Những tác phẩm được đánh giá cao của Nguyễn Ngọc Tư đều được chị xây dựng cốt truyện theo hình thức này. Có những cốt truyện được tạo dựng lên hoàn toàn trên cơ sở miêu tả những dòng tâm trạng, diễn biến tâm lý nhân vật (“Cánh đồng bất tận”, “Một chuyện hẹn hò”), khi đó sự kiện thường xuất hiện với tư cách là nguyên nhân, là nguồn gốc của những cảm xúc tâm trạng suy nghĩ của nhân vật. Và nhân vật bộc lộ thái độ, tình cảm, chủ yếu qua nét mặt, lời nói, đặc biệt qua những dòng độc thoại. Như vậy, nhân vật của chị cũng không có những hành động dứt khoát để làm nên những thay đổi bên ngoài, những đổi thay có tính chất bước ngoặt trong cuộc đời. Sự hành động cũng không phải diễn ra ở bên ngoài mà chủ yếu ở bên trong, trong thế giới nội tâm. Đồng thời trong quá trình phát triển của sự kiện cái thay đổi chủ yếu là trạng thái tâm lý nhân vật.
Hình thức xây dựng cốt truyện này được thể hiện rõ nhất trong tác phẩm gây được nhiều dư luận và cũng là tác phẩm được trao giải thưởng hội nhà văn Việt Nam năm 2006 - “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư. Truyện được mở ra bằng không gian cánh đồng khô hạn với những cây lúa chết non, cong như những tàn nhang chưa rụng, dòng sông váng phèn ngưng đọng gợi vẻ thê lương. Tất cả được nhìn và cảm qua con mắt của Nương nên càng gợi vẻ bất an hoang dại. Từ những lời tả có tính chất gợi mở làm tiền đề cho cảm xúc ấy, một loạt những suy nghĩ, những dòng hồi tưởng được trải ra.
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
Câu chuyện về người đàn bà đang nằm trên ghe sau cuộc đánh ghen tơi tả, ý nghĩ về thái độ của người cha với những việc đã diễn ra. Cứ như thế những dòng suy nghĩ đã dẫn dắt để cốt truyện được hình thành. Chính vì vậy cốt truyện của Nguyễn Ngọc Tư không nhiều sự kiện, nó thường là những sự kiện có tác dụng khơi gợi tâm trạng (việc cứu người đàn bà bất hạnh, sự ra đi của nhân vật má tôi, cuộc gặp gỡ của cha tôi với những người đàn bà bị chồng bỏ, sự ra đi của Điền…). Và qua đó cả một thế giới tâm trạng của nhân vật Nương với biết bao biến đổi. Đó là thế giới của nỗi buồn, của những mất mát, của ám ảnh, của tuyệt vọng đau thương.
Đọc truyện Nguyễn Ngọc Tư người ta có cảm giác yếu tố cơ bản của cốt truyện không còn là hệ thống các sự kiện bên ngoài tạo nên hình thức vận động của truyện. Truyện của chị đôi khi giống như một sự ghi lại, chép lại những gì đang diễn ra hàng ngày trong thế giới nội tâm nhân vật. Và vì vậy cốt truyện trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư thường được “nới lỏng”, “giãn ra” chứ không chặt chẽ tập trung như cốt truyện của truyện ngắn và tiểu thuyết truyền thống. Ta bắt gặp trong nhiều truyện của chị những yếu tố kể là rất ít mà yếu tố tả là nhiều, những cái cốt giản đơn có thể tóm tắt trong một câu. Câu chuyện về người cha tìm con, câu chuyện về tình yêu không thành của một đôi trai gái, chuyện về một ngôi nhà cỏ mà ở đó có hai anh em cùng yêu thương một người con gái, chuyện về một người đàn ông cô độc khao khát tình cảm yêu thương, chuyện về một mối tình đơn phương, chuyện về một người vợ bị chồng phụ bạc. Và cái làm cho câu chuyện được “nới lỏng” được “giãn ra” nhưng vẫn hấp dẫn lôi cuốn chính bởi những dòng nội tâm, những cảm xúc suy nghĩ day dứt của nhân vật được tái hiện trong tác phẩm. Bên cạnh đó yếu tố không gian, môi trường thiên nhiên, môi trường sinh hoạt của con người cũng góp phần làm tăng yếu tố tả trong cốt truyện. Và như vậy, khác với Phan Thị Vàng Anh truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư thường ít lời
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
kể, mà phần nhiều là lời tả. Điều này đã làm cho truyện của chị gần với tiểu thuyết hiện đại hơn. Sự “giãn nở” trong truyện Nguyễn Ngọc Tư tạo ra yếu tố phi cốt truyện, nhưng chính điều đó đã làm cho truyện ngắn của chị có một không khí rất riêng. Đọc truyện Nguyễn Ngọc Tư người đọc nhiều khi được phiêu lưu cùng với thế giới tâm trạng của nhân vật. Nhà văn thường để cho nhân vật dừng lại để giãi bày, bộc lộ những suy ngẫm, cảm xúc của mình và vì vậy truyện của chị rất giàu cảm xúc. Nó đôi khi là những câu chuyện được kể lại qua hồi ức, qua những kỉ niệm, qua những dòng tâm tư tuôn chảy miên man. Như thế, cái để người đọc khám phá trong truyện Nguyễn Ngọc Tư không phải là sự kiện mà là những dòng tâm trạng, là chiều sâu không cùng trong thế giới tâm hồn mỗi con người. Đến với truyện của chị người đọc dễ dàng biết được nhân vật đang nghĩ gì, đang trong tâm trạng như thế nào, buồn hay vui, đau khổ hay sung sướng. Và nhờ vậy thế giới nhân vật trong truyện của chị luôn tạo được cảm giác gần gũi với bạn đọc. Cũng nhờ vào yếu tố giãn nở cốt truyện qua những dòng tâm trạng mà người đọc luôn được khám phá những vẻ đẹp khác nhau trong đời sống tâm hồn nhân vật khi đọc truyện Nguyễn Ngọc Tư.
