Chương 4 BÀN LUẬN
4.1.2. Nguyên nhân chấn thương
Đa số các bệnh nhân của chúng tôi nhập viện do tai nạn giao thông (55/63 trường hợp) chiếm 87,30% trong khi do tai nạn lao động là 11,11%. Tai nạn giao thông chủ yếu là tai nạn xe máy (80,95%): người đi xe máy va chạm mạnh với nhau hoặc đâm vào ôtô, bị ôtô cán hoặc va vào vật cứng bên đường. Tai nạn do xe máy gây ra chiếm vị trí số 1 là đặc điểm riêng biệt của tai nạn giao thông tại Việt Nam với hơn 20 triệu xe máy trên 85 triệu dân.
Người điều khiển loại phương tiện giao thông này hay gây tai nạn thường còn trẻ chủ yếu từ 20 đến 40 (55%) và là nam giới. Đây là tổn thất lớn cho xã hội vì đối tượng này là lực lượng lao động chính trong gia đình cũng như xã hội [32], [33]. Theo thống kê số BN phải mổ tại bệnh viện Việt Đức trong 5 năm 1996 – 2001 tỷ lệ tai nạn giao thông chiếm 69,8%, tai nạn xe máy chiếm 44,5% [14]. Do vậy các thương tổn phối hợp với CTBK-VXC càng nhiều và phức tạp hơn trước. Các tác giả trong và ngoài nước cũng có ghi nhận tỷ lệ CTBK-VXC do tai nạn giao thông tương tự. Trong nghiên cứu của tác giả Lê Tư Hoàng (2009), tỷ lệ do tai nạn giao thông là 80,86% [2]. Của Trần Lê Linh Phương (2002) là 80% [34]. Tỷ lệ này do Karl Lunsjo hồi cứu trong 100 bệnh nhân là 86,3% [35], Ramon F. Cestero (2009) là 79,1% [36]. Như vậy, từ trước tới nay, tai nạn giao thông vẫn là nguyên nhân chủ yếu gây ra CTBK- VXC. Nguyên nhân gây ra VXC vẫn là những tai nạn có lực tác động rất mạnh, cơ chế phức tạp, đó là lý do làm cho có nhiều tổn thương phối hợp.
Bên cạnh đó, số bệnh nhân bị tai nạn lao động là 7/63 trường hợp chiếm 11,11% số bệnh nhân nghiên cứu của chúng tôi. Những trường hợp này chủ yếu là do ngã từ trên cao xuống như từ giàn giáo xây dựng, từ tầng nhà cao xuống hay bị tường, gạch hay vật nặng rơi đè lên người.
4.2. TÌNH TRẠNG BN KHI ĐẾN VIỆN