1.1.1 .Khái quát về Công giáo
1.1.2. Các quan điểm về đạo hiếu
1.1.2.1. Đạo hiếu theo quan điểm bình dân
Theo quan điểm bình dân, “hiếu là cách cư xử và bổn phận của con cái
đối với cha mẹ”[29;8]. Người ta cũng gọi hiếu là đạo hiếu hay đạo làm con. Chữ đạo ở đây không được hiểu theo như kiểu một tôn giáo nhưng hiểu như một
đường lối, một lý lẽ. Còn chữ hiếu hay chữ hiếuthảo là lòng kính yêu và biết ơn đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên.
Như thế theo nguồn gốc và thứ tự thì tổ tiên sinh ra ông bà, ông bà sinh ra cha mẹ, cha mẹ sinh ra mình. Người con hiếu thảo là phải biết ơn nghĩa sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ, đã hiếu với cha mẹ là phải hiếu với ông bà, có hiếu với ông bà lại càng phải có hiếu với các bậc tổ tiên tức cội nguồn của mình. Chữ “hiếu” hay việc thực hành “đạo hiếu” chính là việc “thờ phụng, thờ
cúng tổ tiên”. Tuy nhiên chúng ta cần thấy rằng thờ phụng tổ tiên không phải là một tôn giáo, do đó không thể gọi là Đạo Ông Bà được. Là một đạo phải có giáo chủ, giáo điều, tín lý và tín đồ cũng như những quy ước về thực hành. Nhưng tại
đây chúng ta cần hiểu, với người Việt gọi là đạo Ông Bà tức là cái đạo lý, lý lẽ
cần thực hiện trong đời sống của con cháu với các bậc sinh thành ra mình. Và
theo quan niệm của người Việt từ xưa:“Thờ cúng tổ tiên nghĩa là lập bàn thờ tại
nhà và cúng bái trong những ngày sóc vọng, giỗ, Tết”[2; 23].
Phan Kế Bính trong “Việt Nam phong tục” đã viết:“Xét cái phong tục tổ
tiên của ta là rất thành kính, ấy cũng là một lòng bất vong bản, ấy cũng là nghĩa cử của người”[3;28].Cũng nói về hiếu đạo dân tộc, tại đây, ông quan niệm hiếu
như sau: “Hiếu là kính trọng thương mến cha mẹ, biết vâng lời cha mẹ, phụng
dưỡng cha mẹ”[3; 29].
Toan Ánh trong “Tín ngưỡng Việt Nam” có nói: “ Người Việt ta, chết chưa phải là hết, dương sao âm vậy, người sống cần gì người chết cũng cần thứ ấy. Tin như vậy, việc cúng lễ tổ tiên là cần thiết, và việc thờ phụng tổ tiên là không thể không có được”[2;23-24].
Như thế theo quan điểm bình dân, nhất là trong văn hóa dân tộc, việc đề cao lễ nghĩa trong gia đình dòng họ thì chữ hiếu rất được coi trọng. Do vậy, hiếu trong quan điểm bình dân gắn liền với đạo lý dân tộc Việt Nam. Ở đó, đạo hiếu được nâng lên thành đạo Ông Bà, được tôn trọng và hết sức đề cao lễ nghĩa khi gắn với truyền thống ngàn đời “Uống nước nhớ nguồn”. Thông qua đạo lý này,thực hành đạo hiếu trong đời sống người Việt là một trong những tiêu chuẩn, thước đo đánh giá đạo đức về sự có mặt của cá nhân trong gia đình. Đây cũng chính là một khía cạnh giúp chúng ta đánh giá, nhận diện về đạo đức của một người nào đó dựa trên việc thể hiện hiếu đạo.
1.1.2.2. Đạo hiếu theo quan điểm Nho giáo
Trong học thuyết Nho giáo, “hiếu” là một phạm trù lớn, chứa đựng nhiều
nội dung sâu sắc và có nhiều ảnh hưởng đến những phạm trù đạo đức khác trong đời sống con người. Chữ “hiếu” trong học thuyết Nho giáo có ảnh hưởng rất sâu sắc trong xã hội cổ đại và phong kiến Trung Quốc đương thời. Trong xã hội Việt Nam, Nho giáo cũng có ảnh hưởng rất sâu sắc khi xã hội Việt Nam gắn liền với nền Nho học từ rất sớm.
Trong quan niệm của Nho giáo, sợi dây thiêng liêng ràng buộc con người từ khi con người mới sinh ra chính là tình cảm, tình nghĩa giữa cha mẹ và con
cái. Do đó, Nho giáo đặt ra yêu cầu đầu tiên, cơ bản đối với mỗi một con người trong cuộc sống của mình là, con cái phải hiếu thảo với cha mẹ.
