B. NỘI DUNG
2.1. Tiềm năng phát triển du lịc hở huyện Bắc Hà
2.1.1.2. Tài nguyên du lịch văn hóa
a. Lễ hội
“Cao nguyên trắng” Bắc Hà là nơi hội tụ sắc màu văn hóa của 14 dân tộc anh em cùng sinh sống với những lễ hội đặc sắc như hội Gầu Tào (Say Sán) của người H’mông, Lễ hội nhảy của người Dao đỏ, Hội Lồng Tồng (xuống đồng), Hội múa xoè của người Tày, Lễ hội đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà, Lễ hội cúng rừng… Trong đó nổi bậc nhất là lễ hội Gầu Tào và lễ hội Lồng Tồng.
- Lễ hội Gầu Tào
“Gầu Tào” theo tiếng Kinh có nghĩa là lễ cúng, trong đó, sẽ tạ trời đất, thần linh, thổ địa đã phù hộ độ trì cho gia chủ và con cháu khỏe mạnh, con trai nối dõi tông đường, chăm sóc tổ tiên, dòng họ, cầu phúc, cầu lộc, tạ ơn trời đất đã phù hộ cho dân bản cuộc sống ấm no, mùa màng bội thu, ngô lúa đầy sàn... Đây cũng là dịp để mọi người gặp gỡ nhau, vui chơi, hát các điệu hát giao duyên và cùng nhau múa khèn, say bên những chén rượu đầu xuân...
Đây là sinh hoạt tín ngưỡng gồm hai phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ có những nghi thức thể hiện bản sắc văn hoá của người Mông. Phần lễ bắt đầu bằng việc chuẩn bị lễ vật cúng thần như: thủ lợn, giấy tiền, ngô, thóc, xôi, rượu… Ngoài ra, nghi lễ đặc sắc và được chú ý nhất trong lễ hội Gầu Tào chính là lễ dựng cây Nêu, bởi chính nghi lễ này báo hiệu cho mọi người biết gia chủ đang tổ chức lễ hội Gầu Tào. Tại địa điểm dựng Nêu cũng dựng hai cọc gỗ to, cao, bên trên buộc một xà ngang dùng để treo chùm ngô và thóc, tượng trưng cho việc cầu sự no ấm của gia chủ. Địa điểm tổ chức do thầy cúng lựa chọn, thường là ở ngọn đồi hay trên mô đất cao. Cây Nêu là một cây tre cao vút, có nhiều lá, được trang trí thêm cờ ở xung quanh với nhiều sắc màu xanh, đỏ, tím,
vàng... Khi dựng xong cây Nêu, gia chủ và thầy cúng sẽ làm lễ cúng ở ngay chân cột cây Nêu, mời tổ tiên và các thần linh về dự. Nội dung lời khấn của thầy cúng thể hiện mong ước của gia chủ về sự bình an, giàu có, xin các thần linh phù hộ cho có con, mọi thành viên trong gia đình đều khỏe mạnh, kế tục tốt việc làm ăn.
Trong lễ hội Gầu Tào, phần lễ trang nghiêm thì phần hội thể hiện rõ cái không khí náo nức của hội hè. Hội thường được tổ chức trên một khu đất đồi tương đối bằng phẳng hay trên các triền đồi, có cảnh quan thiên nhiên thuận lợi cho việc du xuân chơi núi của đồng bào. Phần hội là thời gian vui hơn cả. Gia chủ sẽ hát những bài hát ca ngợi bản mường, chúc tụng mọi người nhân dịp năm mới. Lẫn trong màu xanh của núi rừng là màu áo chàm của các chàng trai và sắc màu rực rỡ của váy áo các cô gái. Họ thổi khèn, múa khèn, mời nhau chén rượu ngô thịnh tình và cùng say trong tiếng khèn tha thiết, mời gọi không dứt... Đây cũng là lúc những chàng trai, cô gái tổ chức những trò chơi truyền thống như: đánh yến, leo cột lấy bầu rượu... tạo không khí vui tươi và nhộn nhịp của ngày Tết vùng cao.
Cuộc vui kết thúc, thầy cúng thay mặt gia chủ tạ ơn tổ tiên, trời đất, thần linh, xin phép hạ cây nêu, đốt giấy sớ, đem bầu rượu buộc trên ngọn Nêu tưới khắp các hướng của đồi núi. Lễ hội Gầu Tào không chỉ là nơi để thỏa mãn nhu cầu tâm linh mà còn là nơi để người Mông thỏa mãn nhu cầu tinh thần, thông qua các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh. Lễ hội Gầu Tào là một nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông ở Bắc Hà nói riêng, các tỉnh vùng cao du lịch Tây Bắc nói chung.
