tháng Tám năm 1945 đến trước Đổi mới (năm 1986).
Việt Nam là một quốc gia có lịch sử lâu đời, tuy nhiên với gần 1000 năm bị phong kiến Trung Quốc đô hộ nên chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi văn hóa Trung Hoa. Và với gần 1000 năm của chế độ phong kiến, đất nước ta cũng không có hệ thống Tòa án độc lập, mà như đã nói ở trên, các hệ thống Tòa án trong chế độ phong kiến luôn nằm trong tay giai cấp thống trị là địa chủ, đứng đầu là Vua. Năm 1858, Pháp xâm lược Việt Nam và thống trị dân tộc ta trong non một thế kỷ. Tuy rằng trong thời kỳ này, hệ thống Tòa án cũng nằm trong tay người Pháp là chính, mà đứng cao nhất là Viên Toàn quyền Đông Dương.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đã lật đổ chế độ phong kiến hàng ngàn năm, ách áp bức bóc lột của thực dân Pháp trong cả thế kỷ, đem đến độc lập cho dân tộc Việt Nam. Cuộc cách mạng này thành công gắn liền với tên tuổi của Hồ Chí Minh, một trong những người đề cập đến Nhà nước pháp quyền đầu tiên ở Việt Nam. Và với tư tưởng của Người, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ tuy gặp vô vàn khó khăn cũng đã mang những dấu hiệu của Nhà nước pháp quyền trong mình. Dấu hiệu quan trọng trong đó là các Tòa án được thành lập, xét xử công khai và bước đầu được độc lập.
Tại Việt Nam, tuy rằng có nói đến cơ quan tư pháp bao gồm những quan niệm về cả các hệ thống cơ quan Viện kiểm sát, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án nhưng theo nghĩa Hán Việt thì đó là những hoạt động của cơ quan nhà nước có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của tư nhân. Theo nguồn gốc Latinh thì tư pháp là “Justice” có nghĩa là công lý. Và cho dù quan niệm thế nào thì cũng không thể chối bỏ được thực tế rằng hoạt động Tòa án là trung tâm, bao trùm lấy hoạt động tư pháp.
Chính vì những lẽ trên mà ngay từ khi lập quốc, Hồ Chí Minh với những tư tưởng của mình đã áp dụng vào trong tổ chức bộ máy và hoạt động của Nhà nước nói chung, ngành Tòa án nói riêng, hướng tới mục tiêu đem đến công lý, hạnh phúc cho người dân. Hồ Chí Minh luôn tâm niệm rằng phải đem đến một Nhà nước được tổ chức trên các nguyên lý của pháp quyền. Và cũng chính tư tưởng của Người đã ảnh hưởng lớn đến Hiến pháp năm 1946. Trong bản Hiến pháp này chứa đựng những tinh thần của Nhà nước pháp quyền, như dân chủ, tự do, sự hạn chế quyền lực nhà nước, tư pháp độc lập…
Trong điều kiện những luồng tư tưởng đó được thổi bùng mạnh mẽ thì Tòa án đã được Đảng và Nhà nước quan tâm đặc biệt xây dựng ngay từ những ngày đầu. Ngành Tòa án Việt Nam ra đời khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 33C ngày 13/9/1945 thiết lập các Tòa án quân sự tại các khu vực Bắc bộ. Các Tòa án quân sự được tổ chức theo mô hình một cấp, xét xử tất cả các vi phạm liên quan đến vấn đề độc lập, an toàn của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tại sao lúc đó chúng ta lại thành lập các Tòa án quân sự đầu tiên? Đơn giản là vì trong hoàn cảnh lịch sử của nước ta thời bấy giờ còn đang bị đe dọa bởi các thế lực thù trong giặc ngoài, độc lập dân tộc phải được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, không vì thế mà Nhà nước bỏ quên các vụ án hình sự và dân sự, các loại vụ án này được tạm giao cho Ban Tư pháp thuộc Ủy ban hành chính cấp tỉnh và cấp huyện đảm nhiệm.
Như vậy, trong giai đoạn đầu, hệ thống Tòa án chưa được phân định rạch ròi, ngoại trừ các Tòa án quân sự, và hệ thống Tòa án trực thuộc ngành hành pháp. Các Tòa án lại được tổ chức theo mô hình một cấp, do đó các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực ngay sau khi tuyên án và bị cáo không có quyền kháng án.
