giai đoạn nhất định nhưng xu hướng chung là luôn luôn tăng. Có lẽ nên quy định mức lương cơ bản của thẩm phán theo bậc lương thấp nhất là 1 chỉ vàng chẳng hạn.

Nói đến tăng chất lượng của thẩm phán thì không thể bỏ qua việc tăng trách nhiệm của cá nhân thẩm phán. Nhiệm kỳ dài lâu, lương đảm bảo,… có thể trở thành con dao hai lưỡi đối với thẩm phán. Khi đó họ không còn sợ bị mất chức nữa, có thể xét xử mà bất chấp pháp luật. Do đó cần có những tiêu chí cụ thể về trách nhiệm của thẩm phán mà có thể là dựa trên số án oan, sai, án bị hủy dựa trên lỗi chủ quan, phạm tội hình sự…

Với vai trò là người cầm cân nảy mực trong các phiên tòa thì Thẩm phán có vai trò cực kỳ quan trọng. Chính vì vậy cần phải luôn luôn quan tâm đến công tác Thẩm phán và đảm bảo chất lượng của đội ngũ này. Sự quan tâm này không chỉ đảm bảo chất lượng xét xử, hoạt động của Tòa án mà còn đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam trên mọi lĩnh vực.

KẾT LUẬN

Gần 70 năm đã trôi qua từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập trên quảng trường Ba Đình khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lịch sử đất nước đã bước sang một trang mới từ thời khắc đó: Độc lập, tự do và hạnh phúc. Dù trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ khốc liệt, hành triệu người đã ra đi, đất nước bị tàn phá nhưng nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam luôn kiên cường bất khuất và làm việc hăng say để phát triển đất nước. Để rồi ngày hôm nay, chúng ta được sống trong một không khí hòa bình, một gia đoạn thịnh vượng nhất của đất nước từ trước đến giờ trong lịch sử.

Đất nước phát triển, các yêu cầu về nghiên cứu và xây dựng mô hình Nhà nước mới phù hợp với tình hình mới càng cần thiết. Đi lên từ mô hình tập trung, quan liêu, bao cấp, Việt Nam đã thừa nhận và cố gắng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nhà nước pháp quyền được nhìn nhận và có sự thúc đẩy ở mọi quốc gia trên thế giới. Đó là niềm tin, là cơ sở bảo đảm cho sự tiến bộ của chế độ, của hệ thống tự do chính trị mà chúng ta đang cố gắng hoàn thiện.

Bất kể mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền theo tiêu chí nào thì mục tiêu vẫn là bảo đảm căn cứ pháp lý an toàn, bảo đảm quyền con người với cơ chế hữu hiệu. Bên cạnh đó, Nhà nước pháp quyền cần đảm bảo tính tối cao của Hiến pháp với cơ chế bảo hiến phù hợp đảm bảo dân chủ, tính hợp lý trong quá trình ban hành và áp dụng văn bản pháp luật. Muốn làm được như thế thì các cơ quan tư pháp phải trở thành một công cụ giám sát và kiểm soát quyền lực Nhà nước hữu hiệu trong điều kiện Đảng lãnh đạo.

Chính vì những lý do đó mà công cuộc đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án Việt Nam trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cần phải được thực hiện với tất cả quyết tâm của hệ thống chính trị, của toàn bộ người dân mà không chỉ riêng mình Tòa án nỗ lực.

Cho dù với phương hướng và nhiệm vụ như thế nào, tùy từng điều kiện cụ thể nhưng Tòa án Việt Nam luôn cần phải được xây dựng về tổ chức và hoạt động dựa trên sự độc lập, tính uy nghiêm, xét xử theo lương tâm và có quyền kiểm soát hai ngành lập pháp và hành pháp. Quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án Việt Nam gắn liền với công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền. Và có đổi mới thành công Tòa án Việt Nam mới có thể xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền. Chỉ có như thế Tòa án Việt Nam mới thực sự trở thành Tòa án trong Nhà nước pháp quyền.

Một phần của tài liệu ĐỔI mới tổ CHỨC và HOẠT ĐỘNG của tòa án VIỆT NAM (Trang 54)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(60 trang)
w