* Nội dung cơ bản của mô hình
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 - 1933 chứng tỏ chỉ dựa duy nhất vào “sự tự điều tiết” của thị trường như quan điểm của các nhà kinh tế cổ điển và tân cổ điển là không phù hợp. Điều đó đòi hỏi phải có học thuyết mới phù hợp để giải thích tình hình phát triển mới. Sự ra đời của công trình “Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ” (1936) của J.M.Keynes đã đánh dấu sự ra đời của một học thuyết kinh tế mới (Nguyễn Đình Hợi, 2008)
Nội dung cơ bản của học thuyết này về phát triển kinh tế bao gồm: - Sự cân bằng của nền kinh tế
+ J.M.Keynes đã gạt bỏ lý luận kinh tế học cổ điển cho rằng kinh tế thị trường tự do thả nổi sẽ tự động đi vào thế cân bằng, đạt đến sự bố trí tối ưu về tài nguyên và có đầy đủ công việc làm. Theo Ông, cân đối đạt được ở điểm khi mà mà sức sử dụng lao động vừa đủ để đảm bảo đáp ứng tổng cầu hữu hiệu. Ở điểm cân bằng này không bao giờ lao động được toàn dụng mà ngược lại luôn tồn tại một tỷ lệ thất nghiệp nhất định trong đó thất nghiệp bắt buộc do khuyết tật của thị trường. Cân bằng kinh tế đạt được ở dưới mức sản lượng tiềm năng.
+ Vai trò của tổng cầu trong việc xác định sản lượng
J.M.Keynes nêu cao vai trò quyết định của tổng cầu trong việc xác định sản lượng và đưa ra khái niệm tổng cầu hữu hiệu, được cấu thành bởi cầu tiêu dùng và cầu đầu tư. Ông nghiên cứu và đề ra các yếu tố quyết định hai loại cầu trên và đưa ra hàm tiêu dùng và hàm đầu tư, trên cơ sở đó có thể xác định tổng cầu hữu hiệu.
Theo ông, trong tiêu dùng, tồn tại quy luật dùng cận biên giảm dần, nghĩa là khi thu nhập tăng lên, tiêu dùng của mọi người cũng tăng lên, nhưng tốc độ tăng lên của dùng thấp hơn tốc độ tăng lên của thu nhập. Cầu tiêu dùng giảm tương đối trở thành nguyên nhân dẫn đến trì trệ trong hoạt động kinh tế.
Đối với cầu đầu tư, Ông cho rằng, khối lượng đầu tư phụ thuộc vào lãi suất cho vay và hiệu suất cận biên của tư bản. Song, hiệu suất cận biên của tư bản trên quan điểm dài hạn có xu hướng giảm, trong khi lãi suất cho vay lại có xu hướng tăng do động cơ của những người tiết kiệm muốn giữ tiền mặt làm cho cung tiền tệ giảm.
Kết quả là cả cầu tiêu dùng và cầu đầu tư đều có xu hướng giảm làm cho nền kinh tế cân bằng dưới mức sản lượng tiềm năng và không đủ công việc làm.
Hiệu quả kinh tế sẽ phát huy ở mức cao nhất nếu có tác động tích cực lên tổng cầu. Như vậy Ông đánh giá cao vai trò của tổng cầu đối với tăng trưởng kinh tế.
- Vai trò của Nhà nước đối với tăng trưởng kinh tế
Nhà nước phải tác động can thiệp vào nền kinh tế để khắc phục mất cân đối đó thông qua việc nâng cao tổng cầu hữu hiệu nhằm tăng tỷ lệ sử dụng lao động.
Nhà nước có thể tác động vào cầu hữu hiêụ bằng 2 cách:
Chính sách tài chính: Đầu tư trực tiếp từ NSNN, khuyến khích đầu tư tư nhân (thông qua các đơn đặt hàng Nhà nước và trợ cấp vốn cho doanh nghiệp), kể cả tăng lương trong trường hợp rất cần thiết và có tính toán kỹ lưỡng. Ông đánh giá cao vai trò hệ thống thuế khóa, công trái Nhà nước để bổ sung cho NSNN.
Chính sách tiền tệ: Để khuyến khích đầu tư phải tạo điều kiện cho nhà đầu tư tăng lợi nhuận và tiếp cận được các nguồn vốn. Muốn vậy, cần phải điều chỉnh giảm lãi suất và tăng khối lượng tiền trong lưu thông. Như vậy, Ông ủng hộ lạm phát có mức độ.