Về tổ chức của Tòa án, theo Sắc lệnh số 13/SL ngày 14/01/1946 của Hồ Chủ tịch thì Tòa án được tổ chức ở các cấp. Gồm có Tòa sơ cấp xét xử sơ thẩm, sơ và chung thẩm vụ án hình sự, dân sự và thương mại. Tòa án đệ nhị cấp có thẩm quyền xét xử sơ thẩm, sơ chung thẩm các vụ án hình sự, dân sự và thương mại. Ngoài ra còn có Tòa thượng thẩm kỳ ở mỗi miền. Cũng theo
sắc lệnh này thì có hai ngạch thẩm phán là thẩm phán sơ cấp (5 hạng) và thẩm phán đệ nhị cấp (7 hạng). Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm thẩm phán sơ cấp, Chủ tịch nước bổ nhiệm thẩm phán đệ nhị cấp. Có hai loại thẩm phán lúc bấy giờ là thẩm phán xét xử và thẩm phán buộc tội.
Nhìn chung, hệ thống Tòa án trong giai đoạn đầu lập quốc còn rất sơ khai, mới chỉ chú trọng vào xét xử các tội phạm xâm phạm đến thành quả của cách mạng. Điều này xuất phát từ thực tiễn lịch sử, Hiến pháp chưa ra đời khi đất nước còn nhiều khó khăn, đang bị chống phá, đứng trước nguy cơ bị xâm lược trở lại.
Ngày 23/11/1946, Hiến pháp được Quốc hội khóa I nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thông qua, từ đây đánh dấu bước ngoặt của ngành Tòa án nước nhà. Tổ chức của Tòa án được quy định rõ tại Điều 63 của Hiến pháp. Theo đó, hệ thống Tòa án tại Việt Nam gồm có : Tòa án tối cao, tòa phúc thẩm, các tòa án đệ nhị cấp và sơ cấp. Tòa án tối cao được thành lập nhưng lại chịu sự quản lý của Chính phủ, Chủ tịch nước bổ nhiệm các thẩm phán của Tòa án tối cao. Hoạt động của ngành tòa án theo nguyên tắc là độc lập với hành chính, việc xét xử phải có các phụ thẩm nhân dân tham gia, khi xét xử các viên thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các phiên tòa đều công khai,… Tuy nhiên, nhìn vào đó dường như ngành Tòa án vẫn phụ thuộc vào hành pháp mà đặc biệt là Chính phủ.
Ngoài ra, theo Sắc lệnh số 185/SL ngày 26/5/1946 của Chủ tịch nước ấn định thẩm quyền của các Tòa sơ cấp và Tòa đệ nhị cấp. Theo đó, về hình sự, Tòa án sơ cấp chỉ xét xử những vụ vi cảnh hoặc đòi bồi thường, Tòa đệ nhị cấp xét xử những vụ tiểu hình và đại hình. Về dân sự và thương mại, Tòa sơ cấp xét xử những việc về hộ tịch, động sản có giá trị thấp. Tòa đệ nhị cấp xét xử những vụ việc liên quan đến động sản giá trị cao, bất động sản, những việc không định giá ngạch, những việc không có giá ngạch nào mà phải có án nghị về thẩm quyền, những việc liên quan đến thân phận hay căn cước của con người (trừ các việc hộ tịch) hoặc các vấn đề tế tự. Ngoài ra, Tòa đệ nhị cấp cũng có quyền xét xử phúc thẩm những phán quyết sơ thẩm của Tòa án sơ
cấp bị kháng cáo. Tòa án thượng thẩm xét xử phúc thẩm những phán quyết sơ thẩm của Tòa án đệ nhị cấp bị kháng cáo.
Tuy được tổ chức và quy định hoạt động như thế nhưng do điều kiện chiến tranh, chỉ các Tòa sơ cấp và Tòa đệ nhị cấp được thành lập mà chủ yếu là miền Bắc và miền Trung còn Tòa tối cao chưa được thành lập, Tòa phúc thẩm được thành lập nhưng ngay sau đó, theo Nghị định số 05 ngày 01/01/1947 đã tạm đình chỉ và giải thể.