- Lễ hội Lồng Tồng
Lễ hội Lồng Tồng hay còn gọi là hội xuống đồng, là một lễ hội truyền thống của dân tộc Tày. Lễ hội được tổ chức hàng năm vào những ngày đầu tháng giêng, kéo dài đến đầu tháng hai âm lịch. Đây là hoạt động tín ngưỡng cầu trời cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống ấm no.
Trước ngày hội, các gia đình đều quét dọn nhà cửa, xóm bản sạch sẽ, chuẩn bị lương thực để đón khách. Vào ngày lễ xuống đồng, ngoài đồng của Bản, mỗi gia đình chuẩn bị một mâm cỗ theo khả năng. Mang hàm ý phô bày sự khéo léo của người phụ nữ trong việc nội trợ, nấu nướng các món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh giầy, chè lam, bánh bỏng... Trên mỗi mâm đều có một chiếc bánh hình bông hoa nhiều màu sắc. Mỗi mâm cỗ còn có thêm hai đôi quả còn được làm bằng vải màu, trong nhồi cát, bông, có tua rua nhiều màu sắc sặc sỡ.
Lễ hội Lồng Tồng thường có hai phần là phần lễ và phần hội. Lễ hội bắt đầu khi chiêng trống nổi lên, rồi các bô lão và tráng đinh rước Thần Nông và Thành Hoàng từ đình ra ruộng, còn các gia đình thì rước cỗ bày ra trên bãi hội. Người chủ trì hội xướng bài mo cúng chư thần rồi tuyên bố phá cỗ. Gia đình nào có cỗ thịnh soạn và mời được nhiều khách dự hội đến thưởng thức cỗ nhà mình thì xem đó là điều may mắn cho cả năm. Có nơi các vị bô lão được mời đi thưởng cỗ, có thanh niên gái trai đi theo múa hát, chúc cho từng gia đình vạn sự tốt lành.
Sau phần lễ là phần hội, mở đầu là những tiết mục văn nghệ đặc sắc như hát Then, hát Cọi...Trong phần hội còn có nhiều hoạt động thể thao dân tộc và trò chơi dân gian khác như: Ném còn, leo cột, bịt mắt đánh trống, kéo co, đẩy gậy, thi cày ruộng... tất cả đều tạo cho người xem vui vẻ, háo hức chuẩn bị cho một năm mới với những vụ mùa mới năng suất, hiệu quả cao.
Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày, Nùng ở Bắc Hà nói riêng và miền Bắc nói chung từ lâu đã trở thành một nét đẹp văn hóa giàu giá trị nhân văn. Với ý nghĩa cùng nét đặc sắc của mình, những ngày lễ hội diễn ra luôn thu hút đông đảo sự tham quan của du khách bốn phương.
b. Di tích lịch sử văn hóa
Một số di tích lịch sử văn hóa quốc gia tại Bắc Hà như: Dinh Hoàng A Tưởng, Đền Bắc Hà, Đền Trung Đô…
Dinh thự Hoàng A Tưởng xây dựng từ năm 1914 đến năm 1921. Người dân địa phương vẫn quen gọi là nhà "Vua Mèo" bởi thời Pháp thuộc một người dân tộc Tày tên là Hoàng Yến Chao (sau đời con lên thay tên là Hoàng A Tưởng) làm châu úy châu Bắc Hà, cai trị vùng Bắc Hà nhưng chủ yếu có 70% dân tộc Mông sinh sống, do vậy được gọi là vua Mèo. Ngày nay, chính quyền đang cho tu sửa, khôi phục lại dinh thự này cho đúng thiết kế ngày xưa do người Pháp thiết kế theo kiểu lâu đài cổ thường thấy ở châu Âu.
Đền Bắc Hà được xây dựng từ cuối thế kỷ 19 và được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 2003. Hàng năm, người dân tổ chức lễ hội chính đền Bắc Hà vào ngày 7/7 (âm lịch). Ngôi đền thờ phụng hai anh em Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật, người gốc Gia Lộc, Hải Dương, lên động Ngọc Uyển xây dựng căn cứ quân sự, ổn định đời sống dân cư cả một vùng biên giới. Để tưởng nhớ người anh hùng đã có công với vùng đất này, nhân dân nơi đây đã cùng nhau xây dựng lên ngôi đền này để hàng năm tưởng nhớ về người anh hùng có công với nước, một thời bình ổn vùng biên giới phía Tây Bắc của Tổ Quốc.