Cũng chính nhờ luôn đan xen dòng cảm xúc, tâm trạng vào giữa những sự việc, sự kiện, tính giãn nở trong cốt truyện của Nguyễn Ngọc Tư còn tạo ra một lối kể chuyện rất linh hoạt. Những câu chuyện thường không kể theo trình tự thời gian, không theo trật tự tuyến tính. Truyện của chị thường được kể theo dòng tâm trạng nên chuyện hiện tại được đan xem với quá khứ, tương lai. Trong “Cánh đồng bất tận” câu chuyện được bắt đầu bằng thời gian trong hiện tại, việc Điền và Nương cứu người đàn bà bị đánh ghen, tiếp đến là quá khứ xa, những kí ức về người mẹ, quá khứ gần, lần lạc đường giữa cánh đồng của hai chị em. Cứ như vậy hiện tại, quá khứ thay đổi luân phiên, khiến cốt truyện hấp dẫn hơn, không nhàm chán. Còn rất nhiều những truyện ngắn khác của Nguyễn Ngọc Tư mang cốt truyện bên trong (“Cải ơi”, “Biển người
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
mênh mông”, “Cuối mùa nhan sắc”, “Cái nhìn khắc khoải”, “Dòng nhớ”, “Duyên phận so le”, “Nước chảy mây trôi”, “Một chuyện hẹn hò”…) . Với cốt truyện tâm lí này nhà văn luôn tạo cho người đọc cảm giác về sự gần gũi quen thuộc của từng sự kiện. Những câu chuyện chị kể như vừa xảy ra ở đâu đây quanh ta, thế giới nhân vật của chị ta như đã từng đôi ba lần gặp trong đời. Nói một cách khác, không cầu kì dụng công trong việc tạo dựng cốt truyện, nhưng truyện Nguyễn Ngọc Tư luôn gợi cảm giác gần gũi, chân thực đời thường.
Bên cạnh việc tạo ra một lối trần thuật linh hoạt, kiểu cốt truyện “giãn nở” và “nới lỏng” còn giúp Ngọc Tư đi vào miêu tả không gian, môi trường thiên nhiên đời sống sinh hoạt của con người. Điều đó khiến cho truyện ngắn của chị gần hơn với tiểu thuyết và truyện của chị luôn toát lên một phong vị rất riêng, mang đậm tính địa phương, yếu tố vùng miền. Đó là những câu chuyện về con người và mảnh đất phương Nam. Trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư nhiều khi phương thức miêu tả lấn át cả phương thức tự sự. Bởi vậy sức ám ảnh trong truyện của chị không phải là sự kiện, mà là những bức tranh thiên nhiên hay miêu tả khung cảnh sinh hoạt của con người. Chính yếu tố đó đã mở ra trong những trang văn của Ngọc Tư một không gian Phương Nam ngập tràn nắng gió, với những dòng sông thao thiết chảy, vắt ngang qua những cánh đồng mở rộng cuối chân trời. Cảnh sinh hoạt của những gia đình
lênh đênh trên sông nước (“Nhớ sông”, “Dòng nhớ”), cảnh chèo đò đi chợ
nổi, chợ bán rau trái dậy động cả một khúc sông, cảnh những người đàn bà ngồi giặt giũ dưới bến sông, mang xoong chảo ra bực sông chùi lọ nghẹ (“Cánh đồng bất tận”), săn đón ghe hàng, mua bông, mua rau và bán lại những buồng chuối chín trong vườn. Tất cả những cái đó đều mang đậm nét đặc thù của một vùng đất, nó tạo nên “màu sắc địa phương” trong các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư.
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
Bên cạnh đó một điểm hấp dẫn nữa trong cốt truyện của Nguyễn Ngọc Tư. Nhân vật của chị thường được đặt trên một hành trình chuyển dịch thường xuyên, đó là những cuộc kiếm tìm đầy phiêu lưu, không có điểm dừng
(“Sầu trên đỉnh Puvan”). Theo bước chân nhân vật, những vùng đất mới
được mở ra, những cảnh đời con người mới được khám phá (“Của ngày đã
mất”). Và như vậy, cốt truyện của chị không ngừng được làm giàu bằng những yếu tố hấp dẫn đến một cách bất ngờ tự nhiên không sắp đặt. Với đặc điểm này cốt truyện của Nguyễn Ngọc Tư có vẻ như không tập trung, không chặt chẽ nhưng ngược lại “cốt truyện phiêu lưu” này đã mang đến cho những trang văn của Ngọc Tư một sự lôi cuốn lạ lùng.
Nói tóm lại, cốt truyện trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư thường không chia thành phần, sự kiện nhiều khi được trải ra không phân biệt chính phụ. Hơn nữa, truyện của chị lại được làm đầy bởi những yếu tố “phi cốt truyện” đó là những dòng tâm trạng, những dòng độc thoại nội tâm, những bức tranh thiên nhiên miêu tả cảnh sinh hoạt của con người. Điều này làm cho cốt truyện của Nguyễn Ngọc Tư khác với cốt truyện trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh và khác với cốt truyện trong truyện ngắn truyền thống. Nó thể hiện những cố gắng tìm tòi trong sáng tạo nghệ thuật của chị để tìm cho mình một chỗ đứng trong làng văn chương.