3.1.1.1 Vị trí địa lý
Huyện Tứ Kỳ là một trong 12 đơn vị hành chính của tỉnh Hải Dương, một tỉnh nằm trong vùng trọng điểm phía Bắc: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh và Bắc Ninh.
Tứ Kỳ nằm phía Đông Nam tỉnh Hải Dương, vị trí địa lý từ 106015’ đến 106027’ kinh độ đông và 21048’ đến 21055’ vĩ độ bắc.
- Phía Bắc giáp thành phố Hải Dương; - Phía Tây giáp huyện Gia Lộc;
- Phía Đông và Đông Bắc giáp huyện Thanh Hà;
- Đông Nam giáp thành phố Hải Phòng, Tây Nam giáp huyện Ninh Giang.
Tứ Kỳ nằm dọc theo trục tỉnh lộ 391 nối quốc lộ 5 (Hà Nội – Hải Phòng) và quốc lộ 10 (Hải Phòng - Thái Bình), trung tâm huyện cách Hà Nội 60 km về phía Đông Nam, cách Hải Phòng 35 km, cách trung tâm thành phố Hải Dương 17 km. Tứ Kỳ nằm hoàn toàn ở giữa vùng hạ lưu của hệ thống sông Thái Bình, sông Luộc và hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải (gồm sông Tứ Kỳ và sông Cầu Xe). Tứ Kỳ có vị trí thuận lợi trong giao lưu kinh tế với các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và với các tỉnh Đồng Bằng sông Hồng, các tỉnh miền núi phía Bắc.
Các đơn vị hành chính thuộc huyện Tứ Kỳ gồm 1 thị trấn và 26 xã (Ngọc Sơn, Kỳ Sơn, Đại Đồng, Hưng Đạo, Ngọc Kỳ, Tái Sơn, Bình Lãng,
Quang Phục, Tân Kỳ, Dân Chủ, Quảng Nghiệp, Đại Hợp, Quang Khải, Minh Đức, Đông Kỳ, Tây Kỳ, Tứ Xuyên, Văn Tố, Phượng Kỳ, Cộng Lạc, An Thanh, Tiên Động, Quang Trung, Nguyên Giáp, Hà Thanh, Hà Kỳ). Diện tích tự nhiên của huyện là 17.019,01 ha, chiếm 9,77% diện tích tự nhiên của tỉnh Hải Dương. Dân số huyện là 157.809 người, mật độ dân số là 992 người/km2 và được phân bố tương đối đồng đều giữa các xã trong huyện.
3.1.1.2 Khí hậu
Tứ Kỳ nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, với đặc trưng nóng ẩm, mưa vào mùa hè và hanh khô vào mùa đông. Sự thay đổi nhiệt độ giữa các tháng trong năm khá lớn, nhiệt độ trung bình khoảng 230C, tháng nóng nhất (tháng 6; 7) lên đến 360-370C, và tháng lạnh nhất xuống tới 60 - 70C (tháng 12;1). Tổng lượng nhiệt cả năm là 8.5000C. Độ ẩm trung bình hàng năm là 80-85%, cao nhất là 99% và thấp nhất là 81%.
Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1500 - 1650 mm, năm cao nhất lên tới 2311 mm và năm thấp nhất là 1154 mm và phân bố rất không đều theo thời gian. Lượng mưa tập trung chủ yếu vào các tháng 6,7,8,9 (tháng 8 có lượng mưa cao nhất 416 mm). Trong khi đó, tháng 12 lượng mưa thấp nhất, chỉ đạt 11mm, cá biệt có những năm chỉ đạt 5mm.
3.1.1.3 Hệ thống sông
Trên địa bàn huyện Tứ Kỳ có 2 sông lớn chảy qua là sông Thái Bình (đoạn qua Tứ Kỳ là 28,5 km), sông Luộc (đoạn qua Tứ Kỳ là 20 km). Nước thuỷ triều theo cửa sông Văn Úc và cửa sông Thái Bình ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống thuỷ văn cũng như môi trường thiên nhiên của huyện.
