* Hiệu quả cải thiện về kiến thức của công nhân Luyện thép Lưu Xá
Đau thắt lưng là một vấn đề sức khỏe quan trọng của mỗi cá nhân và của cộng đồng, người bị ĐTL mạn tính thường rất bi quan, lo lắng bởi sự thiếu các thông tin về bệnh và sự không nhất quán của các chuyên gia về điều trị bệnh, do vậy việc cung cấp các thông tin để tăng cường kiến thức cho các đối tượng hết sức cần thiết.
Qua can thiệp, kiến thức của các đối tượng về biểu hiện của ĐTL đã có sự chuyển biến tích cực: tỷ lệ những người có kiến thức đầy đủ về các biểu hiện của ĐTL tăng từ 5,5% trước can thiệp lên 67,3% sau can thiệp, hiệu quả
90
can thiệp đạt 1105,1%, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,05) (bảng 3.20). Kết quả nghiên cứu ở bảng 3.21 có 71,4% tổng số sau can thiệp có kiến thức đầy đủ về nguyên nhân gây ĐTL, tăng rõ rệt so với trước điều trị là 7,3% và so với nhóm chứng là 12,4%, hiệu quả can thiệp đạt 841,8%, sau can thiệp không có trường hợp nào không biết các nguyên nhân gây ĐTL. Có 63,6% các trường hợp có kiến thức đầy đủ về các yếu tố lao động và nghề nghiệp làm tăng ĐTL sau can thiệp, có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05 (bảng 3.22) so với trước can thiệp và so với nhóm chứng. Tỷ lệ có kiến thức đầy đủ về hậu quả của ĐTL là 80,8% sau can thiệp cao hơn hẳn so với trước can thiệp là 9,3% và so với nhóm chứng là 26,3% (bảng 3.23).
Việc tuyên truyền cho các đối tượng hiểu biết rõ về nguyên nhân ĐTL đã được các tác giả trên thế giới quan tâm. Các nghiên cứu cho thấy sự thay đổi kiến thức sẽ giúp cải thiện đáng kể các vấn đề có liên quan đến ĐTL. Waddell G đã tổng hợp kết quả của một chương trình giáo dục bằng truyền thông đa phương tiện về ĐTL gồm 1777 đài phát thanh quảng cáo tác động đến 60% người trưởng thành, tờ rơi thông tin phát cho những người bị ĐTL, các chuyên gia y tế điều trị đau lưng và cho những người sử dụng lao động. Kết quả có một thay đổi đáng kể (p <0,001) kiến thức của công chúng về ĐTL, lợi ích về an sinh xã hội thể hiện rõ rệt sau 3 năm khởi động chương trình [120].
Đánh giá về dự án can thiệp vào kiến thức, thái độ và thực hành của những người ĐTL trong năm 2002 đến năm 2005 bằng các chiến dịch truyền thông đại chúng, trang bị các tờ rơi, áp phích tại phòng chờ của các bác sỹ ở hai quận Aust-Agder và Vestfold của Na Uy, Werner, Indahl A. thấy những người ĐTL đã có hiểu biết về ĐTL và lạc quan với bệnh hơn, hành vi của các đối tượng cũng có sự cải thiện [125].
Năm 2009, George S.Z. nghiên cứu tác dụng của chương trình giáo dục về hậu quả và khả năng đối phó với ĐTL bằng các cuộc hội thảo, giáo dục
91
nhóm, phát sách và các tài liệu tham khảo được thực hiện cho 3792 binh lính mới tuyển dụng, kết quả kiến thức của các chiến sỹ được cải thiện đáng kể từ 25,6 + / - 5,7 đến 26,9 + / - 6.2 [68].
Theo chúng tôi việc giải quyết triệt để các vấn đề có liên quan đến ĐTL của công nhân nhà máy, chẳng hạn việc giảm tải trọng lao động cho công nhân trong các dây chuyền sản xuất là khó thực hiện hoặc nếu thay đổi công việc cho những đối tượng ĐTL càng khó khăn hơn cho những nhà quản lý khi mà trong đơn vị có số lượng người ĐTL cao như vậy. Do vậy, việc tăng cường kiến thức cho công nhân nhằm mục đích để họ sẵn sàng đối mặt với thực tế, có thái độ đúng và thực hành đúng với ĐTL là điều vô cùng cần thiết.
* Hiệu quả cải thiện về thái độ của công nhân nhà máy Luyện thép Lưu Xá.
