• Hạn chế trong công tác QTRRTK của TCB:
1) QTRRTK chưa được quan tâm đúng mức.
Trước năm 2008, ngân hàng mới chỉ quan tâm đến rủi ro tín dụng. Sau khủng hoảng năm 2008, vấn đề thanh khoản mới bắt đầu được TCB quan tâm và nhắc tới nhiều hơn. Hiện nay, ngân hàng đã bước đầu tập trung xây dựng bộ máy QTRRTK để cảnh báo, ngăn chặn kịp thời khi phát hiện các dấu hiệu RRTK. Tuy nhiên, vì mới triển khai nên vẫn còn có nhiều thiếu sót và chưa chặt chẽ.
2) Hệ thống dự báo RRTK còn thiếu chính xác.
Các ngân hàng lớn trên thế giới đều có hệ thống cảnh báo RRTK hiện đại để có biện pháp phòng ngừa kịp thời. Tuy nhiên, tại TCB dự báo thanh khoản mới chỉ dựa trên khả năng rút vốn của khách hàng ra khỏi ngân hàng mà chưa tính đến các tác động bất thường từ nền kinh tế, nên chưa dự báo chính xác nhu cầu thanh khoản. Do đó, phương pháp QTRRTK chủ yếu dựa trên việc duy trì các tài sản lỏng và các tỷ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản cho ngân hàng.
3) Phương pháp QTRRTK mà TCB đưa ra chưa theo sát thông lệ quốc tế.
Trong việc QTRRTK đối với ngoại tệ, ngân hàng chỉ thực hiện duy trì tỷ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản đối với USD. Nhưng theo thông lệ quốc tế, ngân hàng cần xác định, xem xét thường xuyên các giới hạn về quy mô, sự chênh lệch dòng tiền đối với toàn bộ ngoại tệ và đối với từng loại ngoại tệ riêng lẻ ngân hàng có trong hoạt động kinh doanh của mình trong một khoảng thời gian cần thiết.
Bên cạnh đó, TCB còn hạn chế trong việc công khai thông tin. Các thông tin mà ngân hàng công bố trên website và báo chí hầu như là thông tin có lợi cho ngân hàng. Mà theo Basel II, trong yêu cầu QTRRTK, mỗi ngân hàng phải có mức độ hợp lý trong công khai thông tin để đảm bảo uy tín của ngân hàng, cũng như lòng tin của công chúng và lợi ích của các cổ đông.
4) Ngân hàng chỉ chú trọng xử lý trạng thái thiếu thanh khoản mà bỏ quên trạng thái thừa thanh khoản.
Ngân hàng có thể để ra hàng loạt các biện pháp xử lý trạng thái thiếu hụt thanh khoản như:lấy từ quỹ dự phòng RRTK, bán các tài sản có tính lỏng, vay trên thị trường liên ngân hàng, vay từ NHNN,… Trong khi đó, ngân hàng lại chưa có những biện pháp hữu hiệu trong việc xử lý trạng thái thừa thanh khoản.
Nếu trạng thái thừa thanh khoản xảy ra mà không xử lý tốt sẽ gây tổn thất về lợi nhuận cho ngân hàng. Trong các bước của trạng thái thừa thanh khoản, TCB chưa chỉ rõ từng bộ phận phải làm gì, có trách nhiệm như thế nào. Nên có thể xảy ra tình trạng xử lý ở các bộ phận thiếu đồng bộ và mâu thuẫn với nhau, gây ra sự bất hợp lý. Hơn nữa, các bộ phận liên quan hay phòng ban ở các chi nhánh có thể ỷ lại không giải quyết, đợi chỉ thị từ cấp trên, tình trạng chậm trễ gây ra tổn thất lợi nhuận lớn cho ngân hàng.
5) Biện pháp QTRRTK mà ngân hàng đưa ra đang còn thiếu sót.
Ngân hàng chưa xây dựng kế hoạch thanh khoản bất thường. Do đó, khi tình huống này xảy ra, ngân hàng nằm trong tình thế bị động, lúng túng trong cách thức đưa ra phương pháp xử lý, có thể đối phó không kịp thời, gây thiệt hại cho ngân hàng.
