Tài nguyên du lịch tự nhiên

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển du lịch bền vững tại huyện bắc hà, tỉnh lào cai (Trang 35 - 42)

B. NỘI DUNG

2.1. Tiềm năng phát triển du lịc hở huyện Bắc Hà

2.1.1.1. Tài nguyên du lịch tự nhiên

a. Khái quát về Bắc Hà

Huyện Bắc Hà nằm ở phía đông Bắc tỉnh Lào Cai. Phía Bắc giáp huyện Si Ma Cai, phía Nam giáp huyện Bảo Yên và huyện Bảo Thắng, phía Đông giáp huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang, phía Tây giáp huyện Mường Khương. Bắc Hà có diện tích tự nhiên khoảng 683km², dân số là 65.413 người năm 2019, gồm 14 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc H'Mông chiếm khoảng 47% dân số trong toàn huyện. Các dân tộc khác còn lại là Kinh, Dao, Tày, Nùng, Phù Lá, Hoa, Giáy... Huyện Bắc Hà nằm ở độ cao khoảng 1.000 đến 1.500m so với mực nước biển, có khí hậu mát mẻ quanh năm.

b. Địa hình

Huyện Bắc Hà nằm trên cao nguyên núi đá vôi, hiện tượng Karst thường xảy ra tạo thành các khe suối ngầm và các thung lũng, đồng thời nằm trong lưu vực gần đầu nguồn sông Chảy. Độ dốc trung bình từ 24 đến 28°, địa thế này có dạng hình chóp có đỉnh tập trung ở xã Lùng Phình, các hướng dốc dần ra sông Chảy theo hướng Bắc Nam, nơi thấp nhất là 116m, cao nhất là 1800m (so với mặt nước biển). Địa hình phức tạp, độ dốc lớn chia cắt mạnh gây nhiều khó khăn cho việc đi lại, sản xuất và sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên đối với ngành du lịch thì địa hình Bắc Hà đã mạng lại những giá trị nhất định, tạo nên tiềm năng du lịch tự nhiên như những vách núi đá, đỉnh núi hiểm trở thuận lợi cho loại hình du lịch thể thao leo núi, hang động, thung lũng… đáp ứng như cầu tham quan, nghiên cứu của du khách.

Bắc Hà nổi tiếng với nhiều danh thắng như Động Thiên Long Tả Van Chư, hang Tiên Bao Nhai, núi Cô Tiên và Núi Ba Mẹ Con ở thị trấn Bắc Hà.

- Động Thiên Long

Động Thiên Long thuộc xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, là hệ thống hang động có 4 tầng nằm sâu trong núi Rồng. Ngày 18/10/2013 Động Thiên Long đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng di tích Quốc gia, đây là điểm đến rất hấp dẫn khi đi du lịch Bắc Hà

Nằm cách thị trấn Bắc Hà khoảng 30km, danh thắng Động Thiên Long thường được người dân địa phương gọi là “Hang Rồng”. Đây là một hệ thống hang động rộng lớn, nằm sâu trong lòng Núi Rồng, ở độ cao trên 1000m so với mực nước biển thuộc địa bàn thôn Nhìu Cồ Ván B, xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, kỳ bí với nhiều tầng lớp thạch nhũ lớn.

Tổng chiều dài của động khoảng 470m, được chia làm 3 tầng khác nhau, mỗi tầng có một đặc thù riêng. Tầng một có chiều dài khoảng 115m, mặt bằng rộng, nền được tạo thành bởi những tảng đá lớn, bao phủ lên là một lớp đất trầm tích màu đen, xốp, vòm hang của tầng 1 cao thoáng (khoảng 8m - 10m) trên đó có những mảng nhũ đá lớn, các mảng thạch nhũ được thiên nhiên kiến tạo với nhiều hình thù đa dạng phong phú, vách động với những lớp thạch nhũ bám vào thành, trải qua thời gian dài kiến tạo đã làm nên những bức tranh thủy mặc trong sáng, mờ ảo.

Tầng hai của động có chiều dài ngắn hơn tầng một, nhưng có lượng nhũ đá nhiều hơn và phong phú hơn về hình dáng, kích cỡ và màu sắc, tầng 2 có nền bằng phẳng, lòng hang rộng, vòm cao nên đi lại thuận lợi. Tầng ba của động dài và có độ dốc khá lớn, lòng hang rộng có nhiều thạch nhũ hình thù khác nhau, toàn bộ tầng 3 giống như một cái túi lớn, đặc biệt ở đây có lớp trầm tích phủ dầy lên nhau.

