Trong tang ma

Một phần của tài liệu Đạo hiếu trong đời sống văn hóa của người công giáo ở xã thụy vân, thành phố việt trì, tỉnh phú thọ (Trang 44 - 47)

1.1.1 .Khái quát về Công giáo

2.2. Những biểu hiệntrong thực hành đạo hiếu của người Công giáo ở xã

2.2.1. Trong tang ma

Thực hành đạo hiếu trong tang ma của người Công giáo xã Thụy Vân được thể hiện rất rõ nét. Cụ thể:

Một là,sự tụ họp đầy đủ của con cháu bên linh hữu người quá cố. Với người Công giáo xã Thụy Vân, khi gia đình có người qua đời, con cháu trong đại gia đình huyết tộc hai bên nội ngoại, xa gần cũng như những người có mối liên hệ với người quá cố đều quây quần và tụ họp đầy đủ bên lĩnh hữu người quá cố. Việc có mặt đầy đủ thể hiện cho mối quan hệ giữa người quá cố với các thành viên cá nhân trong đại gia đình. Đặc biệt, sự có mặt đầy đủ của các thành viên thể hiện cho sự tiếc nuối, xót thương, tình cảm của con cháu đối với người quá cố. Vì cách này cách khác không thể hoặc chưa hoàn thiện việc báo đáp công ơn đối với người quá cố khi còn sống, nên sự có mặt của họ khi người quá cố qua đời là cách thể hiện tấm lòng tri ân, tình báo hiếu cuối cùng. Mặt khác, sự có mặt đầy đủ của con cháu trong đại gia đình nhân ngày người quá cố qua đời còn giúp cho việc tổ chức tang lễ được thêm chu đáo và đầy đủ hơn. Qua sự có mặt đầy đủ và cùng nhau lo tổ chức tang lễ chu đáo cho người quá cố, những người con cháu trong đại gia đình huyết tộc một phần nào đó thể hiện và muốn

nói lên tình cảm yêu mến, niềm xót thương vô hạn, lòng biết ơn sâu sắc và hiếu kính với người quá cố.

Hai là, con cháu lo tang ma chu đáo cho người quá cố. Với người Công giáo xã Thụy Vân, việc lo tang ma chu đáo cho người quá cố sau khi mất thể hiện tinh thần trách nhiệm và bổn phận đạo hiếu của người làm con với những người quá cố. Việc tổ chức tang ma cho người quá cố được con cháu chuẩn bị và thực hiện đầy đủ cả về phương diện văn hóa dân tộc Việt Nam cùng những nghi thức quy định trong đạo Công giáo. Cụ thể là: Về phong tục tang ma cổ truyền dân tộc Việt Nam, người Công giáo xã Thụy Vân vẫn thực hiện đầy đủ các bước, trình tự trong tang ma cho người quá cố. Từ khâu khâm liệm nhập quan, thành phục, tang phục, di quan, hạ huyệt, viếng đắp mộ…v.v. Tuy nhiên, do theo đạo Công giáo và những quy định cho người quá cố trong tang ma nên một số tín ngưỡng không cần thiết trong tang ma của dân tộc được người Công giáo xã Thụy Vân lược bỏ, thay vào đó là những nghi lễ Công giáo. Trong giờ phút trước khi người quá cố qua đời (đang hấp hối), gia đình thực hiện những công việc như mời Cha xứ đến sức dầu thánh (ban bí tích) để xin ơn chết lành, con cháu trong gia đình quây quần đọc kinh cầu nguyện, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, chuẩn bị y phục, thông báo với dân làng…v.v. Khi người quá cố qua đời, con cháu trong gia đình huyết tộc cử đại diện lên trình Cha xứ xin thánh lễ an táng cầu cho linh hồn người quá cố, trình báo với vị đại diện Ban hành giáo xứ để Ban hành giáo xứ báo với dân làng, thông báo với chính quyền thôn và xã, bà con lối xóm đến đọc kinh cầu nguyện, gia đình cử người đi đào huyệt, lo chôn cất và xây dựng mộ…v.v. Như vậy, từ những việc làm đầy đủ và chu đáo trong tang ma, người Công giáo xã Thụy Vân càng chứng minh thực hành hiếu đạo trong đời sống văn hóa của mình rõ ràng và cụ thể.