Một loại Tòa án quan trọng nữa trong thời gian này cũng được thành lập và hoạt động. Đó là các Tòa án binh, theo hoàn cảnh lịch sử, hệ thống Tòa án này lại đóng vai trò quan trọng hơn so với hệ thống Tòa án nhân dân kia. Theo Sắc lệnh số 163/SL ngày 23/08/1946, hệ thống Tòa án binh trong thời kỳ này gồm : Tòa án binh mặt trận, Tòa án binh khu, Tòa án tối cao và Tòa án khu Trung ương. Khi xét xử, có 1 Chánh án, hai phụ thẩm ngồi xử, một ủy viên Chính phủ giữ quyền công tố. Các tòa án loại này chủ yếu xét xử quân nhân phạm tội, cũng không phải là các Tòa án chuyên trách mà chỉ khi có vụ án mới được thành lập và xét xử. Do đó biên chế theo tình trạng tạm thời không ổn định. Tất cả các hoạt động của loại Tòa án này do Cục trưởng Cục Quân pháp chỉ đạo, kiểm tra.
Sau một thời gian, đi cùng các thắng lợi của kháng chiến chống Pháp, hệ thống các sắc lệnh và thông tư liên tịch không còn phù hợp nữa, do đó ngày 22/05/1950 Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ký ban hành Sắc lệnh số 85/SL về cải cách bộ máy tư pháp và Luật Tố tụng. Theo đó, các Tòa án được tổ chức theo đơn vị hành chính chứ không còn theo cấp xét xử. Theo đó hệ thống Tòa án gồm : Tòa án nhân dân tối cao, Tòa phúc thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tòa án quận, huyện. Ngoài ra, các phụ thẩm nhân dân được đổi thành Hội thẩm nhân dân.
Khi xét xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân huyện, Tòa án nhân dân tỉnh gồm một thẩm phán và hai hội thẩm, Tòa phúc thẩm gồm hai thẩm phán và ba hội thẩm nhân dân. Các tội vi cảnh đơn giản bây giờ được chuyển cho Ban Tư pháp xã. Lúc này có một bước tiến đáng kể trong hoạt động tư pháp là vào
tháng 4 năm 1958, Quốc hội quyết định thành lập Tòa án nhân dân và Viện Công tố. Đến Hiến pháp năm 1959 thì Viện Công tố đổi thành Viện Kiểm sát nhân dân và cũng là một cơ quan tư pháp.
Nhìn chung trong giai đoạn từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến năm 1959 đã xác lập cơ bản mô hình tổ chức và hoạt động của Tòa án. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, tính độc lập của Tòa án chưa cao.
Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 đem đến sự giải phóng hoàn toàn cho nửa phía Bắc nước Việt Nam. Hiến pháp mới được thông qua, tổ chức nhà nước theo hệ thống xã hội chủ nghĩa được thành lập. Để thực hiện các quy định của Hiến pháp, ngày 14/7/1960, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Đây là Luật Tổ chức Tòa án nhân dân đầu tiên và hoàn chỉnh nhất từ khi lập quốc đến thời điểm đó.
Hệ thống Tòa án được tiếp tục tổ chức theo mô hình hai cấp xét xử kết hợp với đơn vị hành chính lãnh thổ. Viện Kiểm sát tiếp tục giữ quyền công tố và chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan nhà nước, thậm chí còn cả hoạt động xét xử của Tòa án.
Trong Hiến pháp 1959 quy định hệ thống Tòa án gồm cả hệ thống Tòa án quân sự(Tòa án quân sự Trung ương, Tòa án quân sự quân khu, quân binh chủng, sư đoàn trực thuộc Bộ Quốc phòng và tương đương) cũng nằm trong hệ thống Tòa án nhân dân nhưng được tổ chức trong quân đội.