- Hang Tiên

Thắng cảnh Hang Tiên nằm tại xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, đây là một trong những thắng cảnh đẹp thu hút khách du lịch đến tham quan ở Bắc Hà bởi vẻ đẹp hoang sơ, kì vĩ, bên trong hang có chứa nhiều khối

đá nhũ đẹp, lạ mắt tạo nên sự thích thú và tò mò cho khách du lịch. Hang Tiên gắn liền với câu chuyện huyền thoại của ba nàng tiên, người xưa kể lại rằng có ba nàng tiên được vua cha cho đi thăm thú cõi trần gian, thấy nơi đây sơn thủy hữu tình càng làm cho các nàng không muốn rời đi. Đã đến ngày, vua cha không thấy các con trở về, rất tức giận, bèn sai thiên lôi xuống hạ giới trị tội. Ba nàng tiên liền trốn trong hang cao hơn mặt nước khoảng 200m ngự trên vách thành, do không chấp nhận chiếu chỉ của vua cha liền bị thiên lôi giẫm sạt một góc núi, nơi ba nàng tiên đang trú ngụ. Biết không thể nào thoát khỏi sự trừng phạt, ba nàng đã gieo mình tự vẫn, xác của các nàng chảy ngược theo dòng nước dìu xuống hạ lưu nơi trung tâm xã Bảo Nai hiện nay, sau đó được dân làng nơi đây vớt lên lập miếu thờ mang tên miếu Ba Cô.

Hang Tiên được người dân bản địa nơi đây phát hiện từ rất sớm nhưng vẻ đẹp và sự thơ mộng chỉ được biết đến trong một vài năm trở lại đây khi du lịch ở Bắc Hà bắt đầu trên đà phát triển, đặc biệt khi tuyến du lịch Bảo Nhai – chợ Cốc Ly được hình thành.

Ngoài ra, Bắc Hà còn có Thung lũng hoa Thải Giàng Phố (hay còn gọi là Thung lũng hoa Bắc Hà) tọa lạc tại trung tâm xã Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà với hàng trăm các loài hoa và hệ thống dịch vụ độc đáo. Thung lũng hoa Thải Giàng Phố cách thị trấn Bắc Hà khoảng hơn 1km. Đến đây du khách không chỉ được hòa mình trong không khí trong lành, mát mẻ, chiêm ngưỡng thảm hoa oải hương trải dài vô tận mà còn được thưởng thức những món ăn đặc sản độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Bắc Hà như: Thắng cố ngựa, Mèn mén, Xôi ngũ sắc, Phở Bắc Hà...

c. Khí hậu

Bắc Hà có các điều kiện khí hậu thuận lợi phát triển kinh tế nông nghiệp và tiềm năng phát triển du lịch. Nhiệt độ trung bình năm 18,7°C, cao nhất là 32°C, thấp nhất là 1°C, khí hậu của huyện Bắc Hà chia thành 3 tiểu vùng đặc trưng:

- Vùng thượng huyện: Có độ cao từ 1500m đến 1800m so với mực nước biển, có nhiệt độ trung bình năm 18,7°C. Vùng này có khí hậu mang nhiều tính ôn đới, mát mẻ về mùa hè, khô lạnh về mùa đông, thích hợp trồng cây ăn quả địa phương như mận Tam Hoa, mận Hậu, đào, lê... và các loại cây thảo dược quý như Tam thất, Đương quy, Sa Nhân…

- Vùng trung huyện: Có độ cao từ 900m đến 1200m so với mực nước biển. Vùng này có khí hậu ôn hoà, mùa hè mát mẻ, mùa đông lạnh khô hanh, với nhiệt độ bình quân từ 25°C – 28°C. Khí hậu ở đây thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, phát triển vùng cây ăn quả và cây nông nghiệp chè tuyết san.

- Vùng hạ huyện: Độ cao dưới 900 m so với mực nước biển, có nhiệt độ bình quân 28°C - 32°C, mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới, có nhiều sông suối lớn, thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp, ăn quả, thuỷ sản, thuỷ điện... Như vậy, Bắc Hà có nền khí hậu đa dạng, mát mẻ quanh năm, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Trên nền khí hậu đó là thảm thực vật đa dạng, phong phú là cơ sở thu hút khách du lịch đến tham quan nghiên cứu, tìm hiểu. Một số điểm du lịch tiểu biểu Thung lũng hoa Bắc Hà, Rừng nguyên sinh Tả Văn Chư, Rừng gỗ nghiến Cốc Ly…