Bên cạnh các sông lớn, huyện còn có trên 57,5 km sông thuộc hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải, đây lại là điểm cuối của hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải nên toàn bộ nước dồn về Tứ Kỳ để đổ ra sông Thái Bình (qua cống Cầu Xe) và ra sông Luộc (qua cống An Thổ). Do hầu hết hệ thống bơm tiêu úng của một phần Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương đổ nước ra sông
Bắc Hưng Hải, nên vào mùa mưa nhiều nước thượng nguồn đổ về kết hợp với triều cường làm cho hệ thống bờ kênh Bắc Hưng Hải và hệ thống Đê ở Tứ Kỳ chịu áp lực lớn như Đê sông Thái Bình và Đê sông Luộc. Với đặc điểm thuỷ văn như vậy, nên nhiệm vụ chống lụt luôn được đặt ra tầm quan trọng với chính quyền và nhân dân trong huyện.
3.1.1.4 Các nguồn tài nguyên
• Tài nguyên đất
Tổng diện tích đất tự nhiên của huyện Tứ Kỳ năm 2013 là 17.019,01 ha, chủ yếu là đất đồng bằng xen kẽ là các vùng trũng. Đất được hình thành do sự bồi lắng phù sa của sông Thái Bình và sông Hồng, do đó mang đặc tính của đất phù sa, địa hình tương đối bằng phẳng mầu mỡ phù hợp với việc trồng cây lương thực, thực phẩm và cây công nghiệp ngắn ngày. Ngoài lúa gạo, các sản phẩm nông nghiệp khác của huyện khá phong phú như rau, quả, cá nước ngọt…
Bảng 3.1: Tình hình đất đai huyện Tứ Kỳ giai đoạn 2011-2013
(Nguồn chi cục thống kê huyện Tứ Kỳ,2014)
Diễn giải 2011 2012 2013
So sánh (%)
DT(ha) CC (%) DT(ha) CC (%) DT(ha) CC (%) 2012/2011 2013/2012 BQ Tổng diện tích tự nhiên 17019,01 100,00 17019,01 100,00 17019,01 100,00 100,00 100,00 100,00 1. Đất nông nghiệp 11176,84 65,67 11176,69 65,67 11176,47 65,67 100,00 100,00 100,00 a. Đất sản xuất nông nghiệp 9829,97 5,76 9829,84 57,76 9829,73 57,76 100,00 100,00 100,00 Đất trồng cây lâu năm 1362,75 8,01 1362,56 8,01 1362,44 8,01 99,99 99,99 99,99 Đất trồng cây hàng năm 8467,67 49,75 8467,31 49,75 8467,29 49,75 100,00 100,00 100,00 Đất trồng lúa 8329,78 48,94 8329,56 48,94 8329,03 48,94 100,00 99,99 99,99 Đất trồng cây hàng năm khác 138,89 0,82 13,36 0,81 138,26 0,81 99,62 99,93 99,77 b. Đất lâm nghiệp 1362.71 8,01 1362,56 8,01 1362,44 8,01 99,99 99,99 99,99 c. Đất nuôi trồng thủy sản 1332,71 7,83 1332,67 7,83 1332,62 7,83 100,00 100,00 100,00 2. Đất phi nông nghiệp 5804,64 34,11 5804,48 34,11 5804,28 34,10 100,00 100,00 100,00 a. Đất ở 1432,03 8,41 1432,45 8,42 1432,52 8,42 100,03 100,00 100,01 b. Đất chuyên dùng 2863,56 16,83 2863,34 16,82 2863,80 16,83 99,99 100,02 100,00 Đất trụ sở CQ, công trình sự nghiệp 31,16 0,18 31,37 0,18 31,89 0,19 100,67 100,66 100,66 Đất SXKD phi nông nghiệp 14,78 0,09 14,34 0,08 14,32 0,08 97,02 99,86 98,43 Đất có mục đích công cộng 2548,67 14,98 2548,45 14,97 2548,26 14,97 99,99 99,99 99,99 c. Đất nghĩa trang, nghĩa địa 141,01 0,83 141,09 0,83 141,32 0,83 100,06 100,19 100,12 d. Đất suối và mặt nước chuyên dùng 1329,37 7,81 1329,46 7,81 1329,54 7,81 100,01 100,01 100,01 3. Đất chưa sử dụng 38,92 0,23 38,67 0,23 38,26 0,22 99,36 99,94 99,65
• Tài nguyên nước
Nguồn nước mặt: Nguồn nước mặt Tứ Kỳ chủ yếu do 2 con sông chính cung cấp, đó là sông Thái Bình, sông Luộc và một hệ thống thuỷ nông Bắc Hưng Hải chạy quanh và bao bọc lấy Tứ Kỳ với trên 100 km bờ đê.