Ba là, con cháu xin Thánh lễ và đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn người quá cố. Trong đời sống đạo của người Công giáo xã Thụy Vân, một trong những việc làm đầu tiên và quan trọng hàng đầu vừa có ý nghĩa với gia đình huyết tộc và người quá cố trong ngày người quá cố qua đời đó là xin Thánh lễ an táng. Với gia đình, đó là công việc cần thực hiện đầu tiên để hoàn thiện thực hiện nghi thức tang ma theo nghi lễ đạo hiếu Công giáo; với người quá cố, đó là ân huệmà họ được tham dự ở đời này nhờ con cháu trong gia đình. Sở dĩ Thánh lễ là một nghi thức báo hiếu trong đời sống đạo của người Công giáo xã Thụy Vân vì:Một là, với niềm tin tôn giáo vào Thiên Chúa, thánh lễ chính là đỉnh của của công

việc báo hiếu cho Thiên Chúa. Đây chính là công việc thường ngày mà mỗi tín hữu phải thực hiện để thờ phụng Thiên Chúa. Hai là, Thánh lễ là lời cầu nguyện hữu hiệu nhất mà mỗi tín hữu Công giáo xã Thụy Vân cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Ba là, Phụng vụ Kitô giáo luôn nhớ đến những người đã qua đời trong mỗi Thánh lễ, từng lời kinh, nguyện ngắm. Thánh lễ nào cũng có ý chỉ cầu nguyện cho các linh hồn (ý chung và ý riêng) với lời nguyện: “Lạy Chúa, xin nhớ đến ông bà, cha mẹ, anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại và mọi người đã qua đời trong tình thương của Chúa. Xin cho các linh hồn ấy được vào hưởng ánh sáng tôn nhan Chúa”.Từ việc tham dự Thánh lễ như là một nghĩa vụ cần phải thực hiện của mỗi Kitô hữu Công giáo, hướng đến nhắc nhở mọi người không ngừng báo hiếu cho Thiên Chúa và cầu nguyện cho tất cả mọi người…v.v. Thông qua Thánh lễ, người quá cố được Thiên Chúa thứ tha hết những lỗi lầm đã phạm đến Chúa và mọi người khi còn sống ở đời.

Ngoài việc xin thánh lễ cho người quá cố, gia đình còn tổ chức đọc kinh sau khi người quá cố qua đời. Theo đó, việc tổ chức đọc kinh được gia đình thực hiện cách trọng thể với sự tham gia đầy đủ từ trong gia đình đến bà con lối xóm xa gần. Qua việc đọc kinh cầu nguyện, linh hồn người quá cố nhanh chóng được Thiên Chúa thứ tha lỗi lầm để được hưởng hạnh phúc thiên đàng. Thời gian đọc kinh cầu nguyện cho người quá cố được thực hiện ngay trong ngày đầu tiên khi người quá cố qua đời và được thực hiện trong vòng 3 ngày. Đối với gia đình huyết tộc, sau khi đọc kinh hết 3 ngày cùng dân làng cho người quá cố, gia đình tiếp tục tổ chức đọc kinh cầu nguyện đến khi đủ 30 hoặc 49 ngày.

Bốn là, con cháu lập gian thờ để tôn kính và tưởng nhớ người quá cố tại nơi trang trọng trong gia đình. Với người Công giáo xã Thụy Vân, lập gian thờ nhằm tôn kính, tưởng nhớ sau khi người quá cố qua đời là việc làm thể hiện cho tinh thần thực hành báo hiếu. Trong các gia đình Công giáo xã Thụy Vân gồm có bàn thờ thiên Chúa và gian thờ tưởng nhớ và tôn kính tổ tiên. Theo đó, bàn thờ Thiên Chúa luôn ở vị trí trang trọng nhất của gia đình – vị trí chính giữa, gian thờ tưởng nhớ tổ tiên thường đạt dưới bàn thờ Thiên Chúa hoặc bên trái hay bên phải. Tuy nhiên về độ cao, gian thờ tưởng nhớ tổ tiên không bao giờ cao hơn bàn thờ Thiên Chúa. Sở dĩ như vậy vì xuất phát từ niềm tin thiêng liêng Công giáo khi kết hợp bàn thờ Thiên Chúa và gian thờ tưởng nhớtổ tiên trong tinh thần hiệp thông báo hiếu Thiên Chúa và tổ tiên, đồng thời xuất phát từ đặc tính Công giáo trong thực hành hiếu đạo.

Như vậy, qua những điểm cơ bản trên về thực hành hiếu đạo trong tang ma của người Công giáo tại xã Thụy Vân, chúng ta từng bước thấy được thực hành đạo hiếu trong đời sống của họ được thể hiện rất rõ và cụ thể. Từ điểm cơ bản trên, giúp chúng ta nhận thấy rõ và hiểu được thực hành hiếu đạo trong tang ma người Công giáo nói chung và tại xã Thụy Vân có khác với người lương dân và tôn giáo bạn. Đó là mang đậm niềm tin thiêng liêng và đặc tính Công giáo. Cũng từ đây, thực hành hiếu đạo trong tang ma gắn liền với những nghi lễ hiếu đạo Công giáo của người Công giáo xã Thụy Vân không đánh mất đi phong tục tang ma truyền thống, qua đó vẫn thể hiện hiếu đạo theo truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam. Đây chính là sự kết hợp khéo léo và hài hòa giữa văn hóa dân tộc và nét đẹp đạo hiếu Công giáo tại Việt Nam.

Một phần của tài liệu Đạo hiếu trong đời sống văn hóa của người công giáo ở xã thụy vân, thành phố việt trì, tỉnh phú thọ (Trang 44 - 47)