4.1.5.1. Phân bố răng xoay trục theo hàm (bảng 3.6)
Trong 30 bệnh nhân điều trị răng xoay trục thì tỉ lệ gặp răng xoay trục ở cả hai hàm tương đối cao :46,6%, chỉ gặp ở hàm trên hoặc hàm dưới chiếm 26,7 % ở mỗi trường hợp.
Theo nghiên cứu tại khoa nắn chỉnh răng – Viện răng hàm mặt Trung Ương, lệch lạc về vị trí của răng bao gồm răng xoay trục, răng mọc sai chỗ và răng mọc ngầm lại gặp chủ yếu ở hàm trên chiếm 71%. Số bệnh nhân bị lệch lạc hai hàm ít gặp nhất 5,9%. Sự khác biệt giữa kết quả của chúng tôi với nghiên cứu trên là do đối tượng nghiên cứu của họ là nhóm răng phía trước bao gồm răng cửa giữa, cửa bên và răng nanh. Trong đối tượng nghiên cứu của chúng tôi xét đến cả nhóm răng hàm nhỏ và chúng tôi chỉ xét đến răng xoay trục. Theo số liệu ở bảng 3.6 thì tỉ lệ gặp răng xoay trục ở nhóm răng hàm nhỏ là 35.6 % ( 14.5% răng hàm nhỏ thứ nhất và 21% răng hàm nhỏ thứ hai). Theo Saurabh K. Gupta, Payal, Sandhya Jain và Deshraj Jain tỉ lệ răng xoay trục gặp ở nhóm răng hàm nhỏ là 6,24 % trên tỉ lệ gặp răng xoay trục trên cung hàm là 10,24%, chiếm hơn 50% trường hợp gặp răng xoay trục.
Kết quả này của chúng tôi phù hợp với kết quả phân tích thiếu khoảng ở bảng 3.10 trong đó thiếu khoảng gặp ở cả hai hàm chiếm tỉ lệ cao nhất, tỉ lệ thiếu khoảng ở hàm trên hoặc hàm dưới chênh nhau không nhiều.
4.1.5.2 Đặc điểm răng xoay trục theo nhóm răng
Biểu đồ 3.4 cho ta thấy răng xoay trục gặp nhiều nhất ở nhóm răng cửa giữa (30.3%), tiếp đến là răng hàm nhỏ thứ hai (21%). Tỉ lệ gặp răng nanh bị xoay trục (19.7%). Răng cửa bên và răng hàm nhỏ thứ hai có tỉ lệ 14,5% ở mỗi nhóm.
Theo nghiên cứu của Nguyễn Thu Phương [9] thì răng xoay trục hay gặp ở nhóm răng cửa nhất.
Kết quả của chúng tôi khác với nghiên cứu của Saurabh K. Gupta. Trong nghiên cứu của Gupta [48] tỉ lệ gặp răng xoay trục ở răng hàm nhỏ thứ hai là cao nhất (33.1%), tiếp đến là răng hàm nhỏ thứ nhất (27.8%) và sau đó là răng cửa giữa (27%)..
Qua các nghiên cứu ta thấy răng xoay trục hay gặp ở hai nhóm răng : răng cửa giữa và răng hàm nhỏ thứ hai. Có lẽ là do ngoài nguyên nhân do sự bất tương xứng giữa răng và cung hàm gây nên hiện tượng thiếu khoảng thì ở vùng răng cửa giữa hay gặp răng thừa, răng ngầm làm cho hai răng cửa giữa bị xoay trục do bị cản trở đường mọc. Răng hàm nhỏ thứ hai hay bị xoay trục có thể do hiện tượng mất răng hàm sữa sớm dẫn đến di gần răng hàm lớn gây nên thiếu chỗ cho răng này mọc.
4.1.5.3. Số lượng răng xoay trục trên cung hàm (bảng 3.7)
Trên cung hàm của bệnh nhân ta có thể gặp một nhiều răng xoay trục. Trong 30 bệnh nhân, chúng tôi gặp tối đa 5 răng xoay trục trên cung hàm. Tỉ lệ gặp 3 răng là cao nhất chiếm 43.3%, tiếp đến là gặp một răng với tỉ lệ là 23.3% và sau nữa là hai răng (20%). Gặp bốn hoặc năm răng xoay trục trên cung hàm là ít gặp nhất (6.7%).
Trong nghiên cứu của chúng tôi có tất cả 76 răng xoay trục, tính trung bình gặp gần 3 răng xoay trục trên một bệnh nhân. Theo nghiên cứu của khoa nắn chỉnh răng Viện Răng Hàm mặt Trung Ương có tổng số 234 răng phía trước bị xoay trục trên 143 bênh nhân, tính trung bình gặp gần 2 răng xoay trục trên một bệnh nhân. Kết quả này thấp hơn so với nghiên cứu của chúng tôi vì đối tượng nghiên cứu chỉ là nhóm răng phía trước.
4.1.5.4. Mức độ xoay trục của răng
Chúng tôi chia độ xoay của răng làm 3 mức độ : 10-45 º, ≥ 45º- 90º, ≥90º. [9, 37]
Bảng 3.8 cho thấy có 61 / 76 răng xoay trục từ 10-45 º, chiếm 80,3%. Răng xoay trục từ ≥ 45º- 90º chiếm 17,1%. Số răng có độ xoay ≥90º rất ít gặp, chiếm 2.1%.
Kết quả của chúng tôi tương đối phù hợp với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thu Phương. Trong nghiên cứu của Nguyễn Thu Phương [9] răng xoay trục từ 10-45º cũng hay gặp nhất với tỉ lệ 71,8%, và tỉ lệ gặp răng xoay ≥90º là 2.1%.
Theo Lê Thị Nhàn[7] số độ xoay thường là dưới 45º, ít khi tới 90º, lại càng hiếm gặp lớn hơn 90º, tuy nhiên tác giả không cho biết tỉ lệ là bao nhiêu.
Khác với chúng tôi, trong nghiên cứu của Saurabh K. Gupta[48] răng xoay từ 45º- 90º hay gặp nhất 67/115 trường hợp (58,3%), tiếp đến là từ 10- 45 º với 36/ 115 trường hợp (31,3%) và có 12/115 trường hợp răng xoay ≥90º ( 10.4%).
Trong số răng xoay từ 10-45 º chúng tôi gặp nhiều ở nhóm răng cửa 27/61 răng (44,3%), còn ở nhóm răng hàm nhỏ là 21/61 răng (34.4%). Ở độ xoay từ ≥ 45º- 90º thì sự chênh lệch về tỉ lệ giữa hai nhóm răng này đã giảm 6/13 răng tương đương 46,2% ở nhóm răng cửa và 5/13 răng tương đương 38,7% ở nhóm răng hàm nhỏ. Răng xoay ≥90º chúng tôi gặp đều ở cả hai nhóm : 1 răng ở nhóm răng cửa và 1 răng ở nhóm răng hàm nhỏ.
Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về mức độ xoay trục giữa các nhóm răng.