Nguồn nước ngầm: Theo kết quả khảo sát sơ bộ nước ngầm có trữ lượng lớn, phân bố ở độ sâu 15-25 m, song chất lượng không được tốt vì có nhiều tạp chất nhất là chất sắt... Nguồn nước ngầm hiện chưa khai thác, đây là nguồn nước dự trữ cho phát triển trong tương lai.
• Tài nguyên thủy sản
Là vùng đất trũng, có vùng nước lợ, Tứ Kỳ là huyện có nhiều loại thuỷ sản cư trú và sinh sống. Theo số liệu báo cáo quy hoạch thuỷ sản của huyện, trên lãnh thổ huyện có khoảng 30 loài cá, tôm và đặc sản sinh sống, bao gồm các loại như cá mè trắng, mè hoa, trôi, trắm, chép, ba ba, ếch... một số giống mới như rô phi đơn tính, trê lai, chim trắng, tôm càng xanh, tôm he chân trắng, các loại động vật đặc hữu vùng nước lợ như: rươi, cáy, cà ra, rạm, cá nhệch, cá đối, cá mòi, tôm rảo, con ruốc, ốc xoắn ...
Tứ Kỳ hiện có 1329,54 ha đất nuôi trồng thuỷ sản, và còn có 52,04 ha đất mặt nước chuyên dùng. Ngoài ra huyện có diện tích đất trũng cấy lúa (vào khoảng 2.000 ha), những diện tích này cấy lúa thường cho năng suất thấp ở cả 2 vụ chiêm xuân và vụ mùa, nên có thể chuyển đổi vùng đất trũng đó sang cấy lúa vụ xuân kết hợp với thả cá vụ mùa mang lại hiệu quả kinh tế cao trên 1 ha đất canh tác. Như vậy tiềm năng nuôi trồng thuỷ sản của huyện còn rất lớn, cần có đầu tư lớn về cả vốn và kỹ thuật nuôi trồng.
Tóm lại: Huyện Tứ Kỳ có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành thuỷ sản với một quy mô lớn. Tuy nhiên, trong phát triển thuỷ sản, đặc biệt là nuôi trồng thuỷ sản cần có sự quan tâm đúng mức đến vấn đề môi trường sinh thái, đảm bảo phát triển hiệu quả và hài hòa giữa phát triển thủy sản, các ngành dịch vụ và kinh tế khác.
• Tài nguyên nhân văn
Tứ Kỳ có nền văn hóa phát triển lâu đời phong phú và đa dạng, điển hình đó là hệ thống đình, chùa, miếu mạo đã có từ rất lâu không những đẹp và còn tiêu biểu cho nhiều kiểu kiến trúc khác nhau như chùa Đông Dương nằm trên địa bàn xã Minh Đức là một ngôi chùa khá cổ được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử năm 1994, chùa Phúc Diên tại xã Tân Kỳ được xếp hạng năm 1997... đình Quỳnh Gôi tại xã Tân Kỳ thờ thành hoàng là Cao Sơn Đại Vương thời Hùng Duệ Vương có công chống giặc Thục, giữ yên bờ cõi.... Các lễ hội truyền thống trong những năm gần đây được khôi phục và phát triển nhanh mang đậm nét bản sắc dân tộc, gắn với các làn điệu dân ca ...
Tiềm năng con người là một trong những thế mạnh, với lực lượng lao động lớn có trình độ khoa học, kỹ thuật, có tay nghề cao giàu kinh nghiệm là điều kiện tiên quyết trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội. Nơi đây còn là cái nôi của nền văn minh lúa nước, nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp (như nghề dệt chiếu truyền thống tại An Thanh, Tứ Xuyên, nghề thêu ren truyền thống tại Hưng Đạo, nghề vàng bạc tại La Tỉnh thị trấn Tứ Kỳ…), nhân dân toàn vùng đã trải qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh với thiên nhiên, chống giặc ngoại xâm để dựng nước và giữ nước, đã được tích lũy, đúc kết thành “tấc đất, tấc vàng” đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị.