6. Cấu trúc của khóa luận
2.5. Những hạn chế
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành nông nghiệp nông thôn cũng còn một số tồn tại, bao gồm:
Nông nghiệp tăng trưởng kém bền vững, khả năng cạnh tranh thấp: tăng trưởng GDP nông nghiệp có xu hướng giảm dần: tốc độ tăng GDP nông nghiệp giai đoạn 1995 – 2000 đạt 4%/năm, giảm xuống còn 3,8%/năm trong giai đoạn 2001 -2005 và 3,4 %/năm trong giai đoạn 2006 – 2010. Tỉ lệ giá trị gia tăng so với tổng giá trị sản xuất nông nghiệp cũng có xu hướng giảm, từ 66,35% năm 2000 xuống 57,6% năm 2011 (theo giá thực tế) và 45,6% năm 2000 xuống 38,3% năm 2011 (theo giá so sánh).
Năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nhiều sản phẩm nông nghiệp còn thấp; kết cấu hạ tầng phục vụ bảo quản, chế biến như kho tàng, sân phơi, bến bãi… còn kém phát triển, công nghiệp chế biến nông sản rất nhỏ bé nên chất lượng nhiều loại nông sản còn thấp, nhất là rau quả, sản phẩm chăn
nuôi. Phần lớn nông sản xuất khẩu ở dạng sơ chế, giá trị gia tăng rất thấp, chưa có thương hiệu, mẫu mã bao bì chưa hấp dẫn.
Cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển dịch chậm: sản xuất nông nghiệp vẫn nặng về trồng trọt (chiếm tỉ trọng 73%), chăn nuôi và dịch vụ mới chỉ chiếm 27%. Kết cấu kinh tế nông thôn chủ yếu là thuần nông (sản xuất nông nghiệp chiếm 65%), các hoạt động phi nông nghiệp, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp còn chiếm tỉ lệ nhỏ, chưa đủ sức thu hút tạo việc làm để thúc đẩy chuyển dịch lao động.
Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, nhiều nơi còn yếu kém: nguồn vốn đầu tư phát triển nông nghiệp và xây dựng công trình kết cấu hạ tầng nông thôn còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống người dân, nhất là các vùng miền núi (đặc biệt là giao thông, thủy lợi, thông tin liên lạc).
Hệ thống thủy lợi cho sản xuất ở một số vùng còn chưa đáp ứng nhu cầu, tỉ lệ diện tích cây hàng năm được tưới bằng công trình thủy lợi ở Duyên hải miền Trung (44%), miền núi phía Bắc (32%), Tây Nguyên (25%) và Đông Nam Bộ (51%). Vẫn còn khoảng 20% dân số nông thôn chưa có nước hợp vệ sinh cho sinh hoạt…
Quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn chậm đổi mới: việc chuyển đổi phương thức hoạt động, tuyên truyền thành lập các Hợp tác xã mới theo Luật hợp tác xã, mặc dù đã có Nghị quyết Trung ương 5 Khóa IX và nhiều chính sách tháo gỡ của Chính phủ, nhưng chậm được triển khai, nhiều nơi còn lúng túng. Kinh tế trang trại tuy tăng nhanh về số lượng nhưng lại chiếm một tỉ lệ không đáng kể trong hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng như kinh tế nông thôn.
Ô nhiễm môi trường tăng, nhiều tài nguyên bị khai thác quá mức: tình trạng sản xuất thâm canh, sử dụng quá nhiều phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ, chất kích thích sinh trưởng và tạo ra nhiều chất thải của các vùng chăn nuôi tập trung, các vùng chuyên canh cây trồng thâm canh như bông, nho, rau… tạo ra
dư lượng các chất độc hại trong nông sản thực phẩm, làm tăng khả năng chống chịu và đột biến của sâu bệnh; tình trạng ô nhiễm môi trường đang gia tăng.
Mặc dù, ngành nông nghiệp vẫn còn những tồn tại nhất định, nhưng từ khi đổi mới đến nay, đã có những bước phát triển mới giúp cho nước ta khẳng định được vị thế của mình.
KẾT LUẬN
Nông nghiệp là ngành sản xuất vật chất sớm nhất của xã hội loài người. Ở Việt Nam ngành nông nghiệp phát triển từ rất sớm, với sự phát triển của khoa học – kĩ thuật, nông nghiệp ngày càng được mở rộng; các giống cây trồng, vật nuôi ngày càng đa dạng và phong phú.
