Yếu tố lao động đóng vai trò rất lớn trong nền kinh tế, nếu không có lao động thì mọi quá trình sản sản xuất sẽ không được vận hành. Nguồn nhân lực không chỉ xét về mặt số lượng mà còn về mặt chất lượng. Chất lượng lao động là yếu tố quan trọng và quyết định nhất. Vì vậy, cần phải có những biện pháp để nâng cao trình độ nguồn nhân lực phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế theo cơ cấu thương mại - dịch vụ, công nông nghiệp. Trình độ lao động nâng cao sẽ tăng khả năng tiếp thu công nghệ kỹ thuật, công nghệ quản lý mới.
Chú trọng công tác đào tạo có trọng tâm trọng điểm với bước đi thích hợp và quyết tâm cao nhằm nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ công chức, lực lượng lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề cao theo từng cấp, từ trung cấp, cao đẳng, đại học và đến sau đại học. Trình độ chuyên môn phân theo từng cấp phù hợp với điều kiện, năng lực của từng cá nhân. Hình thành đội ngũ lao động có trình độ khoa học để ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật vào các ngành kinh tế, xây dựng cơ cấu lao động có tay nghề hợp lý, tạo ra đội ngũ lao động phù hợp đáp ứng với yêu cầu nền sản xuất lớn theo hướng chuyên môn hoá cao, vừa đáp ứng cho nền kinh tế vừa là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển.
Đối với lao động lành nghề có thể tiến hành thực hiện liên kết mô hình 4 bên giữa tổ chức dạy nghề, doanh nghiệp, chính quyền địa phương, người lao động. Sự phối hợp này đều có lợi cho 4 bên: học viên sau ki tốt nghiệp có tay nghề có việc làm; Trung tâm đào tạo doanh thu tăng lên, có tiếng tăm, đào tạo gắn với thực tiễn; Doanh nghiệp có ngay lực lượng lao động lành nghề mà không phải đi đào tạo lại; Chính quyền địa phương giảm tỷ lệ thất nghiệp, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp khác đầu tư tại địa phương do bảo đảm được lượng lao động lành nghề.
Tổ chức hình thành hệ thống giáo dục nghề nghiệp: hệ thống dạy nghề đại trà để thoả mãn từng phần nhu cầu học nghề của người lao động và hệ thống đào tạo nghề mũi nhọn để đào tạo người lao động có kỹ thuật. Thành lập trung tâm đào tạo nghề đa ngành, trung tâm tư vấn và giới thiệu việc làm. Khuyến khích các thành phần kinh tế có điều kiện mở cơ sở dạy nghề tại địa phương cho lực lượng lao động có nhu cầu.
Định hướng và dạy nghề theo nhu cầu thị trường, theo địa chỉ, huy động toàn xã hội đóng góp và xây dựng nền giáo dục, đa dạng hoá các loại hình giáo dục và đào tạo, mở rộng các nguồn tài chính, khai thác mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển giáo dục.
Gắn chặt công tác đào tạo với định hướng quy hoạch chung, không đào tạo tràn lan, đào tạo phải theo kế hoạch, quy hoạch. Phương pháp và chất lượng trong đào tạo đuợc đổi mới phù hợp theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuyển chọn đội ngũ công chức phải có đủ tiêu chuẩn, trình độ và năng lực để thừa hành công vụ. Bố trí sử dụng cán bộ phải đúng hạn bậc, vị trí công tác, ngành nghề chuyên môn đào tạo phát huy năng lực cán bộ công chức.
Khuyến khích đầu tư tạo việc làm sẽ tạo cơ hội đào tạo nghề tại chỗ và giữ chân các lao động có tay nghề phục vụ tại địa phương. Thành phố nên dành một phần ngân sách tài trợ cho việc cử người đi học tại các trường đào tạo nghề chất lượng cao mà địa phương có nhu cầu với cam kết sẽ quay về địa phương phục vụ với thời hạn tối thiểu là 5 năm. Ngoài ra Vị Thanh nên có chính sách du học sinh đi đào tạo tại nước ngoài. Điều này có thể giữ chân lao động lại trên địa bàn lâu hơn.
Trong phạm vi thành phố Vị Thanh, có thể dùng ngân sách để khen thưởng đột xuất cho những đóng góp của người có năng lực, các công trình nghiên cứu có giá trị thực tiễn. Những chính sách, chế độ đối với người lao động một cách hợp lý sẽ tăng cường tác phong làm việc, kỷ luật trong lao động.
Kinh tế của địa phương trước kia chủ yếu là nông nghiệp, do đó cần chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông thôn nhằm trang bị cho nông dân các kiến thức cơ bản về những ngành nghề ở nông thôn, thông qua các lớp khuyến nông, tạo điều kiện cho nông dân đa dạng hoá các hoạt động sản xuất kinh doanh. Kết hợp dạy nghề với tư vấn và hỗ trợ việc làm khu vực nông thôn, chú trọng các nhóm lao động khó khăn, yếu thế. Hình thành và phát triển hệ thống đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho xuất khẩu lao động để thu ngoại tệ và tạo việc làm.
Ngoài ra, địa phương cần chú trọng đến phân bổ nguồn vốn đầu tư cho đào tạo nhân lực bằng cách tăng cường nguồn vốn bổ sung kinh phí đào tạo hàng năm. Nâng cao chất lượng các trung tâm đào tạo nghề trên địa bàn. Tạo sự gắn kết chặt
chẽ giữa các doanh nghiệp, trung tâm giới thiệu việc làm với các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề nhằm có cầu nối vững chắc tạo điều kiện cho đôi bên có thể tìm thấy đối tượng mình cần dễ dàng hơn.
Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực cho Trường Cao đẳng Cộng đồng để mở rộng qui mô theo qui hoạch, nâng cao năng lực đào tạo, bảo đảm tính linh hoạt và liên thông trong đào tạo.