Ngoài ra khí hậu Bắc Hà còn là yếu tố thuận lợi cho phát triển nền nông nghiệp đa dạng như các cây ăn quả nhiệt đới và á nhiệt đới: đào, mận, táo, lê..., các cây công nghiệp: chè, mía, quế..., cây dược liệu: Tam thất, Đương quy, Sa nhân…, chăn nuôi nhiều loại gia súc gia cầm và thuỷ sản. Nền nông nghiệp đã góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch Bắc Hà, một số sản phẩm du lịch tiêu biểu: Chè Bản Liền, Chè Hoàng Thu Phố, Tinh dầu quế, Thịt trâu sấy, Mận tam hoa…

Tuy nhiên, Bắc Hà cũng bị ảnh hưởng thời tiết khắc nghiệt như: nhiệt độ có độ chênh lệch ngày đêm và các tháng trong năm khá cao, hiện tượng sương muối, mưa đá kèm với dòng chảy mạnh của sông Chảy vào mưa lũ, làm gia

tăng các hoạt động xâm thực bào mòn, gây ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp, hoạt động du lịch và sinh hoạt của nhân dân.

d. Sinh vật

Du lịch sinh thái là một trong những thế mạnh của Bắc Hà. Trước hết phải kể đến thảm thực vật phong phú và đa dạng cùng nhiều chủng loại quý hiếm như: các loại cây sến, dổi, sồi, nghiến, lim…, các loại động vật hoang dã như hổ, báo, cầy hương, gấu chó, lợn rừng, khỉ cùng các loại chim quý, bò sát…. Tuy nhiên, do khai thác số lượng quá mức và không có biện pháp bảo hộ đúng cách nên nguồn tài nguyên sinh vật của Bắc Hà ngày càng cạn kiệt. Về các loại thực vật chỉ còn lại một số loài như: Dổi, lim, nghiến. Động vật hoang dã chỉ còn một số loài như: Cầy hương, khỉ, lợn rừng và một số loài bò sát.

Một số điểm du lịch sinh thái tiểu biểu ở Bắc Hà: Rừng nguyên sinh Tả Văn Chư, Rừng già Bản Liền, Rừng gỗ nghiến Cốc Ly, Rừng chè cổ thụ Hoàng Thu Phố…

- Rừng gỗ nghiến Cốc Ly

Rừng gỗ nghiến Cốc Ly có tổng diện tích khu vực rừng bảo vệ là 259,14 ha với 828 cây nghiến cổ thụ có đường kính từ 40cm trở lên được đánh số để theo dõi, bảo vệ. Rừng nghiến Cốc Ly không tập trung ở một chỗ mà phân tán thành nhiều khu vực khác nhau như ở Cốc Sâm, Làng Đá - Sín Chải, Làng Bom, Làng Pàm, Nậm Ké, Thẩm Phúc. Khu vực rừng bảo vệ có độ cao trung bình 600m so với mực nước biển, có đỉnh cao nhất 869m, địa hình bị chia cắt phức tạp, sườn núi dốc, có nơi dốc đứng.

Ngày 25/11, tại xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Bắc Hà, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai tổ chức công bố Quyết định và đón Bằng công nhận cây gỗ nghiến tại thôn Cốc Sâm, xã Cốc Ly là Cây di sản Việt Nam. Cây gỗ nghiến thuộc quần thể 231 cây gỗ nghiến tại thôn Cốc Sâm, xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà. Cây có chu vi thân là 9,6m, đường kính 3,1m và chiều cao khoảng 45m. Bằng phương pháp khoan tăng trưởng,

đồng thời sử dụng phương pháp đối chứng thực tế đã xác định tuổi của cây khoảng 1.000 năm. Đây là Cây di sản thứ 4 được công nhận trên địa bàn tỉnh Lào Cai, sau cây đa tại Đền Thượng và hai nhóm cây vân sam, cây đỗ quyên ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên Sơn.

Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cho biết những năm qua, Hội đã công nhận hơn 700 Cây di sản thuộc 60 loài ở 45 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có cây gỗ nghiến tại thôn Cốc Sâm, xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà. Đây là cây gỗ nghiến lớn nhất Việt Nam, có nguồn gen quý hiếm thuộc nhóm IIA, lại nằm trong khu vực rừng thờ cúng của cộng đồng dân cư thôn Cốc Sâm. Vì vậy việc công nhận cây gỗ nghiến là Cây di sản Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong việc gìn giữ, bảo tồn nguồn gen quý hiếm của loài đặc hữu này, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Cao Đức Hải, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, khẳng định việc công nhận cây gỗ nghiến là Cây di sản Việt Nam không chỉ là bằng chứng xác thực về rừng nguyên sinh trong khu vực huyện Bắc Hà mà còn góp phần tạo sự đa dạng các loại hình dịch vụ và du lịch sinh thái hấp dẫn du khách khi đến huyện Bắc Hà, là điểm nhấn quan trọng và là động lực thúc đẩy cho du lịch sinh thái phát triển.