Ở nước ta có nhiều điều kiện phát triển nông nghiệp như: vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên (địa hình, đất đai, khí hậu, nguồn nước, sinh vật), điều kiện kinh tế - xã hội (dân cư và nguồn lao động, đường lối chính sách, khoa học công nghệ, thị trường). Chính vì vậy, ngành nông nghiệp nước ta rất phát triển. Từ chỗ xưa kia thiếu đói triền miên, đến nay không chỉ đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong nước, mà còn trở thành 1 trong 3 nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Bên cạnh những mặt thuận lợi thì ngành nông nghiệp cũng gặp không ít những khó khăn như thiên tai, bão lũ, mưa đá, đất đai bị bạc màu, thoái hóa; nguồn nước phân bố không đồng đều, mùa khô thiếu nước trầm trọng, mùa mưa ngập úng và chất lượng nước bị ô nhiễm trầm trọng; sinh vật gây bệnh phát triển mạnh; dân cư đông, cở sở hạ tầng chất lượng thấp; khoa học công nghệ cao còn rất hạn chế; nguồn vốn đầu tư cho ngành nông nghiệp còn thấp, thị trường chưa được mở rộng. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của ngành nông nghiệp.
Sau 25 năm đổi mới, nông nghiệp nước ta đã đạt nhiều thành tựu to lớn, tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm từ 2 đến 6%, nền nông nghiệp đang phát triển theo xu hướng chung của thế giới. Trong phạm vi toàn ngành, cơ cấu nông nghiệp và nông thôn bước đầu có sự chuyển dịch đúng hướng; về cơ cấu ngành, xu hướng chung là giảm tỉ trọng của ngành trồng trọt và tăng dần tỉ trọng chăn nuôi. Trong nội bộ phân ngành nông nghiệp ngành trồng trọt có xu hướng giảm dần tỉ trọng ngành trồng cây lương thực và tăng dần ngành trồng cây công nghiệp. Ngành chăn nuôi tăng, tỉ trọng chăn nuôi gia súc và sản phẩm không qua giết thịt, giảm tỉ trọng ngành chăn nuôi gia cầm. Xu hướng đó phù hợp với một nền kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp đã và đang có dấu hiệu gây tác động tiêu cực đến môi trường mất đa dạng sinh học, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm nguồn nước, tăng chi phí sản xuất và đe dọa tính bền vững của tăng trưởng. Vì vậy, cần có những thay đổi tích cực góp phần xây dựng nông nghiệp tiên tiến, tạo nền tảng cho một nền kinh tế công nghiệp hiện đại, xây dựng nông thôn Việt Nam ngày càng phồn thịnh, văn minh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, “Báo cáo quy hoạch nông nghiệp tới năm 2020”.
2. Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, Quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp cả nước đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030.
3. Đỗ Thị Minh Đức, Nguyễn Viết Thịnh (1998), Dân số, tài nguyên, môi
trường, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội.
4. Vũ Tự Lập (1997), Địa lí Tự nhiên Việt Nam, 3 tập I – II – III, Nxb Giáo dục Hà Nội.
5. Vũ Tự Lập (2011), Địa lí tự nhiên Việt Nam, Nxb Đại học Sư phạm.
6. GS.TS Nguyễn Đức Ngữ - GS. TS Nguyễn Trọng Hiệu (2004), “Khí hậu và tài
nguyên khí hậu Việt Nam”, Viện Khí tượng thủy văn, Nxb Nông nghiệp Hà Nội
7. Văn Thái (1997), Địa lí Kinh tế Việt Nam, Nxb Thống kê.
8. Lê Thông (chủ biên), Nguyễn Văn Phú, Nguyễn Minh Tuệ, Lê Mỹ Dung (2011), Địa lí kinh tế - xã hội Việt Nam, Nxb Đại học Sư phạm.
9. Đinh Thị Thơm (1999), Nông nghiệp, an ninh lương thực với tăng trưởng
kinh tế, Thông tin Khoa học xã hội – Chuyên đề, Hà Nội.
10. Nguyễn Minh Tuệ, Lê Thông (đồng chủ biên) (2012), Địa lí nông – lâm –
Thủy sản Việt Nam, Nxb Đại học Sư phạm.
11. Thời báo Kinh tế Việt Nam. Kinh tế 2010 – 2011 Việt Nam và thế giới.
12. Tổng cục Thống kê, Điều tra mức sống hộ gia đình 2002, 2004, 2006, Nxb Thống kê.
13. Tổng cục Thống kê, Điều tra mức sống hộ gia đình, 2010.
14. Tổng cục Thống kê, Tình hình kinh tế - xã hội 12 tháng năm 2011.
15. Tổng cục Thống kê, Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản, 2001, 2011.
16. Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thống kê Nông – Lâm – Thủy sản 2010.