4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
2.4 Nhân tố làm nên thành tích khoa bảng của nhân dân xã Xuân Lũng
2.4.3 Vai trò của gia đình, dòng họ
Để đạt được những thành tích cao trong học tập, thi cử thì gia đình, dòng họ là yếu tố hết sức quan trọng. Quê hương làng Dòng là vùng quê tiêu biểu về tinh thần ham học và khuyến học. Trong xã cũng đã có những chính sách khuyến học được ghi trong hương ước của xã của làng như chế độ cho thầy giáo, ghi tên những người đỗ lên các bia đá, văn chỉ, lập đền thờ để tôn vinh các vị khoa bảng có nhiều đóng góp cho quê hương. Trong gia phả của nhiều dòng họ cũng như trong hương ước của làng, xã đều khuyến khích con cháu học tập thành tài.
Ở Xuân Lũng xưa việc giáo dục con em không chỉ qua trường lớp, sách vở mà giáo dục còn thông qua quan niệm của nhân dân. Việc học và vai trò của người thầy luôn được đề cao. Tinh thần hiếu học biểu hiện ngay từ trong quan niệm của nhân dân “tôn sư trọng đạo”, “nhân bất học bất chi lý”…vì thế mà nhân dân đã mời thầy về dạy, mở trường tư dạy học cho con em mình. Nơi đâu có nhiều người giỏi về việc học hay bất cứ nghề gì khác đều được nhân dân cho rằng ở đó có “ô” có “lò”. Câu châm ngôn “Muốn con hay chữ phải yêu mến thầy” đã đi vào tâm lý, truyền thống của nhiều gia đình, làng, xã trong cả huyện. Trong các điều từ 100 đến 103 của Hương ước xã Xuân Lũng có nhắc đến “Dạy trẻ con có học thức phỏ thông là nghĩa vụ của phụ huynh. Khi nào có nhiều tiền công thì làng mở một trường Âu học. Thường năm làng trích tiền công để chi tiêu vào việc trường và cấp lương cho thầy giáo. Trẻ con cứ đến tám tuổi phải đi học. Làng trích tiền công mua giấy bút cấp cho những con nhà nghèo”.[29, 461] Sự thành đạt của một con người phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Gia đình, nhà trường, xã hội… Nhà trường và xã hội, đôi khi còn là thời thế, nhưng gia đình
(dòng họ) là yếu tố hết sức quan trọng. Tiên nho xưa dạy: Con người muốn vươn tới đại nghĩa, đại trí, trước hết phải “tu thân”, “tề gia” rồi mới đến “trị quốc” và “bình thiên hạ”. Ở Xuân Lũng, những gia đình dòng họ có chí hướng lập thân cho con cháu bằng đường khoa cử, coi bậc thang cao nhất của mọi giá trị trong một nhà là trí thức. Nhân di tử, kim mãn doanh; Ngã giáo tử, duy nhất kinh – Người ta để cho con vàng đầy rương, ta chỉ dạy con một quyển sách.
Trong mỗi làng xã thì có nhiều dòng họ, học tập thành tài và thi cử đỗ đạt đã trở thành một phong trào thi đua của các gia đình, dòng họ với nhau. Nhân dân ta xưa nay luôn coi trọng người tài, vì vậy dòng họ nào có nhiều người tài thì luôn được nhân dân kính nể, có uy tín và có tiếng nói trong các công việc chung. Với quan niệm trọng đãi danh vọng “Một miếng giữa làng bằng một sang xó bếp”. Việc tổ chức, thi đấu, biểu diễn…ở các ngày lễ hội; việc miễn đi phu, đi lính cho những người có chức sắc, thưởng ruộng cho những người đỗ đạt, việc đón rước những người đỗ đạt cao, nhất là Trạng nguyên, Tiến sĩ…khi vinh quy bái tổ về làng…Đây là sự biểu dương những người có học thức, khuyến khích và giáo dục về tư tưởng, đọa đức cho các thế hệ sau noi theo từ đó thúc đẩy phong trào học tập trong nhân dân. Dân gian xưa nay vẫn có câu “Thua trời một vạn không bằng kém bạn một ly”. Học và đỗ không còn là việc riêng của mỗi cá nhân nữa mà còn mang lại tiếng thơm, trở thành niềm tự hào của cả dòng họ, quyết định vị thế của dòng họ đó trong làng. Quả thật, đó là một yếu tố góp phần không nhỏ thúc đẩy phong trào học tập sôi nổi và hiếu học trở thành một truyền thống tốt đẹp được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.