Nhờ kiến thức về ĐTL được cải thiện nên thái độ của các CBVC và lao động của nhà máy với ĐTL cũng thay đổi rõ rệt theo hướng tích cực hơn, kết quả bảng 3.24 - bảng 3.26 và biểu đồ 3 cho thấy, tỷ lệ những người có thái độ đúng cho rằng cần phải đi khám bệnh ở các cơ sở y tế khi bị đau lưng là 88,6% sau can thiệp, cao hơn hẳn so với trước can thiệp là 28,0% và so với nhóm chứng là 38,8%. Có 80,3% tổng số sau can thiệp có thái độ đúng cần phải điều trị ĐTL theo ý kiến của bác sĩ, có 88,0% tổng số sau can thiệp có thái độ đúng trong việc điều trị dự phòng ĐTL, sự thay đổi thái độ của các đối tượng NC sau can thiệp có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,05) so với trước can thiệp và so với nhóm chứng.
Việc chuyển đổi từ nhận thức đúng sang thái độ đúng là thực sự khó. Đôi khi không có sự biến đổi song hành giữa kiến thức và thái độ. Sở dĩ đối tượng nghiên cứu có thái độ đúng với ĐTL, theo chúng tôi một mặt họ là những công nhân có trình độ hiểu biết nhất định, khi tuyên truyền đúng – họ dễ dàng có thái độ đúng; mặt khác hàng ngày họ luôn luôn phải chịu đựng ĐTL, gây ra những khó chịu, phiền toái, thậm chí phải nghỉ lao động để điều trị. Khi đã được cán bộ y tế
92
tuyên truyền, vận động họ đã thể hiện được thái độ của mình, sẵn sàng hợp tác thực hành để mau chóng loại trừ đau thắt lưng.
* Hiệu quả cải thiện về thực hành của công nhân nhà máy Luyện thép Lưu Xá.
Kết quả ở bảng 3.27 cho thấy có sự thay đổi đáng kể trong việc thực hiện các biện pháp điều trị dự phòng ĐTL của các đối tượng nghiên cứu, tỷ lệ thực hiện đúng các biện pháp điều trị dự phòng ĐTL tăng từ 3,6% trước can thiệp lên 82,8% sau can thiệp (HQCT đạt 2146,7%), cao hơn hẳn so với nhóm chứng là 6,9%, sự khác biệt với p < 0,05. Tỷ lệ những người chưa thực hiện đúng điều trị dự phòng ĐTL giảm từ 96,4% trước điều trị xuống còn 17,2% sau can thiệp.
Trong phần xác định các yếu tố liên quan tới ĐTL của công nhân Luyện thép, chúng tôi đã trình bày có các yếu tố như các hoạt động tăng gánh nặng cho cột sống, các hoạt động ở tư thế đứng và cúi, các hoạt động quá sức chịu đựng của công nhân có liên quan tới ĐTL của công nhân. Tuy nhiên việc giải quyết các yếu tố liên quan này là một bài toán khó thực hiện vì không thể đổi nghề hoặc giảm tải công việc cho một số lượng lớn những người mắc bệnh như vậy, đây cũng là một hạn chế của đề tài. Để khắc phục vấn đề này, can thiệp làm tăng cường hiểu biết cho công nhân về các yếu tố trong công việc gây tăng ĐTL để công nhân có thực hành đúng các hoạt động điều trị dự phòng ĐTL sẽ góp phần làm giảm nguy cơ ĐTL cho công nhân. Có một sự thay đổi mà chúng tôi thấy cần nêu ra ở đây là số trường hợp thực hiện phòng ĐTL nhưng không đúng trước can thiệp, nhờ có sự thay đổi về kiến thức nên đã thực hiện đúng hơn vì nếu thực hiện không đúng (ví dụ phương pháp đi bộ) còn làm tăng gánh nặng cho CSTL và khớp gối.
Trong phần kết quả nghiên cứu còn cho thấy có sự liên quan giữa ĐTL với tư thế ngồi không đúng của công nhân, tư thế ngồi rất quan trọng đến cột sống. Fryer JC. và cộng sự sử dụng hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) để đo những thay đổi về chiều cao và cấu hình của cột sống thắt lưng ở tư thế ngồi.
93
Sáu nhân viên bệnh viện không có triệu chứng ĐTL được đưa vào nghiên cứu, các đối tượng được đo tổng chu vi đĩa đệm, đo độ cong cột sống thắt lưng (góc lordotis), và đo chiều cao thẳng đứng của đĩa đệm. Lần 1 các đối tượng được đo sau khi ngồi 15 phút, kết quả tổng chu vi đĩa đệm của cột sống thắt lưng là 18,6 mm, góc lordotis 6,20, và chiều cao thẳng đứng đĩa đệm là 12,5 mm. Sau khi nằm thư giãn 10 phút các đối tượng được đo lại lần 2, kết quả tổng chu vi đĩa đệm 87,9 mm, góc lordotis là 5.00, và chiều cao đĩa đệm là 21,9 mm [66]. Nghiên cứu cho thấy rõ ràng làm việc ở tư thế ngồi nguy cơ lớn với ĐTL, đặc biệt khi làm việc ở tư thế ngồi mà ngồi không đúng thì nguy cơ ĐTL càng cao. Tư thế ngồi đúng là tư thế mà trong đó đĩa đệm, các dây chằng và các cơ chịu tải ít nhất: lưng thẳng, đùi vuông góc với thân mình và cẳng chân, hai vai cân đối, đầu thẳng với cột sống. Sau can thiệp, tỷ lệ thực hiện tư thế ngồi đúng tăng từ 40,0% trước can thiệp lên 92,7% sau can thiệp, cao hơn hẳn so với nhóm chứng là 45,2% (bảng 3.28).