• Nguyên nhân của những hạn chế:
Từ phía NHNN: NHNN chưa ban hành chính sách cụ thể nhằm định hướng QTRRTK
tại các NHTM. NHNN chỉ ban hành quyết định 457 – Quy định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của các TCTD và có điều khoản về một số tỷ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản mà thiếu các văn bản hướng dẫn , cũng như các văn bản về những giao dịch phái sinh – công cụ quan trọng trong việc QTRRTK tại các NHTM hiện nay.
Từ phía thị trường: thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam còn nhiều hạn chế. Các công
cụ phái sinh có vai trò quan trọng trong phòng ngừa rủi ro thanh khoản, nhưng trong thì trường tài chính Việt Nam thì các công cụ này vẫn chưa phát triển về cả chất lượng và chủng loại. Điều này gây ra khó khăn cho các NHTM trong việc định lượng và sử dụng các công cụ phái sinh trong công tác phòng ngừa và QTRRTK.
Từ phía khách hàng: hiện nay có một bộ phận khách hàng có hành vi lừa đảo, gian lận,
thực hiện chưa nghiêm túc các nghĩa vụ trả nợ và kế hoạch giải ngân theo đúng hợp đồng tín dụng. Điều này gây khó khăn cho ngân hàng trong việc xác định các nguồn cung thanh khoản, ảnh hưởng đến công tác QTRRTK tại ngân hàng.
• Nguyên nhân chủ quan:
Ủy ban ALCO vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, do đó tồn tại một số hạn chế, đôi khi phân công chức năng nhiệm vụ của các bộ phận còn bị chồng chéo lên nhau, các hướng dẫn chưa đi vào chi tiết, mới dừng lại ở mức độ chung cho toàn hệ thống, chưa có những hướng dẫn cụ thể đến từng chi nhánh. Điều này đã gây khó khăn cho quá trình QTRRTK của ngân hàng, đặc biệt tại các đơn vị và chi nhánh.
Công nghệ thông tin: Mặc dù Techcombank đã tập trung đầu tư lớn vào công nghệ, hoàn thành triển khai hệ thống công nghệ thông tin 100% tới các chi nhánh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đường truyền tải bị tắc nghẽn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác QTRRRTK. Vì trong tình huống này, thông tin không được cập nhật nhanh và độ chính xác chưa cao. Đồng thời, TCB vẫn chưa có được các hệ thống đo lường RRTK như các ngân hàng hiện đại trên thế giới. Điều này là nguyên nhân làm cho các kết quả đo lường RRTK tại TCB còn thiếu chính xác, gây khó khăn lớn cho nhà quản trị trong việc đưa ra các quyết định QTRRTK tại ngân hàng.
Tồn tại một số vẫn đề năng lực nhà quản trị: trong những năm gần đây, TCB đã có một đội ngũ cán bộ là các chuyên gia nước ngoài được đào tạo bài bản, khoa học dựa trên những tiêu chuẩn quốc tê. Tuy nhiên ,vẫn tồn tại môt số cán bộ năng lực còn hạn chế, làm việc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của bản thân, chưa được đào tạo bài bản, hoặc cán bộ có trình độ nhưng chưa thực sự hiểu rõ về thị trường Việt Nam, và các biến động của thị trường Việt Nam đôi khi lại đi ngược với các quy luật chung của thế giới. Khi mà cán bộ không đủ tầm nhìn để xác định những khả năng biến động của các luồng vốn và chuẩn bị khả năng đối phó với sự biến động đó thì RRTK xảy ra là khó tránh khỏi đối với hoạt động ngân hàng.
Hệ thống kiểm soát nội bộ là hoạt động quan trong đối với ngân hàng, nó đảm bảo việc kiểm tra, chấp hành đúng các quy định cho tất cả các nghiệp vụ trong ngân hàng. Đặc biệt, đối với công tác QTRRTK thì kiểm tra, kiểm soát nội bộ càng đóng vai trò quan
trọng trong việc giúp cho các nhà quản lý nắm rõ sự hoạt động của ngân hàng, sự vận động của các nguồn vốn, từ đó nhìn thấy nguy cơ RRTK của ngân hàng. Tuy nhiên, công tác này của TCB chưa thực sự phát huy hiệu quả, quy trình kiểm soát chưa chặt chẽ, chưa hoàn thiện đầy đủ mọi yếu tố theo đúng chuẩn mực quốc tế. Do đó, gây khó khăn trong công tác QTRRTK tại TCB trong giai đoạn hiện nay.