Di tích đền Trung Đô cũng là nơi thờ tướng quân Gia Quốc Công Vũ Văn Mật và các thuộc tướng của mình. Họ đã có công bảo vệ biên cương Tổ quốc và đưa ra các chiến lược phát triển vùng đất Trung Đô xưa thành một trung tâm kinh tế xã hội bậc nhất lúc bấy giờ. Với tuổi thọ hơn 300 tuổi, dấu tích của ngôi đền Trung Đô chỉ còn lại những tảng kê chân cột bằng đá và những tảng gạch ngói, tái hiện ngôi đền xưa. Đền Trung Đô được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2010. Ngày rằm tháng riêng hàng năm, người dân Trung Đô lại tổ chức lễ hội long trọng, vừa thể hiện nét đẹp văn hóa, vừa tạo cho ngôi đền sự uy nghiêm và linh thiêng hơn. Lễ hội được tổ chức theo quy mô cấp xã và 5 năm tổ chức cấp huyện 1 lần. Gồm 2 phần: phần lễ được tổ chức theo truyền thống địa phương và phần hội là các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian như ném còn, kéo co, đẩy gậy, đánh quay...
Với những giá trị đặc sắc về lịch sử văn hóa, các di tích văn hóa huyện Bắc Hà là các điểm tham quan đặc biệt thu hút du khách và góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch Bắc Hà.
c. Làng nghề
Với 14 dân tộc sinh sống tại vùng Bắc Hà, điều này hình thành sự đa dạng về văn hóa, làng nghề, gần như mỗi một dân tộc ở đây lại có một nghề truyền thống với những đặc trưng rất riêng biệt. Một số làng nghề tiểu biểu như: Làng nghề dệt thổ cẩm, nấu rượu Ngô đặc sản, đúc lưỡi cày của đồng bào người Mông xã Bản Phố, làng nghề chạm khắc bạc truyền thống tại thôn Cốc Môi, xã Na Hối…
Làng nghề không chỉ là nơi sản xuất ra các sản phẩm thủ công độc đáo, tinh xảo, đặc sắc mà còn là môi trường văn hóa lưu giữ tinh hoa nghệ thuật, phong tục tập quán của công đồng dân cư địa phương. Với hệ giá trị này, khách du lịch trong nước và ngoài nước không chỉ tham quan kiến trúc, mua sản phẩm, mà còn cảm nhận được sự bền bỉ, kiên trì, sáng tạo của bao thế hệ được hun đúc trong lao động với bàn tay và khối óc.
d. Các đối tượng gắn với dân tộc học
Bắc Hà là nơi cư trú của 14 dân tộc anh em sinh sống như: Mông, Dao, Tày, Nùng, Phù lá… mỗi dân tộc lại mạng đậm những bản sắc khác nhau về trang phục, phong tục tập quán, tín ngưỡng. Vì vậy nơi đây có các hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống, các lễ hội, phong tục tập quán đa dạng và phong phú. Một trong những nơi có thể thấy được sắc màu, phong tục của từng dân tộc đó chính là Chợ phiên, đây không chỉ là nơi trao đổi mua bán mà là nơi đồng bào các dân tộc gặp gỡ, vui chơi, mua sắm, là nơi thể hiện những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình qua những bộ trang phục truyền thống và tiếng nói. Bắc Hà là địa phương có nhiều chợ phiên độc đáo tại tỉnh Lào Cai bao gồm: Chợ Bắc Hà, Chợ Lùng Phình, Chợ Cốc Ly, Chợ Bản Liền… đặc biệt thu hút khách du lịch bởi sự khác biệt nằm giữa các ngày họp.
Chợ Bắc Hà, không đơn thuần chỉ là nơi mua bán như các chợ phiên khác, chợ Bắc Hà được bình chọn là một trong 10 chợ phiên độc đáo nhất Đông Nam Á. Ngay từ khi tỉnh Lào Cai được thành lập chợ Bắc Hà được hình thành tại Châu Bắc Hà. Từ đó đến nay, chợ Bắc Hà bao giờ cũng chỉ họp mỗi tuần một phiên vào ngày Chủ nhật. Chợ Bắc Hà là nơi giao lưu, trao đổi hàng hóa địa phương với hàng hóa ngoài tỉnh, nơi giao lưu gặp gỡ về văn hoá giữa các dân tộc ở địa phương. Khi xuống núi, người dân đều mặc những bộ váy áo mới sặc sỡ đủ màu của dân tộc mình để đến chợ, họ xem đây như ngày hội xuống núi. Chợ Bắc Hà được chia ra những khu chợ nhỏ mang tính đặc trưng trao đổi như: chợ thổ cẩm, chợ ẩm thực, chợ trâu, chợ ngựa, chợ gia cầm, chợ thực phẩm, chợ chim, chợ rèn đúc. Mỗi khu chợ đều phong phú đa dạng và mang đậm bản sắc dân tộc địa phương, đặc biệt Chợ Bắc Hà còn là nơi hẹn hò của nam nữ thanh niên dân tộc gặp nhau sau mỗi tuần lao động vất vả.