Động tác cúi xuống để bê một vật từ dưới mặt đất lên là một động tác sai nhưng có tới 89,3% người thực hiện tư thế này khi chúng tôi điều tra (bảng 3.29). Tác giả Nachemson [7] đã chứng minh nếu nhấc vật nặng 10 kg với gối gập, thân người thẳng thì tải trọng lên khối cơ cạnh cột sống là 141 kg, nhưng nếu gối thẳng, thân người gập (động tác cúi) thì lực trên sẽ lên tới 256 kg, đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự liên quan giữa ĐTL với những người thực hiện tư thế bê vật nặng sai trong phần kết quả chúng tôi đã trình bày. Tư thế nâng vật nặng đúng là hai bàn chân đứng cách nhau một khoảng rộng phù hợp để tạo chân đế vững chắc, sau đó ngồi xổm xuống rồi đưa đồ vật cần bê vào sát bụng, căng cơ bụng và nâng đồ vật lên bằng cách đứng dậy, không dùng cơ thắt lưng để nâng vật lên. Nhờ được can thiệp, hiểu biết của các đối tượng nghiên cứu tăng, do vậy tỷ lệ những người thực hiện đúng đã tăng lên là 85,0%, có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê p < 0,05 so với trước can thiệp và so với nhóm chứng (bảng 3.29).
94
Khi tiến hành điều tra, chúng tôi để một xô nước và yêu cầu đối tượng nghiên cứu vận chuyển xô nước sang vị trí khác, có 92,8% số người ngay lập tức dùng một tay xách xô nước sang vị trí yêu cầu, đây là một tư thế sai cần phải điều chỉnh, do vậy chúng tôi đã mở các lớp tập huấn, chú trọng cho công nhân thực hiện tư thế đúng là chia đều vật nặng cả 2 bên cơ thể, không mang vật nặng ở một bên người và tránh mang nặng trong thời gian dài, kết quả can thiệp 89,9% đã thực hiện thao tác đúng (bảng 3.30).
Năm 2003, Van Den Hout JH thực hiện chương trình thay đổi hành vi cho 45 người nghỉ ốm do đau lưng tại trung tâm phục hồi chức năng
Maastricht ở Netherlands, sau khi chương trình kết thúc, những nhân viên này giảm số ngày nghỉ ốm đáng kể trong nửa năm thứ hai sau khi can thiệp, trong đó có nhiều nhân viên trở lại 100% sức khỏe để làm việc và số người nhận tiền đền bù thương tật cũng giảm [114].
Hulshof CT. đánh giá kết quả của chương trình can thiệp cho 260 người lái xe, quy trình đánh giá cho thấy có ảnh hưởng tích cực về hiệu quả của chương trình đối với thái độ, kiến thức và hành vi của những người này [75].
Từ kết quả các nghiên cứu trên cho thấy các giải pháp can thiệp thay đổi kiến thức, thái độ, hành vi mang lại hiệu quả lớn cho đối tượng nghiên cứu và cho xã hội.
* Hiệu quả can thiệp KAP đến tỷ lệ đau thắt lưng
Trong phần nghiên cứu mô tả chúng tôi đã trình bầy có hai trường hợp đau thắt lưng cấp tính (thời gian bắt đầu đau < 3 tháng), nói cách khác tỷ lệ mắc mới ĐTL trong năm 2007 là hai trường hợp và cả hai trường hợp này đều là công nhân của nhà máy Luyện thép Lưu Xá. Kết quả nghiên cứu ở bảng 3.31 cho thấy tại nhà máy Luyện thép Lưu Xá trước can thiệp có 195 người bị ĐTL, sau 2 năm can thiệp số người ĐTL vẫn là 195 người trong khi đó ở nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng điều tra lần 1 có 127 người bị ĐTL và điều tra lần 2 là 129 người bị ĐTL, có hai trường hợp mắc mới (0,5%). Kết quả
95
nghiên cứu cho thấy, nhờ có sự thay đổi về kiến thức, có thái độ đúng và thực hành các biện pháp điều trị dự phòng ĐTL đúng nên đã giảm được tỷ lệ mắc đau thắt lưng mới ở nhà máy Luyện thép Lưu Xá.