Theo Nho giáo, “hiếu” là nết đầu trong trăm nết, là gốc rễ của tất cả đức hạnh. “Hiếu” là cái đức cao cả nhất mà cả vua tôi, kẻ sĩ và thứ dân đều phải đề cao và thi hành. Trong Luận ngữ, KhổngTử đã khẳng định rằng: “Người biết hiếu thuận với cha mẹ, có nết đễ (kính trọng) với người lớn tuổi hơn mình mà lại thích cãi cọ, va chạm, xung đột, mạo phạm với cấp trên là rất hiếm thấy. Người không mạo phạm cấp trên mà lại thích làm phản loạn là không có. Người quân tử là người chuyên tâm nắm vững cái gốc của tu thân thì đạo lập thân xử thế tự nhiên phát sinh ra trong lòng mình. Hiếu đễ là cái gốc của việc làm đạo nhân” [26;101].
Khái niệm về hiếu đạo trong Nho giáo rất khác nhau thay đổi theo tiến trình lịch sử. Trong sách “Nhĩ Nhã”, mục Thích huấn, coi hiếu là “giỏi việc
phụng dưỡng”. Sách Thuyết Văn giải thích thêm: “Người giỏi phụng dưỡng cha
mẹ là người chăm lo người già, chăm sóc con, con kế thừa cha mẹ”. Khổng Tử và học trò của ông là Tăng Tử không đồng ý với quan điểm chật hẹp đó nên đã từng gay gắt viết rằng: “Ngày nay người ta cho rằng nuôi dưỡng cha mẹ là có hiếu, nhưng đến chó ngựa người ta cũng nuôi, nếu không kính cha mẹ thì có gì khác nào?” Trong “Hiếu Kinh”, Khổng Tử cho rằng hiếu là Sách của trời, là Nghĩa của đất, là Hạnh của người. Thế nên phải hội tụ đầy đủ những điều kiện sau:
Một là, sống chung với cha mẹ phải thành kính (Tư tắc chí kỳ chính) Hai là, phải vui vẻ hết lòng phụng dưỡng (Dưỡng tắc chí kỳ lạc) Ba là, thuốc thang chạy chữa khi cha mẹ đau yếu (Bệnh tắc chí kỳ ưu) Bốn là, cha mẹ qua đời phải vô cùng thương xót, an táng chu đáo (Tang tắc chí kỳ ai)
Năm là, cúng tế cha mẹ phải cung kính nghiêm trang (Tế tắc chí kỳ nghiêm). Đến Hứu Thận, ông dùng chiết tự Hán văn để khái niệm về hiếu: chữ Hiếu (孝)là chữ xuất phát từ chữ Lão 老bỏ phần góc dưới bên phải rồi thêm chữ
Tử (子) vào mà thành. Vậy chữ hiếu giống hình ảnh một người con (子)
nắm tay dắt một ông lão (老) đi. Do đó hiếu được coi là việc con cái yêu thương và phụng dưỡng cha mẹ.
Tóm lại, hiếu theo quan điểm Nho giáo là nội dung rất được coi trọng trong xã hội đương thời Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa
Nho giáo sau này. Hiếu trong Nho giáo cơ bản bao gồm bốn yếu tố: yêu thương, phụng dưỡng cha mẹ, tôn kính tổ tông và nối dõi tông đường. Hiếu không chỉ trong phạm vi gia đình, dòng tộc mà còn cả hiếu với quốc gia, dân tộc.
1.1.2.3. Đạo hiếu theo quan điểm Đạo giáo
Với Lão Tử, ông không có một khái niệm cụ thể nào về hiếu đạo, vì ông chủ trương nhân tính tự tại. Nghĩa là tự bản tính con người lớn lên thì phụng dưỡng cha mẹ, không cần phải ý niệm ngoại lai nào chế ước nó cả. Chúng ta được cha mẹ sinh ra, thì tất yếu tự nhiên thân thiết hiếu thuận với cha mẹ mình cũng như thấy người chết thì tự nhiên bi thương, vui tự nhiên cười, buồn tự nhiên khóc.
1.1.2.4. Đạo hiếu theo quan điểm Phật giáo
Trong Phật giáo, hiếu là bổn phận chu toàn cách đầy đủ hiếu dưỡng, hiếu hạnh, hiếu tâm và hiếu đạo đối với cha mẹ:
Hiếu dưỡng: Là cung cấp cho cha mẹ đầy đủ mọi phương diện của cải vật chất. Khi cha mẹ đau ốm, con cái hết lòng lo lắng thuốc thang mà không than phiền.
