Những nguyên tắc đảm bảo cho phát triển du lịch bền vững

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển du lịch bền vững tại huyện bắc hà, tỉnh lào cai (Trang 25 - 30)

B. NỘI DUNG

1.1. Cơ sở lý luận

1.1.2.3. Những nguyên tắc đảm bảo cho phát triển du lịch bền vững

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có định hướng tài nguyên rõ ràng, mang nội dung văn hoá sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùngvà xã hội hoá cao. Chính vì vậy sự phát triển du lịch bền vững đòi hỏi có sự nỗ lực chung và đồng bộ của toàn xã hội. Phát triển du lịch bền vững cần hướng tới việc đảm bảo được 3 mục tiêu cơ bản là: Sự phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, tài nguyên và môi trường. Để đảm bảo được các mục tiêu cơ bản trên, phát triển du lịch bền vững cần tuân thủ 10 nguyên tắc chính sau:

- Khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên một cách hợp lí

Phát triển bền vững chủ trương ủng hộ việc lưu lại cho các thế hệ tương lai một nguồn tài nguyên thiên nhiên không kém so với các mà thế hệ trước đã được hưởng. Trong quá trình khác thác sử dụng các nguồn tài nguyên cần phải có các giải pháp nhằm ngăn chặn sự mất đi của các loại sinh vật, sự suy giảm những chức năng thiết yếu của các hệ sinh thái có giá trị du lịch… Ngăn chặn sự phá hoại các giá trị văn hóa lịch sử, truyền thống dân tộc, văn hóa địa phương. Bảo vệ, ủng hộ việc thừa hưởng các di sản văn hóa và lịch sử các dân tộc, tôn trọng các quyền lợi của địa phương trong việc khai thác các tài nguyên du lịch.

Trong hoạt động du lịch cần duy trì sức chứa giới hạn của các điểm du lịch, việc sử dụng các điểm du lịch chỉ có giới hạn, nếu vượt quá sẽ làm giảm sự hài lòng của khách và mang lại những tác động ngược lại về mặt xã hội, kinh tế, văn hóa, môi trường.

Sự tiêu thụ quá mức các nguồn tài nguyên sẽ dẫn tới sự hủy hoại môi trường trên toàn cầu và đi ngược lại với sự phát triển của du lịch. Kiểu tiêu thụ quá mức này là một đặc trưng của các nước có nên công nghiệp phát triển và đã lan rộng rất nhanh trên toàn cầu. Các dự án du lịch được triển khai mà không có các đánh giá tác động môi trường hoặc không thực thi các kiến nghị về tác động môi trường các dự án đó đã dẫn tới sự tiêu dùng lãng phí, vô trách nhiệm đối với các tài nguyên môi trường. Chính điều này đã gây ra sự ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên gây xáo trộn về mặt văn hóa và xã hội. Khai thác, sử dụng quá mức tài nguyên và không kiểm soát chất thải từ du lịch góp sẽ dẫn đến suy thoái môi trường mà hậu quả của nó là sự phát triển không bền vững của ngành du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung. Việc giảm tiêu thụ quá mức và giảm chất thải ra ngoài môi trường sẽ tránh được những chi phí tốn kém cho việc phục hồi tổn hại môi trường, góp phần nâng cao chất lượng du lịch.

- Phát triển du lịch gắn liền với việc bảo tồn giá trị nguồn tài nguyên

Tính đa dạng về thiên nhiên, văn hóa và xã hội là thế mạnh của mỗi quốc gia nhằm thỏa mãn nhu cầu đa dạng của du khách về các sản phẩm du lịch. Sư đa dạng cũng là sự sống còn khi tránh được việc quá phụ thuộc vào một hay một vài nguồn lực sinh tồn. Phát triển bền vững cho chủ trương ủng hộ việc để lại cho thế hệ mai sau sự đa dạng cả về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa không ít hơn những gì thế hệ trước được thừa hưởng. Chiến lược bảo tồn thế giới nhấn mạnh sự cần thiết bảo tồn đa dạng nguồn gen, từ đó mục đích đã được mở rộng, trong đó có sự đa dạng cơ cấu chính trị, kinh tế - xã hội và các nền văn hóa. Việc duy trì và phát triển đa dạng của thiên nhiên, văn hóa và xã hội là yêu cầu rất quan trọng đối với việc phát triển du lịch bền vững, là chỗ dựa sinh tồn của ngành “công nghiệp không khói”.