- Rừng chè cổ thụ Hoàng Thu Phố

Hoàng Thu Phố ở độ cao gần 2.000m so với mặt nước biển, đây là điều kiện lí tưởng để cho cây chè phát triển. Hiện nay, tại đây còn lưu giữ được nhiều rừng chè cổ thụ, có những cây chè hàng trăm năm tuổi. Cây chè rải rác ở khắp các nương đồi, ven đường đi nhưng tập trung nhiều chè nhất là ở thôn Hoàng Hạ. Tại đây có những gốc chè cổ thụ có đường kính lên tới 40 – 45 cm, cao trên dưới 10m. Về độ tuổi của rừng chè thì người dân trong vùng không ai xác định được. Các cụ già trong thôn cho biết, không biết rừng chè có từ khi nào, khi sinh ra và lớn lên đã nhìn thấy rừng chè và gắn bó với nó đến nay.

Trước đây, chè cổ thụ có ở khắp các nương của bản, về sau do không bán được nên người dân chặt bớt. Loại chè cổ thụ này không chỉ là loại chè quý và rất có lợi cho sức khỏe khi sử dụng, mà còn là loại chè "sạch" từ khâu chăm sóc đến khi chế biến ra sản phẩm, nước chè xanh, khi uống có vị ngọt đọng lại rất lâu. Trước đây, mỗi gia đình đều có một nương chè để sử dụng trong gia đình. Hàng năm, người dân đều đốn những cành chè nhỏ để sang mùa xuân mới các mầm non vươn lên có thể thu hoạch. Khi thu hái người ta phải trèo lên cây ngắt từng búp non. Người dân nơi đây có thói quen uống chè tươi hoặc sao khô để dùng dần. Chè là một thứ đồ uống không thể thiếu trong mỗi gia đình người dân trong vùng.

Rừng chè cổ thụ hiện nay không chỉ có giá trị về kinh tế mà còn có giá trị về văn hóa du lịch. Những năm gần đây đã có nhiều đoàn khách đến thăm khu rừng chè cổ thụ này. Điều đặc biệt khi đến thăm rừng chè cổ thụ này không chỉ bởi những thân cây chè to, cao mà còn bởi trên đường đi du khách còn được ngắm phong cảnh núi rừng trùng điệp với những nương ngô, lúa xanh mướt, những thửa ruộng bậc thang uốn lượn mềm mại quanh sườn núi. Thi thoảng ta lại bắt gặp cảnh những làn mây mỏng manh bay lững lờ bên sườn núi tạo ra phong cảnh trữ tình và thơ mộng. Dừng chân bên rừng chè ta sẽ cảm nhận được bầu không khí trong lành, mát mẻ. Nhiều người quen mắt với những nương chè thành hàng nối, được chăm chút, cắt cành tạo tán cho cây khi nhìn thấy rừng chè cổ thụ đều ngạc nhiên trước cảnh tượng những cây chè cao, to, lá xanh mướt, thân cây xù xì nhuốm màu thời gian.

d. Thủy văn

Bắc Hà nằm trên hệ thống sông Chảy, có sông Chảy là sông chính chảy qua 2 mặt phía Tây Nam của huyện với chiều dài khoảng 70km. Phần lớn lưu vực của sông Chảy nằm trên các xã Cốc Ly, Bảo Nhai, Hoàng Thu Phố, Cốc Lầu, Nậm Lúc, Nậm Khánh và Bản Cái. Ngoài sông Chảy trên địa bàn có 4 hệ thống khe suối nhỏ là ngòi Đô, Thèn Phùng, Nậm Khánh, Nậm Lúc đều đổ ra sông Chảy. Với hệ thống sông ngòi đặc biệt cùng địa hình dốc đã tạo nên tiềm

năng phát triển du lịch Bắc Hà, các điểm tham quan tiểu biểu như: Hồ thủy Điện Bắc Hà, Thác nước Hoàng Thu Phố, Thủy điện Bản Cái…, Ngoài tiềm năng về phát triển du lịch, Bắc Hà có trữ lượng thủy điện lớn và tiềm năng lớn để mở rộng các ngành công nghiệp, thủ công nghiệp.

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển du lịch bền vững tại huyện bắc hà, tỉnh lào cai (Trang 35 - 42)