Hiếu hạnh: Con cái luôn giữ mình trong mọi hoạt động, lời nói, ý nghĩ, không làm tổn hại đến gia phong hay tổn thương danh dự cha mẹ.
Hiếu tâm: Dù ở xa hay gần, luôn hướng về cha mẹ không rời gang tấc, không sao lãng phút giây.
Hiếu đạo: Là khuyên cha mẹ theo Phật pháp, làm cho cha mẹ được hưởng phước lạc về tinh thần và giải thoát khỏi sinh – lão – bệnh – tử. Đồng thời, còn phải biết khuyên cha mẹ sống thiện tâm, bỏ mê về giác, lìa khổ được vui (Giới Kinh).
Như vậy chúng ta thấy được Phật giáo coi trọng đạo hiếu xuất thế gian. Điều này có nghĩa một người phải làm sao chăm lo cho cha mẹ ngay đời này là việc quan trọng, hơn nữa phải tìm cách giúp cha mẹ giác ngộ, giải thoát khỏi sinh tử luân hồi mới được coi là chí hiếu đích thực. Đây chính là quan điểm hiếu đạo cao tột không giống với những quan điểm hiếu đạo thông thường khác. Bởi, nếu không hiểu được sự luân chuyển trong vòng sinh tử của đạo Phật thì cũng không thể thực hành hiếu đạo một cách hoàn thiện nhất.
Theo Công giáo, hiếu thảo là tâm tình thái độ và bổn phận của người Kitô hữu (con chiên, giáo dân,tín hữu, môn đệ) phải có trong các tương quan Thiên Chúa, tha nhân. Với Thiên Chúa – Đấng là Cha tất cả mọi người, với cha mẹ - người sinh thành dưỡng dục, với Mẹ Giáo hội và quyền bính xã hội hợp pháp. Đối với Thiên Chúa là Cha yêu thương, con người phải hết lòng tôn kính, thờ phượng (phụng thờ) và đáp trả bằng ba nhân đức đối thần: Tin, Cậy, Mến. Đối với cha mẹ ở đời này phải hết lòng nể trọng, tôn kính, vâng phục, yêu mến, biết ơn và tưởng nhớ. Đối với Giáo Hội và quốc gia phải yêu mến, vâng phục, cộng tác và dấn thân xây dựng phát triển.
Lời Thiên Chúa dạy rõ về bổn phận hiếu nghĩa của con cái đối với những
bậc sinh thành ra mình rằng: “Hãy trọng kính cha mẹ ngươi để được sống lâu
trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi ban cho ngươi”[21;153].
Tác giả sách Châm Ngôn đã đề nghị những thực hành cụ thể đối với mẹ
cha: “Này con, giáo huấn của cha, con hãy nghe, lời dạy của mẹ, con đừng gạt
bỏ. Vì những lời ấy sẽ là vòng hoa xinh con đội lên đầu, là vòng kiềng con đeo vào cổ”[21;1283].Hay người con hiếu thảo là người con biết tuân giữ lời cha
truyền và nghe lời mẹ dạy: “Hỡi con, lệnh cha con truyền, hãy lo tuân giữ, lời
mẹ con dạy, chớ bỏ ngoài tai. Những lời truyền dạy đó, con hãy khắc trong tim, con hãy đeo vào cổ, để ghi nhớ đêm ngày. Những lời đó sẽ hướng dẫn con lúc con tới lui, sẽ giữ gìn con khi con nằm xuống, sẽ cùng con chuyện trò khi con thức dậy”[21;1291].
Chính cách sống hiếu nghĩa của người con sẽ làm cho cha mẹ được mừng
vui hạnh phúc: “Hãy lắng nghe cha con, đấng sinh thành ra con, đừng khinh dể
mẹ con khi người già yếu. Chân lý và khôn ngoan, nghiêm huấn và hiểu biết, con hãy mua lấy chứ đừng bán đi. Thân phụ người công chính sẽ mừng vui, đấng sinh thành người khôn sẽ hoan hỷ. Ước gì cha mẹ con được hỷ hoan và người sinh ra con được mừng rỡ”[21;1318-1319].
Sách Huấn ca đề cao công ơn cha mẹ: “Cha con, con hãy hết lòng tôn kính, và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau. Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy, con sẽ lấy chi đáp đền cho cân xứng?”[21;1448].