- Phát triển du lịch phù hợp quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng cao. Chính vì vậy, mọi phương án khai thác tài nguyên để phát triển phải phù hợp với các

quy hoạch chuyên ngành nói riêng và các quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội nói chung ở phạm vi quốc gia, địa phương, vùng kinh tế. Du lịch được thiết lập đúng đắn sẽ tăng cường các giá trị về tài sản môi trường, bảo vệ các loài quý hiếm và mang lại sự cải thiện đối với cộng đồng địa phương. Điều này sẽ góp phần đảm bảo cho sự phát triển bền vững của du lịch trong mối quan hệ với các ngành kinh tế khác cũng như việc sử dụng có hiệu quả tài nguyên, đảm bảo môi trường. Những nơi mà du lịch không kết hợp với các ngành khai thác thông qua quy hoạch có chiến lược thì du lịch sẽ bung ra nhanh chóng và khó kiểm soát được nền kinh tế địa phương.

- Chia sẻ lợi ích với cộng đồng địa phương

Để phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội nói chung và từng ngành kinh tế nói riêng, việc khai thác các tài nguyên là tất yếu. Tuy nhiên thực tế cho thấy, trên một địa bàn lãnh thổ nếu mỗi ngành chỉ biết đến lợi ích của mình mà không có sự chia sẻ, phối hợp với các ngành khác và không quan tâm đến lợi ích kinh tế chung cũng như quyền lợi của người dân địa phương thì tất yếu sẽ gây khó khăn cho cuộc sống của người dân địa phương. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến sự thuận lợi trong việc phát triển kinh tế của ngành đó mà còn đẩy người dân địa phương vào thế phải tăng cường khai thác các tài nguyên sẵn có của mình để đáp ứng các nhu cầu của cuộc sống, dẫn tới sự cạn kiệt nguồn tài nguyên và sự phát triển kém ổn định, bền vững của địa phương. Do đó, du lịch phải làm nền cho sự đa dạng hóa kinh tế bằng hoạt động trong nhiều lĩnh vực, du lịch cũng cần quan tâm đến các chức năng kinh tế có tính chất quan trọng và hợp nhất các giá trị môi trường trong các quyết định đầu tư. Ngành du lịch hỗ trợ được các hoạt động kinh tế địa phương và có tính đến các giá trị và chi phí về mặt môi trường thì mới bảo vệ được nền kinh tế địa phương và tránh được sự tổn hại về môi trường. Chia sẻ lợi ích với cộng đồng địa phương là một nguyên tắc trọng điểm trong phát triển du lịch bền vững.

Sự tham gia của cộng đồng địa phương là việc cần thiết cho ngành du lịch. Người dân địa phương với nền văn hóa bản địa, môi trường, lối sống, truyền thống của họ là những nhân tố quan trọng thu hút khách du lịch đến với một điểm du lịch, đồng thời cũng hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu sống của người dân địa phương và bảo vệ môi trường thiên nhiên, văn hóa. Sự tham gia của cộng đồng địa phương cũng làm phong phú thêm các loại hình, sản phẩm du lịch. Hơn nữa, khi cộng đồng địa phương được tham gia chỉ đạo phát triển du lịch thì sẽ tạo ra được những điều kiện đặc biệt thuận lợi cho du lịch bởi cộng đồng sở tại là chủ nhân và là người có trách nhiệm chính với tài nguyên, môi trường khu vực. Điều này sẽ tạo ra khả năng phát triển lâu dài của du lịch. Sự tham gia của cộng đồng địa phương vào hoạt động du lịch được thực hiện thông qua việc khuyến khích họ sử dụng các phương tiện, các cơ sở vật chất của mình để phục vụ khách du lịch như vận chuyển, thuyết minh hướng dẫn du khách, cơ sở lưu trú…

Khuyến khích cộng đồng địa phương cùng làm du lịch không chỉ qua những việc làm có thu nhập thấp như: lao động theo mùa, bồi bàn, dọn phòng mà nên có những công việc ở mức cao hơn. Những công việc quản lý có thu nhập cao thường do người ngoài làm thì người dân địa phương cũng có thể đảm đương bởi họ cũng có kinh nghiệm và sự hiểu biết đặc biệt về địa phương mình để góp phần không nhỏ cho sự phát triển du lịch của địa phương mình.

