Thành tựu đạt được

Một phần của tài liệu ĐỔI mới tổ CHỨC và HOẠT ĐỘNG của tòa án VIỆT NAM (Trang 33)

Ngay sau khi có Hiến pháp 1992, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IX, ngày 06/10/1992, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Theo luật này, ở nước ta có các Tòa án: Tòa án nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, các Tòa án quân sự, các Tòa án khác do luật định. Theo Luật tổ chức Tòa án nhân dân, khi có yêu cầu của công tác xét xử thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập các Tòa chuyên trách ở Tòa án các cấp theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao. Đây là quy định mới vì thông thường khi thay đổi tổ chức của Tòa án thì phải sửa đổi Luật tổ chức Tòa án nhân dân, tức là thẩm quyền của Quốc hội nhưng nay Quốc hội lại giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngoài ra, Luật còn quy định rằng Tòa án nhân dân Tối cao không còn quyền xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm. Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được giao thêm thẩm quyền xét xử nhưng vẫn chưa có Ủy ban thẩm phán, các tòa chuyên trách.

Ngày 28/12/1993, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa IX đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật tổ chức Tòa án nhân dân. Theo đó, Tòa án nhân dân tỉnh gồm : Ủy ban thẩm phán, Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa kinh tế. Trong trường hợp cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành

lập các tòa chuyên trách khác theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao.

Ngày 28/10/1995, một lần nữa, Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1992. Theo đó, Tòa án nhân dân Tối cao và Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thêm hai Tòa chuyên trách là : Tòa hành chính và Tòa lao động.

Ngày 02/04/2002, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa X đã thông qua Luật tổ chức Tòa án nhân dân. Đây là một văn bản luật về tổ chức ngành Tòa án đầy đủ nhất từ trước tới nay. Theo đó, cơ cấu ngành Tòa án gồm có: Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố thuộc Trung ương, Tòa án nhân dân tỉnh, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, các Tòa án quân sự, các tòa án khác do luật định. Trong tình hình đặc biệt, Quốc hội có thể quyết định thành lập Tòa án đặc biệt (Điều 2 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002).

Đặc biệt, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2002 có một điểm mới lớn về tổ chức Tòa án. Nếu như trước khi có Luật này, hệ thống các Tòa án nhân dân địa phương và Tòa án quân sự quân khu, khu vực thuộc quyền quản lý của Bộ Tư pháp về nhân sự và cơ sở vật chất, Tòa án nhân dân Tối cao chỉ quản lý về chuyên môn nghiệp vụ mà cụ thể là công tác xét xử và hướng dẫn áp dụng pháp luật thống nhất trong cả nước. Tuy nhiên, đến năm 2002, Tòa án nhân dân Tối cao có trách nhiệm quản lý các Tòa án địa phương và Tòa án quân sự về mặt tổ chức. Việc này được quy định tại Điều 16 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002: “Tòa án nhân dân Tối cao quản lý các Tòa án nhân dân địa phương về tổ chức có sự phối hợp chặt chẽ với Hội đồng nhân dân địa phương. Tòa án nhân dân Tối cao quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng”.

Hiện nay, xu thế các vụ án liên quan đến Hôn nhân - Gia đình ngày càng tăng cao, theo số liệu của các cơ quan tư pháp, những năm gần đây, các vụ việc về hôn nhân, gia đình (HN&GĐ) ngày càng tăng và diễn biến phức tạp. Từ năm 2003 đến tháng 8/2006, TAND cấp huyện và tỉnh thụ lý hơn

113.600 vụ về HN&GĐ. Trong quá trình giải quyết các vụ án về HN&GĐ, yếu tố tình cảm, đạo đức, truyền thống của dân tộc luôn “xuất hiện và có ý nghĩa quyết định” bên cạnh việc tuân thủ các qui định của pháp luật. Nhận thức được điều đó, năm 2007, Tòa án nhân dân Tối cao đã trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về chủ trương thành lập Tòa án Hôn nhân và gia đình và đã được đồng ý.

Tất cả những việc thay đổi trên đây trong tổ chức và hoạt động của Tòa án Việt Nam nhằm đáp ứng tình hình mới, đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi của công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền tại Việt Nam. Điều này được thể hiện trong Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25/12/2001 của Quốc hội khóa X về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Hiến pháp năm 1992. Nghị quyết khẳng định đường lối xây dựng Nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Chính từ những tinh thần trên, ngành Tòa án Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều thành tựu. Như vậy, trong thời kỳ Đổi mới, Tòa án Việt Nam đã có những đổi mới cơ bản sau đây:

Thứ nhất, mở rộng thẩm quyền xét xử và thành lập các Tòa chuyên trách phù hợp với sự phát triển của xã hội. Các tòa án nhân dân được giao

thẩm quyền xét xử các vụ án kinh tế, giải quyết phá sản doanh nghiệp, giải quyết tranh chấp lao động và các cuộc đình công, giải quyết các khiếu kiện hành chính. Trong cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân Tối cao và Tòa án nhân dân tỉnh, các Tòa chuyên trách (hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính) được thành lập ngày càng đáp ứng các nhu cầu của xã hội, của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra, các Tòa án quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cũng có những thẩm phán chuyên môn cao hơn, thẩm quyền của các Tòa án này cũng được mở rộng hơn.

