Trên thế giới, đã có nhiều công trình nghiên cứu về gỉ sắt [32], [52], [77], [81]. Ở Đài Loan, bệnh gỉ sắt gây thiệt hại nghiêm trọng đến cây đậu tương và làm hạn chế năng xuất đậu tương vụ xuân. Trung tâm Rau màu Châu Á (AVRCD) của Đài Loan đã tiến hành so sánh 1080 giống, kết quả có 9 mẫu giống kháng bệnh trung bình, trong đó có 4 mẫu giống có nguồn gốc từ Trung Quốc, 3 giống có nguồn gốc từ Nhật Bản, 1 giống có nguồn gốc từ Triều Tiên. Giống Tainung 4 có sức kháng bệnh nhiều hơn các giống khác trong điều kiện đồng ruộng, số lượng vết bệnh ít hơn [6]. Ở Mỹ, Bộ Nông nghiệp Mỹ kết hợp Phòng thí nghiệm Nghiên cứu bệnh thực vật và AVRCD đã khởi động một dự án hợp tác nghiên cứu dịch tễ học của bệnh gỉ sắt đậu tương năm 1978. Dự án này kéo dài đến năm 1982 và các nghiên cứu về bệnh gỉ sắt được tiếp tục tiến hành cho đến năm 1992. Ở Thái Lan, chương trình quốc gia của Thái Lan đã và đang tiến hành các nghiên cứu về bệnh gỉ sắt đậu tương với các mục tiêu lai giống chủ động kéo dài hơn 10 năm qua [88]. Ở Indonesia, phần lớn các giống đậu tương đều bị nhiễm bệnh cho nên bệnh gỉ sắt được xem là loại bệnh
nghiêm trọng nhất trên cây đậu tương và đã lan rộng cả ở mùa mưa và mùa khô. Các hoạt động nghiên cứu ở Indonesia bao gồm cải thiện tính kháng cây ký chủ, thử nghiệm thuốc trị nấm, quản lý bệnh gỉ sắt thông qua trồng thử nghiệm và các nghiên cứu về sự phát tán bào tử. Trong khi đó ở Úc, bệnh gỉ sắt đã được nghiên cứu sâu, tuy nhiên kinh phí bị giới hạn nên các nghiên cứu hiện nay chủ yếu tập trung vào việc sàng lọc các quần thể hồi giao bằng cách lai
Glycine max và Glycine tomentella.
Bằng kỹ thuật phân tử, những biến đổi ở mức độ alen và tính di truyền được tìm thấy ở đậu tương [45]. Verma và cộng sự (1996) đã công bố về những biến đổi alen của SSR ở mức độ cao trong sinh chất mầm đậu tương [109]. Theo ông, có 28 alen SSR được nhắc lại trong nhóm 96 kiểu gen đậu tương. Akkaya và cộng sự (1992) đã lập bản đồ 40 locus SSR ở đậu tương cùng với 118 chỉ thị RFLP và RAPD. Có 18 trong 29 nhóm liên kết chứa ít nhất một locus SSR được phân bố khá ngẫu nhiên trong hệ gen đậu tương [29]. Năm 1995, Maughan nghiên cứu trên 94 giống đậu tương đã xác định đ- ược 79 alen trên 5 locus [74]. Navel và cộng sự (2000) khi nghiên cứu 40 giống đậu tương trong tập đoàn đậu tương và 39 giống cao sản đã sử dụng 74 chỉ thị SSR và nhận được 379 alen trên 74 locus [85]. Ngoài ra, Abe và cộng sự (2003) đã phân tích 20 locus SSR của 131 giống đậu tương từ 14 nước Châu Á và nhận thấy rằng trung bình trên mỗi locus SSR có đến 11,2 alen [26]. Họ cũng đã nhận ra sự khác nhau về nguồn gốc di truyền giữa tập đoàn giống đậu tương ở Nhật Bản và Trung Quốc. Các phát hiện của của nhóm nghiên cứu này đã chỉ ra rằng các giống đậu tương của các nước Đông Nam Á và Trung Á phần lớn bắt nguồn từ Trung Quốc. Trong khi đó, Cregan và cộng sự (1999) đã sử dụng đồng thời các chỉ thị SSR, RAPD, AFLP và thiết lập được bản đồ gen với 20 nhóm gen liên kết ở đậu tương trên cơ sở ba quần thể lai của các trường đại học Iowa, Utah và Nebraska [42].