- Tham khảo ý kiến của cộng đồng địa phương và các đối tượng liên quan

Tham khảo ý kiến quần chúng là một quá trình nhằm dung hòa giữa phát triển kinh tế với những mối quan tâm lớn hơn của người dân địa phương và tác động tiềm ẩn của sự phát triển lên môi trường tự nhiên, xã hội và văn hóa. Ý kiến của người dân địa phương là cần thiết để đánh giá một dự án phát triển, các biện pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực và tối đa hóa sự đóng góp tích cực của quần chúng địa phương. Du lịch còn đem lại sự tiếp xúc trực tiếp giữa du khách với người dân địa phương và những thay đổi tiềm ẩn do sự thay đổi

nhanh chóng của ngành du lịch. Tham khảo ý kiến trên diện rộng với các chính quyền địa phương cũng như người dân để khuyến khích sự tham gia đóng góp ý kiến, lồng ghép các lợi ích của cá nhân và quần chúng.

- Chú trọng đào tạo nâng cao nhận thức về tài nguyên môi trường

Đối với sự phát triển nào con người luôn đóng vai trò quyết định. Một lực lượng lao động được đào tạo có nghiệp vụ không những đem lại lợi ích về kinh tế cho ngành mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Một đội ngũ cán bộ nhân viên có trình độ nghiệp vụ, có hiểu biết cao về văn hóa, môi trường là yếu tố quan trọng nếu không nói là quyết định để đảm bảo cho chất lượng của sản phẩm du, là một trong những nguyên tắc then chốt của phát triển du lịch bền vững.

- Nâng cao công tác nghiên cứu khoa học

Phát triển bền vững dựa trên những căn cứ khoa học vững chắc, nghiên cứu các vấn đề có liên quan. Trong quá trình phát triển nhiều yếu tố chủ quan và khách quan nảy sinh sẽ có những tác động cần phải nghiên cứu để có những giải pháp điều chỉnh phù hợp sự phát triển. Vì vậy, việc thường xuyên cập nhật các thông tin, nghiên cứu và phân tích chúng là cần thiết, không chỉ đảm bảo cho hiệu quả của hoạt động kinh doanh mà còn đảm cho sự phát triển bền vững. Công tác nghiên cứu là yếu tố đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của bất kì ngành kinh tế nào, đặc biệt là những ngành có nhiều mối quan hệ trong phát triển và phụ thuộc chủ yếu vào điều kiện tự nhiên, lịch sử văn hóa như ngành du lịch.

- Có trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, quảng bá

Quảng bá tiếp thị là một hoạt động quan trọng đối với phát triển du lịch, đảm bảo sự thu hút khách, tăng cường khả năng cạnh tranh của các sản phẩm du lịch. Chiến lược tiếp thị du lịch bền vững bao gồm việc xác định, đánh giá và rà soát mặt cung của các nguồn tài nguyên phụ vụ du lịch. Việc quảng cáo, tiếp thị cung cấp cho khách du lịch những thông tin đầy đủ và có trách nhiệm có thể nâng cao nhận thức hiểu biết, sự cảm kích, lòng tôn trọng của du khách

đối với môi trường thiên nhiên, xã hội và các giá trị nhân văn nơi tham quan, đồng thời sẽ làm tăng đáng kể sự thỏa mãn của du khách đối với các sản phẩm du lịch. Điều này sẽ góp phần làm giảm những tác động tiêu cực từ hoạt động thu hút khách, đảm bảo cho tính bền vững trong phát triển du lịch.

Những nguyên tắc cơ bản trên đây nếu được thực hiện một cách đầy đủ sẽ bảo đảm chắc chắn cho sự phát triển bền vững của hoạt động du lịch. Phát triển bền vững chính là chìa khoá cho sự thành công lâu dài của ngành du lịch.

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển du lịch bền vững tại huyện bắc hà, tỉnh lào cai (Trang 25 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)