Nguyên tắc bổ nhiệm thẩm phán được thay thế bằng nguyên tắc bầu thẩm phán. Theo các điều 26,27,28 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1960, thẩm phán Tòa án nhân dân ở địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra. Nhiệm kỳ của thẩm phán Tòa án tỉnh là 4 năm, cấp huyện là 3 năm. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao do Quốc hội bầu ra và bãi miễn, nhiệm kỳ là 5 năm. Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao do Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ nhiệm và bãi miễn theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tiếp theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1960, ngày 23/3/1961, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh quy định cụ thể về tổ chức của Tòa án nhân dân các cấp. Theo đó, Tòa án nhân dân Tối cao gồm: Ủy ban
thẩm phán, Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa phúc thẩm, Hội đồng toàn thể thẩm phán và bộ máy giúp việc. Tòa án nhân dân tỉnh gồm : Chánh án, các Phó Chánh án, Ủy ban thẩm phán và bộ máy giúp việc. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có Hội đồng thẩm phán, không có các Tòa chuyên trách. Tòa án nhân dân cấp huyện gồm: Chánh án, Phó Chánh án, các thẩm phán và bộ máy giúp việc.
Cũng theo đó, Tòa án nhân dân Tối cao cơ quan xét xử cao nhất của đất nước. Ngoài ra, Tòa án nhân dân Tối cao còn có quyền trình dự án luật, pháp lệnh về những vấn đề phạm vi công tác chuyên môn của Tòa án, quán lý các Tòa án nhân dân địa phương về tổ chức, hướng dẫn xét xử, nghiên cứu khoa học. Tòa án nhân dân tỉnh có thẩm quyền xét xử sơ thẩm những vụ án dân sự và hình sự thuộc thẩm quyền và những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp dưới mà Tòa án nhân dân tỉnh lấy lên để giải quyết, xét xử phúc thẩm những vụ án của cấp huyện bị kháng nghị hoặc kháng cáo. Tòa án nhân dân cấp huyện được xét xử những vụ án dân sự và hình sự có hình phạt tù từ 2 năm trở xuống..
Một điểm đặc biệt nữa của thời kỳ này đó là theo các Điều 3 và 4 của Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1960, Bộ Tư pháp bị giải thể, các chức năng trước đây quản lý Tòa án được trao cho ngành Tòa án. Tòa án nhân tối cao đảm nhiệm quản lý Tòa án nhân dân các cấp theo ngành dọc, hệ thống Tòa án dần từng bước chuyển sang độc lập hơn. Ít ra thì hệ thống này cũng đã có sự tự quản lý, tuy rằng vẫn chịu sự chi phối của các cơ quan Đảng và Nhà nước, đặc biệt là các cấp ủy Đảng địa phương.
Ngày 30/4/1975, dân tộc ta hân hoan trong chiến thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, từ đây cả nước hợp lại làm một, cùng tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Việc tổ chức và hoạt động của bộ nhà nước sau năm 1975 chủ yếu theo mô hình của miền Bắc trước đây. Do đó, dù vào năm 1980 chúng ta có ban hành một bản Hiến pháp mới nhưng không khác nhiều so với Hiến pháp năm 1959. Cũng trong dòng chảy đó, tổ chức và hoạt động của Tòa án theo Hiến pháp năm 1980 không có nhiều sự thay đổi.
Theo Hiến pháp 1980, hệ thống Tòa án gồm có: Tòa án nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân địa phương, các Tòa án quân sự. Trong tình hình đặc biệt hoặc trong trường hợp cần xét xử những vụ án đặc biệt, Quốc hội hoặc Hội đồng Nhà nước có thể quyết định thành lập Tòa án đặc biệt. Ngoài ra, theo Hiến pháp năm 1980 còn quy định: “Ở cơ sở, thành lập các tổ chức thích hợp của nhân dân để giải quyết những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân, theo quy định của pháp luật”. Cũng lần đầu tiên trong Hiến pháp quy định tại Điều 133: “Quyền bào chữa của các bị cáo được đảm bảo. Tổ chức luật sư được thành lập để để giúp các bị cáo và các đương sự khác về pháp lý”.
Để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 1980 về Tòa án, ngày 03/7/1981, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật tổ chức Tòa án nhân dân. So với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1960 và Pháp lệnh về Tổ chức Tòa án nhân dân Tối cao và tổ chức Tòa án nhân dân địa phương ngày 23/3/1961 thì Luật Tổ chức Tòa án lần này có nhiều thay đổi. Trong đó điểm khác biệt lớn nhất là “việc quản lý các tòa án địa phương về mặt tổ chức do Bộ trưởng Bộ Tư pháp đảm nhiệm”(Điều 16).