Để xác định gen kháng bệnh gỉ sắt trên các giống đậu tương của Mỹ và Brazil, sử dụng phương pháp lập bản đồ liên kết chỉ thị phân tử (map-based cloning) các nhà khoa học đã phát hiện một số chỉ thị SSR liên kết gần với các gen từ Rpp1 đến Rpp5: Rpp1và Rpp4 thuộc nhóm liên kết G trên NST số 18; Rpp3 thuộc nhóm liên kết C2 trên NST số 6; Rpp3 thuộc nhóm J trên NST số 16 và Rpp5 thuộc nhóm N trên NST số 3 [52], [63], [77], [81], [82], [104].
Ở nước ta, kết quả thí nghiệm của một số tác giả thuộc trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội cho thấy các giống đậu tương trồng đều bị nhiễm bệnh với các mức độ khác nhau. Các giống ít bị bệnh hay bị nhiễm muộn trên đồng ruộng hiện nay là M103, DT93, DT84, AK03, AK05, VX93, dòng 42. Các giống nhiễm bệnh nặng là V74 (DT74) và DH4. Trong nghiên cứu về mối quan hệ di truyền của 19 giống đậu tương Việt Nam với 25 cặp mồi bằng chỉ thị RADP, tác giả Đinh Thị Phòng và cộng sự cho thấy có 17/25 mồi có tính đa hình với giá trị PIC (Polymorphic Information Content-Hàm lượng thông tin đa hình) dao động từ 0,11 đến 0,6, trong đó có 3 mồi có tính đa hình cao (PIC>0,5). Ngoài ra, tác giả cũng cho rằng các giống có tính chống chịu với điều kiện bất lợi của môi trường như giống HL92 (kháng bệnh xoăn lá và thối quả) và HL203 (chống chịu khá với sâu bệnh) đều nằm trong cùng nhóm phụ III và có hệ số sai khác di truyền 0,114. Hoặc hai giống M103 (chịu nóng) và giống DT84 (chịu lạnh và chịu úng) đều nằm trong nhóm phụ II và có hệ số sai khác di truyền 0,082 [17].
Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, các nghiên cứu về bệnh gỉ sắt ở đậu tương đã được tiến hành và thu được một số thành tựu đáng kể: Trung tâm đậu đỗ Định Tường đã khảo sát 500 mẫu giống, trong đó giống G8587 có sức kháng khá, các giống 7608-25-4, SJ4, SJ5, DT78, Pand, Provar có thể hiện mức độ kháng bệnh. Phạm Văn Biên và cộng sự thuộc Viện kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam khi nghiên cứu về nguồn gen kháng gỉ sắt đã cho thấy
các giống Hoà An, MTD3, Prover, Cao quả địa hoa trắng, Đen Bắc Hà, Đen Cao Bằng, MTD4, Nhật 12, 13, 16, 17, 20 có tính kháng với bệnh gỉ sắt [1]. Những năm gần đây, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Đậu đỗ - Viện Cây lương thực và cây thực phẩm đã nghiên cứu, lai tạo và kiểm định được một số giống có khả năng kháng với bệnh gỉ sắt như: DT2000, CBU8325, DT95. Giống DT2000 được công nhận là giống Quốc gia có khả năng kháng cao đối với gỉ sắt ở các mùa vụ khác nhau. Các nghiên cứu sử dụng chỉ thị SSR để nghiên cứu tính đa dạng di truyền các giống đậu tương đã có kết quả bước đầu khả quan [21], [22]. Như vậy, do các đoạn SSR có mức độ đa hình cao và phân bố ngẫu nhiên trong hệ gen đậu tương nên chúng có thể cung cấp những dẫn chứng chính xác và tin cậy trong nghiên cứu sinh học phân tử, di truyền học và lai tạo giống cây trồng.