Chợ Cốc Ly là chợ phiên vùng cao thuộc huyện Bắc Hà, họp vào mỗi thứ ba hàng tuần. Chợ được chia thành từng khu riêng biệt: khu bán thổ cẩm, khu bán các sản vật miền núi, khu bán gia súc, khu ẩm thực. Bà con tham gia trao đổi mua bán chủ yếu là người Mông Hoa, người Dao Tuyển và người Nùng. Cốc Ly không chỉ nổi tiếng bởi phiên chợ “hàng đổi hàng” mà còn nằm cạnh hồ thủy điện Cốc Ly trên sông Chảy nơi đây còn là một điểm du lịch hấp dẫn.
Lùng Phình là một địa danh hình thành từ rất lâu đời, nằm trong một vùng thung lũng có hình lòng chảo được bao quanh bởi điệp trùng đồi núi. Nhìn từ xa, khung cảnh phiên chợ Lùng Phình đẹp và sinh động với hình ảnh sáng tinh mơ, từng đoàn người Mông, Hoa, Giáy, Tày, Phù Lá đã trong trang phục đặc trưng từ các bản làng nô nức kéo nhau về chợ mang theo nông sản, gia súc và các sản phẩm dệt may. Chợ được tổ chức rất quy củ, chia thành các khu riêng biệt: Khu ẩm thực, khu rượu dân tộc, khu mua bán gia súc, gia cầm và khu bao gồm các loại rau, củ quả, sản phẩm thổ cẩm cùng các mặt hàng khác. Đặc biệt, du khách sẽ có cơ hội trải nghiệm cảm xúc của mình trong ngày hội
giao duyên của các nam thanh nữ tú, để thấy được nét độc đáo nơi đây từ các bản làng gần xa trong vùng.
Chợ Bản Liền họp vào ngày thứ 5 hằng tuần. Nơi đây, ngoài nhu cầu buôn bán, trao đổi hàng hóa, chợ Bản Liền còn là một không gian văn hóa đậm nét nhân văn, mỗi dân tộc có nét văn hóa đặc sắc riêng và mang nét đẹp đó đến chợ. Chợ Bản Liền là nơi hội tụ của những sắc màu văn hóa của đồng bào Tày, Mông, Dao ở Bản Liền và các xã lân cận như: Nậm Lúc, Nậm Khánh, Cốc Lầu… , nhiều sản phẩm truyền thống của người dân địa phương được bày bán, đặc biệt mặt hàng không thể thiếu đó là sản phẩm chè, đã tạo nên thương hiệu riêng của vùng cao Bản Liền. Người đến chợ cũng có nhiều mục đích khác nhau: Để trao đổi buôn bán, gặp nhau trao đổi tâm tình, đi chơi chợ sau những ngày làm việc vất vả hay các chàng trai, cô gái đi nương gặp nhau bén duyên thầm để rồi hẹn nhau ngày chợ.
Chợ Phiên không chỉ là nơi trao đổi, mua bán mà còn là nơi để giao lưu văn hóa giữ đồng bào các dân tộc thiểu số, giữ tinh hoa nghệ thuật, phong tục tập quán của công đồng dân bản địa và góp phần thúc đẩy phát trển du lịch Bắc Hà, đặc biệt là phát triển loại hình du lịch trải nghiệm.
e. Ẩm thực
Đến với Bắc Hà, ngoài mua sắm các loại vải thổ cẩm, đặc sản của người dân tộc, mua các hàng hóa khác được người dân tộc bày bán trong chợ, du khách có thể thưởng thức những món ngon với hương vị lạ và độc đáo khó có thể quên được.
Thắng cố: Đây là món ăn này là đặc trưng văn hóa ẩm thực của người mông. Món thắng cố được nấu từ thịt ngựa và các thành phần của con ngựa như lòng, gan, tiết ngựa… cùng với những gia vị đặc biệt.
Rượu ngô: Rượu Bắc Hà nấu từ ngô và nước mạch kết hợp với men Hồng Mi. Ngô dùng nấu rượu không phải trồng ở nương rẫy hoặc thung lũng, mà ở trên núi đá cao, đặc biệt là giống ngô vàng trồng ở xã Lùng Phình (Bắc Hà) cho
ra nhiều rượu có hương thơm nồng. Sau khi thu hoạch, ngô được giữ nguyên bắp, phơi khô và bảo quản để nấu rượu dần.
Mèn mén: Đây là một món ăn phổ biến của người dân tộc vùng cao Tây Bắc được chế biến từ ngô, do ngô là nông sản chủ yếu mà người dân tộc trồng