Các giải pháp về chính sách

Một phần của tài liệu nghiên cứu, xây dựng bản đồ phân vùng lũ quét tỉnh thái nguyên (Trang 101 - 104)

Hàng năm, các tỉnh miền núi, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc, nơi có địa hình dốc, phải gánh chịu nhiều các hiện tượng thiên tai khắc nghiệt, đặc biệt là các trận lũ quét tập trung trong một thời gian ngắn. Hậu quả là đời sống nhân dân luôn gặp nhiều khó khăn và tình hình phát triển sản xuất luôn bị ảnh hưởng xấu. Những tác động tiêu cực trực tiếp do các hoạt động thiên tai gây ra là các thiệt hại về mùa màng, tài sản, cơ sở vật chất và cả tính mạng con người. Từ đó làm thay đổi cả môi trường tự nhiên lẫn môi trường sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, các hiện tượng tự nhiên ngoài sự vận động và phát triển theo quy luật riêng, nó luôn có các mối quan hệ rất nhạy cảm với các hoạt động kinh tế - xã hội của con người. Để chủ động phòng tránh, hạn chế và khắc phục những hậu quả do lũ quét gây ra, trên quan điểm kinh tế - xã hội, luận văn đề xuất một số giải pháp sau:

1. Về chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong Nông nghiệp

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng mạnh tỉ trọng công nghiệp - du lịch - dịch vụ - kinh tế rừng. Tạo ra thế liên hoàn về cơ cấu lãnh thổ giữa đồng bằng với vùng đồi núi. Đối với sản xuất nông nghiệp cần mở rộng diện tích và phát triển mạnh mẽ các loại cây công nghiệp. Đối với sản xuất lâm nghiệp, biện pháp mang tính chiến lược là thường xuyên tiến hành trồng rừng và bảo vệ rừng. Đặc biệt phải có sự cân đối giữa diện tích rừng với diện tích sản xuất nông nghiệp và dân sinh theo đúng quy hoạch của nhà nước. Việc trồng và bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn các lưu vực sông là rất quan trọng trong việc góp phần điều tiết nước. Kinh tế rừng là lợi thế vô cùng to lớn của các tỉnh miền núi phía Bắc, cần được đầu tư phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Sản xuất công nghiệp và dịch vụ là những ngành ít chịu sự tác động của tự nhiên, nếu được quy hoạch hợp lý có khả năng phát triển, phát huy được ưu thế của nó, đồng thời hạn chế được những thiệt hại do lũ quét gây ra.

2. Về kết cấu hạ tầng nông thôn

Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, nhất là ở vùng nông thôn. Các công trình thường không bền vững, mùa mưa lũ thường ách tắc giao thông, sau mưa lũ thường bị hư hỏng nặng, tốn kém hàng trăm tỷ đồng để sửa chữa, phục hồi. Vì vậy, giải pháp chung là phải kết hợp giao thông và thủy lợi, giao thông đường bộ với giao thông đường sắt, đường thủy; phát triển giao thông nông thôn phải gắn với các tuyến lộ tạo thành hệ thống liên hoàn.

3. Về đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình thủy lợi

Trong chiến lược phát triển nông - lâm - thủy sản, đặc biệt chú ý việc tăng cường năng lực tưới tiêu. Cần đầu tư nâng cấp và hiện đại hóa các công trình thủy lợi đã có; tiếp tục khảo sát, xây dựng hệ thống hồ chứa nước trên các lưu vực sông và ở các vị trí thích hợp để làm tăng khả năng điều tiết nước.

Đồng thời thường xuyên kiểm tra, đánh giá khả năng chứa nước và mức độ an toàn của hệ thống hồ đã có. Mặt khác, cần cải tiến chế độ quản lý các công trình thủy lợi. Củng cố hoạt động, nâng cao trách nhiệm của các công ty thủy nông đối với khách hàng (hộ nông dân, hợp tác xã), Nhà nước cần hỗ trợ thêm ngân sách cho các chi phí này. Đây là giải pháp phù hợp mà nhiều nước đã sử dụng.

4. Về quy hoạch lưu vực sông

Tiến hành nghiên cứu và quy hoạch đầy đủ các lưu vực sông trong khu vực nghiên cứu từ đó đề ra được các chủ trương, chính sách khai thác, sử dụng và quản lý lưu vực một cách tổng hợp. Xác định đầy đủ và chính xác các khu vực có nguy cơ ngập lụt để di dời và ngăn cấm sự phát triển của các khu dân cư. Các công trình hạ tầng cơ sở, xây dựng phải đảm bảo không làm cản trở dòng chảy hoặc làm tăng mức ngập lụt đối với các khu vực khác. Đồng thời nghiêm cấm và xử phạt nặng đối với các hoạt động khai thác vật liệu xây dựng ở hai bên bờ hoặc lòng sông. Việc tiến hành khai thông luồng lạch phải do các cơ quan chức năng tiến hành theo đúng các quy định trong các văn bản pháp luật của nhà nước.

Quy hoạch tổng hợp sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước cho từng lưu vực trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và của từng địa phương. Trên cơ sở quy hoạch tổng hợp đưa ra những kịch bản phát triển lâu bền tài nguyên nước từng lưu vực trong đó quy hoạch cấp nước, phòng chống lụt bão, quy hoạch bậc thang hồ chứa thủy điện, quy hoạch phát triển giao thông và quy hoạch bảo vệ môi trường sinh thái phải được phối hợp xem xét trên cùng mặt bằng và đưa ra các tiêu chuẩn cấp nước chống lũ và bảo vệ môi trường phù hợp với khả năng của từng giai đoạn phát triển cho mỗi lưu vực.

Một phần của tài liệu nghiên cứu, xây dựng bản đồ phân vùng lũ quét tỉnh thái nguyên (Trang 101 - 104)