Chúng tôi gặp răng xoay trục ở cả ba loại sai khớp cắn Angle I, Angle II và Angle III. Ngoài ra còn có sự phối hợp giữa sai khớp cắn Angle I một bên còn bên kia là Angle II hoặc Angle III. Theo bảng 3.14 tỉ lệ gặp răng xoay trục trên sai khớp cắn Angle I chiếm tỉ lệ 66.7%, Angle II chiếm 13.3% và Angle III chiếm 6.7%.
Theo M Sayin [31] trong 1356 bệnh nhân ở khoa chỉnh nha của đại học Suleyman Demirel – Thổ nhĩ Kỳ tỉ lệ sai khớp cắn Angle I chiếm 64%, Angle II chiếm 24% và tỉ lệ sai khớp cắn Angle III là 12%. Theo Letizia Perillo và cộng sự [29] tỉ lệ sai khớp cắn ở trẻ 12 tuổi ở phía nam Itali: có 59.5 % sai khớp cắn Angle I, 36.3% sai khớp cắn Angle II và 4.2% Angle
III. Theo Đổng Khác Thẩm và Hoàng Tử Hùng[13] tỉ lệ gặp sai khớp cắn AngleI gặp nhiều nhất chiếm 71,3%, Angle II chiếm 7%, Angle III chiếm 21.7%.. Trong nhiều nghiên cứu ta thấy tỉ lệ sai khớp cắn Angle I cao nhất, tỉ lệ sai khớp cắn giữa Angle II va Angle III có sự chênh lệch nhiều trong các nghiên cứu. Có nhiều nhân tố dẫn đến sự khác biệt này như sự khác biệt về mặt địa lý, tình trạng vệ sinh răng miệng, bệnh răng miệng, sự mất răng sữa sớm …
Chúng tôi gặp 2 bệnh nhân có sự phối hợp 1 bên là sai khớp cắn Angle I và bên kia là Angle II và 2 bệnh nhân có sự phối hợp giữa sai khớp cắn AngleI và Angle III. Ở những bệnh nhân này đều có hiên tượng mất răng hàm sữa thứ hai sớm. Răng sữa mất sớm đặc biệt là răng hàm sữa thứ hai sẽ dẫn tới sự di của răng gần kề nó, điển hình là sự di gần của răng hàm lớn thứ nhất dẫn tới sự mất tương quan giữa răng hàm lớn thứ nhất hàm trên và răng hàm lớn thứ nhất hàm dưới. Sự mất tương quan này tạo ra dạng sai khớp cắn phối hợp. Hai bệnh nhân trong nghiên cứu của chúng tôi bị mất răng hàm sữa thứ hai hàm trên một bên sớm và hậu quả là răng hàm lớn thứ nhất hàm trên một bên di gần tạo nên sự phối hơp sai khớp cắn giữa Angle I và Angle II. Hai bệnh nhân bị sai khớp cắn phối hợp giũa Angle I và Angle III là do sự di gần của răng hàm lớn thứ nhất hàm dưới bên trái do mất răng hàm sữa thứ hai bên trái. Việc di gần của răng hàm cũng làm thiếu khoảng phía trước cung hàm dẫn đến lệch lạc răng như răng mọc chen chúc, răng mọc ngầm, sai vị trí và răng bị xoay trục. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc chăm sóc răng sữa : vệ sinh răng miệng tốt, phát hiện và điều trị sớm răng sữa bị sâu. Nếu không may răng hàm sữa bị hỏng không giữ được thì chúng ta phải làm khí cụ giữ khoảng cho bệnh nhân. Việc này thực hiện rất đơn giản nhưng lại góp phần làm giảm, thậm chí tránh được tình trạng lệch lạc khớp cắn về sau cho các em.