Thứ hai, thay thế chế độ bầu thẩm phán bằng chế độ bổ nhiệm thẩm phán. Chất lượng của Thẩm phán được đảm bảo bằng việc thành lập Hội đồng

tuyển chọn thẩm phán Tòa án các cấp. Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thẩm phán các Tòa án địa phương, các Tòa án quân sự theo đề nghị của Hội đồng tuyển chọn thẩm phán. Nhiệm kỳ của Thẩm phán vẫn được đảm bảo là 5 năm.

Ngoài ra, số lượng thẩm phán tăng nhanh. Năm 2004, cả nước có 1661 người được bổ nhiệm thẩm phán và đến năm 2006, cả nước có 4141 thẩm phán các cấp. Công tác đào tạo mới và đào tạo lại cán bộ đặc biệt là đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp công tác ở Tòa án (thẩm phán, thư ký tòa án, thẩm tra viên) đã được coi trọng theo hướng đáp ứng tiêu chuẩn hóa.

Các thẩm phán có nhiệm kỳ 5 năm trong khi các Hội thẩm nhân dân có nhiệm kỳ cùng với Hội đồng nhân dân cùng cấp. Chất lượng thẩm phán và Hội thẩm nhân dân ngày càng được nâng cao. Chế độ lương bổng của thẩm phán cũng được quy định rõ ràng tại Nghị quyết số 730/NQ-UBTVQH11 ngày 30/9/2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc phê chuẩn bảng lương chuyên môn nghiệp vụ ngành Tòa án đã xác định chế độ lương dành cho thẩm phán có 3 ngạch A1, A2, A3, trong đó:

- Ngạch A1 áp dụng cho Thẩm phán TAND cấp huyện (Thẩm phán sơ cấp), gồm 9 bậc, hệ số lương bậc 1 là 2,34 và hệ số lương bậc 9 là 4,98.

- Ngạch A2 áp dụng đối với Thẩm phán TAND cấp tỉnh, gồm 8 bậc, hệ số lương bậc 1 là 4,40 và hệ số lương bậc 8 là 6,78.

- Ngạch A3 áp dụng đối với Thẩm phán TAND tối cao, gồm 6 bậc, hệ số lương bậc 1 là 6,20 và hệ số lương bậc 6 là 8,00.

Thứ ba, về công tác quản lý cán bộ địa phương. Từ năm 2002, thực

hiện Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị, Tòa án nhân dân Tối cao quản lý các Tòa án địa phương và Tòa án quân sự. Điều này góp phần tăng tính thống nhất cho hoạt động quản lý, phân bổ ngân sách, hướng dẫn xét xử và tổng kết hoạt động của Tòa án nhân dân Tối cao.

Thứ tư, về hoạt động. Hàng năm, Tòa án các cấp đã xét xử hàng chục

nghìn vụ án các loại, trong đó có nhiều vụ án quan trọng, khó. Số lượng các vụ án được giải quyết ngày càng nhiều, đạt tỉ lệ cao so với số vụ việc cần phải

thụ lý. Nhiều vụ án lớn, trọng điểm đã được đem ra xét xử như vụ: PMU 18, vụ án Vinashin, Vinalines, “Bầu” Kiên, hay “siêu lừa” Huyền Như,… Ngoài ra, từ năm 2004 đến nay, ngành Tòa án còn tổ chức các phiên xét xử lưu động, thuận tiện rất nhiều cho người dân. Tất cả các hoạt động trên đã góp phần củng cố nền pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta, tăng lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, tuyên truyền pháp luật đến người dân, đồng thời góp phần to lớn vào quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Thứ năm, về tính độc lập. Tính độc lập của Tòa án phải đã được quy

định trong các bản Hiến pháp. Hiến pháp năm 1992 có quy định: “Khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm độc lập chỉ tuân theo pháp luật.” Hiện nay, Hiến pháp 2013 cũng chỉ rõ tại Điều 103: “Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm”.

Đặc biệt, vấn đề quan trọng của ngành tư pháp là phải độc lập với hành pháp và lập pháp. Ở Việt Nam, mặc dù không đi theo tư tưởng tam quyền phân lập nhưng theo Hiến pháp năm 2013 có quy định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.”. Như vậy, về mặt Hiến định, ngành Tòa án đã có được sự độc lập khi thực hiện quyền lực tư pháp.

Ngoài ra, Tòa án nhân dân Tối cao đã được quyền quản lý cả về tổ chức, nhân sự, cơ sở vật chất của Tòa án nhân dân địa phương, các Tòa án quân sự đem đến tăng tính độc lập của ngành Tòa án.

Như vậy, trong thời kỳ Đổi mới, đi cùng với sự phát triển của kinh tế, văn hóa, xã hội, đất nước đang thay da đổi thịt từng ngày, ngành Tòa án cũng có những sự đột phá, đổi mới nhiều trong tổ chức và hoạt động của mình. Điều đó góp phần tăng tính uy nghiêm của Tòa án, tăng sự hoàn thiện cho Tòa án Việt Nam. Quá trình đổi mới này là tất yếu, phù hợp với quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu ĐỔI mới tổ CHỨC và HOẠT ĐỘNG của tòa án VIỆT NAM (Trang 33)