- Các rủi ro về thị trường
3.2.9. Công khai minh bạch kết quả kiểm toán nợ công
Công khai kết quả kiểm toán giúp cho các đơn vị được kiểm toán nhận thấy rõ trách nhiệm của mình, hướng tới công khai minh bạch trong các hoạt động. Việc công khai kết quả kiểm toán đồng nghĩa với việc các thông tin về tính trung thực, tin cậy của báo cáo tài chính, ngân sách và tình hình quản lý, điều hành của đơn vị được kiểm toán sẽ được công bố rộng rãi đến các đối tượng sử dụng thông tin. Các đối tượng sử dụng thông tin sẽ tạo áp lực tác động ngược trở lại đối với các hoạt động của đơn vị. Các cơ quan quản lý nhà nước căn cứ vào kết quả kiểm toán để ra các quyết định quản lý điều chỉnh hoạt động của đơn vị được kiểm toán. Các nhà đầu tư, các đơn vị có quan hệ kinh tế với đơn vị được kiểm toán sử dụng kết quả kiểm toán để đưa ra các quyết định kinh tế. Các cơ quan bảo vệ pháp luật sử dụng kết quả kiểm toán trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, và nhân dân sử dụng kết quả kiểm toán trong việc thực hiện quyền giám sát đối với đơn vị được kiểm toán. Mặt khác, việc công
khai kết quả kiểm toán tạo điều kiện cho nhiều đối tượng tiếp cận thông tin kiểm toán, qua đó giám sát hoạt động kiểm toán và đánh giá chất lượng kiểm toán, từ đó tạo áp lực và là kênh phản biện cần thiết để KTNN không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán.
Kết quả kiểm toán nợ công cũng cần được công khai theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước. KTNN ngoài việc công khai như hiện nay, tiến tới khi thực hiện kiểm toán nợ công thành những cuộc riêng biệt, kiểm toán chuyên đề về nợ thì KTNN có thể phát hành riêng bản tin về kết quả kiểm toán nợ công. Đây cũng là giải pháp quan trọng để đưa công tác quản lý nợ công vào nề nếp, minh bạch và hiệu quả.