Sang thời Tân Ước, Đức Giêsu đã yêu cầu sống đạo hiếu không chỉ trong lời nói mà cả trong hành động. Ngài nhắc lại luật hiếu thảo trong sách Xuất hành 20, 12 và Lê vi 20, 9: "Bất cứ người nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Nó đã nguyền rủa cha mẹ, thì máu nó đổ xuống đầu nó", để nói với những kẻ
đạo đức giả trốn tránh trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ mình: “Còn các ông, các ông lại bảo: Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa. Những kẻ đạo đức giả kia, ngôn sứ Isaia thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới
luật phàm nhân”[21;2159-2160].
Chính lời cha mẹ là điều phải đạo, như thánh Phaolô tông đồ dân ngoại trở lại dạy: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa”[21;2629]. Đó là điều kiện để được sống và sống hạnh phúc trên
trần gian này: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó
là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này. Những bậc cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng”[21;2603].
Đức Giêsu, trong thân phận con người, đã thể hiện lòng hiếu thảo cách toàn vẹn. Trước tiên Ngài luôn hiếu thảo với Cha trên trời, hoàn toàn tuân theo và thực hiện ý Chúa Cha trong mọi sự: "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người”[21;2359]. Ngài ưu tiên cho công việc Thiên Chúa Cha trao phó cho Ngài khi sai Ngài xuống
trần thế“Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà
của Cha con trên trời sao?”[21;2269]. Thiên Chúa Cha đã xác nhận: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người"[21;2130]. Lòng vâng phục hiếu thảo ấy trong cuộc sống ấy được thực hiện triệt để với thánh Giuse và Mẹ Maria tại gia đình Na-gia-rét cũng tuyệt vời như thế: “Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da -rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta”[21;2269].
Như thế, quan niệm về đạo hiếu là quan niệm rộng khắp từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim, từ văn hóa cho đến tôn giáo. Từ đây chúng ta thấy được rằng: không phải tự nhiên mà đạo hiếu lại được quan tâm và đề cao trong các nền văn hóa hay tôn giáo trên thế giới như vậy! Điều đó đồng nghĩa với việc tất nhiên chúng phải có giá trị và tầm quan trọng rất cụ thể sâu sắc trong cuộc sống
con người thì chúng mới được đề cập đến nhiều như vậy. Và hiển nhiên, nói đến đạo hiếu tức là chúng ta đang nói tới xã hội loài người, nói về chính mình.
Quả thực, hiếu đạo theo Công giáo chính là những tâm tình, thái độ hiếu thảo trước nhất với Thiên Chúa là Cha, sau là với tha nhân trong đó tổ tiên, ông bà, cha mẹ và anh chị em là trước nhất. Hiếu đạo Công giáo suy cho cùng được thực thi từ trong phạm vi gia đình đến ngoài xã hội, từ cái riêng đến cái chung.
Về vấn đề đạo hiếu và thực hành đạo hiếu của người Công giáo xã Thụy Vân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ:
Do có cùng niềm tin thiêng liêng với người Công giáo trên toàn thế giới và tại Việt Nam nên quan điểm về đạo hiếu và thực hành đạo hiếu trong đời sống là giống nhau. Đó là thực hành đạo hiếu dựa trên Đức Tin Công giáo, Luật Chúa và sự hướng dẫn từ Giáo hội với hai bổn phận cơ bản sau: Hiếu với Thiên Chúa là Cha qua việc tôn kính, thờ phượng Thiên Chúa cách tuyệt đối và thảo kính cha mẹ, tưởng nhớ tổ tiên khi còn sống cũng như khi qua đời. Những việc làm thể hiện đạo hiếu của người Công giáo xã Thụy Vân được thực hiện gắn liền với đặc tính Công giáo, kết hợp với những nét phù hợp của văn hóa dân tộc Việt Nam.
1.1.2.6. Điểm giống và khác nhau giữa các quan điểm về hiếu đạo trong Nho, Phật, Đạo giáo với Công giáo.
Điểm giống nhau: Các quan điểm trên đều thống nhất với nhau khihiếu đạo là một trong những truyền thống tốt đẹp của gia đình, quốc gia, dân tộc và xã hội. Được hình thành và nhìn nhận từ trong gia đình nhằm hướng dẫn con người ta biết cần phải báo đáp công ơn của tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Do vậy:
Hiếu đạo như một nét son trong muôn nét đẹp từ những truyền thống gia đình, dân tộc. Qua đó, hiếu cần không ngừng được phát huy và thực hiện trong cuộc sống thường ngày.
Hiếu là một trong những nền tảng căn bản nhất, là cái gốc dễ của mỗi con người. Đây chính là cái làm nên nền tảng đạo đức của mỗi cá nhân.